Quảng Nam: Tổ chức hội thảo về di tích Triền Tranh

Vào khoảng trung tuần tháng 6, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức hội thảo khoa học nhằm làm rõ vị trí, tầm quan trọng của di tích Triền Tranh. Từ ý kiến hội thảo, Bộ VHTTDL sẽ có kết luận chính thức về phương án bảo tồn khu di tích này.

Khu di tích Triền Tranh được phát hiện trong quá trình đào đất làm móng xây dựng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa phận Chiêm Sơn - Triền Tranh huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.

Theo các nhà khảo cổ học nhận định di tích Triền Tranh có niên đại khoảng từ thế kỷ IX đến thế kỷ XII và có liên quan mật thiết với nhóm di tích Chămpa tại Duy Xuyên. Cụm quần thể di tích Chăm, trong đó, từ Thánh địa Mỹ Sơn đến Khu di tích Chiêm Sơn Tây, Kinh đô Simhapura (Trà Kiệu) tạo nên một nền văn minh Chămpa cổ. Tại Khu di tích Chiêm Sơn Tây, Triền Tranh có vị trí trung tâm. Đây có thể là dấu tích một khu tập giảng kinh sách được sử dụng lâu dài.

Quá trình phát lộ và khai quật phế tích Triền Tranh được các chuyên gia khảo cổ đánh giá là rất khả quan bởi một hệ thống nền móng của một quần thể di tích Chăm đã lộ rõ, trong đó có một vệt móng dài khoảng 70 m được cho là bờ tường bao quanh quần thể này. Đặc biệt, trong quá trình khai quật khu phế tích các nhà khảo cổ phát hiện rất nhiều ngói Chăm. Đây được cho là dấu hiệu lạ đối với các công trình kiến trúc Chăm. Bởi từ trước đến nay, theo ghi nhận các công trình kiến trúc liên quan đến tâm linh, thờ tự của người Chăm đều được làm bằng gạch, chưa bao giờ thấy ngói.

Theo Cinet.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/quang-nam-to-chuc-hoi-thao-ve-di-tich-trien-tranh-a1920.html