Năm 1658, cháu nội của Preah Outey là Pon Héa So và cháu nội của công nữ Ngọc Vạn là Ang Tan gác mối thù xưa bắt tay nhau dấy binh chống lại Nặc Ông Chân nhưng thất bại. Họ đã lên núi Chứa Chan tìm Ngọc Vạn xin ý kiến. Ngọc Vạn đã khuyên cháu nội tìm đến chúa Hiền xin viện trợ.
Lữ cuốc công nương
Theo tác phẩm Gia Định Thành Thông chí của Trịnh Hoài Đức thì lúc này chúa nước Việt là Nguyễn Phúc Tần (tức chúa Hiền, kêu Ngọc Vạn bằng dì ruột) nhận được lời cầu cứu đã cử quan Khâm Mạng Trấn Biên dinh Phú Yên là Tôn Thất Yến đem 3000 quân qua Chân Lạp giúp Ang Tan. Chỉ 1 trận xuất quân, Tôn Thất Yến đã bắt được Nặc Ông Chân.
Hàng chục lần vua Xiêm La xâm chiếm để sát nhập Cao Miên vào lãnh thổ Xiêm La là hàng chục lần nhà Nguyễn dấy binh cứu giúp.
Mối tình giao hảo giữa hai nước Việt - Campuchia suốt hàng chục thế kỷ không chỉ là lân bang mà còn là tình gia tộc. Chính công nữ Ngọc Hân là người đã tạo ra mối giao hảo mật thiết đó. Bà xứng đáng được 2 dân tộc Việt - Cam tạc bia ghi nhớ công lao.
Trong thời gian ngồi ngôi chính hậu ở kinh thành Udong, chính bà đã dạy người Chân Lạp dệt vải, trồng lúa nước. Trước đó, người Kh'mer cổ chỉ quen trồng lúa rẫy, bà đã dạy cho người Kh'mer kỹ thuật canh tác lúa nước của người Việt. Từ lý do đó, bà trở thành 1 trong vị ngũ chúa trong tục thờ thần của người Kh'mer (giống như tục thờ Ngũ vị Nương Nương của người Hoa). Hiện nay, một số người Kh'mer vẫn xem bà là tổ nghề dệt vải.
Năm 1946 (trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp), Ban Chỉ huy Quân sự 10 (tiền thân của Huyện đội Xuân Lộc) chọn núi Chứa Chan làm nơi xây dựng một căn cứ mật có tên gọi là Hầm Hinh. Căn cứ Hầm Hinh đã từng là nơi ẩn náu của các đồng chí Thiếu tướng Tiến sỹ Bùi Cát Vũ (được mệnh danh là "ông trùm đại bác Đông Dương, nguyên Chỉ huy trưởng pháo binh kiêm Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 7); Nguyễn Văn Tạo - Nguyên chủ tịch quận bộ Việt Minh Xuân Lộc; Huỳnh Công Tâm (Tư Ước) - Nguyên chỉ huy trưởng quận quân sự 10. Tháng 5-1957, trên đường đi thị sát chiến trường Nam bộ, ông Lê Duẩn (thời điểm đó là Bí thư xứ ủy Nam bộ) cũng từng dừng chân tại nơi này một thời gian.
Vì lẽ đó, ngày 17-6-2009, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định xếp hạng núi Chứa Chan là di tích lịch sử - danh thắng. Ngày 29-3-2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng núi Chứa Chan là di tích lịch sử, danh thắng cấp quốc gia.
Riêng di tích "bà công chúa", các cơ quan chức năng chỉ xem đó là một huyền thoại truyền kỳ, không dựng bia tưởng niệm.
Bát nháp mua bán thần linh
Ngày xưa, người ta lên núi Chứa Chán để ngưỡng vọng Phật và tưởng nhớ vị công nương có công với đất nước. Dần dà, ngọn núi thiêng này bị những kẻ "buôn thần bán thánh" đồn thổi thành mê tín dị đoan.
Chuyện kể rằng, ngày xưa có một cô gái tên Mai đi cùng gia đình lên núi viếng "bà công chúa". Khi đi đến một đoạn dốc, cô gái không chịu đi nữa. Khi người thân hỏi lý do, cô gái cho biết không cần leo núi nữa, chỉ cần ngồi tại đây "bà công chúa" sẽ xuống đón . Nghĩ cô gái leo núi thấm mệt, cần nghỉ ngơi nên mọi người bỏ cô gái lại. Đến chiều, nhóm người trở lại thì thấy cô gái ngồi dựa lưng vào tảng đá ngủ nhưng miệng cười mỉm. Họ lay dậy mới hay cô đã chết từ lúc nào. Người thân đem thi hài cô gái về nhà an táng. Đêm tang lễ đầu tiên, mẹ cô gái nằm mộng thấy cô hiện hồn về bảo: "Mẹ đừng buồn. Con được bà Công chúa đón về cõi trên hầu hạ. Mẹ cần cầu xin gì cứ đến nơi con thoát xác, con sẽ cho". Xong tang lễ, người thân cô gái trở lại nơi cô chết cúng bái. Bà mẹ vốn bị bệnh ung thư lâu năm chỉ cầu xin tìm được thầy lang hay chữa trị. Cúng bái xong, bà mẹ cảm thấy trong người có nguồn nội lực lạ, rất khỏe khoắn. Ngày hôm sau bà đi khám bệnh mới biết chứng bệnh ung thư đã không còn nữa. Một số người có mặt trong buổi lễ cúng khi trở về đều trúng số độc đắc.
Lời đồn đãi về khả năng linh ứng trị bệnh và cho số trúng của Cô Mai đã khiến núi Gia Lào có thêm sức hút mới. Hầu như tất cả những khách hành hương đi viếng "bà công chúa" đều ghé vào miếu Cô Mai, cúng áo mão, búp bê và gạo để cầu chữa bệnh, xin tài lộc. Nhiều người bị tai biến não nằm liệt 1 chỗ cũng nhờ người thân cõng đến tận miếu cúng bái cầu xin. Hàng đêm, dân mê đề đóm thập thò họp mặt quanh miếu Cô Mai bái lễ bàn tán con số.
Miếu Cô Mai nằm lọt thỏm trong một quán cà phê cách chân núi khoảng 100 bậc thang. Ngôi miếu cất bằng tol trên nền xi măng. Trong miếu, có một tấm linh vị ghi "miếu Cô Mai. Sinh năm 1986, quê quán Bến Cát, Bình Dương. Từ trần ngày 18-03-2010, ngằm ngày mùng 3-02-Canh Dần. Hưởng dương 25 tuổi". Bên cạnh tấm linh vị còn có một hình tượng một cô gái mặc áo dài khăn đóng vàng, một bộ trang điểm móng tay, 8 tượng ngựa chầu, vài con búp bê và bộ bát hương. Cách bày trí trong miếu lộn xộn, không theo một trường phái tâm linh nào.
Tấm linh vị cho thấy chuyện Cô Mai "thoát xác" không phải chuyện từ "thời xưa" như lời đồn.
Một cư dân xóm "liều" trên núi khẳng định: "Năm 2010, cô Mai đi du lịch hành hương cùng đoàn ở Bình Dương. Khi leo hàng trăm bậc thang đến đây, cô bị đuối sức không đi nỗi nữa nên ngồi tựa lưng vào tảng đá nghỉ. Do quá mệt, cô bị nhồi máu cơ tim nên đột tử. Nghe tin dữ, gia đình từ Bình Dương lên đây nhận thi thể cô về an táng. Chuyện chỉ có vậy nhưng người ta cố tình đồn thổi, thêu dệt thành chuyện huyền bí để bán heo quay, áo mão vàng bạc. Tôi ở đây bao nhiêu năm rồi, chưa thấy ai được cô báo mộng cho trúng số hoặc được linh hồn cô Mai trị dứt bệnh cả. Rất là nhảm nhí".
Khách hành hương thường bị đám cò miếu dọa dẫm rằng, ai đi núi mà không ghé cúng cho miếu Cô Mai khi về sẽ bị vật méo mồm, tai biến não hoặc bị tai nạn giao thông chết thảm.
Rất nhiều lễ vật và heo quay bán ở đây đều được đám cò bán đi bán lại hàng chục lần 1 ngày.
Cây đa 3 gốc 1 ngọn và suối tôm thần
Trên núi còn có cây đa 3 gốc 1 ngọn cao sừng sững giữa triền núi. Cây đa có 3 gốc. Mỗi gốc có đường kính hơn 1 mét và mọc ở 1 điểm cách nhau khoảng 1,5 m. Tuy 3 gốc mọc ở 3 điểm tạo thành hình tam giác cân nhưng ở phần ngọn chúng nhập lại ở độ cao khoảng 15 mét thành 1 ngọn có chung tán lọng. Nhiều người tỏ vẻ thành kính quỳ dưới gốc cây dùng lược chải đầu. Một người phụ nữ trạc 50 tuổi lim dim mắt khuyên chúng tôi: "Dùng lược chải hết tật bệnh rồi để lại cho thần cây xử lý".
Một cò miếu - trạc 40 tuổi, "quảng cáo": "Cây này linh thiêng nhất ngọn núi. Hồi năm 1980, dân tiều phu lên đây đốn củi đều phải ghé gốc cây đốt nhang xin cho phép vào rừng. Có ông nọ tên Tư Út ở địa phương khác vào vùng này gia nhập vào giới tiều phu đốn gỗ. Một hôm, thấy mọi người xì xụp lạy gốc cây, Tư Út không tin nên ngứa mắt xách búa bổ vào gốc cây. Nhát búa cắm sâu vào thân cây không tài nào rút ra được. Từ mép vết thương trên thân cây, máu đỏ chảy ra thành dòng. Mọi người xúm nhau đốt nhang cầu xin mới rút lưỡi búa ra được. Tối đó, Tư Út tự dưng hộc máu chết tươi. Chưa hết đâu. Ai có ý định leo lên cây cột dây treo cổ tự tử thì quên đi. Nhiều cô gái hận tình leo lên cây tự treo cổ, thần cây đều bứt đứt dây, rớt xuống đất hết. Có cô còn bị thần cây phạt té gãy chân. Không chết được mà còn què quặt nữa. Khổ không?".
Một số cò còn giới thiệu phía trên chùa Bửu Quang có một dòng suối "tôm thần". Ai bắt được tôm thần kể như bắt được tài lộc. Họ thường "dụ dỗ" khách hành hương rằng, ông Y bà X giám đốc công ty nào đó nhờ hứng được tôm thần mà trúng thầu hợp đồng lãi bạc tỷ. Muốn bắt được tôm thần phải cúng kiếng lễ vật.
Một tu sỹ trong chùa Bửu Long cho biết: "Suối Chứa Chan có một loại tép đá mà người ta cứ gọi là tôm thần. Tép đá nhỏ bằng đầu chiếc đũa ăn, có cặp càng to bằng thân. Đó là loại tép đá bình thường những ngọn suối có đá đều có loại tôm này, không có gì là thần bí cả. Cây 3 gốc 1 ngọn cũng là 1 cây cổ thụ bình thường. Hàng trăm năm trước, 3 cây mọc riêng lẽ. Khi lớn lên, do gió thổi 3 ngọn cây cọ vào nhau xước da. Những chổ xước liền da dần và kết nối chúng lại với nhau. Chuyện thần bí là do những người cò mồi bán đồ cúng và những người bán vé du lịch tâm linh tạo nên. Tôi nghĩ, mọi người không nên tin vào những điều đó. Ngày xưa, người ta đi viếng chùa để tưởng nhớ Phật thầy, dần dà, đám cò biến địa chỉ hành hương này thành địa điểm mê tín dị đoan. Chính quyền địa phương nhiều lần triệt phá nhưng do nhiều người hành hương mê tín dị đoan đã tạo điều kiện cho đám cò sinh sôi nảy nở trở lại"./.
Hồ Xuân Dung
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/giai-thoai-ly-ky-ve-ba-cong-chua-tren-nui-gia-lao-ky-cuoi-a19164.html