Cho tới thời điểm này, Việt Nam đã sở hữu 17 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Hiện còn hơn 10 hồ sơ đang xếp hàng chờ đến lượt được công nhận. Được biết, trong kỳ họp lần này, Việt Nam gửi đến UNESCO hồ sơ đề nghị của Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang (Lâm Đồng) thành khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Như vậy, cùng với nhiều loại hình di sản được công nhận là: Di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, di sản hỗn hợp, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu, nếu Langbiang được công nhận, Việt Nam sẽ có thêm danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới của UNESCO. Bên cạnh đó, không chỉ công nhận lần 1, UNESCO còn xét tiếp lần 2 với việc mở rộng tính chất, quy mô công nhận với Khu di sản Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình). Mặc dù đã được UNESCO công nhận là khu địa chất địa mạo tiêu biểu của thế giới năm 2003, nhưng năm 2015 UBND tỉnh Quảng Bình tiếp tục chờ UNESCO công nhận lần 2 với việc cộng thêm tiêu chí đa dạng sinh học.
Phiên họp thứ 39 của Hội đồng điều phối UNESCO sẽ diễn ra tại Đức từ 28-6 đến 8-7. Ngoài Langbiang, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được đề nghị xem xét trong năm 2015, hiện nay Việt Nam còn hồ sơ tín ngưỡng thờ mẫu, nghệ thuật bài chòi, hồ sơ di sản kéo co đa quốc gia… trong danh sách đề cử. Tuy nhiên, việc phong danh di sản Việt Nam được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là khá ồ ạt trong nhiều năm qua, trong khi thực tế ta không đầu tư cho bảo tồn, gìn giữ di sản kể cả trước và sau vinh danh.
Lý giải hiện trạng này, theo TS Dương Bích Hạnh, Trưởng ban Văn hóa - Văn phòng UNESCO tại Hà Nội: Phía UNESCO luôn khuyến khích các nước có di sản cùng với việc bảo tồn phải đi song hành với đề cử. Hiện nay, UNESCO vừa đưa ra chính sách hạn chế việc xét duyệt hồ sơ di sản, ưu tiên các nước chưa có nhiều di sản được công nhận, ví dụ như ở châu Phi. Do đó, với Việt Nam mỗi năm đề cử 1 di sản, đặc biệt là trong lĩnh vực phi vật thể, thì kể cả đã đề cử vẫn cứ bị chậm lại khi bị xét duyệt. Hi vọng những chính sách mới sẽ giúp cho việc điều chỉnh, cân đối giữa việc đề cử và đầu tư vào bảo tồn sau này. Bên cạnh đó UNESCO vẫn khuyến nghị các quốc gia thành viên nên làm là đưa ra danh sách đề cử dự kiến.
TS Hạnh cũng cho biết: Quan điểm của UNESCO là khi di sản được phong di sản thế giới thì trách nhiệm bảo tồn là của các quốc gia thành viên. Văn phòng của UNESCO ở các nước hay các khu vực chỉ có thể hỗ trợ được vấn đề bảo tồn khi mà có dự án của các nhà tài trợ thứ 3 cung cấp kinh phí. Ví dụ ở Việt Nam trong 3 năm (2008 – 2010) có kinh phí của chính phủ Na Uy đã hỗ trợ việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; hoặc Nhật Bản đã hỗ trợ bảo tồn nhã nhạc Cung đình Huế. Nhưng khi UNESCO không có được những khoản kinh phí ngoài đóng góp thường xuyên của các Chính phủ, thì UNESCO cũng không có điều kiện để hỗ trợ những dự án bảo tồn di sản cụ thể ở từng quốc gia. "Đặc biệt, với di sản phi vật thể, về bảo tồn, UNESCO luôn coi Việt Nam là một nước có trình độ và chuyên môn tốt hơn so với rất nhiều nước khác. Do vậy, Việt Nam cũng không phải nước được chọn, ưu tiên trong chiến lược nâng cao năng lực về bảo tồn di sản phi vật thể”, TS Hạnh nhấn mạnh.
Về dự án cáp treo hang Sơn Đoòng, khi đặt câu hỏi liệu UNESCO có ủng hộ dự án này hay không? TS Hạnh cho hay: Hiện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội chưa nhận được thông tin cụ thể gì về việc dự án cáp treo có được thực hiện hay không, tỉnh Quảng Bình chưa có quyết định chính thức. Do đó đưa ý kiến ủng hộ hay không rất khó. Chính vì thế mà ngay cả trong đánh giá trong hồ sơ cho Phong Nha – Kẻ Bàng lần này câu chuyện cáp treo không được đưa vào danh mục hồ sơ.
Theo Đại đoàn kết
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/gin-giu-di-san-truoc-va-sau-phong-danh-hieu-unesco-nhu-the-nao-a1911.html