Năm 1872, Ngô Lợi tổ chức di dân ở những vùng Pháp chiếm kéo về xã An Lộc, tổng An Lương, An Giang (nay là xã Vĩnh Tường, huyện An Phú, An Giang lập làng kháng chiến với danh nghĩa “làng tín đồ” (Nằm trong phạm vi những thẻ bài đã được cắm.
Xây dựng hoàn tất làng kháng chiến, Ngô Lợi tổ chức lễ đại trai đàn cầu siêu cho những vong linh “vị quốc vong thân” nhằm khơi gợi lòng yêu nước của tín đồ. Cùng thời điểm này, Trần Văn Thành còn chiêu mộ được một võ quan triều Nguyễn, tên thường gọi là Cử Đa. Có truyền thuyết cho rằng, Cử Đa là người của Vua Hàm Nghi phái vào Đàng Trong giúp nghĩa quân. Cử Đa nhận nhiệm vụ huấn luyện võ nghệ cho nghĩa quân. Và võ phái Thất sơn Thần Quyền ra đời từ đây.
Tháng 3 -1873, thực dân Pháp tổ chức một trận càn đại qui mô tấn công căn cứ Bãi Thưa. Sau 5 ngày đêm chiến đấu kiên cường, căn cứ bị vỡ, lãnh tụ Trần Văn Thành hy sinh. Tờ báo Le Courrier de Saigon phát hành ngày 5 tháng 4 năm 1873 tường thuật trận chiến và ca ngợi nghĩa quân của Trần Văn Thành chiến đấu kiên cường, xem cái chết nhẹ tênh.
Cuộc kháng chiến của Trần Văn Thành thất bại nhưng những nghĩa binh còn sống vẫn tiếp tục nuôi dưỡng lòng yêu nước, chờ cơ hội đánh Pháp.
Bổn sư Ngô Lợi tiếp tục tái thiết vùng núi Tượng xây căn cứ tôn giáo kháng chiến. Tháng 5- 1878, Bổn sư Ngô Lợi tổ chức cho 2 đệ tử thực hiện một cuộc khởi nghĩa ở Cai Lậy, Mỹ Tho ở nhưng nhanh chóng bị dẹp tan. Ngô Lợi cùng nhiều nghĩa quân trốn thoát về căn cứ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tiếp tục ẩn dưới danh nghĩa tôn giáo nuôi mộng kháng chiến lâu dài. Suốt 12 năm lập đạo kháng chiến, tôn giáo này chịu tổng cộng 7 trận càn đại qui mô của phân Pháp. Trận càn thứ 6, Pháp bắt được đức Bổn sư Ngô Lợi.
Sau khi căn cứ Láng Linh - Bảy Thưa bị quân Pháp đánh tan, Quản cơ Trần Văn Thành tử nạn, ông Cử Đa ẩn mình vào rừng sâu tiếp tục chiêu mộ nghĩa binh kháng chiến. Có lúc bị Pháp truy nã gắt gao, ông phải đóng vai một nhà sư có pháp danh là Ngọc Thanh (và Chơn Không, Hư Không) lùi vào núi Tà Lơn (nay là núi Bokor, Campuchia) ẩn mình chờ thời cơ. Ông đã biến vùng núi Tà Lơn này thành căn cứ kháng chiến bí mật.
Ông là một nhân vật bí ẩn đối với lịch sử. Cho đến giờ, rất ít tài liệu nêu tường tận tiểu sử của ông.
Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Hầu thì Cử Đa tên thật Nguyễn Thành Đa hay Nguyễn Đa. Năm Thiệu Trị thứ năm (1845) ông đã thi đỗ võ cử nhân. Vì ông nói giọng miền Trung nên có người ông là Thầy Huế.
Quê ông ở làng Phù Cát (có tài liệu cho là ông sinh ra ở Phù Lạc), huyện Bình Khê, tỉnh Qui Nhơn (nay thuộc tỉnh Bình Định).
Khoảng năm 1862, sau khi triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước, khiến sáu tỉnh Nam Kỳ mất vào tay thực dân Pháp, ông lưu lại làng Bình Khê (Phù Cát, Bình Định) rồi tham gia quân đội chống Pháp ở Huế, ở Hà Nội.
Khi vua Hàm Nghi tuyên hịch Cần Vương, ông được cử vào vùng Nam kỳ Lục tỉnh giúp nghĩa quân Trần Văn Thành kháng Pháp. Trong các bài thơ (kinh) thuyết Pháp của Tứ Ân Hiếu Nghĩa có nhắc mập mờ về việc 3 quan quân triều Nguyễn từ Huế vào vùng kháng chiến Thất Sơn. Có lẽ, Cử Đa là 1 trong 3 vị này.
Cử Đa vào đến Thất Sơn đúng lúc Trần Văn Thành khởi nghiệp kháng chiến. Thuở ấy tình thế Nam Kỳ hết sức rối ren. Thủ Khoa Huân bị đày sang đảo Réunion (1864), Trương Định hy sinh ở Gò Công (1864).
Sau khi căn cứ Láng Linh - Bảy Thưa bị Pháp đánh tan, Cử Đa tập họp nghĩa quân đánh chiếm đồn Cây Mít (Châu Đốc) của quân Pháp để tạo tiếng vang cho phong trào kháng chiến. Chính vì vậy, ông bị lộ tông tích. Quân Pháp truy lùng ráo riết, ông đành rời Thất Sơn lui về núi Tà Lơn đóng vai nhà sư. Lúc này ông lấy tên là "Sư Bảy" mượn chuyện truyền đạo để quy tựu nghĩa quân. Ông âm thầm trở về núi Cấm xây điện Bồ Hong, điện Trung Tòa, động Cao Vân để qui nạp đệ tử. Từ núi Tà Lơn ông thường xuyên về núi Cấm để kiểm tra tình hình và dặn dò các nghĩa binh không được động binh nếu chưa được lệnh của ông.
Chính thời gian này, ông chế tác cặp đàn "kình ngư hóa long", "thần cù nghênh pháp" và cất ngôi miễu dưới chân núi Ngang - nơi cửa ngõ từ Cao Miên vào núi Cấm. Từ địa điểm đó, ông còn cho đệ tử xây nhiều ngôi miếu trên núi dọc theo đường đến núi Cấm để làm các trạm liên lạc thông tin. Có lẽ, ông dùng tiếng đàn để làm tín hiệu "cửu thinh bất động, tam thinh khởi biến". Có nghĩa là tiếng đàn 9 dây cất lên thì im lặng phục kích, khi tiếng đàn 3 dây cất lên thì chuẩn bị khởi binh.
Tuy nhiên, sau một chuyến trở lại Tà Lơn, ông viên tịch. Sau khi ông chết, Phan Xích Long - Một đại đệ tử của ông tiếp tục dùng huyền thuật để chiêu binh kháng chiến. Núi Tà Lơn trở thành hậu cứ của Phan Xích Long.
Phật sống Cử Đa chính là người khai mở thánh địa huyền tích Tà Lơn ở Campuchia. Ông cũng chính là người đặt tên các trạm dừng chân trên núi Tà Lơn: Trung Tòa, Kim Quan, Trạm Nhất, Lan Thiên, Hàm Long, Bàn Ngự, Cán Dù, Châu Thiên…
Từ trước đến nay, các nhà khoa học lịch sử chỉ chú trọng nghiên cứu các phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp qua các lực lượng vũ trang mà bỏ quên những phong trào kháng chiến tín ngưỡng như phong trào Bửu Sơn Kỳ Hương,Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Cần phải nhìn nhận rằng, tín ngưỡng Bửu Sơn Kỳ Hương và Từ Ân Hiếu Nghĩa đã tạo nên linh địa Thất Sơn để phong trào kháng chiến chống Pháp làm chỗ dựa tinh thần. Nếu chúng ta ca ngợi khí tiết của Quản cơ Trần Văn Thành mà không nhắc đến 5 "ông thẻ" đánh dấu địa giới kháng chiến và cặp đàn "cửu, tam huyền" là một thiếu sót lớn đối với lịch sử./.
Nông Huyền Sơn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nam-can-co-tu-va-cap-dan-ky-la-cua-phat-song-cu-da-ky-cuoi-a19085.html