Tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, tính đến chiều tối ngày 13/10, trên địa bàn tỉnh này có 6.696 phương tiện đã neo đậu an toàn tại bến. Có 1 phương tiện với 7 lao động đang hoạt động trên biển Bình Thuận đến Cà Mau (nằm ngoài vùng nguy hiểm).
Hiện toàn tỉnh Quảng Bình có 153 hồ, trong đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý 17 hồ chứa, dung tích các hồ chứa trung bình đạt 80,27%; 136 hồ chứa do địa phương quản lý cơ bản đã đầy nước, dung tích trung bình đạt 98% dung tích thiết kế.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tạm dừng tất cả các cuộc họp để tập trung ứng phó với mưa bão: Ở những khu vực có nguy cơ ngập sâu, chủ động kê cao, di dời tài sản, gia súc gia cầm đến nơi an toàn.
Trực tiếp đi kiểm tra tình hình ở những điểm xung yếu, ông Trần Thắng chỉ đạo: “Sơ tán, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, không an toàn ở khu vực ven biển, cửa sông, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét, chia cắt khu vực dân cư... Việc sơ tán, di dời phải hoàn thành trước khi bão vào.”
Do mưa lớn nên nguy cơ gây sạt lở đất ở Quảng Bình là rất lớn. Vì vậy, Quảng Bình chủ động đặt cảnh báo nguy hiểm tại 21 điểm nguy cơ sạt lở cao. Các địa phương trong tỉnh đã triển khai kế hoạch di dời, sơ tán khoảng 500 hộ dân (với gần 2.000 người) đến nơi an toàn trước khi bão số 8 đổ bộ vào. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình đã điều động 46 tàu, xuồng, xe kéo xuồng, xe chỉ huy; 16 máy icom cầm tay, hệ thống phao cứu sinh để chủ động trong nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công điện về việc sẵn sàng ứng phó với bão và mưa lũ; yêu cầu tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở NN&PTNT, UBND các huyện ven biển tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, hướng dẫn di chuyển thoát ra và không đi vào vùng nguy hiểm; gia cố, bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy hải sản. Không cho tàu thuyền ra khơi kể từ 16h ngày 13/10 cho đến khi bão tan.
Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị khẩn trương rà soát các địa điểm sơ tán, gia cố, chằng chống bảo đảm an toàn để tổ chức di dời người dân trước khi bão, lũ xảy ra, hoàn thành trước 22h ngày 13/10; kiên quyết sơ tán người trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản và trên tàu thuyền trước khi bão đổ bộ, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời; sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở.
Đối với khu vực miền núi, trung du, tiếp tục rà soát các địa điểm, khu vực có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nhất là các khu vực có taluy âm, taluy dương, chủ động sơ tán, di dời người dân, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, người lao động đến nơi an toàn; nắm chắc thông tin người đi rừng, thông báo yêu cầu người dân ra khỏi rừng trước 18h ngày 13/10 hoặc tìm nơi tránh trú an toàn đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Ở những khu vực có nguy cơ ngập sâu, chủ động kê cao, di dời tài sản, gia súc, gia cầm đến nơi an toàn, hạn chế rủi ro và thiệt hại do bão, mưa lũ; khuyến cáo người dân không di chuyển trên đường khi bão đổ bộ cho đến khi bão tan; tuyệt đối không để người dân đánh bắt hải sản, vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ.
Sở NN&PTNT, Sở Công Thương hướng dẫn, chỉ đạo vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn. Việc xả nước đón lũ ở các hồ chứa phải căn cứ vào tình hình mưa lũ từng lưu vực hồ chứa và mực nước lũ vùng hạ du để vận hành, tuyệt đối không để ngập lụt vùng hạ du do vận hành xả lũ.
Chủ động sơ tán, di dời cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, người lao động ở những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; sẵn sàng dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm, nước uống phục vụ nhân dân khi khả năng mưa lũ, ngập úng, chia cắt kéo dài, đặc biệt là những khu vực vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống.
19h hôm nay, 13/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, trên đất liền đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Thanh Hóa khoảng 420km, cách Nghệ An khoảng 430km, cách Hà Tĩnh khoảng 360km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, từ nay đến ngày 14/10, ở vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; một số nơi ở phía Bắc hoàn lưu bão có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 do kết hợp với không khí lạnh.
Ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) trong đêm nay còn có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4,0-6,0m; biển động rất mạnh. Ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 3,0-5,0m, biển động rất mạnh./.
Quảng Hà
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/quang-binh-san-sang-ung-pho-voi-bao-so-8-a19074.html