Xu hướng phát triển du lịch trong thời kỳ mới và quảng bá du lịch trên sóng truyền hình

Du lịch là một trong những trụ cột chính của thương mại quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới và là động lực tăng nguồn thu nhập đối với nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

5896-chuong-trinh-quang-ba-xuc-tien-du-lich-viet-nam-ta-1633604319.jpg

Tuy nhiên, phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay bị tác động rất lớn bởi quá trình hội nhập hóa, toàn cầu hóa, cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ. Bên cạnh đó, sự biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, mà điển hình gần đây nhất là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển du lịch toàn cầu và du lịch Việt Nam, đặc biệt là tác động trực tiếp đến hành vi, quyết định đi du lịch của du khách, đưa toàn ngành du lịch vào thế phải không ngừng thay đổi để thích nghi và đáp ứng được các nhu cầu về du lịch trong tình hình mới. Tác giả, với cách nhìn nhận về bối cảnh chung như vậy, thông qua thực tế đưa ra một số nhận định về xu hướng du lịch trong và ngoài nước hiện nay ở Việt Nam. Các nhận định xuất phát từ thực tiễn nhu cầu của khách du lịch, hoạt động cung cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch của các công ty, đơn vị làm du lịch, cùng với đó là các chính sách ưu tiên trước mắt của nhà nước nhằm phát triển du lịch ở Việt Nam phù hợp xu hướng chung của du lịch trên thế giới.

Như đã nêu ở trên, du lịch là ngành bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó như về nhu cầu đời sống của người dân, về tác động của môi trường, biến đổi khí hậu, về dịch bệnh… Nên để nhận định được xu hướng phát triển ngành du lịch cũng như nhu cầu du lịch của du khách thì vai trò của việc đánh giá được các yếu tố liên quan là rất quan trọng. Qua phân tích cũng như tham khảo tài liệu của các cá nhân, các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, tác giả nêu ra một số xu hướng du lịch trong thời gian tới .

Xu hướng du lịch điểm đến an toàn, thân thiện. Hiện nay với tình hình dịch bệnh trên Thế giới và Việt Nam đang diễn biến phức tạp, bên cạnh đó, sự bất ổn về tình hình chính trị, xã hội ở một số quốc gia đã và đang tác động trực tiếp đến quyết định chính của du khách trong việc đi du lịch của mình, và điểm đến du lịch an toàn và thân thiện sẽ là hành vi, sự lựa chọn hàng đầu của du khách khi dịch bệnh được kiểm soát và mọi hoạt động sinh hoạt trở lại trong trạng thái bình thường mới. Đối với các quốc gia quản lý về du lịch, các địa phương ở cơ sở, cũng như các đơn vị cung cấp các dịch vụ du lịch của điểm đến cần áp dụng nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ cho tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động dịch vụ của các khách sạn, nhà hàng, quán bar, phương tiện vận chuyển… Cần được chú trọng trước tiên.

Xu hướng du lịch được đảm bảo hơn về bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe. Covid-19 được dự báo sẽ chưa thể kết thúc sớm. Điều này đồng nghĩa với việc khách du lịch cần biết thông tin chi tiết về hệ thống chăm sóc sức khỏe của điểm đến và các gói bảo hiểm du lịch ngoài những thông tin về điểm đến, dịch vụ…Những thông tin như vậy sẽ giúp khách du lịch giảm bớt lo lắng và yên tâm để thực hiện những chuyến đi của mình.

 Xu hướng du lịch dịch chuyển từ nhu cầu du lịch quốc tế sang nhu cầu du lịch nội địa. Xuất phát từ lệnh hạn chế đi lại quốc tế và ở tại Việt Nam, cùng với sự hoài nghi về tính an toàn và chi phí y tế của điểm đến ngoài nước cộng với tâm lý muốn được đi lại, giao lưu của con người khi bị hạn chế di chuyển, sự kìm nén về sự khám phá và sự hạn hẹp về tài chính, du lịch nội địa sẽ là lựa chọn của rất nhiều du khách Việt Nam và các nước trên thế giới. Thị trường du lịch nội địa Việt Nam có dấu hiệu phục hồi rất nhanh. Bên cạnh sự dịch chuyển từ phát triển du lịch inbound, outbound sang du lịch nội địa, thị trường du lịch quốc tế gần với chương trình tham quan ngắn ngày sẽ phát triển mạnh hơn sản phẩm dài ngày dành cho du khách ở các thị trường xa khi du lịch quốc tế được mở cửa trở lại.

Xu hướng sử dụng sản phẩm du lịch trọn gói, các gói (combo) thiết kế sẵn dành cho các nhóm nhỏ hoặc du lịch gia đình cũng sẽ là một trong những lựa chọn tối ưu của du khách. Hay nói cách khác, loại hình đi du lịch tự do dùng những sản phẩm combo đến những điểm gần sẽ phát triển. Nếu như trước khi dịch Covid-19 nổ ra, nhờ công nghệ và các phương tiện thanh toán phát triển, tỷ lệ sản phẩm du lịch trọn gói có xu hướng giảm do du khách có nhiều sự lựa chọn và phương tiện để tự thiết kế chuyến đi hoặc kỳ nghỉ cho riêng mình, kể cả những điểm xa. Hiện nay, do dịch bệnh, việc ăn uống tự do nhiều khi chưa đảm bảo, khách du lịch được yêu cầu phải thực hiện vệ sinh và các biện pháp giãn cách xã hội hoặc đảm bảo an toàn. Do vậy, khách du lịch có xu hướng sử dụng dịch vụ trọn gói từ ăn, ở, đi lại của các công ty, đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch nhằm giảm thiểu khả năng lây lan bệnh từ cộng đồng.

Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, internet để tìm hiểu kỹ hơn trước chuyến đi. Với diễn biến khó lường của dịch bệnh, khách du lịch thông qua các sản phẩm từ công nghệ tiên tiến hiện nay được các nhà mạng cũng như các nhà làm công nghệ cung cấp để đầu tư nhiều thời gian hơn vào việc tìm hiểu thông tin trước khi quyết định chuyến đi hay đặt dịch vụ cho kỳ nghỉ, cũng như thanh toán trực tuyến qua các phần mềm tài chính. Họ thu thập nhiều hơn thông tin về điểm đến, dịch vụ, các biện pháp đảm bảo an toàn… Để ra quyết định, thanh toán sản phẩm du lịch đã lựa chọn. Bên cạnh đó, một số du khách cũng thông qua các ứng dụng trực tuyến để khám phá trước điểm đến bằng cách thông qua bạn bè, người thân, các công ty, nhà cung cấp dịch vụ du lịch phát trực tiếp để thoả mãn trí tò mò cũng như muốn xem thực tại hình ảnh của điểm đến khi mà chưa thể đi du lịch được.

Xu hướng này cũng đồng nghĩa là các doanh nghiệp, đơn vị làm du lịch, cung cấp dịch vụ du lịch cần ứng dụng nhiều hơn về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (như robot phục vụ thay con người), vào công tác quản trị cũng như công tác liên kết tài chính qua phần mềm, công tác giới thiệu, quảng bá, marketing các sản phẩm, dịch vụ, hình ảnh nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu và thu hút sự chú ý, chăm sóc khách du lịch tốt hơn.

at-8-dia-diem-du-lich-viet-nam-dep-nhat-nam-2018-638fdfa9fc355a5e3c0967964d0f5867-1626-1633604343.jpg

Xu hướng du lịch được linh hoạt trong sử dụng dịch vụ. Trong bối cảnh các hạn chế đi lại cũng như việc đóng cửa biên giới có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào vì dịch bệnh, khách du lịch sẽ ưu tiên hơn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có nhiều lựa chọn linh hoạt và chính sách hợp lý trong việc thay đổi ngày, hoãn hoặc hủy đặt chỗ vào phút chót. Vào thời điểm hiện tại, việc doanh nghiệp có các lựa chọn đa dạng, có chính sách linh hoạt sẽ nhận được nhiều quan tâm của khách du lịch. Những chính sách này sẽ đóng vai trò quan trọng trong quyết định đặt chỗ nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra trong chuyến du lịch.

Xu hướng du lịch gần, ngắn ngày, theo nhóm nhỏ hoặc gia đình, tới những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, khu vực ít người. Đây là xu hướng phổ biến xuất hiện trong thời gian gần đây để bảo đảm an toàn cho du khách và người thân trong quá trình du lịch. Vì vậy, đây là cơ hội cho các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo có cơ hội thúc đẩy thu hút khách du lịch và đẩy nhanh hoạt động du lịch phát triển.

Xu hướng du lịch quốc tế bằng hộ chiếu Vaccine. Hiện nay, việc hạn chế đi lại, xuất cảnh quốc tế ở các quốc gia trên thế giới và Việt Nam để đảm bảo an toàn do Covid-19 gây ra, đặc biệt được siết chặt. Với ý tưởng dùng hộ chiếu vaccine nhằm xác định được tình trạng sức khỏe của du khách đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe du khách khi đi du lịch tại nước sở tại, của điểm đến là yếu tố bắt buộc. Nhưng ý tưởng trên đang có nhiều phản ứng trái chiều của cộng đồng người dân trong việc cấp phép, kiểm tra, quản lý cũng như sự phân biệt đối xử… Mặc dù xu hướng này tuy chưa khả quan, mới chỉ dừng lại ở ý tưởng, nhưng vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý, nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch nắm bắt được thị hiếu của thị trường để có quyết sách đối phó tối ưu nhất trong việc đón đối tượng khách du lịch này khi thành hiện thực.

Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, nhu cầu du lịch ngày càng trở nên không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của con người, đặc biệt là ở các nước phát triển. Trong bối cảnh chung của thế giới, nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch cơ cấu từ nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu sang nền kinh tế phát triển Công nghiệp – Dịch vụ – Nông nghiệp. Vì vậy, việc phát triển du lịch theo hướng bền vững tại Việt Nam rất cần thiết. Việt Nam là quốc gia được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng được UNESSCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới như Vịnh Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng, phố cổ Hội An hay thánh địa Mỹ Sơn. Bên cạnh đó là thiên nhiên đã ưu đãi cho Việt Nam một hệ thống bãi biển dài và đẹp tạo nên nhiều bãi tắm đẹp như Nha Trang, Sầm Sơn, Đồ Sơn, Cửa Lò, … Vì vậy mà Việt Nam đã, đang là điểm đến lý tưởng của bạn bè, du khách quốc tế.

Chúng ta có thể thấy rằng hiện nay do sự phát triển của mạng xã hội, khán giả có nhiều cách tiếp cận thông tin quảng bá du lịch trên các nguồn khác nhau như báo điện tử, mạng xã hội điều này đặt ra những thách thức vô cùng to lớn đối với những người làm công tác quảng bá du lịch trên truyền hình để bảo đảm thu hút được công chúng. Để đáp ứng hiệu quả quản bá du lịch cần đổi mới nội dung và cách làm có trọng tâm, trọng điểm và đi sâu vào nội hàm của khái niệm du lịch, thông tin tới khán giả những nội dung cụ thể, rõ ràng. Có những chương trình đã tồn tại và duy trì nhiều năm liền cho thấy sự yêu mến, tin tưởng của khán giả; lại có những chương trình mới ra đời cho thấy nhà đài luôn cố gắng lắng nghe ý kiến khán giả và đưa ra những chương trình với những nội dung mới hấp dẫn và phù hợp nhu cầu của người xem truyền hình.

Các chương quảng bá du lịch góp phần chung tay, góp sức để ngành du lịch Việt Nam có thể tiến xa hơn nữa, góp phần đưa hình ảnh Việt Nam đến bạn bè năm châu. Khán giả là người quyết định đến sự tồn tại của một chương trình, thậm chí là một kênh, một đài truyền hình nào đó. Vì thế, các kênh truyền hình quảng bá du lịch cần nghiên cứu tâm lý tiếp nhận của khán giả, nhu cầu của họ đối với một chương trình truyền hình quảng bá du lịch, để từ đó có những thay đổi cho phù hợp, một mặt đáp ứng yêu cầu của công tác thông tin quảng bá du lịch của Nhà nước, mặt khác, đáp ứng nhu cầu của khán giả. Cần phải tính toán cân bằng hai yếu tố này một cách hợp lý chứ không nên chỉ chú trọng một yếu tố nào. Qua khảo sát ý kiển của khán giả xem chương trình quảng bá du lịch trên truyền hình, tác giả nhận thấy rằng, mỗi khán giả có cách tiếp nhận khác nhau .Về nội dung, họ thích các chương trình truyền hình về du lịch Việt Nam phải thể hiện được cái riêng của Việt Nam, khi xem chương trình, họ phải thấy được những cái hay, cái đẹp, cái hấp dẫn riêng của du lịch Việt Nam. Mặc dù vậy, về mặt hình thức, họ lại thích cách thể hiện tự nhiên, trong đó người trải nghiệm hòa mình vào bối cảnh một cách tự do và tương tác trong đó, như không có sự dàn xếp của những người làm chương trình. Kiểu truyền hình thực tế như vậy sẽ tạo cho họ sự tin tưởng và thú vị nhiều hơn.

Nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đòi hỏi hoạt động của các bảo tàng cần có sự đổi mới theo hướng linh hoạt, tổ chức trưng bày hấp dẫn, tăng cường hoạt động tương tác, trải nghiệm, tạo cho công chúng được cảm giác được thực sự "nhập cuộc", sống cùng những hành trình, điểm đến du lịch. Từ chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoạt động quảng bá du lịch trong tình hình mới, công tác thông tin trên các kênh truyền hình đã phát huy hiệu quả, đóng góp vào thành công chung để đưa hình ảnh du lịch của Việt Nam đến với bạn bè khắp năm châu. Thông tin du lịch trên các kênh truyền hình quảng bá du lịch hiện nay đã giúp dư luận bên ngoài hiểu rõ hơn và hiểu đúng hơn về Việt Nam, gây ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế về Việt Nam. Hình ảnh một đất nước Việt Nam hoà bình, ổn định, đổi mới, đang phát triển năng động, là điểm đến an toàn và tin cậy của đầu tư, du lịch, con người, lịch sử và nền văn hoá lâu đời hết sức phong phú và giàu bản sắc dân tộc của Việt Nam đã được nhân dân thế giới và cộng đồng người Việt ở nước ngoài biết tới thông qua những chương trình quảng bá du lịch được phát sóng trên các kênh truyền hình của Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

Bộ chính trị (2017), Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hà Nội.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch – Tổng cục du lịch (2021), Số liệu thống kê du lịch Việt Nam.

Số liệu tổng hợp trên các báo: Lao Động; Thanh Niên; Tuổi trẻ; VietnamNET.vn; itcnews.vn; genk.vn…;

Lương Quốc Huy

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/xu-huong-phat-trien-du-lich-trong-thoi-ky-moi-va-quang-ba-du-lich-tren-song-truyen-hinh-a19002.html