Rút trong tập "101 người lính xe Tăng"

"Binh chủng xe Tăng là binh chủng thép/ Không cho về phép thành binh chủng Nhôm/ Cho về mấy hôm lại thành binh chủng thép". Nhắc mấy câu tếu táo từ thời chiến tranh để tự mua vui, vì hôm nay 5/10 là ngày của lính thép, không hiểu sao Lão Nạp thấy buồn, nhớ 15 thằng bạn lính sinh viên xe Tăng không trở về, những thằng lính rất đẹp.

ch-lg-q2b-1633597824-1-1633600974.jpg
Ảnh: TGCC

Thương, vì một nỗi nữa là, hầu hết chúng nó đều "Chưa từng được một lần cầm nắm bàn tay người khác giới'. Ngã xuống, mang theo kiến thức vài ba năm ở trường đại học, những ước mơ tương lai và tấm thân trai tráng... trinh nguyên. Huhu....

...

- “Tao rủ được em ra Bờ Hồ, tao liều ôm nhưng em vùng ra. Tao lại ôm, em lại vùng ra...”

... Chân núi Tam đảo. Trường Sĩ quan Tăng - Thiết qiáp. Hội trường kín chỗ, những gương mặt khắc khổ của cựu chiến binh và sắc phục học viên sĩ quan. Người đàn ông chừng năm mươi, cao, thanh thoát nhưng mạnh mẽ trong bộ đồ trắng bước chậm lên diễn đàn. Im lặng giây lát rồi ông bắt đầu nói: - “Kính thưa quý vị đại biểu/ Kính thưa các anh của tôi...!”. Bất ngờ ông khóc òa, rồi khóc như mưa như gió. Tiếng khóc khi thì lọt vào micro khi lạc ra ngoài, to nhỏ, trầm bổng, xót xa. Tiếng khóc của người đàn ông đứng tuổi. Ông là Nguyễn Tự Khanh. Rồi đó, ông Khanh cũng kiềm chế được để cất giọng trong nước mắt: -“Em đã mất một người anh trai nhưng từ nay em có thêm mấy chục anh trai...!”

Nguyễn Tự Chính còn đẹp hơn cả em trai, một vẻ đẹp rất đàn ông. Tuổi hai mươi, chính đã cao trên 1m7, vai ngang, gáy phẳng, đầu vững. Các nét trên mặt đều rắn chắc. Mắt luôn hướng thẳng nhưng tia nhìn ấm áp. Anh bước đi những bước vừa phải, vững vàng, uyển chuyển như một con báo đốm. Ít nói, nhưng khi đã mở lời “Giọng lơ lớ (Phú Yên)/ Pha đôi câu Hà Nội” là khiến đám đông phải lắng nghe. Nhìn kỹ, có cảm giác như Chính có thể "cầm khiên cầm kiếm" vào đấu trường La Mã cổ đại. Một trung úy giáo viên dạy lái xe không kìm được cảm xúc bập cả hai tay lên vai Chính: - “Lính Tăng là như thế này này!”. Biết thủ trưởng khen, Chính có vẻ ngượng. Anh khẽ gỡ tay viên sĩ quan, mặt hơi đỏ lên.

Trái tim hai mươi của Chính hình như đã bị “cầm tù” bởi nữ sinh nào đó. Tối thứ bảy, anh quyết định “tút” về Hà Nội. Chúng tôi lấy chăn cuộn lại thành người trên giường anh rồi phủ chăn lên đề phòng chỉ huy đi kiểm tra. Sáng sớm thứ hai, trời còn tối thui đã thấy anh lừng lững trước cửa doanh trại. Cả hội chồm dậy:

- Thế nào?. Chính không nói gì.

- Thế nào?. Chúng tôi gặng hỏi. Chính âm thầm buông một câu:

- Tao, quần xi áo lính, rủ được cô ấy ra Bờ Hồ. Tao liều ôm nhưng cô ấy vùng ra... cô ấy vùng ra.

- Trời...!

Chính đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi... cưa gái. Nhưng, hỡi người bạn gái chưa quen biết! Bạn đã vùng khỏi người lính xe Tăng lớp Hạ sĩ quan chính quy đầu tiên của quân đội! Bạn đã từ chối vòng tay vụng về của một trái tim chân thành nhất của lứa tuổi hai mươi trong thế kỉ 20 đấy!

.... “Chấp hành mệnh lệnh, trung đoàn tăng 273 tăng cường cho 320 đánh Tuy Hòa... mờ sáng ngày 1-4-1975, xe tăng ta chia làm hai hướng cùng bộ binh tiến công vào thị xã diệt căn cứ Nhạn Tháp và những điểm vòng ngoài... Địch trụ lại trên cầu Ông Chừ nhằm bảo vệ đường rút về sân bay. Xe tăng và bộ binh ta tiến đánh cầu. Địch dùng hỏa lực ngăn chặn quyết liệt, bộ binh ta không tiến lên được... Xe tăng M41 chiến lợi phẩm (ta lấy được của địch rồi dùng luôn) của đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng với bốn quả đạn diệt ngay một trận địa pháo 105 ly, bắn chìm một tàu chiến ngụy. Quân ta tràn vào thị xã. Tên chuẩn tướng Trần Văn Cẩm bị bắt sống (Sách Lịch sử binh chủng Tăng Thiết giáp). Ngày 1-4-1975, trong đội hình tiểu đoàn, Nguyễn Tự Chính chỉ huy trung đội xe Tăng tiến công giải phóng Tuy Hòa.

Trận đánh kết thúc. Đại tá tỉnh trưởng Phú Yên Vũ Quốc Gia đã tháo chạy. Đại tá Vũ Xuân Đống chỉ huy Lữ đoàn Thiết giáp số hai bị bắt. Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm Tư lệnh phó Quân đoàn hai Quân lực Việt nam Cộng hòa đã đọc lời kêu gọi “...các anh em hãy đầu hàng quân đội cách mạng, trở về với nhân dân...” phát đi trên hệ thống Phát thanh của Ủy ban Quân quản. Trung đội xe Tăng dừng bên sông. Chính mở cửa chỉ huy nhô đầu lên tận hưởng khí trời và... bên kia sông là quê nhà. Với anh, hình ảnh quê hương chỉ là khái niệm trong lời kể nồng nàn thao thiết của các bậc cha chú. Cùng Ba Mẹ tập kết ra Bắc lúc mới ba tuổi, qua các lớp ở trường Miền Nam rồi thi đỗ vào Đại học Bách khoa. Nhập ngũ, cùng với chín mươi chín đồng đội được tuyển chọn từ hơn ba nghìn năm trăm sinh viên chiến sĩ của sư đoàn 325, được đào tạo trong trường chính quy nhất của lực lượng Tăng - Thiết giáp, lần đầu về quê đã là chàng trai 23 tuổi, hoàn thiện về thể chất, nhân cách và ý chí. Sau những trận đánh đẫm máu suốt từ ngày bắt đầu chiến dịch 10/3 ở Buôn Mê Thuột, đây là những giây phút thư giãn nhất của những người lính trong trung đội. Vẫn đứng trong ghế chỉ huy, nửa thân mình vạm vỡ vươn cao trên tháp pháo, Chính cố tưởng tượng đến giây phút bước vào căn nhà tổ phụ thắp nén hương vái lạy tiền nhân... Không hề có một dấu hiệu gì báo trước, bất ngờ... păng păng păng... một loạt đạn xé gió bay tới. Lặng đi vài giây. Những người lính xe Tăng hộc lên những tiếng vô cùng đau đớn: Vị chỉ huy dũng cảm, cao thượng, đẹp trai tuyệt vời của họ gục trên tháp pháo. Anh còn cách căn nhà tổ phụ đúng chiều rộng một con sông.

Trời ơi! Tên lính VNCH hạng bét nào kia, bắn nữa làm gì?!

.... Hồi ấy, mình nhớ, có lần bạn nói đã ở Hà Nội mười năm. Hà nội, mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm. Mùa này, Hà nội có cái se lạnh của tiết thu, có gam màu thu vàng nhạt, tiếng mùa thu của lá rơi xao xác. Hà nội gọi Hồ Hoàn kiếm là “Bờ Hồ”, danh từ riêng. Đã nhiều lần, vào mùa thu, mình đi quanh Bờ Hồ và thử tưởng tượng ở quãng nào (hay là trên ghế đá?) người học viên Hạ sĩ quan xe Tăng, cựu sinh viên Đại học Bách khoa “quần xi áo lính”, cao lớn vạm vỡ như một đấu sĩ La Mã, đã rủ được bạn gái đi dạo Bờ Hồ lại không thể tìm được chìa khóa mở trái tim nàng. Người nữ sinh ấy không có lỗi, nhưng cứ nghĩ, bạn ngã xuống khi chưa hề cầm nắm được bàn tay thiếu nữ, lại thấy thương, Chính ơi!...

(Rút trong tập "101 người lính xe Tăng" mới xuất bản)

Tường Nguyễn Thế

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/rut-trong-tap-101-nguoi-linh-xe-tang-a19000.html