Cần nhìn nhận doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó Covid-19

Tại Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, diễn ra ngày 26/9, hàng loạt đề xuất từ các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã được nêu lên.

26-09-2021-can-nhin-nhan-doanh-nghiep-la-mot-chu-the-trong-ung-pho-covid19-d6233c46-details-1633591336.jpg
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM Chu Tiến Dũng cho biết, qua khảo sát nhanh đầu tháng 9/2021, Hiệp hội nhận thấy có đến 40% DN được hỏi cho biết chỉ còn đủ nguồn lực hoạt động trong 1 tháng. Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ DN theo 3 trọng tâm lớn.

Theo đó, trong công tác phòng chống dịch, các DN mong muốn Chính phủ, chính quyền địa phương sớm công bố công khai thông tin về chiến lược phòng chống dịch, bộ tiêu chí phòng chống dịch và kịch bản điều hành kinh tế - xã hội tương ứng với các tình huống để hướng dẫn người dân, DN có đủ thông tin, đồng thuận cao và chủ động trong việc điều chỉnh kế hoạch mục tiêu sản xuất kinh doanh kịp thời, phù hợp.

Hiện nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, người dân và người lao động tại TPHCM đã được tiêm vaccine mũi 1 trên 96% và mũi 2 trên 30%. Do đó đề nghị ngành y tế xem xét không quy định bắt buộc các DN hoạt động phải xét nghiệm toàn bộ người lao động định kỳ và chuyển sang chỉ xét nghiệm đối với đối tượng có nguy cơ cao trong DN, nhân sự mới để giảm bớt gánh nặng chi phí cho DN.

Các chính sách tháo gỡ khó khăn hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh nên triển khai theo hướng đối với DN có khả năng phục hồi nhanh, có đóng góp cao cho nền kinh tế thì cần tập trung các hỗ trợ để họ phục hồi nhanh nhằm nâng hiệu quả của nền kinh tế, trở thành đầu tàu kéo các DN khác. Các DN còn có khả năng phục hồi thì áp dụng chính sách để giảm số DN phá sản, chấm dứt sản xuất do tác động của dịch bệnh. Đối với nhóm DN không thể quay lại sản xuất nữa thì cần chính sách hỗ trợ an sinh xã hội để DN và người lao động ổn định cuộc sống, chuyển đổi sang lĩnh vực sản xuất khác.

Đến nay, trải qua 4 đợt đại dịch, nguồn lực của DN đã cạn kiệt, không còn vốn để phục hồi sản xuất nhanh, do đó, cần có giải pháp hỗ trợ DN được tiếp cận vay vốn mới với lãi suất thấp, không phải thế chấp tài sản.

Tổng hợp những đề xuất của DN, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, nền kinh tế và cộng đồng DN ở Việt Nam đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hơn lúc nào hết, cộng đồng DN rất cần sự tiếp sức và đồng hành của Chính phủ để vượt qua thời khắc cam go này.

“Dù khó khăn, cộng đồng DN nước ta vẫn thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội cao cả, đã đóng góp những nguồn lực to lớn, trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng để chung tay cùng cả nước chống dịch. Nhưng, chúng ta không được quên, mỗi tháng qua đi là cả chục ngàn DN phải đóng cửa, rời khỏi thị trường, chuỗi sản xuất bị đứt gãy, tổn thất của cộng đồng DN là vô cùng lớn và có nguy cơ kéo dài. Bức tranh chung của cộng đồng DN đang có sự suy giảm mạnh của quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh” - ông Phạm Tấn Công nói.

Dẫn chứng điều này, ông Phạm Tấn Công cho hay, chỉ trong 8 tháng qua, đã có trên 85 nghìn DN, tức trên 10% số DN cả nước rút khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng trên 10 nghìn DN, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020. Và đằng sau mỗi DN phải ngừng hoạt động là sự mất đi sinh kế, nguồn sống của người lao động và sự suy giảm của nền kinh tế.

Về lao động, theo khảo sát của VCCI, trung bình có 90,8% DN đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92% DN đang hoạt động ở các vùng này báo cáo phải cho người lao động thôi việc.

Nhấn mạnh, đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái Zero Covid, do đó nếu giãn cách xã hội mãi thì các DN sẽ sụp đổ, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, cần có tư duy duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về chống dịch. Cộng đồng DN thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ “Phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”. Quan điểm mới này dẫn đến cần thay đổi chiến lược ứng phó Covid-19, thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, từ nay chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ 2 là duy trì, phát triển kinh tế. Cả 2 mặt trận đều quan trọng và tác động qua lại với nhau, phòng chống dịch tốt thì mới duy trì được sản xuất an toàn, duy trì được sản xuất tốt thì mới có lực để chiến thắng dịch bệnh.

Với cách tiếp cận này, VCCI đề xuất, cần nhìn nhận các DN là một chủ thể trong ứng phó Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các DN. Trong cuộc chiến lâu dài chống Covid-19, cần công nhận và cho DN chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của DN, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, “mục tiêu kép cần có nhiệm vụ kép” và tương ứng với quan điểm mới của Thủ tướng về chung sống lâu dài với Covid-19, VCCI đề nghị xem xét đổi tên các “Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19” thành “BCĐ Phòng chống dịch Covid-19 và Phục hồi kinh tế”, để cùng với nhiệm vụ chống dịch, việc duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và cần tạo điều kiện cho các DN.

Để triển khai công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, cộng đồng DN nhất trí cao với 6 nguyên tắc mà Thủ tướng đã nêu trong Kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 23/9 vừa qua, đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc số 5 và 6, đó là vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết;  và thứ hai, sản xuất phải an toàn. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc mở cửa lại nền kinh tế nếu không tuân thủ 2 nguyên tắc này, thì hậu quả là khó lường.

Cộng đồng DN đề nghị Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi bổ sung các quy định về phòng chống dịch trong tình hình mới, ban hành một văn bản pháp luật mới thay thế các Chỉ thị 15, 16, 19… với nội dung phù hợp tình hình mới, chiến lược chống dịch mới và quan điểm “sống chung lâu dài với dịch bệnh”.

Cộng đồng DN cũng đề nghị các Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện hệ thống “Thẻ xanh Covid-19”, thống nhất sử dụng 1 nền tảng/ứng dụng, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành liên quan…

Theo thanhuytphcm.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/can-nhin-nhan-doanh-nghiep-la-mot-chu-the-trong-ung-pho-covid-19-a18992.html