Nghiên cứu triết lý nhân sinh trong 178 bản Hương ước ở Vĩnh Tường hiện nay (đã được bổ sung, điều chỉnh) góp phần gìn giữ những giá trị tốt đẹp, thuần phong mỹ tục trong cộng đồng làng xã, có vai trò rất quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao và khu dân cư kiểu mẫu trên địa bàn huyện.
Vĩnh Tường không chỉ được xem là nơi có cảnh trí hữu tình mà đây còn là mảnh đất anh hùng, miền quê văn hiến, khoa bảng. Bởi thế, trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca “Nhất Tam Đái, Nhì Khoái Châu”. Địa danh Tam Đái (Tam Đới) có từ thời Lê, đến thời Nguyễn (năm 1822) đổi thành phủ Vĩnh Tường. Giống như những làng Việt khác, các làng cổ ở Vĩnh Tường xưa đều có hương ước ghi chép điều lệ liên quan đến tổ chức xã hội cũng như mọi mặt đời sống xã hội của làng để xử lý các mối quan hệ trong làng. Có lẽ, do những điều lệ được dần hình thành trong tiến trình lịch sử, ăn sâu vào tiềm thức của người dân trong cộng đồng làng xã, thành ra, người dân vẫn quen gọi là “lệ làng”, được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Qua nghiên cứu một số hương ước cổ trên địa bàn huyện còn lưu giữ đến ngày nay cho thấy, bên cạnh những yếu tố tương đồng, còn có những nét đặc thù tùy theo từng làng, được ví như “tấm gương phản ánh bộ mặt xã hội cũng như đời sống văn hóa của mỗi làng”.
Chắt gạn những giá trị văn hóa tinh túy của hương ước xưa, nhất là triết lý nhân sinh, tinh thần gắn bó với cộng đồng, hiện nay, 178 thôn, TDP ở Vĩnh Tường, trong quá trình xây dựng, bổ sung, điều chỉnh hương ước đã kế thừa, phát triển những giá trị cốt lõi vốn được người Việt rất ưa chuộng. Đó là những quy ước về: Khuyến nông, bảo vệ sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái; những điều giáo huấn về một lối sống gọi là “thuần phong mỹ tục”; quy ước về văn hóa tinh thần, đảm bảo đời sống tín ngưỡng tâm linh trong cộng đồng; vấn đề khuyến học; …
Về vấn đề khuyến nông, bảo vệ sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, hương ước ở Vĩnh Tường hiện nay đều đề cập đến, gắn với việc xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu cũng như thực hiện phong trào xây dựng huyện Vĩnh Tường “Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - Đáng sống”. Về khuyến nông, bảo vệ sản xuất, hương ước thôn Vũ Di, xã Vũ Di “…Nghiêm cấm việc thả rông gia súc, gia cầm trên đồng ruộng làm ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại đến hoa màu. Người nào có hành vi trộm cắp, phá hoại công trình hoặc để gia súc, gia cầm phá hoại hoa màu của nhân dân thì ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật…” . Quy ước về bảo vệ môi trường, hương ước thôn Chung, xã Ngũ Kiên quy định “…Mọi gia đình và cá nhân đều phải có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường xây dựng môi trường “Xanh - Sạch - Đẹp”. Các hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt không vứt các loại bao bì, rác phế thải, không để các loại nước thải ra nơi công cộng gây ô nhiễm môi trường. Giữ gìn vệ sinh nơi ở, đường trục, đường ngõ ở thôn, cơ quan luôn sạch đẹp, tham gia làm vệ sinh vào 2 ngày mùng 10 và ngày 20 hàng tháng. Phân loại rác thải, đổ rác, chất thải đúng giờ, đúng nơi quy định…”,… Nhờ ý thức cộng động, sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng, hầu hết các thôn, làng, TDP trên địa bàn huyện đều xuất hiện những mô hình hay như: Đường hoa phụ nữ; Bích họa làng quê; xây dựng, cải tạo hệ thống rãnh thoát nước,… góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Về hôn lễ (cưới hỏi), hương ước xưa có quy định phải nộp cheo cho làng, cá biệt có làng đặt ra lệ, gia đình có con gái đi lấy chồng phải nộp một trăm viên gạch cho làng lát đường thì mới được làng thừa nhận. Vì là “lệ làng” nên người dân coi đó là việc bình thường, lẽ đương nhiên và tự nguyện nộp cho làng bằng tiền hoặc bằng hiện vật tuy theo quy định của mỗi làng. Chẳng thế, dân gian vẫn lưu truyên câu:“Nuôi lợn thì phải băm bèo/ Lấy chồng thì phải nộp cheo cho làng”. Để phù hợp với sự phát triển của xã hội, ngày nay, hương ước ở Vĩnh Tường đều có những quy định rất cụ thể về việc hôn lễ“… Nam từ đủ 20 tuổi trở lên; nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, tự nguyện kết hôn; cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn...; không tổ chức đón dâu 02 lần; không bày, mời khách hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu, bia; chỉ tổ chức cưới trong phạm vi 01 ngày sau khi đã đăng ký kết hôn; không mở loa đài trước 06 giờ sáng và quá 22 gời đêm; khuyến khích người kết hôn tham gia trồng cây xanh ở khu vực công cộng góp phần xây dựng môi trường xanh, thân thiện”.
Đối với việc ma chay, hương ước ở Vĩnh Tường đều có những quy ước về nghi thức, an táng cho người quá cố đảm bảo trang trọng, văn minh, an toàn vệ sinh như: “Không để người chết trong nhà quá 36 giờ; không sử dụng nhạc hành khúc, nhạc hội trong lễ tang, không thổi kèn, đánh trống, mở loa đài quá 22 giờ đêm và trước 05 giờ sáng; không phúng viếng bằng xôi, thịt hoặc các đồ ăn chín; không rải tiền Việt Nam đồng hoặc các loại tiền của nước ngoài, vàng mã, tiền âm phủ trên đường đưa tang; nghiêm cấm xây mồ mả ngoài nghĩa trang đã được quy định; khuyến khích áp dụng hình thức hỏa táng;…”.
Những quy ước trên rất phù hợp nên được hầu hết người dân trong làng đồng thuận cao và tự nguyện thực hiện. Vì thế, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn huyện những năm qua đạt được những kết quả rất quan trọng. Tỷ lệ người dân qua đời đã sử dụng hình thức hỏa táng nằm trong tốp đầu của tỉnh, năm 2020, toàn huyện có 740/1.101 người dân qua đời đã sử dụng hình thức hỏa táng chiếm 67,2%, trong 6 tháng đầu năm 2021 là 68,6%;nhiều xã, thị trấn trong huyện có 100% các hộ sử dụng hình thức hỏa táng cho người quá cố như: xã An Tường, xã Vũ Di, thị trấn Tứ Trưng,…
Một trong những nội dung khá quan trọng mà 178 bản hương ước ở Vĩnh Tường đều rất coi trọng, đó chính là vấn đề khuyến học, khuyến tài. Sở dĩ có điều này do, Vĩnh Tường từ xưa vốn nổi tiếng là mảnh đất hiếu học, khoa bảng. Trong thời kỳ phong kiến tự chủ, Vĩnh Tường có số người thi đỗ các bậc: Đại khoa, Trung khoa nhiều nhất tỉnh, tiêu biểu như: thị trấn Tứ Trưng có 78 vị, xã Thượng Trưng có 38 vị, xã Cao Đạicó 28 vị…, còn đỗ tú tài thì làng nào cũng có. Do đó, các thôn, TDP ở Vĩnh Tường ngày nay đã kế thừa những tinh hoa của hương ước xưa, đặc biệt đề cao, coi trọng sự học, khuyến khích các cá nhân, gia đình, dòng họ quan tâm đến sự học của con em mình. Hương ước nêu rõ: “…Ông, bà, cha, mẹ phải có trách nhiệm cùng nhà trường theo dõi, dạy dỗ con cháu học tập, rèn luyện đạt kết quả cao,… Mọi người tích cực đóng góp quỹ khuyến học, khuyến tài để giúp đỡ, khích lệ học sinh giỏi và những học sinh gặp khó khăn học giỏi. Khuyến khích các dòng họ tổ chức họp mặt và đóng góp quỹ xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài của dòng họ, khuyến khích mọi cá nhân trong thôn sinh sống và công tác ở các nơi khác tài trợ cho quỹ khuyến học, khuyến tài của thôn và các dòng họ”. Nhờ đó, nhiềunăm qua, chất lượng giáo dục mũi nhọn của huyện luôn đứng đầu tỉnh.
Học sinh Vĩnh Tường có mặt ở hầu hết các sân chơi trí tuệ cấp tỉnh, quốc gia, khu vực, quốc tế và đạt thứ hạng cao. Tiêu biểu như: em Đỗ Văn Quyết, xã Tam Phúc, em Chu Thị Thanh, xã Ngũ Kiên đoạt Huy chương đồng trong cuộc thi Olympic Toán Quốc tế các năm 2017, 2020; em Bùi Nhật Quang, xã Thượng Trưng đoạt Giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi môn Tiếng Anh cấp Quốc gia năm 2021; em Lê Anh Đức, xã Vũ Di, được ví như “Thần đồng ngôn ngữ” khi biết hơn 10 bảng chữ cái của các quốc gia trên thế giới;....Ngoài ra, hương ước ở Vĩnh Tường còn đề cập đến nhiều vấn đề khác của làng như: Xây dựng gia đình văn hóa; bảo vệ bà mẹ, trẻ em; chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi; đề cao vai trò của cộng đồng; bảo vệ tài sản chung của cộng đồng.
Có thể khẳng định, tất cả những nội dung của hương ước ở Vĩnh Tường hiện nay, nếu đứng ở góc độ văn hóa mà xét mới thấy được vai trò rất quan trọngtrong việc hình thành, bồi đắp, hun đúc, nuôi dưỡngmỗi người dân trong làng, trong xã nhiều đức tính tốt đẹp, nhân văn sâu sắc. Bởi lẽ, hương ước không chỉ đơn thuần mang tính chất là hệ thống luật tục của làngvới những điều cấm, mà nó còn hàm chứa những tiêu chuẩn đạo đức, chuẩn mực, những điều giáo huấn mang đậm triết lý nhân sinh sâu sắc, có tác dụng làm ổn định tình hình, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của làng, phản ánh tâm lý, khát vọng, quan niệm của dân làng về sự học, về cái đúng và cái sai, cái hay và cái dở,…Những điều này, luật pháp của nhà nước khómà phản ánh một cách sinh động đến từng thôn, làng, tổ dân phố như trong các bản hương ước.
Thế mới biết giá trị, tinh hoa của văn hóa truyền thống có sức sống thật mãnh liệt, tựa như “mạch ngầm” mải miết chảy cùng thời gian và không bao giờvơi cạn. Triết lý nhân sinh mà chúng tôi đang nghiên cứu, được các thôn, làng, TDP ở Vĩnh Tường đặc biệt coi trọng, chắt gạn, kế thừa trong quá trình xây dựng hương ước là minh chứng rất sinh động. Đây là điều rất cần thiết nhằm gìn giữ, phát huy những giá trị, thuần phong mỹ tục mà các thế hệ dân làng đã gây dựng, bồi đắp, góp phần rất quan trọng trong công cuộc xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu hiện nay.
Phí Văn Liệu
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-triet-ly-nhan-sinh-trong-huong-uoc-o-vinh-tuong-a18961.html