Giải mã di tích 5 "Ông Thẻ" ở An Giang (Kỳ cuối)

Từ xa xưa, người dân sống quanh dãy núi Thất Sơn (tỉnh An Giang) truyền khẩu nhiều chuyện huyền thoại liên quan đến một vị Đại Cao tăng được gọi là “Đức Phật Thầy Tây An”.

Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên

Theo giai thoại, tên tục của vị Phật này là Đoàn Minh Huyên. Không có cứ liệu cụ thể nào cho biết ngài sinh năm nào và xuất thân từ đâu mà chỉ đồn đoán rằng ngài sinh năm 1807 tại làng Tòng Sơn, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Năm Kỷ Dậu (1849) miền Tây Nam Bộ trải qua một trận đại dịch tả kinh hoàng khiến hơn nửa triệu người chết. Cùng thời điểm đó, người ta phát hiện ở đình làng Tòng Sơn có một vị tu sĩ lạ mặt tá túc. Nhà chức trách đến tra hỏi và đuổi vị tu sĩ ra khỏi làng.

image010-1633239688.jpg
                   Hình ảnh phác họa chân dung Đức phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên

Ngài rời làng Tòng Sơn ngược lên làng An Thạnh Trung (giáp ranh An Giang và Đồng Tháp) dựng lều trị bệnh tả và truyền bá đạo. Nhờ “huyền thuật”, ngài đã cứu sống hàng ngàn người mắc dịch tả. Lúc đó, ngài thường giới thiệu với mọi người về một tín ngưỡng có tên gọi là Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương sẽ giúp người Việt thoát khỏi ách thống trị của Pháp.

Chính phủ thực dân Pháp hay tin ngài lập “dị giáo” Bửu Sơn Kỳ Hương đã cho quân đến bắt. Ngài cho rằng mình theo đạo Phật. Chính quyền Pháp buộc phải cạo đầu vào một ngôi chùa Phật giáo để tu tụng. Đó là  chùa Tây An Cổ Tự ở núi Sam, Châu Đốc. Trong thời gian này, ngài thu dụng được 12 đại đệ tử (Thập nhị hiền tài). Tróng đó, có Quản cơ Trần Văn Thành - Người thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bãi Thưa (1871 - 1873) ở miền Tây Nam Bộ.

Căn cứ vào một số sử liệu cho thấy Đức Phật Thầy Tây An chính là lãnh tụ tinh thần của các lực lượng kháng chiến kháng Pháp ở miền Tây Nam Bộ theo phong trào Cần Vương. Ông đã sử dụng tín ngưỡng và thần quyền để chiêu mộ binh sĩ.

Vào năm 1851, Đoàn Minh Huyên lập căn cứ địa kháng chiến và cho cắm 5 Ông Thẻ để xác định lãnh địa. Với ý định tự túc lương thực, kháng chiến lâu lâu dài, ông đã phân công các đệ tử đi khẩn hoang lập dinh điền, trại ruộng trong lãnh địa: Ông Đạo Ngoạn dẫn các tín đồ khai khẩn vùng Cần Lố, Đồng Tháp; Quản cơ Trần Văn Thành khai khẩn vùng Láng Linh, Tri Tôn; Bùi Thiền Sư khai khẩn vùng núi Két, Tri Tôn; Ông Bùi Đình Tây lập hai làng Hưng Thới, Xuân Sơn (sau này là xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên); Ông Đạo Xuyên khai mở vùng Cái Dầu, Châu Phú, ông Đạo Lập khai mở vùng Bài Bài...

09-1633239849.jpg

                                           Miệng hang Bác Vật Lang.

Sử liệu về cuộc kháng chiến Binh Gia Nghị

Năm Nhâm Tuất 1862, 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ lọt vào tay quân Pháp. Ba tỉnh miền Tây gồm: Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên tuy bị cô lập nhưng vẫn còn thuộc triều Nguyễn. Bất mãn trước sự hèn yếu của nhà Nguyễn, nhiều nghĩa sĩ Nam bộ đã tự tập hợp lại lập chiến khu kháng Pháp.

Ngày 22/6/1867 An Giang thất thủ. Tổng đốc An Giang xuôi tay giao thành cho Pháp. Bất mãn, nhiều binh sĩ và người dân tụ họp lại hình thành nên 2 cuộc khởi nghĩa. Đó là cuộc khởi nghĩa của Chánh Vệ thủy Đỗ Đăng Tàu và cuộc khởi nghĩa của Quản cơ Trần Văn Thành ở cánh đồng Láng Linh.

Trần Văn Thành (còn có tên gọi là Trần Vạn Thành), quê quán ở ấp Bình Phú (Cồn Nhỏ), làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, huyện Đông Xuyên, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Năm 1840, Trần Văn Thành gia nhập quân đội nhà Nguyễn giữa lúc Nặc Ông Đôn, em vua Cao Miên dựa vào quân Xiêm La quấy rối biên giới Việt Nam. Trần Văn Thành được triều đình cử làm Suất đội đánh đuổi quân xâm lược Miên - Xiêm.

nui-cam-4-1633240491.jpg
Đường lên núi Cấm An Giang

Năm 1845, sau khi lập được nhiều chiến công, Trần Văn Thành được ban khen “Quản cơ Tinh binh” và thăng chức Chánh Quản cơ, chỉ huy 500 quân, trú đóng ở Châu Đốc để giữ gìn biên giới phía Tây Nam. Năm 1846, Nặc Ông Đôn qui phục triều đình nhà Nguyễn, nên Trần Văn Thành xin giải ngũ về quê khẩn hoang làm ruộng và xin theo Đoàn Minh Huyên học đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Khi An Giang thất thủ, Trần Văn Thành quy tụ những binh lính cũ và tín đồ có sẳn ở các trại ruộng của hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương lập nên đội quân khởi nghĩa. Trần Văn Thành tổ chức dân binh đắp ụ chiến đấu ở quê nhà (Cồn Nhỏ) để ngăn quân Pháp. Tháng 6/1868, Nguyễn Trung Trực đánh chiếm đồn Kiên Giang bị quân Pháp tổ chức phản công. Hay tin, Trần Văn Thành kéo quân đắp cản ở Ba Bần, Trà Kên (nay đều thuộc huyện Thoại Sơn) để ngăn cản tàu chiến Pháp đi tái chiếm tỉnh lỵ Rạch Giá, đồng thời cắt cử quân sang Kiên Giang tiếp cứu.

Trần Văn Thành dẫn lực lượng kháng chiến của mình vào Láng Linh, Bãi Thưa (ngày nay thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) dựng trại, tuyển quân, rèn đúc vũ khí chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Ông lấy tên cho lực lượng kháng chiến của mình là Binh Gia Nghị. Trong thời gian này, ông đã tổ chức ám sát tên Chủ tỉnh Vĩnh Long là Salicetti tại Vũng Liêm.

Cuối năm 1868, hầu hết các phong trào kháng Pháp tại Nam Kỳ đều bị Pháp đàn áp tan rã gần hết. Lực lượng nghĩa binh của Trần Văn Thành lâm vào thế cô và ông trở thành nhân vật bị Pháp truy nã gắt gao.

Trong khi quân Pháp được trang bị vũ khí hiện đại, sát thương tầm xa thì vũ khí của quân kháng chiến của Trần Văn Thành chủ yếu là gươm, giáo, mác... E ngại anh em nghĩa quân nhục chí chiến đấu, Trần Văn Thành phải sử dụng niềm tin tâm linh để hun đúc tinh thần chiến sĩ.

Khi này Đoàn Minh Huyên đã viên tịch. Trần Văn Thành đã cùng nhà sư Ngô Lợi - Một chí sĩ yêu nước khoác áo cà sa - lập nên một tôn giáo mới có tên gọi là Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Năm 1872, Ngô Lợi tổ chức di dân ở những vùng Pháp chiếm kéo về xã An Lộc, tổng An Lương, An Giang (nay là xã Vĩnh Tường, huyện An Phú, An Giang) lập làng kháng chiến với danh nghĩa “Làng tín đồ”, nằm trong phạm vi 5 Ông Thẻ đã được cắm.

chua-tam-bao-1633240875.jpg
Một ngôi chùa của Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa 

Xây dựng hoàn tất làng kháng chiến, Ngô Lợi tổ chức lễ Đại trai đàn cầu siêu cho những vong linh “vị quốc vong thân” nhằm khơi gợi lòng yêu nước của tín đồ. Cùng thời điểm này, Trần Văn Thành còn chiêu mộ được một võ quan triều Nguyễn, tên thường gọi là Cử Đa. Cử Đa được giao nhiệm vụ huấn luyện võ nghệ cho nghĩa quân. Và võ phái Thất sơn Thần Quyền ra đời từ đây.

Tháng 3/1873, thực dân Pháp tổ chức một trận càn đại qui mô tấn công căn cứ Bãi Thưa. Sau 5 ngày đêm chiến đấu kiên cường, căn cứ bị vỡ, lãnh tụ  Quản cơ Trần Văn Thành hy sinh.                                                                               

Tờ báo Le Courrier de Saigon phát hành ngày 05/04/1873 tường thuật trận chiến và ca ngợi nghĩa quân của Trần Văn Thành chiến đấu kiên cường, xem cái chết nhẹ tênh. Cuộc kháng chiến của Trần Văn Thành thất bại nhưng những nghĩa binh còn sống vẫn tiếp tục nuôi dưỡng lòng yêu nước, chờ cơ hội đánh Pháp.

Tháng 05/1878, Ngô Lợi tổ chức cho 2 đệ tử thực hiện một cuộc khởi nghĩa ở Cai Lậy (Mỹ Tho) nhưng nhanh chóng bị dẹp tan. Ngô Lợi cùng nhiều nghĩa quân trốn thoát về căn cứ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tiếp tục ẩn dưới danh nghĩa tôn giáo nuôi mộng kháng chiến lâu dài. Ông Cử Đa cũng tổ chức một trận đánh chiếm đồn Cây Mít ở Châu Đốc. Trận đánh thất bại, ông Cử Đa thất vọng vào rừng sâu ẩn mình dưới vỏ bọc nhà sư cho đến khi viên tịch”.

Cần một nghiên cứu nghiêm túc về Đức Phật Thầy Tây An

Quán chiếu lịch sử và những giai thoại về 5 Ông Thẻ cho thấy các nhà khoa học lịch sử đã không ghi nhận đúng mực công lao kháng chiến của Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên.

06-1633241095.jpg
Đường xuống miệng “Hang Ông Thẻ” Núi Cấm.

Bỏ qua yếu tố tâm linh, cho thấy 5 Ông Thẻ là chứng tích kháng chiến chống Pháp rất rõ ràng. Điều đó cũng cho thấy vai trò tinh thần rất to lớn của Đoàn Minh Huyên đối với cuộc kháng chiến Binh Gia Nghị. Nói cách khác, Đoàn Minh Huyên không chỉ là lãnh đạo tối cao cuộc kháng chiến Binh Gia Nghị mà còn là lãnh tụ các lực lượng kháng chiến nằm trong vùng “lãnh địa Ngũ long trấn phục” như Cử Đa, Ngô Lợi, Nguyễn Trung Trực...

Sau khi cuộc kháng chiến Binh Gia Nghị bị Pháp đàn áp, ở vùng đất này các phong trào kháng chiến chống Pháp vẫn nối tiếp liên tục. Hầu hết đều có bóng dáng tín ngưỡng Bửu Sơn Kỳ Hương. Thậm chí, phong trào kháng chiến của Phan Phát Sanh (Phan Xích Long) ở Gia Định cũng mang nhiều âm hưởng của tín ngưỡng Bửu Sơn Kỳ Hương.

Di tích 5 Ông Thẻ là những di chỉ có liên quan đến cuộc kháng chiến chống Pháp của người dân miền Tây Nam bộ, rất cần được ghi nhận đúng với giá trị lịch sử và đúng với hy sinh máu xương của những nghĩa sĩ quên thân vì dân tộc./.

Nông Huyền Sơn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/giai-ma-di-tich-5-ong-the-o-an-giang-ky-cuoi-a18946.html