Đình Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (Kỳ 1): Hồi ức

Đình Làng Việt là nơi lưu giữ tâm hồn người Việt và trí tuệ người Việt. Đình Võ Liệt (xã Võ Việt, huyện Thanh Chương, Nghệ An) là ngôi đình có sự chuyển hóa và tái hiện lại trung thực thế giới quan của người nông dân qua bao thế hệ.

20210926-003505-1632669818.jpg
Đình Võ Liệt (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An) là một trong những ngôi đình làng lớn còn lại đến nay của huyện Thanh Chương nói riêng và của tỉnh Nghệ An nói chung. Ảnh: Nguyễn Diệu

Đình Võ Liệt tái hiện mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với cấu trúc xã hội làng xã Việt cổ đến cách ứng xử với  môi trường tự nhiên, tất cả những khái niệm “vô hình” được “phiên dịch” và “tái hiện” trong bộ khung gỗ chắc chắn mà linh hoạt, trong cấu trúc không gian thoáng mở mà tầng bậc, trong chủ đề trang trí mộc mạc mà tinh tế. 

Văn Miếu huyện!

Đình Võ Liệt tọa lạc trên cánh đồng Rè thuộc thôn Khai Tiến, xã Võ Liệt, phía trước có hồ sen giống như bao đình làng xứ Nghệ khác. Đây là một trong những ngôi đình làng lớn còn lại đến nay của huyện Thanh Chương nói riêng và của tỉnh Nghệ An nói chung.

Hơn nữa, đây còn là một trong 100 ngôi đình tiêu biểu của cả nước được giới thiệu trong tác phẩm nổi tiếng Đình Việt Nam của 2 tác giả Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự. Đình Võ Liệt đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia (quyết định số 1288/QĐ-VH, ngày 16 tháng 11 năm 1988).

20210926-003944-1632669869.jpg
Tất cả những khái niệm “vô hình” được “phiên dịch” và “tái hiện” trong bộ khung gỗ chắc chắn mà linh hoạt. Ảnh: Nguyễn Diệu

Võ Liệt vốn là tên làng - một làng cổ trù mật bên hữu ngạn sông Lam, tên chữ là Lam Thủy hay còn gọi là Lam Giang, Thanh Long và trải dài ven hữu ngạn sông Rộ, tên chữ là Võ Giang. 

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử địa phương, địa danh Võ Liệt (từ Hán Việt nghĩa là công nghiệp nhà võ) xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Bấy giờ làng Võ Liệt đã là hậu cứ cung ứng lương thảo cho Bình Định vương Lê Lợi. Thanh Chương huyện chí của Tri huyện Nguyễn Điển cho biết xã Võ Liệt thuộc tổng Võ Liệt - một trong 5 tổng của huyện Thanh Chương xưa. Tác giả luận án Tiến sĩ Đình Võ Liệt trong bối cảnh đình Nghệ An cho biết ít nhất đình này đã xuất hiện vào khoảng niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) thời Lê Trung Hưng. Trước khi trở thành Văn Miếu của tổng, giống như mọi ngôi đình khác, đình Võ Liệt là nơi thờ Thành Hoàng và là nơi họp làng. 

20210926-004004-1632670091.jpg
Đình Võ Liệt được khởi công xây dựng vào năm 1859, hoàn thành vào năm 1860. Người chủ trì thiết kế là nhà Nho Hoàng Chính Trực. Ảnh: Nguyễn Diệu

Thành Hoàng và các vị thần làng thờ ở đình Võ Liệt: Có 10 vị chính thần được thờ, trong đó có 3 vị đã được các triều vua phong tặng. Thần chủ của đình là Đô Thiên đại đế long vương thượng đẳng tối linh tôn thần và vị nhân thần Phan Đà tướng giỏi của Lê Lợi (Lê Thái Tổ), vốn đã có nơi thờ chính là đền Bạch Mã, thần chủ là Đô Thiên đại đế Bạch Mã thượng đẳng phúc thần”. Về sau, các triều đại phong kiến gia phong “Thượng - thượng - thượng đẳng tối linh phúc thần”.

Thế kỷ XIX, xứ Nghệ vươn lên đứng đầu cả nước về thành tựu khoa bảng. Nho học được đề cao, và đây cũng là thế kỷ bùng nổ đình ở xứ Nghệ với xu hướng biến đình làng thành Văn Miếu thờ Khổng Tử. 

20210926-003530-1632670183.jpg
Đình Võ Liệt đã xuất hiện vào khoảng niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) thời Lê Trung Hưng. Ảnh: Nguyễn Diệu

Đình Võ Liệt được khởi công xây dựng vào năm 1859, hoàn thành vào năm 1860. Người chủ trì thiết kế là nhà Nho Hoàng Chính Trực. Gia phả họ Hoàng ghi: “Ông Hoàng Chính Trực, hiệu là Cổ Duy, sinh năm Canh Dần, niên hiệu Minh Mệnh thứ 11 (1830), đậu Cử nhân khoa Tân Dậu, năm Tự Đức 14 (1861). Cha ông làm quan ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ và lúc đi học ông được cha dẫn ra Thăng Long tham quan nhiều danh lam thắng cảnh, trong đó có Văn Miếu Quốc Tử Giám… 

Từ đó, ông có ý tưởng xây một công trình theo kiểu như Văn Miếu tại quê hương để đề cao Nho học. Hội Văn tổng Võ Liệt chấp thuận ý định của ông và giao ông thiết kế, đốc công… Văn Miếu trùng diêm ở Võ Liệt theo quy thức kiến trúc thời Lý Thánh Tông ở Thăng Long”. Từ đây, ông tổ đạo Nho được đưa vào thờ cùng với các vị thần khác của làng.

Đây là nơi tế lễ và hội họp của Hội Văn tổng Võ Liệt vào tháng 8 âm lịch. Xuất phát từ đó, đình còn có tên gọi Văn quán, quán Hàng Tổng. Cùng với việc thay đổi về địa giới, huyện lỵ Thanh Chương cũng đã trải qua nhiều lần di dời. Lúc đầu ở sách Thổ Du thuộc tổng Thổ Hào, đời Lê chuyển sang xã Lương Trường tổng Bích Triều. Cuối đời vua Thành Thái (ở ngôi 1889-1907), sau khi có thêm hai tổng phía tả ngạn của huyện Nam Đàn là Đại Đồng và Xuân Lâm - vùng đất từ xã Thanh Khai đến xã Thanh Hưng hiện nay, và cắt tổng Nam Kim ở phía cuối hữu ngạn của Thanh Chương sáp nhập vào huyện Nam Đàn thì huyện lỵ Thanh Chương dời lên ở vùng chợ Rộ thuộc xã Võ Liệt, tổng Võ Liệt và đóng ở đó cho tới Cách mạng Tháng Tám. Từ đó, đình Võ Liệt trở thành Văn Miếu của huyện.

20210926-004114-1632670372.jpg
Có 10 vị chính thần được thờ tại đình Võ Liệt, trong đó có 3 vị đã được các triều vua phong tặng. Ảnh: Nguyễn Diệu

Mặc dù hiện nay di vật thờ cúng của đình không còn gì nữa, nhưng theo các bậc cao niên kể lại, xưa kia đây là Văn Miếu của tổng, từ năm 1907 trở thành Văn Miếu của huyện nên có nhiều hiện vật quý: 2 cờ đại, 6 cờ vuông, mâm cỗ bồng, bàn thờ Khổng Tử, trống, khánh đá, còn có cả chiêng đồng do Tiến sĩ Phan Sĩ Thục (1822-1891) năm 1872 đi sứ sang nhà Thanh về cung tiến. 

Ngày 26-1-2007, trong thư gửi Đảng bộ và nhân dân xã Võ Liệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Ở một xã, một huyện ít nơi có di tích lịch sử như ở đây. Tôi đã nói: Đây là văn miếu huyện rất đáng tự hào ở quê ta, các thế hệ con, cháu phải tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học đó của ông cha ta”.

Nguyễn Diệu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dinh-vo-liet-ky-1-hoi-uc-a18868.html