Đình An Lũy - “anh cả” của quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo

Đình An Lũy thuộc P. Tây Sơn, TX An Khê, T. Gia Lai được xem là ngôi đình đầu tiên của người kinh trên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo được xây dựng vào cuối thế kỷ 17 trong những năm đầu khởi nghĩa của nghĩa quân Tây Sơn. Đình cũng được xem là “anh cả” của quần thể Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo, căn cứ địa buổi đầu của phong trào nông dân Tây Sơn.

an-luy-1-1632541962.jpg
Đình An Lũy, nơi tưởng nhớ của 3 anh em nhà Tây Sơn ở Gia Lai. Ảnh: Phước Bình

Trong cuốn “Phủ biên tạp lục” của nhà bác học Lê Quý Đôn: “Chúa Nguyễn đã thu thuế hàng năm tại An Khê 1.500 quan, vì đó là một cửa nguồn lớn ở Đàng Trong”. Nhờ vào tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, từ đó, vùng đất An Khê thu hút người miền xuôi từ Bình Định, Quảng Ngãi vượt đèo An Khê, ranh giới với tỉnh Bình Định đã chen nhau lên mua bán trao đổi hàng hóa. Ngoài các bộ phận thú rừng đa dạng và quý hiếm, đến vật nuôi hay thuần dưỡng như voi, ngựa, trâu-bò, còn trữ lượng lâm sản thì nhiều vô kể như trầm kỳ, mật ong, trầu nguồn, nhựa thông… Dần dần người miền xuôi đến định cư đông đúc hơn lập nên làng xóm. Thế thường “Đất có dân, thần có chủ” họ lập đình miếu phụng thờ. Và  đình An Lũy đã đứng lên từ buổi sơ khai ấy, tọa lạc trên một cánh rừng rộng và bằng, hướng mặt về Tây Nam.

Đình An Lũy được xây dựng theo kiến trúc kiểu dáng thấp có 2 gian, 4 mái, 4 chái. Bên trên Đình có 2 con rồng chầu mặt trời gọi là lưỡng Long chào nhật và bên trong Đình thờ các vị tiền hiền, hậu hiền và các vị thần dân gian. Ngôi tiền đường có ba gian hai chái, hậu tẩm có một gian hai chái, hội đủ sáu vày kèo, tám cây quyết, tám cây đấm và bốn mươi cây cột. Gia nguyên, đỉnh chốt của ngôi đình được 6 bộ cối chày thon thả nâng cao và an tọa trên lưng sáu cây trính ba lá uốn cong, kèo nhất đoạn tạc đầu lân đuôi cá, năm gian bàn khoa cải tiến, ngưỡng cửa xoi chỉ lá sen, ngạch cửa xoi chỉ trái cốc… Tất cả các hạng mục gỗ đều toát lên nước sơn màu gụ màu vàng óng, hoặc màu hồng thẫm bóng ngời ngời. Mái ngói vảy nóc đúc lưỡng long tranh châu, nền và sân lát gạch Bát Tràng…

an-luy-1632541836.jpg
Đình An Lũy, nơi tưởng nhớ của 3 anh em nhà Tây Sơn ở Gia Lai. Ảnh: Phước Bình

Đặc biệt, đình được nằm trên một gò cao gần bên suối cái, hướng mặt về phía Nam nơi có ngọn núi Mò O trùng điệp là chốt canh gác của nghĩa quân Tây Sơn năm xưa. Nơi đây có vị trí quan trọng, quan sát được mọi động tĩnh của khu vực Đồn An Lũy, để anh em nhà Tây Sơn điều hành chỉ huy quân khởi nghĩa. Nhưng đến thời nhà Nguyễn lấy lại vương quyền, đã làm mọi cách xóa đi những vết tích nhà Tây Sơn tạo dựng. Tuy nhiên, để tưởng nhớ công lao của 3 anh em nhà Tây Sơn, người dân trong vùng đã lập nên 3 am thờ này. Theo các cụ cao niên kể lại: Để tránh sự dòm ngó của triều đình nhà Nguyễn nên người dân đã gọi chệch đi là các am thờ ông Hổ, Nhị vị thái tử, Thành hoàng bổn xứ nhưng thực ra trong tâm thức của người dân nơi đây, đây là nơi thờ, tưởng nhớ công đức của ba anh em nhà Tây Sơn.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, Đình An Lũy luôn là niềm tự hào của bao lớp người sinh ra và trưởng thành trên vùng đất Tây Sơn Thượng. Đây không chỉ là chứng tích lịch sử oai hùng và truyền thống thượng võ, vang danh gắn liền với phong trào khởi nghĩa Tây Sơn đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà còn là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu, khám phá.

Xét theo thời gian, đình hẳn là “anh cả” của quần thể “Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo-căn cứ địa buổi đầu của phong trào nông dân Tây Sơn (1771 - 1773) được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia./.

Gia Hân

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dinh-an-luy-anh-ca-cua-quan-the-di-tich-tay-son-thuong-dao-a18839.html