Nhớ Ngày “Nam Bộ kháng chiến” với niềm tin chiến thắng CoVid 19

Nhiều tỉnh, thành phố Nam Bộ đang là tuyến đầu chống dịch CoVid 19 càng gợi nhớ ngày này cách nay 76 năm, ba tuần sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sáng 23/9/1945, được sự giúp đỡ của quân đội Anh, thực dân Pháp nổ súng tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

nam-bo-1-1632366195-1632389746.jpg
Nhân dân Nam Bộ nổi dậy kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu

Nhân dân Nam Bộ đã phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, với khí thế “Thề quyết thắng quân ngoại xâm!”. Cũng từ ngày đó, trên các nẻo đường Tổ quốc lại vang lên bài ca “bất hủ” với cái tên “Nam Bộ kháng chiến” do người con của quê hương Vĩnh Long sáng tác nhân ngày Bác Hồ kêu gọi đồng bào miền Nam nhất tề đứng lên kháng chiến chống Pháp. Người nhạc sĩ ấy là Tạ Thanh Sơn, quê ở thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. “Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Rền khắp trời, lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền...”. Những giai điệu hào hùng ấy đã có sức cổ vũ rất lớn cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Nam Bộ trong những ngày đấu tranh gian khó. Tiếng hát cất lên mọi lúc, mọi nơi, từ thành thị đến thôn quê, từ nhà trường đến công sở... với trái tim sôi sục, với lòng căm thù giặc Pháp sâu sắc, với niềm tin mãnh liệt sẽ chiến thắng quân thù.

Trước “tiếng kêu sơn hà nguy biến”, dù gặp rất nhiều khó khăn và phải đương đầu với quân đội nhà nghề, khi trong tay chủ yếu là vũ khí thô sơ, quân và dân Nam Bộ đã kiên quyết kháng chiến, tích cực tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ kìm giữ chúng ở thành phố và các thị xã trong một thời gian dài, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, tạo điều kiện cho cả nước có thêm thời gian củng cố thực lực để bước vào Toàn quốc kháng chiến.

Ngày 29/10/1945, trong Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ Nam chí Bắc đồng bào ta luôn luôn sẵn sàng. Mấy triệu người như một, quyết tâm đánh tan quân cướp nước. Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc... Trước nạn ngoại xâm, toàn thể quốc dân đã đoàn kết chặt chẽ thành một khối kiên cố, thành một lực lượng thống nhất mà không một đội xâm lăng nào đánh tan được” [Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4 (1945-1946), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.89.]. Tháng 02/1946, ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đã tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”.

Nam Bộ mở đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã đi vào lịch sử dân tộc là một mốc son chói lọi, thể hiện khát vọng và ý chí không gì lay chuyển được của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Thời gian đã lùi xa, nhưng tinh thần và những bài học quý của Nam Bộ kháng chiến, đặc biệt bài học, kinh nghiệm về xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân đã được kế thừa, phát triển, vận dụng sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thống nhất đất nước, nhất là bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và chủ quyền lãnh hải. Cuộc kháng chiến của quân và dân Nam Bộ chống thực dân Pháp xâm lược đã cổ vũ tinh thần đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước, mở đầu cho những thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến sau này, đồng thời để lại nhiều bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Nhưng mùa thu năm nay, đất nước lại đứng trước an nguy bị “giăc CoVid 19” đe dọa mà Nam Bộ đang là tâm dịch, vẫn diễn biến phức tạp, chưa có hồi kết.

Khác với loại giăc ngoại xâm hữu hình hung bạo cách nay 76 năm về trước, lần này “giặc Covid 19” là kẻ thù vô hình chưa có tiền lệ, không biết nó ẩn nấp ở đâu, không phân biệt màu, mùi vị, cũng không  phân biệt chức vị, giàu có, sang hèn, không  phân biệt người có thẩm quyền cấp giấy, người bị xét giấy...

nam-bo-4-1632366944-1632389809.jpg
Đoàn cán bộ, chiến sĩ Học viện Quân y lên đường ngày 22/8/2021 hỗ trợ TPHCM và các tỉnh Nam Bộ chống dịch - Ảnh: TTO

Đáp lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyến Phú Trọng, phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái, dân ta từ Bắc vào Nam, triệu người như một “đồng lòng” huy động mọi nguồn lực chống dịch để mau chóng vượt qua thử thách này, thực hiện mục tiêu kép. Trong những lúc khó khăn, hoạn nạn thì “Nghĩa đồng bào” với tình yêu thương, sự sẻ chia càng được thể hiện rõ nét, sâu sắc hơn bao giờ hết. Hơn 17.000 cán bộ y tế cùng hàng vạn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an, thanh niên tình nguyện khắp cả nước đã được huy động tham gia “Đoàn quân Nam tiến” vào vùng tâm dịch TPHCM và một số tỉnh phía Nam hỗ trợ phòng chống dịch, cứu sống nhiều nạn nhân không may bị mắc CoVid 19. Thử thách này một lần nữa làm sáng rõ hình ảnh “Lương y như từ mẫu”, gương sáng chiến sĩ Công an “vì dân phục vụ”, bản chất tốt đẹp của “Bộ đội cụ Hồ” được phát huy, là chỗ dựa tin cậy, bảo vệ an toàn cho người dân. Các mô hình “ATM gạo”, “ATM oxy”, “ATM an sinh”… ở TP HCM đã trở thành mô hình tương trợ, lan tỏa tình yêu thương, san sẻ, đùm bọc những cảnh đời khó khăn trong mùa dịch, khơi dậy và tiếp nối truyền thống tương thân, tương ái từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Nguồn lực của Nhà nước và sự đồng thuận, đóng góp của nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đã tạo thành sức mạnh tổng hợp của đất nước đủ khả năng chống chọi, chiến thắng CoVid 19 mà Đảng, Nhà nước ta xác định chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tính mạng người dân là trên hết, trước hết, không để ại bị bỏ lại phía sau.

So với tuần trước, các địa phương ở Nam Bộ thực hiện tốt hơn công tác kiểm soát dịch là: Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, tình hình dịch tại TP. Hồ Chí Minh đã giảm cả 2 tiêu chí là số mắc trong cộng đồng và số tử vong. Các quận, huyện đã kiểm soát được dịch là Quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội…

Không riêng gì Việt Nam mà đại dịch Covid – 19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở trên thế giới và chưa có dấu hiệu giảm xuống, kể cả khi có vắc xin tiêm phòng dịch. Nhân loại đã và đang đối diện hoàn cảnh hết sức cam go, phức tạp, tốn kém và hiểm nguy.

Chúng ta đã trải qua cuộc chiến chống dịch CoVid 19 kéo dài gần 2 năm, trong đợt dịch thứ 4 này kéo dài hơn 4 tháng nay với biến thể chủng Delta siêu lây nhiễm để thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên, hiện nay, cả nước đang đối diện với dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, cam go.

Với việc đẩy mạnh tiêm chủng phòng dịch bao phủ toàn dân, kết hợp với thực hiện nghiêm khuyến cáo 5 K của Bộ Y tế và thuốc điều trị, chúng ta không được chủ quan, luôn có niềm tin chắc chắn vào thắng lợi trong cuộc chiến “chống giặc covid – 19”, nhất là ở tâm dịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ. Niềm tin và quyết tâm chiến thắng là có cơ sở, trở thành sự thật, bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám mà “Nam Bộ thành đồng Tổ quốc” từng đi đầu trong cuộc kháng chiến cứu nước cách nay 76 năm, chứ không phải viễn vông, hoang tưởng như các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch./.

Vũ Xuân Bân

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nho-ngay-nam-bo-khang-chien-voi-niem-tin-chien-thang-covid-19-a18820.html