Khúc bi tráng ca Nam Kỳ khởi nghĩa bất hủ

Quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng có rất nhiều sự kiện mang đậm dấu ấn lịch sử, mỗi sự kiện chứa đựng những bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng quý báu cho Đảng và nhân dân ta.

dau-tranh-1-1632297426.jpg
Bến Tre năm 1940. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940 ở Nam Bộ nói chung và Bến Tre nói riêng là một trong những sự kiện như vậy. Mặc dù khởi nghĩa diễn ra trong tình thế bất lợi và bị thất bại, nhưng đã để lại một khúc bi tráng ca bất hủ, giá trị tinh thần bất diệt cho các chiến sĩ cách mạng, nhân dân tỉnh nhà, nhân dân Nam Bộ và cả nước lúc bấy giờ cũng như mãi mãi sau này.

Bối cảnh lịch sử

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (9-1939), Trung ương đảng nhận định: Nhật sẽ xâm chiếm Đông Dương và Pháp sẽ đầu hàng Nhật, cách mạng Đông Dương sẽ bùng nổ; do vậy, chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp, nhân dân, thực hiện bằng được nhiệm vụ đánh đổ đế quốc, giải phóng dân tộc.

Đến giữa tháng 11-1940, trước tình hình phong trào cách mạng sôi sục, tinh thần phản chiến trong binh lính người Việt lên cao, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 20-11-1940, Ban Thường vụ họp khẩn cấp quyết định cho tất cả các nơi nổi dậy. Ngày 21-11-1940, Thường vụ Xứ ủy ra thông báo cho các cấp bộ Đảng phát động nhân dân nổi dậy, thời điểm hành động nhất loạt ở các tỉnh Nam Kỳ là lúc 0 giờ đêm 22, rạng 23-11-1940.

Tại Bến Tre, ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Đảng đã chỉ thị cho cán bộ, đảng viên hoạt động công khai nhanh chóng rút vào bí mật và giữ vững mối liên hệ với quần chúng. Các tổ chức đảng tiếp tục duy trì cơ sở ở thành thị nhưng phải chuyển trọng tâm về công tác nông thôn, biến nông thôn thành chỗ đứng chân vững chắc của cách mạng, kết hợp chặt chẽ phong trào thành thị với phong trào nông thôn. Khi Đảng bộ nhận được chỉ thị chuẩn bị khởi nghĩa của Xứ ủy giữa lúc phong trào cách mạng trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Hậu quả cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp năm 1939 đã gây cho Đảng bộ tổn thất nặng nề. Nhiều đồng chí trong cấp ủy và đảng viên bị bắt. Tỉnh ủy chỉ còn 3 đồng chí. Nhiều tổ chức của Đảng vừa mới khôi phục bị đánh phá tan rã. Đến giữa năm 1940, Tỉnh ủy được củng cố do đồng chí Đỗ Nghĩa Trọng làm Bí thư.

Sau khi nhận được chủ trương của Xứ ủy, Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc hội nghị tại căn cứ Rạch Vọp (làng Châu Bình) bàn kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa. Cuộc họp đang tiến hành, bị địch phát hiện đến bao vây. Đồng chí Huỳnh Thiên Tầng, liên lạc viên của Xứ ủy bị bắn trọng thương và bị bắt. Đồng chí Đỗ Nghĩa Trọng - Bí thư Tỉnh ủy cũng bị bắt. Cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ Bến Tre tiếp tục bị tổn thất, ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị cho cuộc nổi dậy của quần chúng.

dau-tranh-1632297408.jpg
Đêm 22, rạng sáng ngày 23-11-1940, nhân dân Nam Bộ đồng loạt nổi dậy. Ảnh tư liệu

Diễn biến cuộc khởi nghĩa

Trước tình hình trên, Xứ ủy đã cử đồng chí Phạm Thái Bường về Bến Tre làm Bí thư Tỉnh ủy để vừa nhanh chóng củng cố tổ chức vừa gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa. Tuy nhiên, do cơ sở cách mạng ở nhiều địa phương bị vỡ, đường dây liên lạc các địa phương bị gián đoạn chưa kịp nối lại nên Tỉnh ủy chỉ móc nối liên lạc được với một số làng trong tỉnh, thì thời điểm cuộc khởi nghĩa đã đến, chưa chuẩn bị kịp cho các mục tiêu quan trọng tại tỉnh lỵ, các quận lỵ.

Ở một số làng có cơ sở cách mạng còn khá, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, quần chúng đã bí mật thành lập các đội vũ trang; khẩn trương rèn vũ khí thô sơ như gươm, mã tấu, dao găm để tự trang bị; đồng thời, in truyền đơn, làm băng khẩu hiệu, may cờ chuẩn bị sẵn sàng nổi dậy. Đúng thời điểm hành động, đêm 22 rạng 23-11-1940, nhân dân Bến Tre được sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, dưới lá cờ đỏ sao vàng, đã đồng loạt nổi dậy.

 Tại quận Mỏ Cày, đồng chí Phạm Thái Bường - Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo đã huy động nông dân ở làng Thành Thới phá cầu Cái Chát Lớn, Cái Chát Nhỏ và rải truyền đơn trên đường đi từ cầu Cái Chát Lớn đến làng An Thạnh (Thom).

Tại quận Châu Thành, đêm 23-11-1940, quần chúng các làng An Khánh, Tân Thạch, Quới Sơn, Giao Long, Giao Hòa, An Phước, Phú An Hòa đã tổ chức mít-tinh biểu tình trên tỉnh lộ 17 đến ngã tư An Hồ, đoàn biểu tình xông vào nhà việc làng Tân Thạch đập phá sổ sách, địch hoảng sợ, bỏ trốn, không dám chống trả. Đồng chí Nguyễn Văn Song dẫn đầu đoàn nông dân, thanh niên, phụ nữ gần 50 người ở làng Phú Túc vũ trang dao, búa đến vây nhà hương sư Huấn, thu 1 súng hai nòng, rồi đến nhà địa chủ Đạo buộc hắn khui kho lúa phân phát cho dân nghèo. Đồng chí Mai Hoa Quỳ dẫn 20 thanh niên đến nhà Hương cả Đài buộc giải tán Ban hội tề làng Quới Thành. Đồng chí Nguyễn Văn Khá và một số thanh niên vũ trang làng Tân Phú kéo đến phá kho lúa của Đốc phủ Mầu ở cù lao Ngũ Hiệp (Mỹ Tho), lấy được lúa, phân phát cho nhân dân, quần chúng rất phấn khởi.

Cánh Nam Châu Thành (nay là huyện Giồng Trôm), các đồng chí Lê Văn Chân, Lê Văn Tốt và Võ Văn Ngói (Quản Ngói) đã huy động khoảng 200 người ở các làng Lương Quới, Lương Hòa, Châu Hòa, Phong Mỹ họp mít-tinh tại miếu Cây Gừa (thuộc ấp Lương Thuận, làng Lương Quới) kêu gọi quần chúng đứng lên khởi nghĩa. Sau đó, cuộc mít-tinh biến thành cuộc biểu tình tuần hành biểu dương lực lượng, quần chúng xông vào nhà việc các làng Lương Quới, Phong Mỹ phá trụ sở, đốt sổ sách giấy tờ. Cùng lúc đó, một bộ phận quần chúng được bố trí đào phá cắt giao thông trên lộ 26 từ Mỹ Lồng xuống Giồng Trôm đã cắt dây thép (dây điện thoại), đốn hạ các cây to hai bên lộ làm chướng ngại vật ngăn cản xe địch đến đàn áp. Tại Bình Hòa, đồng chí Mười Thiệu trong khi treo cờ thì gặp tên Phó hương quản Bùi Văn Đệ dẫn lính đi tuần, đồng chí Thiệu đã dũng cảm dùng dao chém tên Đệ bị thương. Trong lúc bọn chúng hoảng loạn, đồng chí đã nhanh chóng thoát thân. Ở Lương Phú, nhân dân đã đánh trống mõ, đốt pháo tre, giương cao cờ đỏ sao vàng biểu tình, tuần hành biểu dương lực lượng.

Tại quận Ba Tri, ở làng Mỹ Nhơn, Mỹ Chánh, Mỹ Hòa, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, nhân dân đã tập trung tại ngã ba Mỹ Hòa biểu tình, tuần hành kéo vào nhà việc Mỹ Chánh hô vang khẩu hiệu: Đả đảo thuế thân! đả đảo địa chủ quan làng!

Ở các làng Lộc Thuận, Phú Vang, Vang Quới (quận An Hóa) mặc dù có chuẩn bị, nhưng do bị đứt liên lạc, không nắm được thời giờ quy định nên cuộc khởi nghĩa không nổ ra được.

Cuộc khởi nghĩa tuy khí thế quần chúng sục sôi, tinh thần dũng mãnh, quyết liệt, nhưng chỉ nổ ra được trong một số vùng nông thôn, thiếu sự hưởng ứng kịp thời, rộng rãi của nhân dân toàn tỉnh, nhất là ở các trung tâm chỉ huy đầu não của địch, lại chưa đủ điều kiện chuyển lên phát động chiến tranh du kích để duy trì và phát triển cuộc khởi nghĩa. Do đó, địch đã tập trung lực lượng nhanh chóng dập tắt phong trào. Thực dân Pháp đã dìm cuộc khởi nghĩa trong biển máu, cho binh lính đốt nhà đồng bào, lùng sục bắn giết, bắt bớ, tra khảo cực hình cực kỳ dã man chưa từng có, trên 400 người bị giết, bị bắt, trong đó nhiều cán bộ, đảng viên ưu tú bị đày đến các nhà tù Bà Rá, Tà Lài và Côn Đảo. Đồng chí Phạm Thái Bường và các đồng chí trong Tỉnh ủy đều bị bắt. Tỉnh ủy và hầu hết các quận ủy đều bị tan rã, Đảng bộ Bến Tre một lần nữa bị tổn thất nặng nề.

Bài học kinh nghiệm

Cùng với các tỉnh Nam Bộ, dù bị thất bại, cuộc khởi nghĩa ở Bến Tre đã chứng tỏ ý chí, sức mạnh quật cường của quần chúng nhân dân. Với tất cả sự khốc liệt của nó, như một khúc bi tráng ca, khởi nghĩa Nam Kỳ là một thực tiễn sinh động về phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân và để lại những bài học quý báu.

Đó là bài học về xây dựng thực lực cách mạng gắn với nắm bắt thời cơ; bài học về sự phối hợp địa phương với cả nước; trong đó nổi lên bài học về xây dựng Đảng, gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, cuộc khởi nghĩa đã đào tạo và rèn luyện một đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng của Đảng, gương mẫu chiến đấu hy sinh vì quyền lợi của dân tộc, của nhân dân. Đặc biệt là bài học cho công tác chuẩn bị về lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang và phối hợp giữa hai lực lượng; không ngừng xây dựng lực lượng cách mạng trong quần chúng; khơi dậy và nhân lên sức mạnh vĩ đại từ sự đồng tâm, hiệp lực của quần chúng mà trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và trong cuộc Đồng khởi 1960 sau này ta đã làm được.

Kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa diễn ra vào thời điểm Bến Tre đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bến Tre phát huy tinh thần và những bài học kinh nghiệm của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đó là: Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân; tinh thần Đồng khởi; tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển Bến Tre về hướng Đông, huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững; tích cực chủ động hội nhập quốc tế; phấn đấu xây dựng Bến Tre thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và cả nước vào năm 2030, cùng cả nước phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

80 năm đã trôi qua, nhưng khúc bi tráng ca Nam Kỳ khởi nghĩa bất hủ - mãi mãi bất diệt trong dòng chảy của thời gian, là một trong những dấu son chói lọi trong thiên sử hào hùng Đảng bộ ta, nhân dân ta.

Theo Báo Đồng Khởi

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/khuc-bi-trang-ca-nam-ky-khoi-nghia-bat-hu-a18808.html