Nghệ nhân Nhân dân Trương Hán Minh – Một đời đam mê và cống hiến

Nghệ nhân Nhân dân, họa sĩ Trương Hán Minh, dân tộc Hoa, là bậc thầy về tranh thủy mặc ở Việt Nam, tên tuổi của ông được cả nước và quốc tế biết đến không chỉ với tài năng xuất chúng về vẽ tranh thủy mặc mà còn tấm lòng đối với người nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nay ông đã rời xa cõi trần để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn bè và công chúng.

21-09-2021-nghe-nhan-nhan-dan-truong-han-minh-mot-doi-dam-me-va-cong-hien-9a7b9970-details-1632269674.jpg
Chân dung NNND Trương Hán Minh

Ông đã ra đi nhưng tài năng và khí chất của ông vẫn còn đó, gia tài ông để lại là một kho tàng nghệ thuật tranh thủy mặc mang nét đặc trưng rất riêng của Việt Nam. Ông là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển văn học, nghệ thuật của thành phố, xứng đáng là niềm tự hào của đồng bào người Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh.

Sinh năm 1951, đến nay ông tròn 70 niên lão, trong đó có hơn 50 năm cầm bút, cả cuộc đời ông là một hành trình vượt lên khó khăn, tìm đến đam mê và dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật tranh thủy mặc. Ông sinh ra trong một gia đình thị dân nghèo khó vùng Chợ Lớn, lúc nhỏ ông phải nghỉ học sớm để giúp gia đình làm nông, sau đó ông mới tiếp tục đi học và tự học là chính. Năm 17 tuổi ông bắt đầu tìm đến học vẽ. Ông vừa học vẽ vừa làm thợ cơ khí, sản xuất dây thun, nguyên liệu tiểu thủ công nghiệp… cuộc sống vô cùng vất vả nhưng bằng tất cả niềm đam mê và nghị lực ông đã trở nên nổi tiếng và được giới mỹ thuật biết đến khi mới 22 tuổi đã có tác phẩm đạt giải Nhất tham gia triển lãm trong nước. Khi đã là người họa sĩ có tiếng ông vẫn phải vừa “tay cầm búa”, “tay cầm cọ”, mãi về sau từ một người thợ ông đã trở thành một doanh nghiệp thành đạt và khi đã rất nổi tiếng ông vẫn không bao giờ quên về những năm tháng khó khăn đó, cũng chính vì thế sau này ông đã dành phần lớn số tiền bán tranh để giúp đỡ người nghèo và trẻ em khó khăn. Tính đến nay ông đã vẽ trên 5.000 bức tranh thủy mặc, và có khoảng 70 cuộc triển lãm cá nhân và tập thể trong nước và các nước trên thế giới như Mỹ, Cannada, Pháp, Úc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…

21-09-2021thminh-2-1632269715.jpg

Xem trong quyển tập của ông sẽ thấy bên cạnh những tác phẩm với phong cách truyền thống vốn có của tranh thủy mặc là cảnh thiên nhiên sơn thủy hay các loài hoa là những tác phẩm, đề tài gần gũi, mang phong cách mới lạ rất Việt Nam và sinh động thể hiện lịch sử và thiên nhiên, con người Việt Nam như: Ký ức Trường Sơn, Sắc Thu hồ Hoàn Kiếm, Xuân Sa Pa, Nhà ở Mường Khương Lào Cai, Thác Bản Giốc, Vịnh Hạ Long, Góc biển Cà Mau, Ký ức Sa Pa, Ký họa Cần Giờ, Rừng Sác..., vẫn là sắc nước hương trời, là thiên nhiên bốn mùa, nhưng đường nét, màu sắc rất phóng khoáng, sinh động và hiện đại.

Ông cũng là Nghệ nhân nắm giữ nhiều kỷ lục nhất hiện nay. Năm 2010, ông dành tâm huyết để vẽ bức tranh thủy mặc “Phú quý trường xuân” có kích thước chiều dài 4,1m, cao 1,25m, hoàn thiện trong vòng nửa tháng. “Phú quý trường xuân” được ghi nhận Kỷ lục Việt Nam là Bức tranh thủy mặc về hoa dài nhất Việt Nam. Bức tranh sau đó được bán đấu giá với số tiền gần 2 tỷ đồng để giúp trẻ em nghèo khuyết tật trên cả nước. Từ năm 1977 ông bắt đầu vẽ tranh bán đấu giá để dành tặng tiền cho Quỹ “Vì người nghèo” hoặc các quỹ từ thiện khác. Năm 2013, ông được công nhận Kỷ lục Việt Nam và Châu Á là “Họa sĩ vẽ tranh thủy mặc có số lượng tranh được bán đấu giá để làm từ thiện nhiều nhất”. Ngày 14/01/2021, ông vinh dự được Viện Nội dung Kỷ lục Thế giới (WRCA) trực thuộc Liên minh Kỷ lục Thế giới – WorldKings tặng Đĩa vàng Cống hiến vì các giá trị nội dung Kỷ lục, nhằm ghi nhận quá trình cống hiến cho cộng đồng của ông.

21-09-2021thminh-3-1632269754.jpg
Ông Trương Hán Minh nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân năm 2019.

Với những cống hiến của mình cho văn học, nghệ thuật của Thành phố và nước nhà, năm 2018 ông được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, cũng là năm đầu tiên nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Nhân dân” cho 62 Nghệ nhân trong cả nước. Ông cũng là thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Ban Thường vụ Hội Văn học, nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Thành phố. Khép lại hành trình 70 năm đam mê và cống hiến, Nghệ nhân Nhân dân, họa sĩ Trương Hán Minh đã để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị nghệ thuật, một nhân cách cao cả và một tấm lòng bao la của người hoạt động “nghệ thuật vị nhân sinh”.

Những bức ảnh của ông phần lớn mang đề tài về mùa xuân và thiên nhiên hoặc những bức họa được ông cảm tác từ những bài thơ cổ. Đặc biệt, ông rất tâm đắc với bài thơ Nguyên Tiêu và Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì vậy ông đã dành nhiều tâm huyết của mình để họa mỗi bức tranh là một câu thơ trong hai bài thơ của Bác… Trong cách thể hiện này ông đã dùng "nghệ thuật thư họa" để thể hiện thơ chữ Hán của Bác Hồ, với lối điểm bút sắc sảo, lúc đậm lúc nhạt, vẽ mây trên núi, khói sương phủ rừng cây… phù hợp với nội dung từng câu thơ rất sinh động. Trong tập "Nhật ký trong tù" đã được thư họa thành các tác phẩm như: "Khai quyển" (Mở đầu tập Nhật ký), "Phân thủy" (Chia nước), "Dã cảnh" (Cảnh ngoài đồng), "Vãng Nam Ninh" (Đi Nam Ninh), "Công kim" (Tiền công), "Anh phỏng Hoa đoàn" (Đoàn đại biểu Anh thăm Trung Hoa), "Đáo Đệ tứ chiến khu Chính trị bộ" (Đến Cục Chính trị chiến khu 4), "Thu cảm"... Với bài thơ Nguyên tiêu ông dùng nghệ thuật vẽ tranh thủy mặc thể hiện và minh họa thơ Bác Hồ như các tác phẩm: "Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên", "Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên", "Yên ba thâm xứ đàm quân sự", "Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền", "Nhớ chiến sỹ"... Ông từng cho biết ông thực hiện những tác phẩm này bằng tất cả lòng yêu quý của mình dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo thanhuytphcm.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-nhan-nhan-dan-truong-han-minh-mot-doi-dam-me-va-cong-hien-a18797.html