Khai quật những bí ẩn kinh ngạc giữa Hồ Con Rùa - Dinh độc lập và vận mệnh chính trị của Nguyễn Văn Thiệu (Kỳ VI)

Nếu nhìn từ khía cạnh địa lý thì vị trí đất dinh Độc Lập và Hồ Con Rùa là 2 gò nổi cao nhất trong khu vực. Từ thời Gia Long, vị trí dinh Độc Lập là 1 trạm gác của thành Qui. Sau khi chiếm Gia Định, Pháp phá bỏ trạm gác và chùa Khải Tường (nơi vua Minh Mạng chào đời) xây tạm một đồn trấn thủ.

Ngày 23/02/1868, Thống đốc Pháp Lagrandiere cho khởi công xây dựng dinh Thống đốc theo bản thiết kế của kiến trúc sư Hermite. Viên gạch đầu tiên do Thống đốc Lagrandiere đặt trong lễ khởi công được tinh tuyển từ núi đá Biên Hòa, bên trong có đặt những đồng tiền kim loại có in hình Napoleon III. Đó là chi tiết mà Huỳnh Liên cho là Pháp trấn yểm long mạch. Công trình này kéo dài đến năm 1873 mới hoàn tất. Vì dinh nằm chắn ngay đầu con đường Boulevard - Norodom nên được gọi Palais Norodom (Không liên quan gì đến quốc vương Canmpuchia Norodom lúc bấy giờ như 1 số người từng nghĩ). Đến năm 1887, dinh này trở thành nơi làm việc của Toàn quyền Đông Dương (3 nước Việt Nam, Campuchia, Lào).

sai-gon-dinh-toan-quyen-dong-duong-norodom-buu-anh-mau-crespin-sg-so-51-at-1632120093.jpg
Dinh Toàn quyền Đông Dương Norodom

Sau khi thất thủ trận Điện Biên Phủ, bỏ chạy khỏi Đông Dương, Mỹ nhảy vào Việt Nam hà hơi tiếp sức dành lấy miền Nam và cùng Pháp tạo dựng nên chính phủ bù nhìn Bảo Đại. Palais Norodom trở thành phủ Thủ tướng và mang tên mới là dinh Độc - Lập. Ngô Đình Diệm được Mỹ đẩy lên làm Thủ tướng cho chính quyền Bảo Đại rồi sau đó làm Tổng thống cái "Việt Nam Cộng Hòa đệ nhất". Diệm trưng dụng Palais Norodom làm phủ Tổng thống.

Năm 1957, Bộ trưởng Bộ Công chánh Trần Lê Quang - Tốt nghiệp ngành cầu đường ở Pháp - được Diệm giao thiết kế lại con đường Norodom thành Xa Lộ từ dinh Độc Lập xuyên thẳng Thảo Cầm Viên ra sông Sài Gòn, bắt cầu thẳng sang bờ Bắc nối liền với Thủ Đức mang tên Xa Lộ Sài Gòn. Thế nhưng khi nghiên cứu lại thì thấy con đường đâm thẳng vào dinh Tổng thống, Diệm yêu cầu dời Xa Lộ Sài Gòn ra đường Phan Thanh Giản (Nay là đường Điện Biên Phủ).

Năm 1961, Diệm còn lệnh cho xây sửa lại dinh Độc Lập. Nhiều bản thiết kế được đưa vào cho Diệm chọn. Bản thiết kế của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ được chọn.

06-1632120348.jpg
Hồ Con Rùa thời Ngô Đình Diệm

Ban đầu Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ trình bản thiết kế mang hình chữ "vương" theo Hán tự nhưng Diệm đề nghị xây thêm ở tầng giữa một tầng thượng để chữ "vương" biến thành chữ "chủ". Diệm lập luận, làm vua thì dinh thự này cũng chỉ tạm thời, còn làm chủ thì mãi mãi.

Chưa kịp khởi công thì ngày 27/02/1962, hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc ném bom vào dinh Độc Lập khiến công trình cũ bị hư hại một góc. Đến ngày 01/07/1962 dinh mới chính thức được khởi công.

Công trình chưa hoàn tất thì ngày 01/11/1963, Diệm bị đảo chính và bị giết chết. Sau khi Diệm chết, Thiệu tiếp tục cho xây hoàn thiện.

Đến ngày 31/10/1966, dinh Độc Lập chính thức được khánh thành. Khi đó, Nguyễn Văn Thiệu đã là Chủ tịch cái "Ủy ban lãnh đạo quốc gia".

Thầy bói Huỳnh Liên khẳng định, chính đầu rồng quẫy đạp nên Diệm mới bị đảo chính và bị giết. Để con rồng dinh Độc Lập không quẫy đạp nữa, cần phải dùng pháp thuật đóng đuôi rồng xuống đất cho nó nằm im chịu phép. Ngoài ra ông còn đề nghị bỏ cột cờ phía trước mặt dinh vì nó giống hình ảnh ngọn lửa đốt cháy… chế độ. Thật ra, lúc đó ông hàm ý Nguyễn Cao Kỳ "đốt cháy" dinh Độc Lập. Bởi theo Hán tự, "kỳ" là "cờ". Đó là lý do sau khi Nguyễn Cao Kỳ được làm Thủ tướng nhưng Thiệu nài nĩ Kỳ đừng dọn vào dinh ở. Nguyễn Căn Kỳ đành thu xếp 1 chỗ trong sân bay Tân Sơn Nhất làm văn phòng làm việc và ở luôn cho đến năm 1975.

Một ngày cuối năm 1970, Hồ Con Rùa được khởi công xây dựng gấp gáp ngay tại vị trí cổng thành Khảm Khuyết thuở xưa. Giữa trung tâm hồ nước tròn là một đài tưởng niệm cao có hình cánh hoa xòe. Theo Huỳnh Liên, đó là cây đinh đóng ghim đuôi rồng xuống đất cho nó đừng vùng vẫy. Dưới chân đài có đúc một con rùa lớn bằng kim loại đội tấm bia đá ở trên lưng. Tấm bia đá khắc tên nhiều quốc gia.

12-1632120455.jpg

                   Con rùa đội bia đá khi chưa bị phá hủy.

Là đà trên mặt hồ nước là 3 đường hình bán nguyệt, 1 đường hình dấu hỏi giao nhau dưới chân "cây đinh". Từ trên cao nhìn xuống, 4 lối đi trên mặt nước tạo thành một đồ hình giống lá bùa. Năm 1972, công trình Hồ Con Rùa hoàn thành và được đổi tên thành Công trường Quốc tế nhưng dân Sài Gòn vẫn thích gọi đó là Hồ Con Rùa.

Cho đến tận bậy giờ nhiều người vẫn đặt đấu hỏi, 4 con đường trên mặt nước là chữ bùa gì? Người thì đoán đó là chữ "Trấn thần" theo chữ Phạn. Theo giới pháp sư Xiêm, Lèo, Trà Kha sử dụng chữ Phạn vẽ thần phù thì 4 con đường đó chỉ hao hao thôi chứ không giống.

Người thì đoán đó là chữ "gạo" theo Hán tự cách điệu. Vì Thiệu tuổi tý, trấn phù bằng chữ "gạo" thì kể như "chuột sa hủ gạo", sống giàu sang, thụ hưởng suốt đời. Tuy nhiên, xoay dọc ngang, đồ hình đó cũng chỉ hao hao chứ không đủ nét để tạo thành chữ gạo.

Sau năm 1975, thầy Chim Huỳnh Liên đói khổ đã đổi vài ký gạo để tiết lộ với 1 người nguyên là Thiếu tá Thủy quân Lục chiến Việt Nam Nam Cộng Hòa định cư ở Cali về thăm quê hương rằng: "Nó chẳng mang chữ gì cả. Đầu rồng nằm ở dinh Độc Lập. Thần rồng chạy dọc theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa xuống bến Bạch Đằng rồi ẹo lên theo đường Đồng Khởi, đi qua nhà thờ Đức Bà để đuôi rồng nằm ở Hồ Con Rùa. Những lối đi ấy là rẽ quạt đuôi rồng. Những rẽ quạt ấy từ xương cụt của đuôi rồng tủa ra theo đường tròn rồi tụ về hướng đường Võ Văn Tần. Do tôi vẽ tồi nên cái rẽ quạt đuôi rồng không được giống lắm". Hóa ra, cái đồ hình của Hồ Con Rùa chẳng có ý nghĩa gì hết. Ấy vậy mà nhiều người tin đến sái cổ.

Nhiều người tin đến nỗi, nếu Hồ Con Rùa bị phá bỏ, con rồng thoát kiếp giam cầm sẽ bay lên trời, tự dưng cái dinh Độc Lập sẽ sập và chế độ đương quyền sẽ tan rã (!?).

Thế là sau năm 1975, khi đất nước đã thống nhất, một tổ chức khủng bố chống đối chính quyền cách mạng đã ấu trĩ cho rằng, chỉ cần phá bỏ Hồ Con Rùa thì "bất chiến tự nhiên thành". Hồ Con Rùa sập, chính quyền cách mạng sẽ tự tan rã. Chúng lén đặt mìn dưới bụng tượng con rùa. Kết quả, con rùa thành đống sắt vụn, bia đá thành bụi. Chính quyển cách mạng vẫn vững vàng xây dựng đất nước và phát triển bền vững đến ngày nay. Sau vụ nổ, chỉ 1 thời gian ngắn, lực lượng công an TP. Hồ Chí Minh tóm gọn trọn vẹn tổ chức khủng bố này đưa ra tòa. Thời đó, người dân gọi đó là "vụ án Hồ Con Rùa".

14-1632120899.JPG

Ngày nay không còn con rùa nhưng người ta vẫn thích gọi đó là Hồ Con Rùa.

Cũng thời điểm 1971, Nguyễn Văn Thiệu còn nhờ Huỳnh Liên lấy danh nghĩa trấn phong thủy để đặt "hậu điện vua" ở quê nhà Ninh Thuận.

Cách nơi chôn nhau cắt rốn của Thiệu vài cây số có dãy núi Đá Chồng. Trên núi có ba tảng đá lớn chồng lên nhau có hình thù quái dị nên dân gian đặt tên là hòn Mặt Quỷ. Cách Mặt Quỷ khoảng 1 cây số có một tảng đá lớn hình tam giác nhọn giống như cái dao chặt xương của mấy bà bán thịt nên được gọi tên là hòn Đá Dao. Huỳnh Liên rêu rao rằng, con quỉ trên Đá Chồng biết "chân mạng đế vương" sẽ đầu thai ở gần đó nên đã xuất hiện "yểm mệnh" sẵn từ thuở khai sơn phá thạch. Ông trời biết vậy nên xếp đặt hòn Đá Dao chắn trước mặt quỷ. Nhờ vậy, Thiệu vẫn đường hoàng lên làm vua. Nếu vì lý do nào đó, hòn Đá Dao bị vỡ, con quỷ sẽ soán ngôi Thiệu.

Để bảo vệ linh khí cho Thiệu, cần trấn phù hộ yểm.

Nông Huyền Sơn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/khai-quat-nhung-bi-an-kinh-ngac-giua-ho-con-rua-dinh-doc-lap-va-van-menh-chinh-tri-cua-nguyen-van-thieu-ky-vi-a18758.html