Bí ẩn về bức thành dưới đáy biển Quy Nhơn trải qua hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẹn

Vùng biển gần bờ xã Nhơn Hải (TP. Quy Nhơn) từ lâu tồn tại một bờ thành chìm trong lòng biển, chỉ nhìn thấy khi thủy triều xuống. Bờ thành này nối liền vách đá từ thôn Hải Nam ra đến đảo Hòn Khô của thôn Hải Đông. Bề mặt thành phẳng, rộng hơn 10m, độ cao của thành hiện chưa xác định được. Cho đến nay không ai biết chính xác tường thành này dài đến đâu và được xây dựng từ thời nào...

bo-thanh-1632111408.jpg
Mặt trên tường thành khá bằng phẵng như do bàn tay con người tạo ra.

Theo nhiều ngư dân làm nghề thợ lặn cho biết: Khối bờ dưới biển không phải làm bằng đá ong như các công trình Chăm cổ. Tường thành giống như được xây bằng hồ vữa, đúc thành từng khối khổng lồ ẩn sâu dưới lòng biển, có chiều dài hơn 3km chỉ hiện ra thủy triều rút, thường rơi vào những ngày đầu, cuối tháng, hay vào những ngày rằm hàng tháng. Đặc biệt, bức tường này ở một số đoạn có chừa ra một số khoảng trống để tàu thuyền có thể vào. Mặt trên tường thành khá bằng phẵng như do bàn tay con người tạo ra. Tuy nhiên cũng có giả thuyết cho rằng chúng được mài mòn từ sóng biển. Đây cũng là sản phẩm của tự nhiên giống như Ghềnh Đá Đĩa ở Phú Yên.

Bờ thành ở vùng biển xã Nhơn Hải là một di tích rất lạ, tường thành nằm sâu dưới lòng biển hàng trăm năm qua nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Hiện vẫn không biết bức tường này là của người Chăm hay là của người Việt mình. Nhưng khi mà nước xuống thì mình mới thấy, còn nước nên thì không thấy. Bí ẩn của tường thành dưới biển chính là không biết do tự nhiên hình thành hay do con người xây dựng. Khi đứng trên bức tường và quan sát bằng mắt ta có cảm giác như một công trình giao thông của người xưa.

bo-thanh-2-1632111548.jpg

Theo TS Đinh Bá Hòa, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định cho biết: Bờ thành Nhơn Hải và lũy đá trên núi Tam Tòa là những công trình phòng thủ khác nhau. Theo thư tịch cổ để lại, người Chămpa đã xây dựng 4 thành lớn tại địa bàn tỉnh Bình Định bao gồm: thành Thị Nại thuộc huyện Tuy Phước; thành Đồ Bàn và thành Cha ở thị xã An Nhơn và thành Uất Trì ở huyện Tây Sơn. Ngoài ra còn nhiều di tích tường thành nhỏ khác đã bị chiến tranh tàn phá, nay chỉ còn dấu tích mơ hồ nằm rải rác ở nhiều địa phương trong tỉnh, chưa thống kê hết.

Bình Định ngàn năm trước từng là kinh đô của Vương quốc Chăm-Pa, ở đây còn lưu lại dấu tích của một nền văn minh cổ đã bị mai một. Những cuộc khai quật tự phát của người dân địa phương và của các cơ quan văn hóa, bảo tàng trong hàng chục năm nay đã phát hiện nhiều di vật Chăm cổ. Cư dân địa phương trong lúc canh tác đã tình cờ tìm thấy những buồng cau, lá trầu và những vật dụng thờ cúng bằng vàng. Nhiều tượng chăm cổ có hình voi, bò, rắn, thủy quái... nằm dưới lòng đất từ hàng ngàn năm, đã dần được phát hiện, khai quật.

Các công trình nghiên cứu sử học và khảo cổ học cho thấy, tỉnh Bình Định trước đây là một trong những địa phương thuộc cư dân tiền sử Sa Huỳnh và sau này là một trong những tiểu vùng của Vương quốc Chămpa. Thành phố Quy Nhơn nói chung và xã đảo Nhơn Hài, Nhơn Châu cũng thuộc vùng đất Vijava (từ thế kỷ 11 đến 15, từng là kinh đô của vương quốc Chămpa - (1000 - 1471).

Ở Bình Định có nhiều phế tích của văn hóa Chăm, một số giếng cổ hình vuông; rắn Naga; trụ văn bia; tượng thần điểu Garuđa; phù điêu Lăng Ông; khu mộ cổ, tượng tu sĩ.., có lẽ bức tượng lạ tại thôn Hải Giang - xã Nhơn Hải, và bức tường thành bí ẩn ở đây cũng là một trong những di sản văn hóa Chăm độc đáo được người dân phát hiện. Việc bờ tường thành nằm dưới nước biển hàng trăm năm qua mà vẫn còn nguyên vẹn chứng tỏ kỹ thuật xây dựng rất độc đáo./.

Gia Hân

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bi-an-ve-buc-thanh-duoi-day-bien-quy-nhon-trai-qua-hang-tram-nam-van-con-nguyen-ven-a18754.html