Nỗi đau tột cùng của người đàn bà sinh 8 nuôi 4 ở Nghệ An

Tôi tìm về xóm 5, xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An theo lời kể của một người bạn để tìm hiểu về số phận của người đàn bà đáng thương. Được sự trợ giúp của người dân, tôi đã tìm được nhà của bà. Lúc này, ngồi trước mặt tôi là người đàn bà khắc khổ với gương mặt phúc hậu. Bà là Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1948).

ba-binh-02366677-1632059316.gif
Bà Bình kể về số phận của mình. 

Năm 1972 bà Bình lập gia đình với ông Lên Văn Tiếu (ông Hồng) quê Nghi Lộc. Sau đó ông Hồng đi bộ đội, xuất ngũ ông về làm công nhân, bà Bình cũng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và được tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất. 

Lấy nhau được chừng khoảng 10 năm thì ông Hồng mắc bệnh xơ gan cổ trướng rồi qua đời. Hai vợ ông bà sinh 8 người con nhưng số phận nghiệt ngã, ông bà chỉ nuôi được 4. Con gái đầu tên là Lê Thị Phương (sinh năm 1975) là người duy nhất bình thường và hiện nay lập gia đình có con sống trong xã. Còn lại 3 người con sau đều mang trọng bệnh.

Hỏi về hoàn cảnh gia đình, bà Bình từ từ chia sẻ những nỗi đau, có lẽ với bà sự chịu đựng đó đã quá đủ, đến mức chai sạn nên bà kể về quá trình sống và chăm sóc các con một cách rất đỗi bình thường như thể cuộc đời đã an bài cho bà vậy.

Nhìn về đứa con gái đang ngồi bên cạnh là chị Lê Thị Thức (sinh năm 1979) bà nói: "Nó bị bệnh thần kinh giản từ nhỏ, tay thì bị gãy, bình thường vẫn tỉnh nhưng khổ nỗi mỗi khi bị lên cơn là tự nhiên bổ ngả (ngửa) giữa cươi (sân) thậm chí là bổ giữa nhà tắm, quần áo ướt đầm đìa, tôi nhìn con lòng như ai xát muối, tôi lấy dầu xoa bóp khắp người một lúc rồi lại tỉnh… Mà cũng may, nó còn đỡ hơn hai đứa kia, ngoài bệnh động kinh thì có những lúc nó tỉnh, nó không quậy phá, lúc tôi ốm đau không dậy nấu ăn được thì có nó, nó nấu được cái gì thì cả nhà ăn cái đó chứ biết làm sao. Sao ông trời lại nhẫn tâm với tôi như vậy".

Đúng như lời bà Bình kể tôi vào đầu tiên là gặp chị Thức, lúc đó bà Bình không có nhà, chị Thức vẫn nói rành rọt với tôi rằng: "Bà đang đi quanh xóm". Nhìn bộ dạng chị tôi nhận ra ngay là người không bình thường, áo quần rách rưới, bẩn thỉu, gương mặt đờ đẫn, trên cổ để lộ rất nhiều vết lở loét đáng sợ…

Trong câu chuyện, hình như tôi thoáng thấy niềm hi vọng nhỏ nhoi là bà Bình vẫn muốn cậy nhờ vào người con gái thứ 2 này!?

ba-binh-027-1632059385.gif
Đứa con gái bà Bình suốt ngày cười nói sống một cách vô thức. 

Khi tôi hỏi về người con gái thứ 3, bà Bình buồn rầu kể: "Nó tên Lĩnh sinh năm 1983. Nó học được, nhưng đến lớp 6 thì đổ bệnh. Một ngày nọ nó đi về đầu ngắc ngứ, cười cười nói nói thất thường suốt ngày, sau đó bệnh nặng cho đến bây giờ". Về việc ăn uống, thuốc men cho chị Lĩnh bà Bình nói: “Nó ăn uống thất thường, và ít ăn lắm, nó ăn vội vàng, chỉ lùa thức ăn vào miệng một cách vô thức như thể ăn để sống vậy thôi, việc cho nó uống thuốc cũng khó lắm, mỗi khi cần cho nó uống thuốc gì thì luộc trứng lên, sau đó lấy chiếc đũa chọc một lỗ sâu và nhét viên tuốc vào sau đó đưa cho nó ăn, mà đa phần là thuốc ngủ, đêm nó có ngủ đâu, nó quậy phá suốt”…

“Nó ở bẩn lắm, 3 năm nay chưa tắm một lần nào. Cứ tôi kéo nó đi tắm là nó lại xô tôi ngã, đã nhiều lần tôi nhờ hàng xóm, người thân đến để tắm cho nó nhưng nó vật, nó chống không cho ai đưa đi tắm, nên giờ chỗ ngủ của nó bẩn và hôi lắm”, bà nói trong nước mắt.

ba-binh-nghe-an-0235667-1632059473.gif
Cô chị ngây ngô bên người mẹ già.

Chúng tôi vào căn phòng dành cho chị Lĩnh, căn phòng ẩm thấp, chiếc giường được kê bằng những viên taplo, không gian tăm tối bốc lên những mùi khai nồng, hôi hám, gối chăn vứt bừa bộn, dù hàng ngày vẫn được bà Bình dọn dẹp vệ sinh…

Nỗi đau chồng chất nỗi đau và có lẽ chẳng ai đủ mạnh mẽ để bình thản trước những “cú đòn chí mạng” của cuộc đời nhắm vào mình hết lần này đến lần khác, giọng bà chùn xuống, đôi mắt ngấn lệ khi nói về người con trai út, niềm hy vọng cuối cùng, bà kể: "Nó (Lê Văn Đình) sinh năm 1985 lúc đầu nó bình thường như bao người khác, nó học đến lớp 9 rồi nghỉ, ngày đó theo mọi người đi phu hồ, sau đó nó vào miền Nam chăn thả trâu bò cho người ta. Một ngày nó bảo nghe một bên đầu đau choáng váng, sau đó về quê chữa bệnh, rồi bệnh trở nặng từ đó. Tôi đã vay mượn, chạy chữa thuốc thang rồi thì cúng bái đủ kiểu, hy vọng nó qua khỏi nhưng tất cả đều bất lực".

Giờ đây, nó nằm gần như liệt giường, sợ lạnh, sợ nước, sợ rượu, sợ mùi khói thuốc, sợ tiếp xúc với người khác. Về quê, đã 3 lần nó nhảy xuống giếng, có lần người ta vớt lên, hỏi nó sao làm vậy? Nó im lặng một lúc rồi bảo “Không có tiền uống thuốc, nên nhảy xuống cho chết đi” may mà phát hiện kịp thời không thì nó đâu còn nữa. Nó rất ít khi tắm rửa, luôn trùm kín chăn nằm một chỗ… tôi khổ quá chú ạ!"

ba-binh-023677-1632059516.gif
Đứa con trai của bà Bình nằm như liệt gường.

Về các chế độ xã hội hỗ trợ bà Bình nói: "Hiện nay ba người con bệnh tật của bà mỗi người được Nhà nước hỗ trợ 500 ngàn/tháng/người. Còn thằng Đình trước tôi vay ngân hàng để chạy chữa cho nó nhưng không khỏi, khoản nợ ấy mấy năm sau không trả nổi bởi trước đây tôi khỏe còn làm 4 sào ruộng còn có cái ăn, mấy năm nay già yếu ruộng để cho người ta làm, khoản nợ ấy may mà có các đoàn từ thiện họ thương, giúp đỡ nay đã trả hết. Giờ đây, mỗi tháng phải mua một triệu hai (Một triệu hai trăm ngàn đồng) tiền thuốc ở viện tâm thần".

Thường ngày, đứa con gái thứ 3 của bà đi vệ sịnh tiểu tiện, đại tiện một cách tùy ý, vậy nên, đi ở đâu là sau đó bà Bình phải dọn rửa lau chùi ở chỗ ấy, ngày không biết giờ nào và bao nhiêu lần. "Mà có lau chùi vệ sinh đến đâu thì cũng làm sao xử lý hết được những mùi xú uế đó. Những năm trước còn khỏe còn làm ruộng rồi nấu nướng chăm sóc chúng nó, giờ đây những căn bệnh tuổi già như thoái hóa khớp… bắt đầu hành hạ, sức khỏe ngày càng yếu đi một mình lo một phần thì lo cho chúng nhiều hơn, rồi đây, tôi ốm đau, tôi mất thì ai lo cho chúng", bà uất nghẹn.

ba-binh-023667-1632059588.gif
Gia cảnh bà Bình hết sức khó khăn.

Trao đổi với PV ông Trịnh Văn Thưởng - Chủ tịch UBND xã Thanh Ngọc cho biết: "Những năm qua chính quyền các cấp luôn xem gia đình bà Bình là trường hợp đặc biệt. Các chế độ chính sách hỗ trợ như hộ nghèo, chăm nuôi người tàn tật được thực hiện đầy đủ, các ngày lễ Tết, các đợt bão lũ luôn được các đoàn thể trong xã đến thăm hỏi, giúp đỡ ngày công. Hoàn cảnh của bà Bình rất đáng thương và mong đón nhận được sự qua tâm hơn nữa của các nhà hảo tâm".

Rời khỏi căn nhà ấy, điều ám ảnh tôi không chỉ là những bộ dạng rách rưới bước đi xiêu vẹo vô hồn của người con gái thứ 3 mà còn là hình ảnh người phụ nữ già nua khắc khổ với chiếc chổi cùn mệt mỏi vào ra vệ sinh phân tro, chất thải của những đứa con đã lớn, điều mà lẽ ra bà chỉ làm vài năm đầu đời chúng nó.

Tôi cũng băn khoăn day dứt với câu nói của bà, “một mai tôi không còn nữa thì chúng nó sẽ về đâu?” Tôi không dám mong có một phép màu để các con bà Bình hoàn toàn bình phục mà tôi chỉ mong bài viết này sẽ đến được với nhiều người hơn, sẽ gặp được nhiều tấm lòng từ bi hỷ xả, góp chút công của giúp họ có đủ cái ăn, một phần thuốc men chữa bệnh, phần nào sẻ chia bù đắp cho những mảnh đời bất hạnh đến cùng cực này.

Mọi sự quan tâm giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Chị Nguyễn Thị Phương (con gái bà Bình). Địa chỉ: Xóm Yên Đình, xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Điện thoại: 0353025453.

Bá Bình

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/noi-dau-tot-cung-cua-nguoi-dan-ba-sinh-8-nuoi-4-o-nghe-an-a18750.html