Hiểu đúng về khái niệm "Tam hợp” và “Tứ hành xung"

Tứ hành xung không có tội và cần được minh oan khi người đời hiểu lầm và gán ghép cho tuổi xung chiếu, đối chiếu trở thành tội đồ là tạo sự xung khắc, nhất là ở chuyện tìm bạn trăm năm của các cặp uyên ương.

tu-hanh-xung-la-gi-1625254737-1631982692.jpg

Thông thường mỗi một người đều có một tuổi sinh được đặt theo theo Can Chi để định vị năm sinh của mình như sinh năm Giáp Tý, năm Can Dần, năm Quý Hợi,... Có 12 con giáp để gắn với năm sinh của mỗi người, đó là Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi.

Mỗi một tuổi đều có liên quan đến các tuổi khác và liên quan đến những người có quan hệ trực tiếp hay gián tiếp với mình. Cổ nhân đúc kết là lập ra các nhóm tương hợp giữa các tuổi là nhóm Tam và nhóm Tứ của 12 con giáp trên: Tam hợp và Tứ hành xung. Nhóm Tam hợp bao gồm: Dần - Ngọ - Tuất; Thân - Tý - Thìn; Tỵ - Dậu - Sửu; Hợi - Mão - Mùi. Nhóm Tứ hành xung bao gồm: Dần - Thân - Tỵ - Hợi; Thìn - Tuất - Sửu - Mùi; Tý - Ngọ - Mão Dậu.

Nếu nhìn trên Lá số Tử vi với mỗi cung ứng với một tuổi, lần lượt từ tuổi Tý cho tới tuổi Hợi trong 12 cung ta sẽ thấy nhóm Tam hợp cứ tuổi nọ cách nhau 4 tuổi, thí dụ tuổi Tý đến tuổi Thìn cách nhau 4 tuổi (Sửu - Dần - Mão - Thìn); tuổi Thìn cách 4 tuổi đến tuổi Thân; tuổi Thân cách 4 tuổi đến tuổi Tý. Các Tam hợp khác cũng tương tự. Tam hợp chỉ có 4 nhóm mà thôi.

Tứ hành xung thì các tuổi đối nhau thành từng cặp: Dần đối với Thân cách nhau 6 tuổi (Mão - Thìn - Tỵ - Ngọ - Mùi - Thân); Thân đối với Dần cũng cách nhau 6 tuổi (Dậu - Tuất - Hợi - Tý - Sửu - Dần); Tỵ đối với Hợi; Thìn đối với Tuất; Sửu đối với Mùi; Tý đối với Ngọ; Mão đối với Dậu.

Lâu nay người đời đều cho là Tam hợp tức là hợp nhau. Xung tức là xung khắc là không hợp nhau. Vì quan niệm đó mà khi chọn bạn, chọn đối tác làm ăn, chọn bạn đời người ta tìm cách chọn người có tuổi trong các nhóm Tam hợp mà cố tình tránh phạm vào nhóm Tứ hành xung coi như các tuổi năm trong nhóm Tứ hành xung là các tuổi xung khắc nhau, kỵ nhau sẽ làm cho việc hợp tác, cộng tác khó vẹn toàn.

Vậy liệu quan niệm đó có đúng hay không?

Người nào nghiên cứu Tử vi đều hiểu rất rõ khi luận giải lá số với dầy đặc các sao trong lá số thì người luận giải lá số phải nắm rõ một số nguyên tắc về âm, dương; về sinh, khắc,... Trong nhiều nguyên tắc cần phải hiểu và vận dụng thì có các nguyên tắc liên quan đến vị trí của các sao trong các cung và mối quan hệ của các sao trong các cung với nhau, trong đó là các nguyên tắc về Tam hợp chiếu, Xung chiếu, Giáp chiếu và Nhị hợp chiếu (tức song chiếu).

Tầm quan trọng của các nguyên tắc chiếu này thì thứ nhất là xung chiếu, tức là chiếu trực tiếp, là đối diện; thứ hai là hợp chiếu; thứ ba là nhị chiếu và cuối cùng là giáp chiếu. Thí dụ đang xem xét các sao tại cung Tỵ (kể cả là tuổi Tỵ) thì cung thứ 2 cần xét tới là cung đối chiếu, tức là cung Hợi (kể cả là tuổi Hợi). Nhóm thứ ba là xét đến các cung trong nhóm Tam hợp. Trong trường hợp này là 2 cung Dậu và Sửu. Nhóm thứ tư là xét đến cung Nhị hợp và trong trường hợp này là cung Thân. Nhóm cuối cung là xét đến các cung Giáp chiếu. Trong trường hợp này là cung Thìn và cung Ngọ. Như vậy mức độ hợp tác quan trọng nhất lại là xung chiếu rồi mới đến hợp chiếu và các nhóm còn lại.

Đến đây thì lời giải đã rõ: Xung chiếu không phải là Xung khắc như lâu nay người đời quan niệm. Các tuổi trong nhóm Tứ hành xung là mức độ hợp tác, phối hợp tốt nhất chứ không hề làm hại người có tuổi đối chiếu, xung chiếu với đối tác.

Tứ hành xung không có tội và cần được minh oan khi người đời hiểu lầm và gán ghép cho tuổi xung chiếu, đối chiếu trở thành tội đồ là tạo sự xung khắc, nhất là ở chuyện tìm bạn trăm năm của các cặp uyên ương.

Phạm Văn Tân

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hieu-dung-ve-khai-niem-tam-hop-va-tu-hanh-xung-a18731.html