Sáng 14-9, Bộ KHĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 cho khu vực trung du, miền núi Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng. Tại điểm cầu trụ sở Bộ KHĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 giao Bộ KHĐT chủ trì xây dựng kế hoạch, kịch bản để phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới. Bộ đang khẩn trương hoàn thiện đề án phục hồi kinh tế cho giai đoạn 2022-2023.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngay trong tháng 10, Bộ sẽ trình các cấp có thẩm quyền thông qua.
Theo báo cáo của Bộ KHĐT, năm 2021, hầu hết địa phương miền Bắc đều chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến nhiều chỉ tiêu kinh tế có thể không đạt được như đề ra. Mặc dù vậy, vẫn có một số địa phương có khả năng đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng GRDP năm trên 10,5%, vượt kế hoạch là 10%; Bắc Ninh dự kiến tăng 6,45%; Ninh Bình là 8%; Nam Định 8,5%; Hà Nam 9,3%.
Tuy nhiên, các địa phương còn lại xác định không đạt mục tiêu. Hà Nội dự kiến chỉ tăng khoảng 4,54%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra (trong khoảng 7,5-8,0%). Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, TP đang xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng cho nửa cuối năm. Ở kịch bản một, dự báo GRDP quý III có thể là -0.8%, sau đó quý IV phục hồi dần và tăng 6,98% cả năm. Kịch bản 2 thấp hơn, dự kiến quý III có thể giảm 0,98%, quý IV phục hồi dần và đạt 5,15%.
Hải Phòng ước tăng 12,82%, vẫn là mức cao nhưng thấp hơn so với kế hoạch 13,5%. Hưng Yên ước tăng 6,32%, Vĩnh Phúc 6,88%, Thái Bình 5,75%...
Bộ KHĐT tính toán tốc độ tăng trưởng của miền Bắc (gồm trung du, miền núi Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng) ước đạt 7,04%.
Dự báo năm 2022, Bộ KHĐT cho rằng khu vực này nói riêng và cả nước nói chung sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng, tác động của đại dịch Covid-19. Kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, nguy cơ khủng hoảng về tài chính, tiền tệ, nợ công trên phạm vi toàn cầu và những thách thức lớn đối với thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Vẫn theo Bộ này, trong năm 2022, Chính phủ sẽ thực hiện mọi giải pháp để có thể có đủ lượng vaccine tiêm cho người dân, đáp ứng miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022. Đó là cơ sở quan trọng nhất để kinh tế Việt Nam dần phục hồi.
Bộ KHĐT dự báo tăng trưởng GRDP của miền Bắc năm 2022 đạt khoảng 7,91%. Thu nhập bình quân đầu người theo giá hàng hóa sẽ đạt khoảng 110 triệu đồng/năm. Các tỉnh miền Bắc dự kiến xuất khẩu khối lượng hàng hóa ước đạt khoảng 98 tỷ USD./.
Theo SGGPO
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/trinh-de-an-phuc-hoi-kinh-te-cho-giai-doan-2022-2023-trong-thang-10-a18708.html