Quảng Ngãi: Xâm thực biển đe dọa cuộc sống người dân

Xâm thực biển kéo dài nhiều năm khiến cuộc sống người dân ven biển xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị đảo lộn, nhiều người phải di dời nhà cửa, mất đất.

sat-lo-binh-chau-5-1-of-1-1631838656.jpg
Bờ kè bị sóng đánh vỡ của nhà bà Bùi Thị Trang. Ảnh: Phú Nhiêu 

Dọc biển thôn Châu Thuận Tây (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) có mức độ xâm thực nặng, những bờ kè được người dân làm bằng đá, xi măng cũng bị sóng biển cuốn trôi, phá tan, nhiều đất vườn, nhà ở người dân bị cuốn một phần hoặc mất đất.

Toàn bộ đá kè chắn sóng dài gần 40m, hàng dứa gai cao đến gần 3m của bà Bùi Thị Trang đã bị sóng cuốn sập, bà Trang mất một phần đất vườn phía sau nhà và khu vực chuồng trại.

Bà Trang cho biết: “Để làm kè, nhà tôi đã mua mấy chục xe đất, đá, đào sâu xuống 2m để đổ đá làm móng, chiều dài gần 40m, thế nhưng mỗi năm sóng biển xâm thực ăn sâu từ 3 - 4m, như năm 2020 bão, triều cường lớn, biển xâm thực ăn sâu 12m, cuốn phăng đất, chuồng trại chăn nuôi, nhà bếp hư hỏng. Tôi trồng cây hàng chục cây dứa gai để chống xâm thực nhưng đến nay không còn cây nào, nay tôi đang trồng lại một hàng dứa gai mới dù có lẽ bão năm nay thì hàng dứa gai cũng sẽ trôi theo sóng”.

Nhiều nhà bị xâm thực đã đầu tư bờ kè kiên cố nhưng đều bị sóng phá vỡ như ông Võ Văn Pháp đã từng đầu tư một bờ kè kiên cố bằng xi măng, đá tảng đến hơn 200 triệu vào những năm 2006, chiều cao bờ kè đến 2,5m, thế nhưng xâm thực biển mỗi mùa bão đã phá vỡ toàn bộ bờ kè. Ông Pháp nói: “Năm ngoái, bão, sóng lớn đánh ầm ầm vào bờ kè, sóng lấn qua cao 4 - 5m, cuốn hết 300m2 đất. Nhà có kè xây dựng kiên cố mà giờ cũng không còn, tôi già rồi nên không có tiền để đầu tư kè nữa. Tôi đành đổ đất cao ở phía sau nhà để hạn chế xâm thực, nếu sóng có cuốn thì chỉ cuốn phần đất cao mà không vào tới sau nhà”.

sat-lo-binh-chau-3-1-of-1-1631838784.jpg
sat-lo-binh-chau-6-1-of-1-1-1631838807.jpg
Bờ kè nhà ông Pháp bị sóng đánh vỡ. Ảnh: Phú Nhiêu 

Ông Pháp cũng từng có hàng dừa với hơn 100 cây từ 7 - 8 tuổi và đã ra trái thế nhưng bão, sóng biển xâm thực đã khiến cho cả hàng dừa không còn. Ông chia sẻ: “Mỗi mùa bão, sóng biển lớn, người dân gần biển ai nấy đều lo sợ và di chuyển đi nơi khác”.

Ông Đỗ Hữu Từ, Trưởng thôn Châu Thuận Tây, cho biết: “Bão số 5 vừa qua, mặc dù sức gió mạnh nhưng thủy triều cạn nên chỉ có một số hộ bị ảnh hưởng xâm thực biển, tuy nhiên những năm thủy triều lớn, nguy cơ xâm thực biển rất cao. Có hơn 200 hộ nguy cơ xâm thực biển nằm dọc ven biển và mỗi năm bão đều phải di dời đi, có gần 40 hộ dân đã bị hư hỏng nhà cửa, có nhà đã bỏ trống chuyển đi nơi khác vì xâm thực biển trong nhiều năm liền”. Theo ông Từ, mỗi năm xâm thực biển ăn sâu ở nơi nguy hiểm đến 20 - 30m. Người dân đã đổ đá, làm kè nhưng đều bị sóng lớn đánh sập.

sat-lo-binh-chau-2-1-of-1-2-1631838545.jpg
sat-lo-binh-chau-1-1-of-1-1-1631838906.jpg
Sóng xói lở một phần đất cát dưới chân bờ kè. Ảnh: Phú Nhiêu 

Ông Lê Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Bình Châu, cho biết, xã Bình Châu có đường ven biển dài 17,2km trong đó, năm 2009, Nhà nước đã đầu tư xây kè chắn sóng tại thôn Định Tân và một phần thôn An Hải, còn thôn Phú Quý do có dãy đá trầm tích, sóng biển không xâm thực, riêng các thôn còn lại khu vực biển Châu Tân (thôn Châu Me), thôn Châu Thuận Tây, Châu Thuận Biển và một phần An Hải hằng năm đều chịu ảnh hưởng xâm thực.

Nguy cơ cao nhất là thôn Châu Thuận Tây vì đã xảy ra tình trạng bờ kè người dân bị sóng đánh vỡ, nhà cửa, đất cuốn trôi. Ngoài ra, khu vực biển Châu Tân (thôn Châu Me) nguy cơ người dân mất đất vườn do xâm thực.

Ông Nguyên cho biết: “Địa phương mong muốn các cấp quan tâm, đầu tư kè biển để chống xâm thực biển hằng năm. Chiều dài cần đầu tư từ 7 - 10km tại các thôn ven biển nguy cơ xâm thực cao”./.

Phú Nhiêu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/quang-ngai-xam-thuc-bien-de-doa-cuoc-song-nguoi-dan-a18700.html