Lãnh đạo Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam cho biết đã thực hiện trả tiền sử dụng tác phẩm cho các tác giả, tuy nhiên 99/100 tác giả được hỏi cho biết họ không nhận được đồng nào.
Tiền đi đâu?
NXB Giáo dục ngày 29-6 đã có Công văn số 1509 gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) báo cáo và xin ý kiến bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc chi phí nhuận bút SGK và mức chi trả tiền tác quyền sử dụng tác phẩm văn học trong sách giáo khoa (SGK). Trong văn bản này, ông Vũ Văn Hùng, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục, cho biết dù Luật Sở hữu trí tuệ đến năm 2006 mới có hiệu lực nhưng tại thời điểm biên soạn (từ 2002-2008), NXB này đã có ý thức và thực hiện trả tiền sử dụng tác phẩm cho các tác giả có tác phẩm thơ, văn được các tác giả biên soạn SGK trích, sử dụng trong SGK Tiếng Việt và Ngữ văn.
“Tùy thuộc vào mức độ trích sử dụng, NXB Giáo dục trả từ 100.000-250.000 đồng cho mỗi tác phẩm hoặc đoạn trích và sách biếu (mức trả được áp dụng tùy theo việc trích dẫn: vài câu thơ, khổ thơ hay đoạn văn. Mức cao nhất không vượt quá tiền nhuận bút biên soạn bài học đó)” - báo cáo nêu rõ. Ông Vũ Văn Hùng cũng khẳng định: “Việc trả tiền sử dụng tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ đưa vào SGK, NXB Giáo dục sẽ phối hợp với Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) để giải quyết một cách hợp lý, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, bà Phạm Thanh Thủy, Phó Giám đốc VLCC, cho hay nhiều tháng qua trung tâm này đã dành nhiều thời gian để khảo sát khoảng 100 nhà văn, nhà thơ xem họ có nhận được tiền tác quyền SGK chưa? Kết quả cho thấy 99% tác giả được hỏi đều trả lời chưa nhận được tiền nhuận bút từ NXB Giáo dục. Duy nhất có tác giả Lê Minh Khuê xác nhận đã nhận đủ tiền nhuận bút từ NXB Giáo dục. “Các tác giả không đi đòi vì ngại, vì bận rộn hoặc vì không để ý, trong khi VLCC lại không được ủy thác thu tiền bản quyền nên tiền bản quyền SGK lâu nay vẫn là câu chuyện ít được đề cập” - bà Thủy nói.
Như vậy, trên thực tế, số tiền để chi trả tác quyền cho các tác giả là bao nhiêu, bao lâu nay đi về đâu hiện vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Chưa thống nhất được công thức tính
Bà Phạm Thanh Thủy cho biết giữa tháng 8-2014, đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, VLCC và NXB Giáo dục có cuộc họp trao đổi về việc chi trả tiền bản quyền cho các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong bộ SGK Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5 và SGK Ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 12. Hai bên đã thống nhất phối hợp nhau trong việc chi trả tiền bản quyền, việc thống kê chi tiết bản quyền sẽ do chuyên viên hai bên làm việc cụ thể. Bà Thủy cũng nói thêm việc chi trả này sẽ chia làm 2 giai đoạn, đối với SGK xuất bản năm 2014, hai bên sẽ đối soát để thống nhất phương án chi trả hợp lý. Riêng với những ấn phẩm từ năm 2013 trở về trước, hai bên tiếp tục trao đổi để thống nhất quan điểm, ai chưa được trả thì sẽ trả.
Tuy nhiên, cái khó trong việc chi trả tác quyền giữa VLCC và NXB Giáo dục là hai bên vẫn không thống nhất được nguyên tắc chi trả. Theo điều 13 Nghị định 18/2014/NĐ-CP, các tác phẩm thơ - văn xuôi được hưởng khung nhuận bút từ 8%-17% cùng phương thức tính nhuận bút = tỉ lệ % x giá bán lẻ xuất bản phẩm x số lượng in. Với các tác phẩm tái bản, cũng được nhận mức nhuận bút từ 50%-100% mức nhuận bút ban đầu. Với cách tính này, số tiền bản quyền mà NXB Giáo dục phải chi trả cho các tác giả rất lớn, lên đến hàng tỉ đồng mỗi năm. Lãnh đạo VLCC cho biết phía trung tâm muốn áp dụng cách tính này.
Trong khi đó, phía NXB Giáo dục lại nghiêng về phương án áp dụng mục 12 trong nhóm 1 điều 13 về sách bài học, sách bài tập, sách vở bài tập, sách cho giáo viên, sách chương trình mục tiêu (theo chương trình của Bộ GD-ĐT). Nếu SGK xếp vào mục này thì cách tính tiền bản quyền lại được tính như sau: “Nhuận bút = Tỉ lệ phần trăm (%) x Mức tiền lương cơ sở x Số lượng tiết học theo quy định của chương trình”. Nếu áp dụng cách tính này, tiền bản quyền của các tác giả có tác phẩm văn, thơ được trích sử dụng trong SGK sẽ rất khiêm tốn.
NXB Giáo dục cam kết chi trả bản quyền cho các tác giả nhưng bao nhiêu, như thế nào thì vẫn phải chờ ít nhất đến cuối tháng 10-2014, khi VLCC và NXB này tiếp tục ngồi lại với nhau để họp bàn. Và có lẽ, việc họp bàn sẽ còn dài dài, ít nhất là cho đến khi Cục Xuất bản và Cục Bản quyền đưa ra được công thức tính nhuận bút hợp lý mà điều này thì xem ra rất khó.
* Cơ quan chức năng chưa trả lời
Vì không thống nhất được phương án chi trả, bà Phạm Thanh Thủy cho hay cuối tháng 9-2014, VLCC đã có công văn gửi Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị hướng dẫn mức chi trả nhuận bút tác phẩm được sử dụng trong hệ thống SGK. Theo công văn này, VLCC muốn được biết áp dụng mức nhuận bút nào? Tuy nhiên đến nay đơn vị này vẫn chưa nhận được hướng dẫn từ cơ quan chức năng.
Theo Người Lao Động
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nxb-giao-duc-39lo39-tien-tac-quyen-suot-10-nam-hang-chuc-ti-dong-ai-huong-a187.html