Do dốt nát chính trị, ông ta đã biến nghị trường Việt Nam Cộng Hòa thành một sân khấu bi hài. Hàng chục kẻ cơ hội chính trị cũng nhăm nhăm xông vào cuộc tranh giành quyền lực càng khiến vở bi hài kịch đó càng thêm rối rắm. Hàng ngàn cuộc biểu tình của quần chúng diễn ra khắp miền Nam. Chịu hết nỗi, chính quyền Mỹ quyết định đập bỏ hết hệ thống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, xây dựng 1 vở kịch dân chủ mới. Mỹ bắt đầu tìm những diễn viên chính trị mới từ đội ngũ những viên tướng trẻ như Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông, Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu…
Sau khi cho CIA thẩm tra lý lịch từng viên tướng trẻ này, Mỹ chốt danh sách 2 người. Đó là Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ và Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu. Chỉ số thiện cảm của Mỹ dành cho Kỳ cao hơn Thiệu.
Cũng cần nhắc lại một số biến cố chính trị để nhận diện Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu thời điểm 1964.
Thời điểm đó (năm 1964), quần chúng đang mạt sát cái gọi là "hiến chương Vũng Tàu rất… vi hiến" của Nguyễn Khánh. Để khỏa lấp, chính quyền Mỹ tạo nên cái "thượng hội đồng quốc gia" để kiềm hãm những hành động khùng khịu của Nguyễn Khánh. Phan Khắc Sửu được đẩy vào ngồi ghế "quốc trưởng".
Tưởng cái “Thượng hội đồng quốc gia” sẽ làm lắng dịu tình hình, không ngờ giới chính trị gia Sài Gòn lại lồng lộn đạp đầu nhau để chen chân tìm ghế. Tình hình đã rối càng thêm rối. Đang rối như canh hẹ thì bất ngờ, ngày 27/09/1964, tại một buổi lễ ở Pleiku, đứng trên bục, trước hàng ngàn binh sỹ và quần chúng, Nguyễn Khánh đọc một bài diễn văn tự ca ngợi sự anh hùng của mình rồi ngẫu hứng thét: "Quân đội là cha Quốc gia!”.
Ngay ngày sau hầu như tất cá các loại báo chí trong lẫn ngoài nước đồng loạt in đậm câu: Nguyễn Khánh tuyên bố quân đội là cha nhân dân. Một đợt sóng biểu tình lại có dịp xuất hiện ngay sau câu tuyên bố nhảm nhí đó. Từ thành thị đến nông thôn, nơi nào cũng xảy ra biểu tình đòi hỏi Thượng Hội đồng quốc gia phải có biện pháp xử lý việc quân đội lấn át quyền hành chính quyền.
Lúc này ông Trần Văn Hương đang đang là Thủ tướng cầm quyền nhưng quyền lực thật sự lại nằm trong tay Nguyễn Khánh. Để gỡ gạc sĩ diện chính quyền, Trần Văn Hương buộc lòng phải tuyên bố: Quân đội phải trả quyền lực cho cái "thượng hội đồng quốc gia". Nỗi khùng, ngày 18/12/1964, Nguyễn Khánh lôi cổ 1 số viên tướng lên Đà Lạt để thành lập “Hội đồng quân lực” nhằm lật đổ cái "thượng hội đồng quốc gia". Việc này, Khánh không xin phép Đại sứ Mỹ.
Rạng sáng ngày 21/12/1964, Nguyễn Khánh cho binh sĩ ôm súng xông vào từng nhà 6 vị “Thượng Hội đồng Quốc gia” và 14 chính khách khác lùa lên xe bít bùng chở thẳng ra sân bay đẩy lên trực thăng bay ra Pleiku nhốt. Cuộc “đảo chính” này đã khiến Đại sứ Taylor nỗi điên và chính quyền Mỹ nhận ra Nguyễn Khánh có biểu hiện thần kinh.
Mấy ngày sau, một sỹ quan CIA tên là Miller nhận lệnh trực tiếp từ tòa Bạch Ốc: “Tiếp xúc với các tướng trẻ để chuẩn bị thay thế Nguyễn Khánh”. Tướng trẻ là Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Chánh Thi.
Không hay biết Mỹ đã quyết định đuổi cổ mình, ngày 1/1/1965, Nguyễn Khánh vẫn vô tư bay xuống Cần Thơ thăng lon từ Thiếu tướng lên Trung Tướng cho Nguyễn Văn Thiệu, đang là Tư Lệnh Quân Ðoàn 4.
Cũng cần nhắc lại rằng, sau cuộc đảo chánh 1/11/1963, Nguyễn Văn Thiệu đang là Đại tá Chỉ huy trưởng Sư Đoàn 5 Bộ Binh đã được thăng cấp Thiếu Tướng giữ chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân.
Nhằm tạo lộ trình cho Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu lên nắm vai trò thống lĩnh chính quyền, ngày 18/1/1965, Taylor yêu cầu chính phủ Trần Văn Hương phải giao cho Nguyễn Văn Thiệu giữ chức Đệ nhị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quân lực và Nguyễn Cao Kỳ giữ chức Tổng trưởng Thanh niên Thể thao kiêm Tư lệnh Không quân. Sau khi ấn định Thiệu, Kỳ vào 2 vị trí then chốt dân sự lẫn quân sự, viên sỹ quan tình báo CIA Miller tìm gặp Khánh bảo: “Đã đến lúc ông nên từ chức kẻo Thiệu và Kỳ sẽ làm một cuộc đảo chính. Nếu điều đó xảy ra, người Mỹ sẽ không bảo đảm được tính mạng cho ông đâu. Ông nhớ ông Diệm chứ?”. Cám thấy lạnh lưng nên ngày 25/02/1965, Nguyễn Khánh đành rời Sài Gòn lên máy bay ra nước ngoài sống cảnh lưu vong.
Cả Thiệu lẫn Kỳ đều biết mình đang được Mỹ casting vai diễn lãnh đạo tối cao Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chơi mới mang tên dân chủ. Để cuộc chơi có hương vị dân chủ, Mỹ muốn cả hai thi đấu nhau tại 1 cuộc bầu cử.
Cả đều biết sẽ phải đập nhau trên võ đài bầu cử, ai thắng có quyền bước lên ghế tổng thống.
Nguyễn Cao Kỳ thì bỏ tiền thuê ký giả ca ngợi mình là viên tướng "cao bồi" và tạo một lượng fan ca ngợi.
So với đối thủ, Nguyễn Văn Thiệu ít thành tích hơn nên chả có gì để ký giả viết bài ca ngợi. Nhưng ông ta có cách riêng của mình và đã được chuẩn bị từ năm 1965.
Thời đó, hầu hết những viên tướng Việt Nam Cộng Hòa có mốt "nuôi" mật vụ riêng. Thời chiến tranh loạn lạc, những người giàu có bị bắt lính tìm cách đút lót cho tướng để khỏi phải cầm súng. Họ vẫn có quân số nhưng được "ông thầy" rút về tư dinh làm lính kiểng. Những lính kiểng này thường làm công việc việc nhà cho vợ "ông thầy". Nếu không quét dọn vườn tược thì làm sốp phơ (tài xế) cho vợ ông thầy. Mỗi vị tướng thường nuôi tại tư gia ít nhất 1 tiểu đội lính kiểng.
Đến thời điểm Ngô Đình Diệm bị giết, Sài Gòn trở thành nồi cháo heo hổ lốn hàng trăm món rau chính trị. Ngày nay đảo chính, ngày mai chỉnh lý, ngày mốt cải tổ. Tướng tá tranh giành quyền lực, đấu đá nhau hầm bà lằng. Thế là những vị tướng xua đám lính kiểng osin đi rình mò, nghe ngóng đối thủ rồi mật báo về. Từ đó các viên tướng có mốt nuôi "lính rình" trong nhà, gọi cho sang là "mật báo biệt lập". Nuôi "mật báo biệt lập" giống như chơi dao 2 lưỡi. Vì được nuôi trong nhà nên chuyện thâm cung bí sử gì của "ông thầy" chúng đều biết. Là dân tay ngang, không học hành chuyên môn tình báo nên qui tắc bảo mật đối với đám này là thứ xa xỉ. Đã có không ít "mật báo viên biệt lập" của tướng A đã bán thông tin cho "mật báo viên biệt lập" của tướng B.
Do mang tính đa nghi cao độ, Nguyễn Văn Thiệu không thèm nuôi 1 bầy "mật báo biệt lập" trong nhà mà chỉ nuôi 1 "con". Đó là người bạn đồng khóa sỹ quan, đồng thời là cậu họ bên vợ tên Q, gốc Gò Công, Tiền Giang. Q được đi Mỹ học thêm 1 khóa ngắn hạn về quân sự. Ngoài vai trò cậu vợ, Q còn là "quân sư quạt mo" về An Ninh cho Thiệu.
Q đang nắm quyền tư lệnh vùng 4, nhân vụ "biến động miền Trung" vào tháng 3/1966, Nguyễn Cao Kỳ hất Q ra khỏi quân đội. Thiệu rút Q về làm quân sư quạt mo cho mình.
Trước tình hình Nguyễn Khánh làm mưa làm gió Sài Gòn, chính trị biến động từng giờ, Q ngăn cản Thiệu nuôi lính "mật báo biệt lập" vừa tốn cơm vừa dễ bị bán đứng. Q xui Thiệu nên nuôi một… thầy bói. Nếu nhìn từ khía cạnh nghiệp vụ tình báo thì 1 thầy bói có giá trị gấp 10 lần 1 nhân viên ăn học bài bản.
Nhân viên tình báo đi thu thập thông tin dễ bị ăn đòn hơn một thầy bói đi lê la hỏi chuyện. Ngoài ra, thầy bói còn có khả năng tuyên truyền, thuyết phục và lôi kéo quần chúng theo mục tiêu chính trị. Thế là Thiệu duyệt.
Lúc ấy chưa ai biết "chiêm tinh gia Huỳnh Liên" là ai.
Hàng ngày, các tiểu thương ở chợ Bến Thành thấy một người đàn ông nói giọng miền Trung, đầu tóc chải dầu dừa bóng mượt, mặc áo veston sờn cũ, mang giầy bot - ta - na - ca - ni đã rách mõm, lẵng lặng trải chiếu ngồi khiêm tốn ở một góc chợ.
Ông ta dựng 1 tấm bảng viết chữ nghệch ngoạc "Chiêm tinh gia đoán vận mạng, tình duyên, tài lộc". Ông ta không buồn trò chuyện với ai. Vì không biết tên nên các tiểu thương chợ Bến Thành gọi ông ta là thầy Chiêm (Gọi tắt chiêm tinh gia). Do giọng miền Nam, người ta cứ gọi ông là thầy Chim.
Thầy Chim có biệt bài xủ quẻ ngày xuất hành buôn may bán đắt nên hầu hết các tiểu thương Bến Thành đều tin. Do mụ mị mê tín nên người ta ít chú ý đến một số chi tiết ma mãnh của thầy Chim. Cứ hễ ai xin xuất hành mở cửa buôn bán thì thầy Chim luôn chọn ngày thứ bảy hoặc chủ nhật. Bởi 2 ngày ấy, dân công chức, binh lính được nghỉ phép ắt sức mua tăng. Những ngày có biểu tình, thầy Chim đều khuyên giới buôn bán mỹ phẩm, vải vóc nên đóng cửa, riêng giới bán trà đá, thuốc lá thì nên mở cửa. Hễ cô gái nào đến xin xủ quẻ tình duyên với gương mặt nhàu nát thì thầy Chim đoán chuyện yêu đương lận đận.
Dần dà, hầu hết tiểu thương chợ Bến Thành đều xem thầy Chim là Quỉ Cốc Tiên sinh. Người ta xúm xít mời thầy Chim về nhà bày hương án, coi phong thủy, định hướng cách bài trí trong nhà. Nếu nhà nào nằm ở mặt phố mà nhếch nhách, dơ bẩn, thầy khuyên dọn dẹp ngăn nắp, quét vôi cho cửa nhà sáng sủa, khang trang. Chỉ sau 1 ngày "chỉnh phong thủy" khách hàng đến tấp nập, thế là người ta phong thánh cho thầy Chim.
Đặc điểm của thầy Chim là kiệm lời. Hỏi tới đâu trả lời tới đó và thường chỉ phán 1 câu, ai muốn hiểu sao cứ hiểu. Hỏi lại lần thứ 2, thầy không thèm trả lời.
Thầy cũng không bao giờ nói về mình nên cũng không ai biết thân thế, sự nghiệp quê quán, tên tuổi. Đó là yếu tố Q chọn thầy Chim mời về nhà Thiệu ra mắt.
Một hôm, thầy Chim đang ngồi lim dim chờ mồi bên hông chợ Bến Thành, bất ngờ một chiếc xe màu xanh quân đội có vẽ hình hồng thập tự bên hông (xe cứu thương bít bùng) chạy trờ tới đổ xịch lại. 2 viên quân cảnh cao to, đeo kính đen, súng đạn lủng lẳng khắp người từ trên xe bước xuống tiến thẳng đến cạnh thầy Chim. Tưởng lính đến xem vận mạng chiến trường, lòng thầy Chìm mừng húm. Bất ngờ, 2 viên quân cảnh chẳng nói chẳng rằng xốc nách xách thầy Chim kè ra xe. Thầy Chim vừa bơi hai chân trong không khí vừa van nài: "Các thầy tha cho con. Con nghèo đói, bói bậy kiếm chút cháo". Mặc cho thầy Chim mếu máo khóc lóc, 2 viên quân cảnh lạnh lùng nhét thầy vào thùng xe, đóng sầm cửa.
Chiếc xe lao thẳng về hướng Biên Hòa - Nơi đóng doanh trại quân Sư đoàn 5 do Đại tá Nguyễn Văn Thiệu làm Tư lệnh.
Nông Huyền Sơn