Cặp “vợ chồng nhà rông” duy nhất ở Gia Lai

Làng Đê Tul, xã Đắk Sơ Mei, huyện Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai) là ngôi làng của đồng bào dân tộc Ba Na, ngôi làng không chỉ có cặp “vợ chồng nhà rông” duy nhất của tỉnh Gia Lai mà ngôi làng này đang sở hữu tới 9 già làng.

nha-rong-ck-1631765798.jpg

“Ngôi nhà rông chồng” được lợp bằng mái tôn nhưng vẫn giữ được kết cấu đặc trưng truyền thống của người Ba Na.

Trước đây làng Đê tul có tên là Tul Đoa, hiện nay làng có khoảng hơn 150 hộ đồng bào dân tộc Ba Na sinh sống. Được biết, trước đây ngôi làng có một nhà rông được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Nhà rông này là điểm sinh hoạt cộng đồng của đồng bào người Ba Na trong làng nhưng chỉ dành cho đàn ông. Do quan niệm trọng nam khinh nữ, nên phụ nữ thì không được phép bước vào nhà rông này.

Tuy nhiên, từ khi đất nước được giải phóng, cuộc sống phát triển, hiện đại hơn, những già làng nhận thấy đó là quan niệm lạc hậu, cổ hủ. Để bỏ quan niệm trọng nam khinh nữ, năm 2005 các già làng cùng người dân đã thống nhất xây dựng thêm 1 nhà rông khác mang tên nhà rông vợ.

Theo già làng Đinh Nhớp thì ngôi nhà rông chồng được dựng từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Đây là nhà rông được làm bằng trụ gỗ và mái tranh, là nhà rông lớn và đẹp nhất xã Đak Sơ Mei. Trước đây nhà rông chồng cũng được lợp bằng mái tranh truyền thống, nhưng sau khi bị cháy nhà rông chồng được thay bằng mái tôn.

Cùng nằm trên tuyến đường Quốc lộ 19D, nhà rông vợ được xây dựng cách ngôi nhà rông chồng khoảng 500m. Hiện nay, mặc dù cuộc sống hiện đại nhưng cặp “vợ chồng nhà rông” vẫn còn giữ nguyên vẹn của một nhà rông truyền thống với mái tranh, tường bằng phên tre nứa và cột gỗ, xà gỗ. Tất cả các kết cấu đều được đục đẽo, cưa cắt thủ công bởi những kiến trúc sư không biết chữ.

Theo các vị già làng và người dân nơi đây, từ khi nhà rông chồng bị cháy và được lợp bằng mái tôn thì nhà rông vợ trở thành nhà rông truyền thống đẹp nhất vùng Đắk Sơ Mei.

nha-rong-vk-1631765906.jpg
“Nhà rông vợ” được xây dựng từ năm 2005 hiện nay phần mái đang bị xuống cấp.

Ngôi nhà được xây dựng với chiều cao 12m với mái được lợp hoàn toàn bằng tranh. Bốn bên xung quanh ngôi nhà được dựng chắc chắn bằng tre, nứa. Ngay sau nhà rông vợ là ngôi nhà của một người con của Anh hùng Wừu -  người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người dân tộc thiểu số Tây Nguyên kiên cường, bất khuất trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Theo các già làng thì vai trò của “cặp vợ chồng nhà rông” rất rõ ràng. Nếu nhà rông chồng là nơi tổ chức các cuộc hội họp, hòa giải, xử phạt dành cho những người đàn ông trong làng. Thì nhà rông vợ là nơi hội họp của nữ giới.

Già làng Đinh Nhớp cho biết: "Người làng Đê Tul quan niệm, vạn vật cũng giống như con người, cũng phải có đôi thì mới hòa hợp, cân bằng. Nhà rông của làng cũng vậy cần phải có nhà rông vợ và nhà rông chồng. Ở làng Đê Tul, thanh niên chưa vợ mà lỡ làm con gái có bầu trước khi cưới sẽ bị đưa lên nhà rông chồng để già làng bàn cách xử phạt. Tương tự, phụ nữ bị đưa qua nhà rông vợ để hội đồng làng luận tội".

Hiện, tại làng Đê Tul mới được dựng thêm 1 nhà rông thanh niên. Nhà rông này gần giống với nhà rông chồng hiện tại, cũng lớp bằng mái tôn và dựng bằng các trụ gỗ.

Hầu hết các làng của người đông bào Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đều có nhà rông, do phong tục tập quán, có những ngôi làng sở hữu từ 2 - 3 nhà rông. Tuy nhiên, làng Đê Tul khá đặc biệt khi dân làng sở hữu một nhà rông chồng và một nhà rông vợ với vai trò như những người chồng người vợ của người đồng bào sinh sốn trong làng. Và càng đặc biệt khi ngôi làng còn có đến 9 già làng.

Trao đổi với PV, ông Dơm - Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Sơ Mei, huyện Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai) cho biết: Khó có thể để tìm kiếm bản vẽ hoàn chỉnh của hai căn nhà rông để lưu giữ. Vì phần lớn các nhà rông trong làng trước đây đều được dựng nên hoàn toàn từ trí tưởng tượng, kinh nghiệm và năng khiếu của người dân làng./.

Gia Hân

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/cap-vo-chong-nha-rong-duy-nhat-o-gia-lai-a18688.html