Khai quật những bí ẩn kinh ngạc giữa Hồ Con Rùa - Dinh độc lập và vận mệnh chính trị của Nguyễn Văn Thiệu (Kỳ 1)

Từ thuở mở cõi phương Nam, các nhà phong thủy triều Nguyễn đã đánh giá vị trí Hồ Con Rùa (Quận 3, TP Hồ Chí Minh) là địa huyệt trấn yểm. Đến thời chính quyền ngụy tạo Nguyễn Văn Thiệu, vị trí trấn yểm này được mê tín hóa, nâng cấp thành tử huyệt của chế độ.

01-ho-con-rua-1631677003.jpg
Bản sơ đồ thành Quy và cổng Khảm Khuyết.

Ngày nay, hồ Con Rùa nằm tại giao lộ Võ Văn Tần, Trần Cao Vân và 2 nhánh đường Phạm Ngọc Thạch. Do nằm giữa 4 ngã đường nên ngoài chức năng tạo cảnh quan kiến trúc đô thị, tạo không gian thoáng đãng, Hồ Con Rùa còn kiêm thêm chức năng phân luồng giao thông như một vòng xoay điều tiết lưu lượng xe.

Điều thú vị là, từ thuở mở cõi phương Nam, khi xây dựng thành Bát Quái vào năm 1790 để trấn thủ Sài Côn (Tên gọi Sài Gòn thuở thế kỷ 18), chúa Nguyễn đã chọn vị trí của Hồ Con Rùa ngày nay xây dựng cổng thành Khảm Khuyết. Thành Bát Quái (Tên gọi dân gian là thành Quy) được xây theo hình bát quái đồ có 8 cổng: Càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài. Và cổng Khảm chính là vị trí Hồ Con Rùa ngày nay.

Theo các nhà phong thủy học, từ thuở hoang sơ ấy, chúa Nguyễn đã nhìn thấy địa thế chiến lược quan trọng của cổng Khảm. Từ cổng Khảm lính canh có thể quan sát toàn bộ mạn bắc của Gia Định. Đến thời vua Minh Mạng, cổng thành Khảm được đổi thành tên Vọng Khuyết. Điều đó cho thấy tầm quan trọng trong phòng thủ quân sự của địa thế này.

Sau vụ án oan của Lê Văn Duyệt, vào ngày 5/7/1833, Lê Văn Khôi cùng 27 thuộc hạ chiếm thành Bát Quái, giết những viên sàm tấu, trả thù cho cha nuôi. Đêm đó, Lê Văn Khôi cùng thuộc hạ dùng đầu lâu kẻ thù lập đàn tế cha tại cổng Vọng Khuyết. Cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi bi dập tắt sau 2 năm tồn tại.

Khi triệt hạ xong Lê Văn Khôi, vào năm 1837, Minh Mạng cho phá bỏ thành Bát Quái xây một ngôi thành nhỏ hơn mang tên là thành Phụng. Vọng Khuyết trở thành một trạm gác tiền tiêu ở ngoài vòng thành Phụng, được người dân gọi là trạm Vọng Khuyết.

Giữa thế kỷ 19, khi xâm lược Việt Nam, Pháp xây dựng đô thị Gia Định đồng thời nâng cấp một số tuyến đường, trong đó có con đường đi ngang trạm Vọng Khuyết. Con đường được chính quyền Pháp đặt tên là đường số 16.

Vào ngày 1/2/1865, Thống đốc Nam Kỳ là Phó đô đốc Hải quân Pháp Grandière đã đổi tên con đường số 16 là đường Catinat. Khi đô thị bắt đầu hình thành, nhu cầu về nước sinh hoạt đã khiến chính quyền thực dân chú ý đến vị trí gò cao nơi trạm Vọng Khuyết. Năm 1878, một tháp trữ nước được xây tại vị trí trạm Vọng Khuyết gọi là Place de Château d’eau.

Đến năm 1921 dân số Sài Gòn tăng cao, nhu cầu giao thông cũng tăng theo, thực dân Pháp phá bỏ tháp nước để mở rộng đường. Con đường mới giao cắt với đường Catinat có tên là Garcerie. Và vị trí tháp nước trở thành vòng xoay của giao lộ Catinat và Garcerie. Ở giữa vòng xoay, họ cho xây một phù điêu hình ba binh sĩ bằng đồng và một cái hồ nước nhỏ để tưởng niệm 6 vạn binh sỹ thuộc khối quân sự Pháp chết trong thế chiến thứ nhất. Người dân gọi cái tượng đài ấy là "tượng ba hình". Vị trí xây tượng đài được gọi là quảng trường Maréchal Joffre - Tên một Thống chế Pháp từng cầm quân xâm lược nước ta. Có tên gọi chính thức nhưng người dân không thích xướng tên kẻ xâm lược nên cứ gọi là "công trường ba hình".

Năm 1956, Ngô Đình Diệm ra lệnh đập bỏ tượng “ba hình”, chừa lại cái hồ nước. Vị trí này được đổi tên thành công trường chiến sỹ trận vong.

02-ho-con-rua-1631677770.jpg
Tượng "ba hình".

Năm 1965, sau khi được Mỹ cất nhắc lên làm Tổng thống Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa, Nguyễn Văn Thiệu nghe lời xúi của thầy bói Huỳnh Liên đã cho xây tượng đài Chiến sỹ Tự do tại “công trường ba hình”. Để tìm bản thiết kế đẹp nhất, Nguyễn Văn Thiệu chi ngân sách tổ chức 1 cuộc thi thiết kế. Và bản vẽ của kiến trúc sư Nguyễn Kỳ đoạt giải nhất, được chọn xây dựng. Theo mẫu này, tượng đài chỉ có 1 cột cao. Trên đỉnh cột là hình hoa xòe nở. Dưới chân cột là đường viền trồng cỏ.

Đến năm 1967, công trình kiến trúc này chịu thêm 1 lần chỉnh trang, cũng do "thầy bói quốc gia" Huỳnh Liên xúi giục.

Năm 1970, thầy bói Huỳnh Liên còn xúi Nguyễn Văn Thiệu tái thiết thêm vài lần nữa để "trấn mạch, yểm cung mạng nhằm được làm vua vĩnh viễn". Việc thay đổi đã biến tượng đài chiến sỹ tự do không còn nguyên mẫu ban đầu của kiến trúc sư Nguyễn Kỳ.

Theo mẫu vẽ bằng mồm của Huỳnh Liên, tượng đài có thêm 5 cột bê tông để chống đỡ cho đóa hoa xòe. Dưới chân cột là ao nước có đường kính 99,99 mét (chứ không tròn 100 mét như nhiều người vẫn nghĩ).

Trên mặt ao nước có 4 đường đi hình bán nguyệt nối bờ mép ao, lơ lững trên mặt nước hồ giao nhau tại trung tâm.

03-1631677572.jpg
Tháp nước.

Điểm nhấn đặc biệt của công trường chiến sỹ tự do là tượng 1 con rùa to tướng đúc bằng đồng đang gồng mình đỡ một tấm bia đá thạch anh ghi danh sách một loạt các nước đồng minh của Mỹ. Sau khi hoàn tất, công trình này được đổi thành tên hành chính là công trường quốc tế nhưng người dân vẫn thích gọi là Hồ Con Rùa. Và cái tượng con rùa được người dân gọi là “con rùa đội bia” thay vì gọi là “thần qui tri ân”.

Một số người tin rằng, con rùa đội bia bị phá hủy thì chính quyền đương nhiệm sẽ bị lật đổ. Vì vậy năm 1976, một nhóm tàn quân phản động đã bí mật thực hiện kế hoạch đặt bom phá hủy con rùa đội bia. Ngay sau khi vào cuộc điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh đã tìm ra chân dung thủ phạm.

Vụ án này là một chiến công của Công an thành phố Hồ Chí Minh được người dân gọi là "vụ án Hồ Con Rùa". Dù không còn con rùa nhưng người ta vẫn cứ thích gọi đó là Hồ Con Rùa.

Suốt gần nửa thế kỷ qua, nhiều người vẫn không hiểu ý nghĩa của những lối đi trên mặt nước, con số 99,99 mét của đường kính mặt hồ và 5 cột chống đỡ của Hồ Con Rùa. Bí ẩn của những chi tiết đó hoàn toàn không có trong bất kỳ tài liệu nào trong dinh Tổng thống Việt Nam cộng hòa cũng như tàng thư quốc gia. Nó không là bí ẩn tuyệt mật của chính quyền Việt Nam cộng hòa nhưng là tư liệu cá nhân tuyệt đối bí mật của Nguyễn Văn Thiệu.

04-1631677660.jpg
Con đường Catinat, ngày nay là Phạm Ngọc Thạch (trước Nhà Văn hóa Thanh Niên)

Với Nguyễn Văn Thiệu, những bí ẩn đó mang ý nghĩa sống còn, chỉ có thầy bói Huỳnh Liên biết. Để giữ bí mật, Huỳnh Liên đã phải tuyên thệ "sống để dạ, chết mang theo" với Nguyễn Văn Thiệu.

Sau này, do nghèo túng, Huỳnh Liên đã dùng bí mật này đổi vài ký gạo với một người hàng xóm. Chính xác là, ông ta đã phải dùng câu chuyện bí ẩn này chứng minh mình là thầy bói tầm cỡ quốc gia của Việt Nam cộng hòa nhằm tạo lòng tin kiếm khách coi bói độ nhật qua ngày. Thế là trước khi chết, Huỳnh Liên đã "sống để dạ, chết quên mang theo".

Còn tiếp...

Nông Huyền Sơn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/khai-quat-nhung-bi-an-kinh-ngac-giua-ho-con-rua-dinh-doc-lap-va-van-menh-chinh-tri-cua-nguyen-van-thieu-ky-i-a18671.html