Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và phải đương đầu với nhiều khó khăn. Nhằm tăng cường tiềm lực quân sự của địa phương, Đảng bộ Mỹ Tho chủ trương thành lập các đội tự vệ chiến đấu ở cơ sở bên cạnh Quốc gia Tự vệ cuộc. Từ tháng 8 năm 1945, đồng chí Bùi Văn Trạch là Đội trưởng Đội tự vệ chiến đấu ở thị xã Mỹ Tho. Tháng 4 năm 1946, Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức Hội nghị thành lập chi bộ đặc biệt ở thị xã Mỹ Tho, nhiệm vụ của chi bộ đặc biệt là tập trung củng cố các tổ chức Đảng và các đoàn thể cứu quốc trong nội thành và ngoại thành, tổ chức ra Ban Công tác thành, Ban Công tác học sinh, Ban Trừ gian. Thời gian này, đồng chí Bùi Văn Trạch lần lượt giữ các nhiệm vụ: Đội trưởng Ban công tác Thành tại thị xã Mỹ Tho; Đội trưởng Đội Tuyên truyền xung phong tỉnh thuộc Ty Thông tin Mỹ Tho; Tổng Thư ký Hội Học sinh Cứu quốc tỉnh Mỹ Tho.
Đồng chí được kết nạp Đảng vào ngày 10 tháng 10 năm 1946.
Từ năm 1948 đến năm 1949, đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Học sinh Nam Bộ công tác tại Cần Thơ, từ năm 1949 đến năm 1950 là Bí thư Đảng đoàn Hội Học sinh Nam Bộ.
Giai đoạn này, tổ chức Đảng trong học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn là một bộ phận của Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, tổ chức này đã trải qua nhiều hình thái, có lúc được bố trí chung với giới giáo chức. Từ năm 1953 đến năm 1956, đồng chí Bùi Văn Trạch là Ủy viên Ban Cán sự Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách thanh vận, học sinh, sinh viên, giáo chức. Năm 1954, một Liên chi ủy phụ trách học sinh, sinh viên và giáo chức trong thời kỳ ban đầu đã được thành lập. Đồng chí Bùi Văn Trạch được phân công làm Bí thư cùng với các ủy viên: Trần Quang Cơ, Trần Văn Nguyên, Huỳnh Ngọc Thanh… Sang năm 1955, Liên chi ủy được bổ sung thêm đồng chí Lê Minh Quới. Việc sử dụng các hình thức đấu tranh sao cho phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng giai đoạn cách mạng là vấn đề quan trọng có tính chiến lược hàng đầu trong đường lối cách mạng của Đảng. Liên chi ủy đã sử dụng các hình thức báo chí bí mật và nửa công khai để tuyên truyền, giáo dục và tập hợp quần chúng như: báo Học sinh cứu nước (báo bí mật), nội san Gió lên của sinh viên, nội san Tổ quốc, Tập văn của trường Kiến Thiết, Kiên chí của Trường Petrus Ký… Đặc biệt, sử dụng tổ chức công khai nửa công khai, là một sách lược quan trọng nhằm tập hợp lực lượng nhanh, đông đảo, tạo ra bạo lực quần chúng trong vùng chiến lược đô thị mà Đảng ta đã có kinh nghiệm trong phong trào Mặt trận Bình dân 1936 - 1939. Liên chi ủy đã tiến hành cuộc vận động thành lập các “Hiệu đoàn học sinh” ở các trường trung học, vừa tập hợp lực lượng, vừa nâng ý thức dân chủ và ý thức tự tin về sức mạnh của tổ chức tuổi trẻ. Những kết quả bước đầu cho thấy khả năng cách mạng tiềm tàng trong các tầng lớp thanh niên thành phố.
Từ năm 1956 đến năm 1958, đồng chí được chuyển về công tác tại Quận ủy Quận 2.
Tháng 11 năm 1958, đồng chí bị địch bắt tại Sài Gòn, giam tại khám Chí Hòa rồi đày đi Côn Đảo cho đến năm 1964 thì được thả và tiếp tục tham gia công tác tại Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam.
Tháng 2 năm 1968, đồng chí bị địch bắt lần hai và lần lượt qua các nhà tù ở Chí Hòa, Côn Đảo, Hố Nai. Đến tháng 2 năm 1974 đồng chí được trao trả tại Lộc Ninh, và tiếp tục công tác. Từ tháng 8 năm 1974 đến tháng 4 năm 1975, đồng chí là cán bộ nghiên cứu tổng hợp Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 5 năm 1975 đồng chí được phân công làm Trưởng đoàn kiểm tra đăng ký trình diện ngụy quân ngụy quyền tại Bình Chánh, đến tháng 8 năm 1975 là Trưởng Văn phòng Ban kiểm tra đăng ký trình diện thuộc Ủy ban Quân quản thành phố.
Tháng 8 năm 1975 đến tháng 6 năm 1976, đồng chí là Phó Văn phòng Sở Công an Thành phố; tháng 7 năm 1976, là Phó Văn phòng Ban Cải tạo.
Tháng 3 năm 1978, đồng chí chuyển công tác sang Sở Văn hóa - Thông tin Thành phố, được phân công làm Chủ nhiệm Quốc doanh Phát hành sách Thành phố. Tháng 12 năm 1980, đồng chí là Giám đốc Quốc doanh in số 2, thuộc Công ty In - Sở Văn hóa Thông tin Thành phố, tháng 1 năm 1981, là Đảng ủy viên Đảng ủy Công ty In, đến tháng 3 năm 1983, là Bí thư Đảng ủy Công ty In, Giám đốc Xí nghiệp quốc doanh In số 2. Tháng 12 năm 1984, đồng chí là Ủy viên Thường vụ Sở Văn hóa Thông tin, Bí thư Đảng ủy Công ty In, Giám đốc Xí nghiệp quốc doanh In số 2 cho đến khi nghỉ hưu.
Đồng chí từ trần ngày 27 tháng 12 năm 1998, hưởng thọ 70 tuổi.
Ghi nhận quá trình cống hiến của đồng chí Bùi Văn Trạch, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho đồng chí Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.
Theo thanhuytphcm.vn