Những bước chuẩn bị cấp tập cho cuộc đảo chính lật đổ chế độ Diệm - Nhu
Tại Sài Gòn, Chánh văn phòng CIA Richardson và ông Conein cũng nhận được điện văn của tướng Cố vấn Quân sự Tổng Thống Taylor từ Hoa Thịnh Đốn, đòi hỏi họ cần thiết phải “suy nghĩ kỹ lưỡng” việc ủng hộ đảo chánh hay không. Vì 10 giờ sáng phải gặp lại Tướng Minh, do đó Richardson đã lệnh cho Conein không được tuyên bố gì mà chỉ đến nghe và về trình lại ý kiến của Tướng Minh mà thôi. Khi này Tướng Minh đòi hỏi Mỹ phải chứng tỏ việc ủng hộ các tướng lãnh làm đảo chánh, bằng cách tuyên bố Mỹ sẽ cắt viện trợ kinh tế cho chính phủ Diệm.
Đại sứ Lodge bèn điện về Ngoại trưởng Rusk nói “quá trễ để mà suy nghĩ thêm”, ông ta nói: “Chúng ta đã bước sâu quá rồi nên không còn thối lui được. Hãy dồn mọi nỗ lực ủng hộ các tướng đảo chánh ngay”. Đại sứ Lodge cũng xin phép để Tướng Harkins sớm tiếp xúc với các tướng làm đảo chánh và cũng yêu cầu Mỹ cắt viện trợ kinh tế chính phủ Diệm để các tướng đảo chánh tin tưởng có người Mỹ ủng hộ. Cùng ngày, Tòa Bạch Ốc cho phép Tướng Harkins tiếp xúc các tướng đảo chánh và cho phép Đại sứ Lodge cắt đứt viện trợ kinh tế chính phủ Diệm. Tổng Thống Kennedy gởi thư riêng cho Đại sứ Lodge nói rằng ông ta hoàn toàn ủng hộ các kế hoạch đảo chánh của ông Lodge. Tuy nhiên Tổng Thống Kennedy không đồng ý với ông Lodge về việc ông Lodge nói là “không thể thối lui được”. Tổng Thống Kennedy nhắc Đại sứ Lodge về kinh nghiệm đau thương tại sự kiện vịnh Con Heo ở Cu Ba. Tổng Thống Kennedy nói: “Kinh nghiệm dạy tôi rằng sự thất bại mang lại cái tệ hại nhiều hơn là việc đi thay đổi quyết định... Khi chúng ta làm, chúng ta phải thắng, nhưng nếu cần phải thay đổi quyết định thì cũng phải nên thay đổi, hơn là để thất bại”.
Ngày 30/8/1963, Tổng Thống Kennedy lo có cảnh tắm máu tại Sài Gòn nên đã đưa ra kế hoạch dự trù di tản gần 5.000 cư dân Mỹ hiện đang sinh sống tại Việt Nam. Một tàu chiến chở trực thăng, tàu tấn công, tàu destroyer đã được cho neo đậu sẵn ở ven bờ biển Việt Nam. Riêng tại Okinawa (Nhật Bản) luôn có khoảng 3.000 thủy quân lục chiến ứng trực 24/24 giờ.
Tại Bộ Ngoại giao Mỹ, phụ tá Ngoại trưởng Hilsman báo cáo lên Ngoại trưởng Rusk rằng có thể trận đánh đảo chánh kéo dài khá lâu và nếu vậy thì quân đội Hoa Kỳ phải nhảy vô vòng chiến để ủng hộ phe đảo chánh cho nó đi tới thành công. Ngày 31/8/1963, Tướng Minh thông báo cho Tướng Harkins biết là kế hoạch đảo chánh cần phải “trì hoãn lại” do các tướng đảo chánh lo sợ sự thân thiết giữa chánh văn phòng CIA Richardson với Tổng Thống Diệm sẽ làm bại lộ kế hoạch đảo chánh. Tướng Harkins đã cho mời Tướng Minh đến cơ quan MACV và hứa là Mỹ ủng hộ các tướng đảo chánh. Tướng Khiêm cũng thông báo cho Tướng Minh biết ý kiến của Mỹ.
Ngày hôm sau, Tướng Khiêm lại gặp Tướng Harkins, cho biết rằng các tướng thực sự không có đủ sức thắng được lực lượng trung thành Tổng Thống Diệm. Do vậy Tướng Harkins và ông chánh văn phòng CIA Richardson lập tức báo cáo thẳng về Hoa Thịnh Đốn nói “có thể kế hoạch đảo chánh bất thành”. Tin tức các tướng bỏ cuộc đảo chánh khiến Tổng Thống Kennedy và các cố vấn tại Tòa Bạch Ốc rất hoang mang.
Vào đầu tháng 9/1963, Tổng Thống Kennedy chỉ định Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara qua Việt Nam. Tháp tùng còn có một số cố vấn cao cấp trong đó có Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng William Bundy. Ngày 2/9/1963, Tổng Thống Kennedy trả lời câu phỏng vấn của phóng viên Walter Cronkite trên đài CBS rằng Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ miền Nam Việt Nam, nhưng ông ta nói: “Tôi không nghĩ là có thể thắng chiến tranh được trừ khi họ được nhân dân ủng hộ. Và theo ý tôi, trong 2 tháng qua chính phủ Diệm đã quá xa rời quần chúng”. Phụ tá Ngoại trưởng Hilsman sau đó còn suy diễn lời chỉ trích trực tiếp và công khai này của Tổng Thống Kennedy rằng sẽ có một cuộc đảo chánh, nhưng không biết bao giờ xảy ra. Dù vậy, các tướng đảo chánh vẫn tiếp tục án binh bất động.
Cùng ngày, phe ông Nhu viết bài trên báo tiếng Anh Times of Viet Nam lên án Mỹ đã ủng hộ cuộc đảo chánh. Bà Nhu cũng viết bài trên báo này ra rả mắng chưởi mắng người Mỹ. Bà còn xưng bà chính là người cứu tinh cho miền Nam Việt Nam và còn tố cáo chính người Mỹ và Cộng sản đã cố tình giật dây Phật giáo biểu tình làm loạn (?). Bà còn tố cáo Đại sứ Lodge toan mưu sát bà. Để trả thù, em bà Nhu là ông Trần Văn Khiêm lập một danh sách chuẩn bị ám sát lại những người Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn với ký giả Úc Denis Warner, ông Khiêm đã tiết lộ những người Mỹ sẽ nằm trong “danh sách bị ám sát” đó có tên ông chánh văn phòng CIA Sài Gòn Richardson, ông Conein và cả phát ngôn viên tòa Đại sứ Mỹ John Mecklin. Tình cảm giữa Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ lúc này thực sự rất căng thẳng và tồi tệ trầm trọng.
Khoảng 10 giờ 30 sáng ngày 6/9/1963, tại buổi họp trong Tòa Bạch Ốc, Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy, cũng là bào đệ của Tổng Tống John Kennedy đã nêu ra các câu hỏi: “Liệu có thắng được anh em Diệm - Nhu? Liệu ông Nhu có bị ông Diệm loại bỏ? Phải xử sự ra sao nếu không thể thắng ông Diệm được?”. Cuối cùng ông Robert Kennedy đề nghị cần phải cứng rắn với Tổng Thống Diệm và cắt đứt nguồn viện trợ. Bộ trưởng Quốc phòng trả lời là không có tin tức nào chính xác cả. Tướng Taylor đề nghị cử Tướng Victor Krulak sang Việt Nam. Bộ Ngoại giao thì cử ông Joseph A. Mendenhall tháp tùng.
Lúc 6 giờ sáng ngày 8/9/1963, hai viên chức này đã đến Việt Nam. Tướng Krulak phỏng vấn 80 cố vấn Mỹ luôn cả các viên chức cao cấp còn nhà ngoại giao Mendenhall lại dành thời giờ đi Sài Gòn, Huế, Đà Nẳng để thăm viếng một số bạn bè cũ. Hôm sau, hai vị này trở về Hoa Thịnh Đốn phúc trình lại cho Tổng Thống Kennedy. Tướng Krulak báo cáo là “tinh thần chiến đấu cao và tốt. Việc xáo trộn chính trị không ảnh hưởng gì đến việc đánh giặc. Dân chúng ghét ông Nhu thôi chứ không ghét bỏ gì Tổng Thống Diệm”. Trái lại, nhà ngoại giao Mendenhall thì báo cáo là “chính phủ Diệm đang bị dân chúng chán ghét, chế độ sắp sụp đổ và không thể chiến thắng Cộng sản được nếu còn Diệm - Nhu”.
Nghe xong hai báo cáo, Tổng Thống Kennedy tỏ ra ngơ ngẫn vì chúng hoàn toàn trái ngược nhau, khiến cho ông ta phải hỏi: “Có phải là hai vị đã đến cùng một quốc gia không vậy?” Tuy vậy, Tổng Thống Kennedy ra lệnh cho các cố vấn nhanh chóng nghiên cứu việc cắt viện trợ kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên vào ngày 11/9/1963, Tổng Thống Kennedy lại nói chưa thể cắt viện trợ chính phủ Diệm. Có lẽ do vẫn chưa thực hiện cuộc đảo chánh được. Tổng Thống Kennedy xoay ra muốn thuyết phục Diệm loại bỏ ông Nhu khỏi chính quyền trước.
Ngày 17/9/1963, hội đồng an ninh Mỹ chỉ thị cho Đại sứ Lodge thực hiện việc hòa hoãn đối với Tổng Thống Diệm nhưng bằng mọi cách thuyết phục Tổng Thống Diệm phải sớm loại bỏ ông Nhu. Đại sứ Lodge rất bất mãn vì lệnh này nên tiếp tục liên lạc với Tướng Minh bàn lại chuyện đảo chánh. Riêng Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ muốn tìm một giải pháp khác, do vậy mà Bộ trưởng Quốc phòng McNamara và Tướng Tổng Tham mưu trưởng Taylor đã bay qua Việt Nam để nhìn tận mắt tình hình Phật giáo và theo họ nếu cần thì phải làm áp lực đối với Diệm.
Tháp tùng trong chuyến đi có ông “sếp” CIA Colby, đại diện Tòa Bạch Ốc Forrestal, đại diện Bộ Ngoại giao William Sullivan và phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng P. Bundy. Trước khi quay trở lại Hoa Thịnh Đốn, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara, Tướng Taylor và Tướng Harkins còn ghé thăm Tổng Thống Diệm tại Dinh Gia Long. Ông McNamara đã nhắc Diệm về các xáo trộn chính trị và tình hình nguy ngập đang xẩy ra nhưng Diệm phản bác hết và bào chữa rằng đó là do báo chí xuyên tạc khiến cho người Mỹ hiểu lầm. Tổng Thống Diệm còn phàn nàn do các em học sinh - sinh viên quá nông nổi, thiếu giáo dục và không hiểu trách nhiệm nên gây rối trật tự, do đó không có giải pháp nào hơn là phải tống giam họ. Diệm còn thú nhận đã để xẩy ra nhiều chyện xáo trộn vì ông ta “quá nhẹ tay và đối xử quá tốt với Phật giáo”.
Dịp này Diệm cũng lên án Mỹ ủng hộ phe đảo chánh. Bộ Trưởng McNamara thì hỏi tại sao chính phủ Diệm không chịu cải chính những lời tuyên bố “quá ồn ào” của bà Nhu và nhắc đến việc “bà Chiang Kai-shek do quá lạm quyền nên sau đó đã đẩy cả nước Trung Hoa vào tay Cộng sản”. Diệm bèn biện minh rằng “bà Nhu là một dân biểu nên bà có quyền phát biểu theo ý của bà ta. Người Mỹ phải thông cảm cho bà vì bà bị báo chí truyền thông tấn công và xuyên tạc với đầy ác ý”. Phái đoàn không lấy làm thỏa mãn về thái độ của Tổng Thống Diệm và quay trở về Hoa Thịnh Đốn báo cáo tình hình với Tổng Thống Kennedy: “Về lãnh vực quân sự tốt, nhưng sự tai tiếng chính trị của hai ông Diệm - Nhu sẽ làm xấu đi”. Nghe xong, Tổng Thống Kennedy tuyên bố rằng có lẽ vào giờ phút này các cố vấn trong chính phủ của ông sẽ không còn có những ý kiến dị biệt lớn nữa.
Ngày 5/10/1963, ông “sếp” CIA Conein tìm gặp Tướng Minh tại Sài Gòn, nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Tướng Minh đưa ra các điểm quan trọng như “Cần phải biết chính xác lập trường của Mỹ có ủng hộ chính phủ mới tương lai hay không? Chúng tôi không đòi hỏi người Mỹ ủng hộ đảo chánh, nhưng người Mỹ cũng đừng cản đường. Chúng tôi muốn Mỹ tái viện trợ kinh tế và quân sự cho chính phủ mới...”. Tướng Minh còn phác thảo cho Conein về kế hoạch giết ông Nhu và giết ông Ngô Đình Cẩn, bao vây Sài Gòn bằng lính, đánh thẳng vào phòng tuyến bảo vệ phủ Tổng Thống. Ông CIA Conein chỉ lắng nghe mà không có ý kiến, sau đó báo lại toàn bộ nội dung cuộc nói chuyện này cho Hoa Thịnh Đốn.
Nghe vậy, Tòa Bạch Ốc vừa háo hức vừa hồi hộp. Tổng Thống Kennedy nói với Đại Sứ Lodge rằng chính phủ Mỹ thực ra không muốn giật dây cuộc đảo chánh này nhưng cũng không muốn bị hiểu lầm là cản trở đảo chánh hay từ chối viện trợ kinh tế và quân sự cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa mới. Điều quan tâm lớn nhất của Hoa Thịnh Đốn lúc này là nếu cuộc đảo chánh thất bại thì Mỹ sẽ bị cáo buộc là cấu kết với đám đảo chánh chủ mưu phản loạn. Vậy nên Tòa Bạch Ốc đã ra lệnh Đại sứ Lodge cần hết sức cẩn thận và phải làm sao để“có thể chối cãi được”.
Các báo cáo liên quan đến tình hình đảo chánh phải báo cáo riêng, không được báo cáo chung với bản báo cáo thường nhật của Tòa Đại sứ. Phải báo cáo riêng và báo cáo về Hoa Thịnh Đốn qua ngã CIA, chứ đừng qua những ngã lỏng lẻo khác. Hơn nữa, chỉ có Đại sứ Lodge mới được quyền chỉ thị CIA hành động và chỉ thị bằng khẩu lệnh mà thôi.
Ngày 17/10/1963, Mỹ chính thức báo cho chính phủ Diệm biết nguồn viện trợ cho lực lượng đặc biệt của ông Nhu chỉ được tiếp tục nếu nó được chỉ huy bởi quân đội. Ngày 24/10/1963, Trung tá Phạm Ngọc Thảo bất ngờ kéo quân về Sài Gòn làm cuộc đảo chánh hụt do không biết các tướng đảo chánh tại Sài Gòn đã thay đổi kế hoạch. Ngày 25/10/1963, Conein hỏi Tướng Đôn bao giờ thực hiện đảo chánh được? Tướng Đôn trả lời là không biết và hỏi lại ông CIA Conein đã được phép của chính phủ Mỹ để thảo luận về cuộc đảo chánh hay chưa. Conein trả lời là Đại sứ Lodge ra lệnh, sau đó Tướng Đôn còn được Đại Sứ Lodge xác nhận nguồn tin này tại phi trường.
Ngày 27/10/1963, Tổng Thống Diệm cùng vợ chồng Đại Sứ Lodge có cuộc gặp gỡ tại Đà Lạt. Sau nhiều lần thuyết phục nhưng Tổng Thống Diệm nhất quyết không nghe, Đại sứ Lodge nói với Tổng Thống Diệm: “Thưa Ngài, tất cả lời đề nghị rõ ràng của tôi đều bị Ngài từ chối hết. Theo Ngài nghĩ thì liệu Ngài có thể làm cái gì mà điều đó có thể đem lại cái nhìn thiện cảm nơi người Hoa Kỳ?”. Mỗi lần nhắc câu hỏi giống vậy thì Tổng Thống Diệm lại đổi đề tài.
Sang ngày 28/10/1963, Tướng Đôn gặp ông CIA Conein tại Bộ Tổng Tham mưu. Tướng Đôn không cho biết chắc chắn ngày đảo chánh, nhưng nói là rất gần. Tướng Đôn còn nói sẽ thông báo cho Tòa Đại sứ biết chỉ vài giờ trước khi bắt đầu đảo chánh bắt đầu. Tuy nhiên Tướng Đôn cũng muốn Đại sứ Lodge đừng đình hoãn chuyến bay Hoa Thịnh Đốn đã định vào ngày 31/10/1963. Tướng Đôn cho biết nhiệm vụ Tướng Minh lo về quân đội, Tướng Kim lo về chính trị và Tướng Đôn lo về liên lạc với Mỹ. Khi được hỏi về nhiệm vụ Tướng Tôn Thất Đính, Tướng Đôn nói Tướng Đính vì từng rất trung thành với Tổng Thống Diệm nên do đó không dám giao trọng trách cho ông ta vì ngại bị “phản thùng”.
Vào ngày 29/10/1963, Đại sứ Lodge thông báo cho Hoa Thịnh Đốn rằng sắp có đảo chánh. Tuy nhiên, Tư lệnh Mỹ tại Việt Nam, Tướng Harkins tỏ ra không tin tưởng Đại sứ Lodge và cũng không tin tưởng các tướng lãnh đảo chánh. Ông này nói: “Tướng Đôn nói dối, ông ta nói với ông CIA Conein là có đảo chánh trước ngày 2/11, nhưng lại nói với tôi là không có đảo chánh”. Tướng Harkins cũng cho gởi điện văn đến Tướng Taylor ở Mỹ bày tỏ sự chống đối âm mưu đảo chánh Tổng Thống Diệm. Ông ta nói: “Chúng ta ủng hộ Diệm trong suốt 8 năm khó khăn. Thật sai lầm nếu hạ ông xuống, đá ông ta lăn lóc và truất phế ông ta”. Chống lại ý kiến ủng hộ đảo chánh của Đại sứ Lodge, Tướng Harkins còn gởi điện văn cho Lodge: “Chúng ta phải cần thu thập thêm tin tức. Mặc dù Tướng Đôn tuyên bố đảo chánh là do chính người Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên trong những ngày gần đây người Mỹ cũng phải nhào vô dù muốn hay không. Chúng ta cần phải tiếp tục ủng hộ Tổng Thống Diệm cho đến khi nào chịu đựng hết nỗi”.
Ngày 31/10/1963, Hoa Thịnh Đốn gởi cho Đại sứ Lodge một điện văn được coi là “tối hậu thư”. Nội dung là chính phủ Mỹ ra lệnh: “Không được đứng về phe nào. Nếu tình thế xảy ra không rõ ràng thì Mỹ phải đứng ra hòa hoàn giữa hai bên. Nếu đảo chánh thất bại, tòa đại sứ nên cho phép họ tỵ nạn tùy theo sự quyết định của Đại sứ Lodge. Nhưng cố gắng khuyến khích họ nên đi nơi khác tỵ nạn. Dù vậy, nếu có đảo chánh xảy ra thì Mỹ vẫn mong là nó thành công”.
Ngày 1/11/1963, Tướng Trần Văn Đôn tìm đến Bộ Tổng Tham mưu lúc 7 giờ 30 sáng, 6 tiếng đồng hồ trước khi đảo chánh. Tướng Đôn chuẩn bị gặp Tướng Harkins và Đô đốc Tư lệnh Thái Bình Dương Harry D. Felt lúc 9 giờ 15 sáng. Đô Đốc Felt muốn gặp Tướng Đôn tại Bộ Tổng Tham mưu nhưng Tướng Đôn lại muốn gặp nhau tại cơ quan MACV. Tướng Đôn nói rằng nếu đảo chánh thành công thì chắc chắn sẽ đánh thắng Cộng sản. Trong khi nói chuyện, Đô Đốc Felt chỉ lên bản đồ hỏi rằng có 2 tiểu đoàn dù vẫn chưa đồng ý gia nhập lực lượng đảo chánh. Tuy nhiên Tướng Đôn bảo đảm là các lực lượng này đang trên đường đến Tây Ninh, Tây Bắc của Sài Gòn sẽ kéo về thủ đô Sài Gòn và chủ động thực hiện cuộc đảo chánh.
Khoảng 9 giờ 45 sáng, Đô đốc Felt rời MACV để đến thăm Tổng Thống Diệm. Tướng Đôn lo sợ rằng Tổng Thống Diệm nghe biết chuyện sẽ rời Sài Gòn nên nhờ Đô Đốc Felt cố cầm chân Tổng Thống Diệm lại. Đại sứ Lodge đứng ra tổ chức cuộc hẹn này. Khi gặp nhau tại Dinh, Tổng Thống Diệm nói: “Mỗi lần Đại Sứ Mỹ đi Hoa Thịnh Đốn là có tin đồn đảo chánh. Tôi biết là đang có sửa soạn đảo chánh, nhưng tôi không biết ai chủ mưu vì họ giữ bí mật kỹ quá”. Khi Đại sứ Lodge sắp kiếu từ đi về thì Tổng Thống Diệm bèn kéo tay Lodge qua một bên và nói là ông ta sẳn sàng thực hiện những điều chính phủ Mỹ muốn ông ta làm.
Trong lúc này, Tướng Đôn, Tướng Harkins và Đô đốc Felt đang họp báo tại phi trường Tân Sơn Nhất. Sau khi Đô đốc Felt đi thì Tướng Đôn và Tướng Harkins ăn trưa với nhau. Riêng Đại sứ Lodge vẫn ngồi nán lại nói chuyện với Tổng Thống Diệm tại Dinh Gia Long. Tổng Thống Diệm nói rằng chính người Mỹ đã giật dây xúi giục Phật giáo biểu tình và tung tin đảo chánh. Đại sứ Lodge trả lời: “Thưa Ngài, nếu một người Mỹ nào hứa hẹn một điều gì sai trái thì tôi sẽ tống cổ họ ra khỏi nước ngay”. Trước khi Đại sứ Lodge đứng lên ra về, Tổng Thống Diệm nói: “Xin ông vui lòng nói với Tổng Thống Kennedy rằng tôi là đồng minh tốt và thẳng thắn. Tôi muốn chúng ta nên thẳng thắn cùng giải quyết những vấn đề bây giờ hơn là nói về nó sau khi chúng ta đã mất tất cả”.
Trong khi Đại sứ Lodge đang tiếp chuyện với Tổng Thống Diệm thì có một vị tướng đến nhà ông CIA Conein báo tin giờ đảo chánh sắp bắt đầu. Vị tướng này bảo ông CIA Conein mang tất cả số tiền lên Bộ Tổng Tham mưu. Ông CIA Conein bèn ôm 3 triệu đồng Việt Nam (tương đương với 42.000 Mỹ kim lúc đó) ra đi. Ông còn mang theo khẩu súng lục, mấy trái lựu đạn và một cái máy truyền tin đặc biệt để liên lạc với các viên chức CIA khác.
Theo ông Conein thì số tiền này được rút từ quỹ của CIA dùng mua thực phẩm cho lính đảo chánh và bồi thường các gia đình có lính chết vì đảo chánh. Trước khi đến Bộ Tổng Tham mưu, ông CIA Conein đã bấm mật mã 9,9...9,9...9,9 để thông báo đến các nhân viên CIA biết cuộc đảo chánh chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, theo tờ báo Times of Viet Nam phát hành ngày 2/9/1963, trên trang nhất có tựa lớn “CIA Tài Trợ Đảo Chánh” (CIA Financing Planned Coup d'Etat). Trong bài báo này có nói đến việc cơ quan CIA của Mỹ chi từ 10 triệu tới 24 triệu đồng Việt Nam để tài trợ cho cuộc đảo chánh chính phủ Tổng Thống Diệm. Số tiền này được ứng ra để trả lương và tưởng thưởng cho lính, cảnh sát, công chức. Và số tiền đó cũng được dùng để trả cho các tổ chức Phật giáo, phong trào thanh niên đấu tranh, các cơ sở tuyên truyền và cho các trường hợp bất khả kháng... Song Tòa Đại sứ Mỹ lập tức bác bỏ nguồn tin này.
Lúc ấy, các tướng đảo chánh cũng đã nối đường dây điện thoại từ Bộ Chỉ huy đảo chánh và Tòa Đại sứ. Một đường dây điện thoại khác được bắt từ Bộ Tổng Tham mưu đến tư thất của ông CIA Conein với mục đích để ông CIA Conein có thể liên lạc thường xuyên với 12 lính Biệt Kích “A” Team đang bảo vệ vợ con ông. Bởi nếu đảo chánh bất thành, những người lính này sẽ tự động đưa vợ con ông ta ra khỏi nước Việt Nam ngay lập tức để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xẩy ra.
Còn tiếp...
Nguyễn Sinh
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/che-do-doc-tai-gia-dinh-tri-ngo-dinh-diem-va-cuoc-chinh-bien-nam-1963-bai-4-a18604.html