Bia Lê Lợi ở Lai Châu: Sau 500 năm chỉ có trong sử sách...

Năm trước trong dịp về dự Hội thảo ở Cao Bằng, biết tôi đã từng sống ở Lai Châu, G.S Phan Huy Lê hỏi về tấm bia Lê Lợi và cho biết, sắp tới ông sẽ đi Lai Châu với Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để lo liệu việc di dời bia Lê Lợi khắc trên thành núi cạnh bờ sông Đà, lo nước ngập vì đập thuỷ điện Sơn La. Nhân đó, chúng tôi có bài viết nhờ trình bày lại việc tìm thấy tấm Bia này sau 500 năm chỉ có trong sử sách còn ngoài hiện trường thì bị cây cối phủ kín.

bia-le-loi-1623777668-1631208297.jpg
Tấm bia khắc bài minh văn của vua Lê Lợi chính là một văn bản xác định chủ quyền - Ảnh: Vũ Lam

LỜI CẨN

Di địch chi vi biên hoạn tự cổ hữu chi,

Hán chi Hung Nô, Đường chi Đột Quyết

Ngã Tây Việt chi Mang Lễ dư man thị dã

Khoảnh do Trần Hồ suy chính phiên thần bạt hỗ

Cát Hãn cửu ư cứu tây phụ cố phất thoan                                                

Dư kim xuất sĩ vãng chinh hoá

Thuỷ lực tịnh tiến nhất cứ tựu bình

Nhân tả, nhất luật khắc chi vu thạch

Dĩ giới hậu thế man tù chi ngạnh, hoá giả văn.

Thơ chữ Hán

Cuồng tặc cảm bô tru

Biên minh cứu hệ tô

Bọn thần tòng cố hữu

Biên địa tự kim vô

Thảo mộc kinh phong hạc

Sơn xuyên nhập bản đồ.

Đề thi khắc nhan thạch

Trấn giữ ngã Việt Tây ngu 

Tân Hợi quý đông cát nhật.

Ngọc hoa động chủ đề,

DỊCH NGHĨA

Di địch là mối lo ở biên thuỳ từ xưa vẫn có. Dợ Hung Nô ở đời Hán, dợ Đột Quyết ở đời Đường. Các man Mường Lễ phía Tây nước Việt ta cũng vậy. Vừa rồi vì nhà Trần, Hồ chính trị suy đồi, bầy tôi ở biên thùy sinh ngạo ngược. Cát Hãn nhờn theo thói cũ giữ nơi biên thuỳ không chừa. Ta nay đem quân tới đánh. Đường thuỷ, đường bộ cùng tiến một trận dẹp yên. Nhân viết một bài thơ  luật. Cho khắc vào đá để răn những kẻ tù trưởng Man không theo giáo hoá ở đời sau. Thơ rằng :                                                     

Giặc cuồng sao giám tránh tội đáng giết

Dân ngoài biên đã từ lâu đợi ta đến cứu sống

Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có

Đất đai hiểm trở từ nay không còn

Cỏ cây và tiếng gío tiếng chim cũng làm

                                             quân giặc kinh sợ

Non sông này từ nay nhập vào bản đồ nước ta.

Đề thơ khắc lên  đá núi.

Để chắn giữ phía Tây nước Việt ta.     

 Vua Ngọc hoa động chủ

Tân Hợi tháng Chạp 1-1432

Nguyễn Trãi đã viết bốn bài thơ mừng hạ tiệp

Bài thứ nhất.

Ngu xuẫn man dám quấy biên

Chất hung chứa ác đã bao niên

Ôn dung tục lạ do lòng thánh

Kiêu mạo hơi lam vượi dặm ngàn

Đồi núi đã nghe thu ngụy  Bắc

Chữ vàng lại thấy khắc yên nhiên

Từ nay bốn biển xa như một

Công đức còn hơn cả thánh hiền. 

Lê Lợi sau hơn mười năm “nằm gai” “nếm mật” cùng với Nguyễn Trãi lãnh đạo cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi biên cương, đất nước thu về một mối. Tuy nhiên, ở vùng biên ải xa xôi, lợi dụng trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đó ở miền xuôi, Đèo Cát Hãn tù trưởng châu Mường Lễ-nau nay là tỉnh Lai Châu có ý đồ liên kết với giặc bên ngoài ở phía Tây là Lào và phía Bắc là nhà Minh ở Vân Nam để cát cứ một vùng.

Phát hiện được ý đồ đó của Đèo, bởi cái hoạ ở biên thuỳ là nguyên nhân làm cho nhà nước Trung ương suy yếu. Cho nên nhà vua thân chinh đưa quân lên miền “phên đậu” phía Tây Bắc nước ta: quân đi theo hai cánh đường bộ và đường thuỷ dọc theo sông Đà. Uy thế của cuộc hành quân huyền diệu, thần tốc lan ra: “tiếng gió tiếng chim cũng làm quân giặc khiếp sợ”.

Việc Lê Lợi thân chinh lên biên giới phía Tây Bắc với hai ý nghĩa. Thứ nhất là đánh dẹp bọn tù trưởng cát cứ, nhằm cắt đứt sự nhòm ngó của kẻ thù bên ngoài. Thứ hai là xác lập bản đồ của đất nước ở phía Tây nước Việt ta.

Trong đợt viễn du lên miền Tây Bắc ấy, Lê Lợi đã khắc hai tấm bia: một bia ở cạnh Chợ Bờ Hòa Bình và một bia trên thành núi cạnh bờ sông Đà ở Lai Châu. Tấm bia ở Lai Châu sau 5 thế kỉ đã bị cây cối che kín, dân địa phương không ai hay biết gì bởi vì, việc làm đó là của vương quyền, chỉ ghi vào sử sách, và ngay giới quan Lang phìa tạo cũng không biết. Còn giới nghiên cứu thì chỉ biết trong thư tịch, mà không rõ nằm ở địa điểm nào. Nhưng như thần linh mách bảo, tổ tiên xui khiến đúng vào thời điểm lịch sử.

Khoảng năm 1954 hai cha con một nông dân người Thái Lò Văn Pánh ở bản Trang cạnh nhà Đèo Văn Long đi săn thú, vô tình bắt gặp tấm bia. Thấy chữ Nho, hai cha con sợ lắm, bỏ buổi săn chạy về nhà, rồi không nói cho ai biết. Sau này(1960) do làm đường đi Mường Tè qua gần đó và con trai ông Pánh là Lò Văm Pún cùng công nhân làm đường nên anh Pún mới nói ra. Tin về tấm bia này đến Phòng Văn hóa Châu Mường Lay, rồi về Sở Văn hóa khu Tây Bắc, nhưng chưa biết cụ thể tấm bia nằm ở vị trí nào nào bên thành núi.

Năm 1962, tỉnh Lai Châu được thành lập, Ty Văn hoá đã có các phòng ban, Phòng Bảo tàng, Phòng Văn nghệ. Trong điều kiện đó, năm 1965 cán bộ bảo tàng của khu tự trị Tây Bắc Nguyễn Ngọc Tuấn lên cùng chúng tôi sang khu bản Trang tìm hiểu, may qúa lại gặp được bác Lò Văn Pánh, người thấy tấm bia lần trước. Ngay chiều hôm đó, bác đưa chúng tôi lên triền núi bên bờ sông Đà cách bản Trang độ 5km, theo đường mòn đi Mương Tè. Bia nằm bên vách đá dựng đứng, cách đường mòn độ 20m.

Ngay ngày hôm sau, với khả năng nghề nghiệp, Nguyễn Ngọc Tuấn, cán bộ bảo tàng khu Tây Bắ, bắt tay vào việc dập bản chữ và sau đó là việc dịch. Bản dịch  trong bài báo này là của tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn nay đã quá cố. Bài báo này để tri ngộ với ông. 

Ngày xưa các bậc vương quyền, lấy lãnh thổ của đất nước làm gốc, sau đó mới lấy dân chúng làm trọng. Lãnh thổ bị lấn chiếm dần, chỉ cần: nay một tấc, mai một tấc thì không mấy chốc mà đất đai dần bị thu hẹp. Khi không có đất thì dân chúng không có đất để ở và không có đất đai để cày cấy, gieo trồng thì thiếu cái để ăn, dẫn đến đói kém, phiêu bạt. Do đó, một tấc đất ở phên dậu của Tổ quốc bị mất, kẻ làm quan ở địa hạt ấy bị chém đầu. Cho nên, các bậc vua hiền, khi dựng được nước là đi tuần thú ở biên cương, khắc bia vào đá núi để chắn giữ nơi dậu phên. Lê Lợi là một trong số tấm gương đó. Noi theo gương của tiền nhân, nhà Nguyễn khi thống nhất được đất nước Vua Gia Long đã đưa các tướng tài tâm phúc đến cai trị các vùng trung tâm chính trị và các nơi phên dậu hiểm yếu trong đất liền, ngoài biển Đông thì cho các đội quân khai thác hải sản, nhưng cái chính là làm phên dậu ở ngoài khơi xa, nay là vùng Hoàng Sa, Trường Sa; Nhà Vua còn cho tổ chức lễ giỗ cấp nhà nước ở Đền Hùng tỉnh Phú Thọ.   

Các vua còn gả con gái cho các Tù trưởng chắn cứ ở miền phên dậu của đất nước để làm mối ràng buộc. Trong đó gương sáng cho muôn đời sau là việc Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã gả con gái yêu là Công chúa Huyền Trân cho Chúa Chiêm Thành Chế Mân. Chế Mân đem đất châu Ô, châu Lý làm vật dẫn cưới và phong Huyền Trân làm Hoàng hậu. Cho đến ngày nay, người dân Việt của 2 vùng đất ấy, đó là Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, đã lập đền thờ Công chúa Huyền Trân và sáng tạo làn điệu dân ca Nam ai, Nam bằng để ngợi ca về gương hy sinh quyền lợi cá nhân, đem lại lợi ích cho dân tộc của Công chúa. Vùng đất châu Ô, châu Lý cũng là cơ sở tạo điều kiện cho việc mở rộng đất Đàng Trong sau này của Chúa Sải do mưu sĩ Đào Duy Từ hiến kế.

Nhạc sĩ Dương Đinh Minh Sơn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bia-le-loi-o-lai-chau-sau-500-nam-chi-co-trong-su-sach-a18562.html