Ngày 08/9/2021, Hội nghị lần thứ 56 Ủy ban Văn hóa-Thông tin ASEAN (ASEAN-COCI) được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự chủ trì của Bộ Văn hóa Thái Lan - Chủ tịch Hội nghị năm 2021. Đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch Hội nghị lần này, đoàn Việt Nam do bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dẫn đầu, ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cán bộ phụ trách hợp tác văn hóa, thông tin ASEAN của Việt Nam tham dự hội nghị. Đại diện cơ quan phụ trách văn hóa, thông tin các quốc gia thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN tham dự hội nghị từ các điểm cầu.
Hội nghị lần thứ 56 là hoạt động thường niên của Uỷ ban Văn hóa-Thông tin ASEAN nhằm mục tiêu đánh giá kết quả các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực văn hoá và thông tin trong khu vực thời gian qua, cũng như thảo luận, đưa ra các đề xuất, sáng kiến hợp tác mới. Trên cơ sở nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đại diện cho Việt Nam tham gia Ủy ban Văn hóa-Thông tin ASEAN.
Tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thái Lan Itthiphol Kunplome có bài phát biểu chào mừng hội nghị và cho biết, năm 2021 được chọn là Năm quốc tế vì sự phát triển bền vững của nền kinh tế sáng tạo. Bộ trưởng Itthiphol Kunplome nhấn mạnh, sáng tạo chính là nhân tố thúc đẩy và phát triển lĩnh vực văn hóa, thông tin, tạo ra trạng thái bình thường mới cho người dân trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Darunee Thamapodol, Cố vấn Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan, Chủ tịch hội nghị ASEAN-COCI lần thứ 56 khẳng định, chủ đề sáng tạo được cộng đồng ASEAN tích cực thúc đẩy thời gian qua, trong đó, tại Thái Lan đã diễn ra Triển lãm các thành phố sáng tạo ASEAN, thể hiện sự ưu tiên của ASEAN đối với kinh tế sáng tạo, tổ chức thành công Hội nghị AMRI lần thứ 15 với chủ đề “ASEAN- một cộng đồng số dành cho tất cả mọi người” nhằm thúc đẩy phát triển cơ chế hợp tác thông tin ASEAN thông qua chuyển đổi phát sóng truyền hình trên nền tảng kỹ thuật số.
Trên cương vị Phó Chủ tịch hội nghị, bà Nguyễn Phương Hòa phát biểu, đánh giá cao nỗ lực của Thái Lan tổ chức hội nghị ASEAN-COCI lần thứ 56 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á, đồng thời khẳng định, trong khó khăn, sóng gió, bản sắc của Cộng đồng ASEAN, tình cảm tương thân, tương ái giữa các quốc gia thành viên và người dân ASEAN càng được củng cố, bồi đắp và đó chính là giá trị văn hóa đặc trưng của Cộng đồng ASEAN.
Tại phiên toàn thể, Thái Lan lựa chọn nội dung “Đa dạng và Sáng tạo: Hướng tới một tương lai bền vững cho ASEAN” làm chủ đề thảo luận của hội nghị ASEAN-COCI năm 2021 khi các nước ASEAN đang nỗ lực triển khai Kế hoạch Tổng thể đến năm 2025 trên các trụ cột, bao gồm lĩnh vực văn hóa, thông tin. Các nước tham gia hội nghị đánh giá cao, ủng hộ chủ đề của Thái Lan, đồng thời đưa ra nhiều khuyến nghị tăng cường hợp tác văn hóa, thông tin qua các dự án nhằm mục tiêu phát triển bền vững của ASEAN, trong đó đề cao vai trò của văn hóa sáng tạo trong thời đại số. Thái Lan đề cao các mục tiêu đổi mới, sáng tạo và công nghệ nhằm phát triển kinh tế xanh, kinh tế tái tạo và công nghệ. Trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo, Thái Lan có kế hoạch tập trung cho phát triển các sản phẩm văn hóa, thủ đô văn hóa, du lịch cộng đồng và mạng lưới thành phố sáng tạo ASEAN.
Trao đổi tại hội nghị, Phó Chủ tịch hội nghị ASEAN-COCI lần thứ 56 Nguyễn Phương Hòa khẳng định, lĩnh vực văn hóa và thông tin giúp ASEAN gắn kết trong mái nhà chung, cùng hướng về một tầm nhìn, một bản sắc, đưa ASEAN thành một cộng đồng văn hóa thống nhất trong đa dạng, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của khu vực.
Cục trưởng Nguyễn Phương Hòa chia sẻ, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa với các nếp sống, phong tục, tín ngưỡng, nghệ thuật, ẩm thực...đa dạng trong thống nhất. Chính sự đa dạng, phong phú của các thực hành và biểu đạt này là cơ sở quan trọng cho sự tồn tại bền vững, giàu tính bản sắc và nhân văn của các dân tộc Việt Nam. Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng mà Việt Nam đã đề ra trong chiến lược phát triển đất nước. Việt Nam đề cao phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực chứng kiến nhiều biến chuyển mạnh mẽ và khó lường, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của mình, là mô hình hợp tác khu vực thành công, trong đó lĩnh vực văn hóa, thông tin ngày càng được đề cao, bà Nguyễn Phương Hòa cho rằng, phát huy tính đa dạng, sáng tạo trong văn hóa và triển khai công tác thông tin đối ngoại là việc làm cần thiết cho phát triển bền vững. Đa dạng văn hóa là động lực mạnh mẽ của sự phát triển, không chỉ trong tăng trưởng kinh tế, mà còn nhằm hướng đến cuộc sống hoàn thiện hơn về trí tuệ, tình cảm, đạo đức và tinh thần đoàn kết ASEAN.
Nhằm hướng đến một tương lai bền vững của ASEAN, Trưởng đoàn Việt Nam Nguyễn Phương Hòa đã đưa ra những đề xuất, khuyến nghị trong hợp tác văn hóa, thông tin ASEAN, tập trung vào: (i) đẩy mạnh phát triển hợp tác văn hóa, thông tin ASEAN thành chất gắn kết, gìn giữ và lan tỏa ý thức và bản sắc cộng đồng trong ASEAN, lồng ghép hài hòa vào các nỗ lực ứng phó chung ở cấp độ quốc gia và khu vực vì phát triển bền vững của ASEAN; (ii) ASEAN cần tính đến xác lập và định hướng phát triển văn hoá số trong bối cảnh xã hội số, nền kinh tế số, không ngừng đề cao vai trò và hiệu quả của các phương tiện truyền thông mới, tiếp tục áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa - thông tin nhằm tạo cơ hội và đòn bẩy để ASEAN bứt phá, phát triển; (iii) hình thành, kết nối mạng lưới các không gian sáng tạo tại các đô thị lớn, tạo tác động lan toả về hình ảnh các đô thị đáng sống từ văn hoá, nghệ thuật, sáng tạo, lan toả thông điệp tích cực của văn hoá và thông tin trong khu vực; (iv) tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hoá mũi nhọn mà các nước thành viên ASEAN có thế mạnh như điện ảnh, thiết kế, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc, du lịc văn hóa… nhằm hình thành sức mạnh mềm cho mỗi quốc gia, tạo lợi thế phát triển kinh tế-xã hội cho toàn khu vực ASEAN; và (v) tăng cường các hoạt động nâng cao bản sắc ASEAN, trang bị cho người dân những kiến thức, kỹ năng để nhận biết các thông tin chính thống, giá trị văn hóa đích thực, từ đó khơi dậy tình đoàn kết và hài hoà được các khác biệt trong cộng đồng ASEAN.
Tại hội nghị lần này, các nước thành viên ASEAN đã trao đổi, cập nhật tình hình triển khai các dự án hợp tác của giai đoạn vừa qua và phê duyệt các dự án mới giai đoạn tiếp theo do các nước đề xuất. Theo đó, Hội nghị đã thông qua 08 dự án trong lĩnh vực văn hóa (trong đó có 01 dự án Liên hoan nghệ thuật ASEAN tại Triển lãm Thế giới EXPO 2020 Dubai sẽ triển khai trong năm 2021) và 07 dự án trong lĩnh vực thông tin để triển khai trong năm 2022. Hội nghị ASEAN-COCI lần thứ 56 cũng đã thông qua báo cáo hội nghị lần thứ 22 Tiểu ban Văn hóa ASEAN và Tiểu ban Thông tin ASEAN.
Theo kế hoạch, năm 2022, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội nghị lần thứ 57 Ủy ban Văn hóa-Thông tin ASEAN. Thay mặt đoàn Việt Nam, Cục trưởng Nguyễn Phương Hòa đã thông báo kế hoạch tổ chức hội nghị ASEAN-COCI lần thứ 57 tại tỉnh Quảng Nam - nơi dự kiến diễn ra Năm Du lịch quốc gia Việt Nam, đồng thời bày tỏ hi vọng dịch bệnh COVID-19 sớm được đẩy lùi để Việt Nam có thể tổ chức hội nghị ASEAN-COCI lần thứ 57 theo hình thức trực tiếp và mời các đại biểu ASEAN đến Việt Nam vào năm 2022./.
Theo bvhttdl.gov.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/day-manh-hop-tac-van-hoa-va-thong-tin-vi-su-phat-trien-ben-vung-cua-asean-a18560.html