Thành cổ Hoàng Đế, một di sản của 2 triều đại

Thành Hoàng Đế được triều đại Tây Sơn xây dựng vào năm 1776 trên cơ sở thành Đồ Bàn của Vương quốc Chămpa để lại và được chính thức gọi tên là Thành Hoàng Đế từ năm 1778. Một trong những thành có quy mô lớn nhất trong hệ thống thành cổ Việt Nam còn đến nay có chu vi 7.575m. Được coi là nơi “thắng địa”, vị trí cao thoáng, lấy núi Mò O làm tiền án phía Đông, núi Tam Sơn làm lá chắn phía Nam, phía Tây là những dải đồi thấp nối tiếp nhau trải dài tạo tấm lá chắn giăng trước lũy.

thanh-co-1-1631069951.jpg
Thành cổ Hoàng đế được xem là kinh đô của hai triều đại, hai giai đoạn lịch sử cách nhau hơn 300 năm, cũng là kinh đô xa nhất của người Việt về phương Nam.

Hiện nay Thành Hoàng Đế nằm trên địa phận xã Nhơn Hậu và phường Đập Đá, thị xã An Nhơn. Đây được xem là kinh đô của hai triều đại, hai tộc người, trong hai giai đoạn lịch sử cách nhau hơn 300 năm, cũng là kinh đô xa nhất của người Việt về phương Nam.

Từ 500 năm trước Thành Hoàng Đế là kinh đô của nước Chămpa. Theo thư tịch cổ, ngôi thành cổ này có rất nhiều tên gọi: Vijaya, Chà Bàn, Xà Bàn, thành Lồi, Đồ Bàn… Trong đó, tên gọi Chà Bàn được sử liệu Việt Nam ghi chép sớm nhất vào thời Lê (1403) và sử dụng nhiều nhất, một số sử liệu về sau gọi là thành Đồ Bàn. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú viết: “Sách Thiên Nam dư địa chí gọi là Chà Bàn, sau nhiều sách chép lầm là Đồ Bàn vì chữ Chà và chữ Đồ gần giống nhau”.

Ngược dòng lịch sử, vào cuối thế kỷ thứ X, khi dời đô từ Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, H. Thăng Bình, T.Quảng Nam) về phía Nam, vương triều Champa đã chọn Đồ Bàn (Bình Định) làm nơi đóng đô. Và Đồ Bàn trở thành kinh đô của vương quốc này suốt 5 thế kỷ. Khi Nguyễn Nhạc xưng Vương, sau nhiều tính toán cân nhắc, ngài không chọn phủ thành Quy Nhơn vừa chiếm được để dựng kinh thành, mà lại chọn Đồ Bàn - một tòa thành hoang phế hơn 300 năm.

tc-2-1631069527.jpg
Thành có kiến trúc hình chữ nhật, gồm ba vòng thành: Thành Ngoại, Thành Nội và Tử Cấm Thành

Sử cũ chép về Thành Hoàng Đế: “Nguyễn Nhạc nhân đất cũ của Chiêm Thành, sửa đắp thành Đồ Bàn, đào lấy đá ong thành Lũy, mở rộng cung điện” (Sách Lê Quí Dật Sử); “Tây Sơn Nguyễn Nhạc chiếm cứ thành này, nhân nền cũ xây đá ong tiến xưng là Thành Hoàng Đế” (Đại Nam Nhất Thống Chí); “Đồ Bàn có từ lâu đời, khắc phục tự nhà Trần, bị phá vỡ tự đời nhà Lê, khôi phục được từ nhà Tây Sơn, sau dần dần phá bỏ mà nay nền cũ vẫn còn… Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 37, nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc năm thứ 4 bèn nhân nơi đó mà đóng đô, mở rộng cửa đông kéo dài đến 15 dặm, tường thành được đắp cao rồi xây bằng đá ong, bề cao đến 1 trượng 4 thước, bề dày 2 trượng, mở thêm 1 cửa thành ra 5 cửa, riêng phía trước có 2 cửa, bên tả là cửa Tân Khai, bên hữu là cửa Vệ môn… phía Tây thành có đắp con đê đỉnh nhĩ để phòng nước lụt, phía Tây Nam có đàn Nam Giao để tế trời đất, bên trong thành xây thêm bức thành con, chính giữa dựng điện Bát Giác… phía sau là điện Chánh Tẩm (nhà chính), trước điện Bát Giác có lầu Bát Giác; hai bên dựng hai nhà thờ, bên tả thờ tổ tiên ông Nhạc, bên hữu thờ tổ tiên bà Nhạc; trước lầu Bát Giác có cung Quyển Bồng, hai bên có dãy hành lang là nơi làm việc; trước cửa cung có cửa Tam Quan cũng gọi là cửa Quyển Bồng, hay là cửa Nam Lâu mà cửa Vệ Môn đứng ở trước mặt” (Đồ Bàn Thành Ký Nguyễn Văn Hiển).

Đến năm 1799, Nguyễn Ánh chiếm thành Hoàng Đế đổi tên là thành Bình Định. Năm 1800, quân Tây Sơn vây thành, đến năm 1801 chịu không nổi trùng vây của quân Tây Sơn, hai tướng giữ thành của Nguyễn Ánh là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu tự sát.

Năm 1802, quân Tây Sơn bỏ thành ra Bắc. Khi Gia Long lên ngôi, nơi đây trở thành dinh Bình Định rồi trấn Bình Định. “Năm Gia Long thứ 7 (1808) dời đến chỗ hiện nay (thôn Kim Châu và An Ngãi), năm thứ 14 đắp bằng đất, năm thứ 16 xây bằng đá ong” (Đồ Bàn Thành Ký Nguyễn Văn Hiển).

thanh-co-4-1631069629.jpg
Lầu Bát Giác mùa đông năm 1799, bước sang năm 1800 nơi Võ Tánh viết thư cho nhà Tây Sơn xin tha tội cho tất cả tướng sĩ của mình rồi lên lầu châm lửa tự thiêu

Việc xây dựng kinh thành Đồ Bàn cho thấy rằng: người Chăm xưa rất giỏi trong việc sử dụng và kiến tạo địa hình. Một tài liệu viết thời vua Thành Thái “Thành Chà Bàn (Đồ Bàn), dựa vào núi Long Cốt để làm thế vững. Thành hình vuông rộng hơn 10 dặm, mở 4 cửa, xây bằng gạch, rào gỗ, tuy không có hào rãnh mà vẫn kiên cố…”.

H. Parmentier - một kiến trúc sư người Pháp, sau khi khảo sát nghiên cứu, viết về thành Đồ Bàn như sau: “Trên đường cái quan cách thành Bình Định mươi cây số, thấy vết tích một khu thành Chàm, mà kích thước được xếp hàng đầu trong số những công trình quân sự của dân tộc này… Một nhánh sông Bình Định bảo vệ phía Bắc… Tường bằng đất ốp đá ong… tòa thành được tạo bởi những gò đất có tính toán…”. Mặt khác, thành Đồ Bàn còn có tấm lá chắn vững chắc bảo vệ mặt biển, trấn giữ cảng Thị Nại (một thương cảng lớn lúc bấy giờ), cách thành Đồ Bàn khoảng 10km, đó là thành Thị Nại.

Địa thế kinh đô Đồ Bàn cũng chính là địa thế của thành Hoàng Đế được Nguyễn Văn Hiển nhận xét: “Thành Đồ Bàn được xây dựng vào trung tâm của nước, tựa vào thế vững của núi Long Cốt, non xanh bày hàng trước mặt, nước biếc uốn réo xung quanh… bên hữu lấy núi Phong làm lũy, bên tả lấy bể làm hào; núi Cù Mông như rồng cuộn khúc ở phía trước; bến Thạch Tân như cọp hùng cứ ở mặt sau, quả là nơi hiểm trở thiên nhiên vậy”.

Giới hạn không gian đầu tiên của kinh thành là vòng thành ngoại được xây đắp cao và kiên cố dựa theo địa hình tự nhiên, có chức năng chủ yếu là phòng vệ quân sự. Cấu trúc thành ngoại hình chữ nhật, tường thành cao nhất hiện còn là 6m, chân thành rộng hiện còn khoảng 30m - 40m, mặt thành rộng từ 4m - 5m. Tường thành được đắp trên nền đất đồi khá cứng, những chỗ nền yếu được kè đá vững chắc, ruột tường thành được xây bằng đá ong làm cốt, bên ngoài đắp đất lẫn gạch, ngói và gốm kè chân tường. Tường thành ngoại phía Tây lợi dụng những ngọn đồi thấp nối tiếp nhau tạo thành tường cao và hào sâu. Tường thành ngoại phía Bắc có con sông Quai Vạt uốn lượng bao quanh, vừa có chức năng bảo vệ thành, vừa có chức năng giao thông đường thủy.

Con đê Đỉnh Nhĩ đắp như hình móng ngựa, từ góc Tây - Nam thành ngoại nối vòng cung qua góc Tây – Bắc thành ngoại, từ sông La Vỹ nối qua sông Quai Vạt, bao bọc bờ thành ngoại phía Tây. Về quy mô, vật liệu và kỹ thuật xây dựng đê Đỉnh Nhĩ giống như thành ngoại thành Đồ Bàn, bề mặt đê hiện nay không còn nguyên trạng do quá trình tụ cư và canh tác của người dân, đoạn phía góc Tây - Nam mặt đê rộng từ 10m đến 15m, tổng chiều dài đê là 2.240m. Có ý kiến cho rằng: đê Đỉnh Nhĩ được người Chăm xây dựng kiên cố như một bờ thành nhằm mục đích để ngăn lũ, bảo vệ cánh đồng bên trong hoặc bảo vệ bờ thành ngoại phía Tây, xem ra chưa hợp lý. Bởi vì, cánh đồng bên trong không rộng và bờ thành ngoại phía Tây, nguyên là những gò đồi tự nhiên được sử dụng kiến tạo làm bờ thành, quá kiên cố vững chắc.

Đường thủy lúc bấy giờ là tuyến giao thông quan trọng, sông La Vỹ và sông Quai Vạt là hệ thống đường thủy tiếp cận thành Đồ Bàn - thành Hoàng Đế. Có thể, con đê Đỉnh Nhĩ là hệ thống “thành ngoại thứ hai” được người Chăm xây dựng để củng cố vững chắc mặt thành xung yếu phía Tây - hướng giao thông đường thủy (!).

Thành Hoàng Đế có quy mô lớn nhất trong hệ thống thành cổ Việt Nam còn đến ngày nay (có chu vi 7.575m). Được coi là nơi “thắng địa”, vị trí cao thoáng, lấy núi Mò O làm tiền án phía Đông, núi Tam Sơn làm lá chắn phía Nam, phía Tây là những dải đồi thấp nối tiếp nhau trải dài tạo tấm lá chắn giăng trước lũy. Ba mặt thành, phía xa là các dòng sông uốn lượn như hào tự nhiên che chắn. Thành được xây dựng trên thế đất hội tụ núi sông liền kề, liên kết điệp trùng, vừa có thế công vừa có thế thủ.

thanh-co-3-1631069802.jpg
Cách trung tâm thành Hoàng Đế vài trăm mét, dấu tích còn nguyên vẹn của kinh đô vương quốc Chămpa là ngôi Tháp Cánh Tiên. Tháp được xây dựng vào thế kỷ 12, trên đỉnh một quả đồi thấp

Lối vào thành có hai chú voi bằng đá rêu phong đứng cách nhau hơn 20m, một hướng về phía Đông, một hướng về phía Tây. Đó là dấu tích thành Đồ Bàn của vương quốc Chămpa được vua Thái Đức Nguyễn Nhạc giữ lại khi xây dựng thành. Qua cổng thành, trong sân có những tượng lân đá rất sinh động. Vào đến khu vực Tử Cấm Thành, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng một số di tích còn sót lại cho đến ngày nay như lầu Bát Giác, hòn Giả Sơn… Phân bố đăng đối hai bên lầu Bát Giác là hai hồ hình bán nguyệt đã được nạo vét, trả lại nguyên vẹn hình dạng một hồ tắm xưa với đường kính dài 17m, sâu 1,6m. Vách hồ là những tảng đá ong nâu xếp chồng lên nhau, được kết dính bằng đất sét hết sức khéo léo và đẹp mắt. Đặc biệt, trên vách hồ có gắn những khối san hô trắng cỡ bằng bàn tay và một số bệ đá. Đáy hồ phẳng, được lèn chặt bằng gạch, sau đó nén một lớp đất sét. Hai cạnh hồ khép góc có bậc cấp thoai thoải dẫn xuống hồ. Mép và vách hồ tắm vừa tầm tay để vịn khi lên xuống tạo sự thuận lợi, thoải mái cho người tắm. Hồ tắm hình bán nguyệt vừa đẹp về mặt hình họa vừa có chút gì lãng mạn tượng trưng cho tình yêu. Từ những chứng cứ khoa học, các nhà khảo cổ nghiêng về giả thuyết hồ có từ thời xây thành Đồ Bàn, được vua Chiêm Thành Chế Mân xây tặng công chúa Huyền Trân như một món quà tình yêu. Cách hồ bán nguyệt khoảng 50m là một giếng cổ hình lá đề. Thành giếng được xây bằng đá ong và đất sét. Có thể nước hồ tắm được lấy từ giếng này. Trải qua thời gian, giếng nước xưa giờ đây đã bị lấp bằng, chỉ còn là một hồ trũng. Ở góc thành còn có một giếng cổ hình vuông, lát đá ong mà nước đến bây giờ vẫn trong xanh dù cho thời gian, cây cỏ vô tình che lấp.

Các vương triều thường chọn địa điểm xây dựng thành lũy định đô phải đáp ứng các yêu cầu thuận lợi về chính trị, kinh tế - giao thương, quân sự, phong thủy… Và yếu tố quân sự luôn được đặt lên hàng đầu, bởi lẽ kinh thành cũng chính là “quân thành”. Một trong những yếu tố quan trọng khiến cả hai vương triều cùng chọn nơi này định đô, đó là địa thế phòng thủ thiên nhiên kiên cố. Năm 1982 Thành cổ Hoàng Đế được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia./.

Hữu Tiến

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/thanh-co-hoang-de-mot-di-san-cua-2-trieu-dai-a18519.html