Biến đổi các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình người Việt hiện nay

Hiện nay, các giá trị văn hóa trong gia đình người Việt đang biến đổi theo hướng từ gia đình gia trưởng truyền thống sang gia đình kiểu dân chủ hiện đại. Trong quá trình đó, chức năng giáo dục của gia đình đang suy giảm, lối sống đang biến đổi nhanh do các nhu cầu mưu sinh, về kinh tế, khẳng định vị trí của mọi thành viên trong gia đình.

van-hoa-gia-dinh-1624752511-1631033960.gif

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình người Việt, cần đưa môn Gia đình học vào hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, xây dựng Bảo tàng gia đình Việt Nam, phát triển du lịch văn hóa làng quê Việt Nam và kế thừa những giá trị tốt đẹp vốn có của dân tộc. Theo đó, bài viết nhằm bàn luận về sự biến đổi những giá trị văn hóa trong gia đình người Việt trong hội nhập và phát triển.  

1. Gia đình và gia đình truyền thống của người Việt

Gia đình và văn hóa gia đình ở Việt Nam là những vấn đề đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, lý giải ở những góc độ tiếp cận khác nhau như xã hội học, văn hóa học, ngôn ngữ học, lịch sử, dân tộc học,… Theo từ điển tiếng Việt giải thích: “Gia đình là tập hợp những người có quan hệ hôn nhân và huyết thống sống chung trong một nhà”[16]. Đào Duy Anh giải thích: “Gia tộc Việt Nam xưa nay có hai bực, một là nhà hay tiểu gia đình, gồm vợ chồng cha mẹ và con cái, hai là họ, hay là đại gia đình, gồm cả đàn ông đàn bà cùng một ông tổ sinh ra, kể cả người chết và người sống”[1].Toan Ánh đã viết: “Gia đình là một tổ hợp nhỏ gồm tất cả mọi người quyến thuộc trong nhà. Gia đình còn được gọi là nhà, và gia tộc là họ. Gia đình gồm vợ chồng, trên có cha mẹ dưới có con cái, gia tộc gồm tất cả đàn ông, đàn bà cùng một ông tổ sinh ra, kể cả người chết và người sống”[2]. Trong Cương lĩnh năm 1991 của Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định: “Gia đình là một tế bào xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Các chính sách của Nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ. Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người”[14]. Theo cách hiểu khác: “Gia đình là một hình thức tổ chức đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa - xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục,… giữa các thành viên”[11]. Như vậy, theo tiến trình lịch sử, xã hội loài người đã hình thành và trải qua những kiểu gia đình: gia đình mẫu hệ, gia đình cùng huyết thống, gia đình đối ngẫu, gia đình cá thể, gia đình phụ quyền, gia đình tư sản, gia đình cộng sản. Cũng như các tộc người và các dân tộc khác, người Việt từ xưa đã chung sống thành gia đình. Gia đình theo kiểu truyền thống hay gia đình hiện đại của người Việt gồm những người sống chung trong một mái nhà có quan hệ hôn nhân và huyết thống. Theo quy mô, gia đình truyền thống người Việt gồm hai kiểu: gia đình lớn từ 3 thế hệ trở lên và gia đình nhỏ có hai thế hệ. “Theo dòng hệ, Việt Nam có ba kiểu gia đình: gia đình mẫu hệ, gia đình phụ hệ và gia đình song hệ[14]. Gia đình truyền thống người Việt coi trọng tộc trưởng và gia trưởng: “Người chồng trị vì, người vợ cai quản”. “Theo nguyên lý thì trong chế độ phụ quyền, người gia trưởng có quyền uy tuyệt đối ở trong nhà: Gia trưởng có quyền sở hữu và quản lý tài sản của gia đình, vợ con phải làm lụng cho gia trưởng chứ không ai được dinh lợi về phần riêng; Gia trưởng có quyền sở hữu đối với vợ con và có thể bắt đi làm thuê hay đem bán đi được; Gia trưởng có quyền độc đoán về việc hôn nhân của con cái, và quyền sinh sát nữa”[1]. Tộc trưởng là người đứng đầu một dòng họ, có trách nhiệm thờ phụng tổ tiên, quyết định việc hôn nhân, việc tang ma… của cả dòng họ. Tộc trưởng người Việt ở Nam Bộ, Trung Bộ có sự khác với người Việt ở Bắc Bộ: “Nam Bộ tộc trưởng thường là người lớn tuổi hoặc có đức dày hơn hết trong họ, không theo nguyên tắc đích trưởng như gia đình người Việt ở Bắc Bộ và Trung Bộ”[2]. Như vậy, gia đình là tập hợp của những người có quan hệ hôn nhân và huyết thống, gắn bó với nhau bằng các quan hệ tình cảm, trách nhiệm, nuôi dưỡng và giáo dục. Gia đình người Việt là tiểu gia đình phụ quyền với các chức năng cơ bản: kinh tế tự chủ, tái sản xuất sức lao động, bảo tồn nòi giống, thờ cúng, nuôi dưỡng, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc, cân bằng tâm sinh lý và tình cảm.

2. Giá trị văn hóa và những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình người Việt

Văn hóa là một khái niệm đa nghĩa, phức tạp và từ các mục đích nghiên cứu và góc độ tiếp cận của các chuyên ngành như văn hóa học, nhân học văn hóa, xã hội học văn hóa, triết học văn hóa,… mà tồn tại nhiều định nghĩa văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta có thể quy các định nghĩa văn hóa theo các khuynh hướng: định nghĩa miêu tả, định nghĩa nêu đặc trưng, định nghĩa cấu trúc, định nghĩa phái sinh… Trong bài viết này, người viết lựa chọn định nghĩa văn hóa: “Văn hóa là hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy trong quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của mình”[14], làm cơ sở cho việc nghiên cứu của mình. Giá trị là một khái niệm có độ bao quát rộng đã được nhiều nhà khoa học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và nhân văn đã đề cập: giá trị tự nhiên, giá trị nhân văn, giá trị lịch sử, giá trị kinh tế, giá trị vật chất, giá trị tinh thần, giá trị thẩm mĩ, giá trị khoa học, giá trị văn hóa… Tính giá trị là đặc trưng quan trọng nhất để tìm bản chất của văn hóa. Con người vốn có hai loại nhu cầu cơ bản là nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần, do vậy, cũng có hai loại hoạt động cơ bản là sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần. Quan niệm phổ biến nhất thường phân chia giá trị văn hóa như một hệ thống thành hai dạng: giá trị văn hóa vật thể (tangible culture) và giá trị văn hóa phi vật thể (intangible culture). “Giá trị văn hóa là yếu tố cốt lõi của văn hóa, nó được sáng tạo và kết tinh trong quá trình lịch sử của mỗi cộng đồng, tương ứng với môi trường tự nhiên và xã hội nhất định. Giá trị văn hóa hướng đến thỏa mãn những nhu cầu và khát vọng của cộng đồng về những điều tốt đẹp (chân, thiện, mỹ), từ đó bồi đắp và nâng cao bản chất Người. Giá trị văn hóa luôn ẩn tàng trong bản sắc văn hóa, di sản văn hóa, biểu tượng, chuẩn mực văn hóa. Chính vì vậy mà văn hóa thông qua hệ giá trị của nó góp phần điều tiết xã hội”[14]. Việc phân chia giá trị văn hóa vật chất và giá trị văn hóa tinh thần chỉ mang tính tương đối. Như vậy, các giá trị văn hóa truyền thống và sự biến đổi các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình Việt  Nam được tiếp cận và lý giải trên hai phương diện giá trị văn hóa vật chất và giá trị văn hóa tinh thần. “Truyền thống là chỉ hệ thống quan niệm giá trị cơ bản thể hiện bản chất đặc thù của cộng đồng con người do lịch sử liên tục lưu truyền lại. Văn hóa truyền thống là văn hóa dân tộc, do lịch sử liên tục truyền lại. Văn hóa truyền thống là để tương đối với văn hóa ngoại lai, chỉ văn hóa mẹ, văn hóa bản thổ cũng là văn hóa dân tộc. Văn hóa truyền thống là để tương đối với văn hóa hiện đại, chỉ văn hóa do lịch sử lưu truyền lại”[8].

Trước hết là các giá trị văn hóa vật thể trong gia đình truyền thống của người Việt. Gia đình truyền thống của người Việt là gia đình nông nghiệp. Trong sản xuất và trong cuộc sống, họ đã biết liên kết nhau lại để tận dụng và ứng phó với tự nhiên, khai thác những nguồn lợi có sẵn trong tự nhiên để phục vụ nhu cầu ăn, mặc, ở và đi lại. Chẳng hạn như văn hóa ẩm thực truyền thống của người Việt chủ yếu là cơm - rau - cá. Chúng là những nguồn dinh dưỡng quan trọng và trở thành nền tảng trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Văn hóa mặc của người Việt xưa đã biết tận dụng những nguyên liệu trong tự nhiên như vỏ cây, lá cây, tơ chuối, sau đó họ biết trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải để làm nguyên liệu để tạo nên những trang phục của mình. Vì thế, mà gia đình Việt Nam là nơi hình thành các nghề thủ công truyền thống: nghề dệt, nghề gốm sứ, nghề mộc, nghề rèn, nghề thêu,… Giá trị văn hóa vật chất truyền thống trong gia đình Việt Nam tiêu biểu nhất là ngôi nhà truyền thống. Về mặt cấu trúc và hình thức kiến trúc ngôi nhà truyền thống có thể ba gian, năm gian, nhà sàn, nhà thuyền, nhà bè, nhà rông. Ngôi nhà truyền thống có thể làm bằng đất, gỗ, tre, nứa, lá, gạch, ngói,… Ngôi nhà truyền thống là tấm gương phản ánh đặc điểm của truyền thống văn hóa dân tộc. Người Việt thường quan niệm: “Thứ nhất dương cơ, thứ nhì âm phần. An cư lạc nghiệp. Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam,...”. Đặc biệt là hướng nhà phải được tính toán cẩn thận, người ta tránh hướng hồ, ao, những chỗ đất lõm, những đường giao thông chạy theo đường thẳng. Nói chung người Việt thường lựa chọn hướng mặt tiền của ngôi nhà về hướng Nam là hướng tốt, hướng “dương”. Người Việt thường quan niệm: “Đã sinh ra ở đời, con người ai cũng cần có nơi ẩn mưa trú nắng, ngay từ thời thượng cổ, khi con người ta chưa tạo dựng được nhà cửa, con người cũng cần có nơi trú ẩn để chống với thiên nhiên cũng như để chống lại thú dữ”[2]. Đồng thời những vật dụng sinh hoạt, sản xuất trong gia đình như giường, tủ, cối xay, cối giã gạo, cày, bừa… là văn hóa sinh hoạt mà theo Đào Duy Anh: “Văn hóa tức là sinh hoạt”[1]. Như vậy, ngôi nhà truyền thống của người Việt dù truyền thống hay hiện đại, ngôi nhà không chỉ là một yếu tố vật chất trong đời sống xã hội. Nó còn là một yếu tố tinh thần nữa.

Thứ hai, những giá trị văn hóa phi vật thể trong gia đình truyền thống của người Việt. Mỗi gia đình người Việt đều có không gian thờ riêng, kể cả những gia đình theo những tôn giáo khác nhau. Người Việt Nam có truyền thống thờ cúng tổ tiên và hiếu khách cho nên ngôi nhà truyền thống dành ưu tiên gian giữa cho hai mục đích này: phía trong là nơi đặt ban thờ gia tiên, phía ngoài là bộ bàn ghế tiếp khách. “Nhà ở phải che chắn được cho gia đình khỏi những cái nhìn thóc mách của hàng xóm và người lạ. Vì vậy, phần nhiều nhà có tường và lũy tre dày bao bọc xung quanh. Nhà chỉ trổ có một cửa, không phải ở mặt tiền nhà mà ở phía tường bên. Thường thường, người lạ đến khó mà tìm thấy cửa. Nhà ở chỉ để cho người trong gia đình thôi. Trong nhà kín đáo ấy, thường bé và thấp, người ta thấy nổi bật lên tầm quan trọng của ban thờ tổ tiên. Mỗi một nhà của người Việt là một ngôi đền thờ tổ tiên che chở cho những gia đình quan trọng nhiều hay ít tùy theo mức độ thân thuộc gần hay xa giữa người chủ những gia đình ấy với vị tổ có tên trên bài vị. Bàn thờ này được lập lên ở gian giữa chiếm ba khoảng cột. Nhà giàu thì ban thờ rộng, được chạm trổ công phu và sơn son thếp vàng. Việc xây cất nhà cửa người Việt còn bị chi phối bởi một loại tư tưởng tôn trọng sự phân cách nam nữ”[6]. Không gian linh thiêng đó có bức hoành phi, câu đối, tủ thờ, sập gụ, độc bình, bát hương, đèn thờ,... Mặt khác ngôi nhà là nơi đoàn tụ gia đình,  nuôi dạy con cháu, dựng vợ gả chồng cho con cái,… Người Việt thường dạy con cháu: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con,,…”. Người Nhật đã so sánh vị trí về gia đình giữa người Việt và người Nhật: “Người Nhật Bản: 1 Bạn bè; 2 Gia đình; 3 Quan hệ công việc. Người Việt Nam: 1 Gia đình; 2 Bạn bè; 3 Quan hệ công việc”[9]. Gia đình truyền thống Việt Nam người già được kính trọng. Người Đức nhận xét: “Người con Việt hiếu thảo, có trách nhiệm, lúc nào cũng nghĩ về gia đình”[14]. Gia đình là nơi nuôi dưỡng, giáo dục con cháu thông qua những lời răn dạy của ông bà, cha mẹ. Đặc biệt tình là mẫu tử, tình cảm thiêng liêng nhất của con người, mỗi người Việt Nam từ lúc sinh ra đã được tiếp thu tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước qua những bài hát ru của mẹ. Tình cảm của người mẹ được so sánh bao la như biển cả và cao ngất như trời xanh: “Canh khuya giấc điệp mơ màng. Kìa ai săn sóc bên giường gọi tôi. Giấc xuân chợt tỉnh bồi hồi. Kìa ai bế ẵm, kìa ai dỗ dành? Ấy là công mẹ sinh thành”. Không những thế, gia đình là nguồn cảm hứng cho các nhà văn, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ Việt Nam sáng tạo nên những tác phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị nhân văn cao như Đỗ Trung Quân (Quê hương), Nguyễn Khoa Điềm (Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ); Thạch Lam (Gió lạnh đầu mùa), Nguyễn Thi (Mẹ vắng nhà, Người mẹ cầm súng, Những đứa con trong gia đình), Nguyễn Quang Sáng (Chiếc lược ngà); Hoàng Vân (Niềm vui gia đình), Y Vân (Lòng mẹ), Văn Thành Nho (Đất nước lời ru), Hàn Ngọc Bích (Đưa cơm cho mẹ đi cày), Trương Quang Lục (Chỉ có một trên đời); Nguyễn Phan Chánh (Bữa cơm vụ mùa thắng lợi, Chơi ô ăn quan, Mẹ con, Cầu ao),… Bên cạnh đó, gia đình của người Việt còn là chủ để quen thuộc cho những nhà làm phim Việt Nam lựa chọn và sáng tạo nghệ thuật: Phương Điền (Dù gió có thổi), Hải Ninh (Em bé Hà Nội), Nguyễn Khánh Dư (Mẹ vắng nhà), Nguyễn Khắc Lợi (Tướng về hưu), Nguyễn Thanh Vân (Đời cát), Lê Huỳnh (Áo lụa Hà Đông)…

Gia đình truyền thống của người Việt trong mối quan hệ với quốc gia. Tổ chức xã hội Việt Nam theo thứ tự: “Cá nhân - Gia đình - Họ hàng - Làng xóm -Vùng (miền, xứ) - Đất nước. Nhà - Họ - Làng - Nước, có khi phân biệt, mà cũng có hòa hợp, y như quang phổ, tuy phân tích ra thì có bảy màu song chung lại nơi ánh sáng trắng”[15]. Trong cơ cấu tổ chức như trên, thì gia đình vẫn là chủ đạo, có vai trò quan trọng hơn làng và nước. Xã hội Việt Nam truyền thống, chính là sự mở rộng của gia đình. “Nói đến gia đình Việt Nam thì phải nói đến làng xã Việt Nam, họ hàng, thân tộc, việc thờ cúng tổ tiên, chế độ hiếu hỉ. Tất cả làm thành một tổng thể khiến cho gia đình Việt Nam rất khác gia đình của một xã hội khác. Lại phải xét gia đình trong quan hệ với Tổ quốc. Truyền thống văn hóa Việt Nam không bao giờ xem quyền lợi gia đình đối lập lại với quyền lợi Tổ quốc. Trái lại, mặc dù có nhiều nhược điểm, gia đình Việt Nam chính  là cái lò tạo nên tinh thần yêu nước của dân tộc”[10]. Các nhà nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn đều thống nhất rằng gia đình là: tế bào của xã hội; một thiết chế cơ sở,  đặc thù của xã hội và bảo tồn nòi giống; tạo ra kinh tế; tổ chức đời sống tập thể; có chức năng giáo dục; thỏa mãn các nhu cầu tâm - sinh lý và tình cảm… Nhưng gia đình truyền thống Việt Nam chịu sự ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho giáo. Đó là các tư tưởng về lễ, nghĩa, hiếu, tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức, các phong tục lễ tết, hôn nhân, tang ma... “Theo Nho giáo thì hiếu là đứng đầu trăm nết. Cốt tử của hiếu là “vô vi” và “vô cải”, nghĩa là “Cha sống thì lấy lễ mà thờ, chết thì lấy lễ mà tang, lấy lễ mà tế” và “Cha còn thì phải xem cái chí của cha, Cha mất rồi phải xem việc làm của cha, trong ba năm không được đổi đạo của cha”[1]. Trong gia đình Việt Nam truyền thống thường treo các bức tranh, câu đối bằng chữ Hán như Tam đa (Phúc, Lộc, Thọ), Ngũ phúc (Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh). Chúng ta thường bắt gặp những đôi câu đối bằng chữ Hán trong gia đình người Việt: “Ngô gia khí mạch, tồn trung hậu. Tiền bối căn cơ, khởi kính cần; Gia hữu khách, bằng tiền tổ ấm. Tộc tương đại, kiến tử tôn tài; Lễ Nhạc Thi Thư gia quyến tại; Phong thủy duy trinh, lợi tử tôn; Lễ nghĩa tương tiên, thiên hạ đại phong tục. Nghĩa tại tử sinh, thiên cổ trọng. Tình ư lân lý, bách niên trường…”[7]. Người Việt quan niệm từ góc độ gia đình để đánh giá và nhìn nhận xã hội. Nếu gia đình ổn định thì xã hội ổn định. Người Việt thường lấy hình ảnh gia đình để hình dung xã hội, cho nên, mẫu hình của người quân tử thời xưa thường là những người biết tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Trong sự tiếp thu các giá trị của hệ tư tưởng Nho giáo với gia đình truyền thống Việt Nam còn có những tư tưởng lạc hậu: “Nam tôn nữ ty, trọng nam khinh nữ; Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa nông nghiệp và nằm trong cơ tầng của văn hóa Đông Nam Á, người Việt đã không tiếp thu một cách thụ động mà còn có sự biến đổi, chọn lọc những tư tưởng của Nho giáo một cách linh hoạt vào trong gia đình của mình. “Khi bàn về ảnh hưởng của Nho giáo với đời sống văn hóa gia đình, gia tộc Việt, các nhà nghiên cứu đều đi đến luận điểm chung: Nho giáo chỉ là lớp phủ bên ngoài và nếu không đi sâu nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống thì khó mà giải thích được những đặc điểm cơ cấu nội tại của gia đình người Việt. Có giáo sư đã sử dụng hình ảnh “vỏ Tàu lõi Việt” để nêu bật đặc thù của gia đình cổ truyền”[15].

gia-dinh-0646446-1631034226.gif

3. Sự biến đổi các giá trị văn hóa trong gia đình người Việt hiện nay

Biến đổi là một thuộc tính, đồng thời cũng là phương thức tồn tại của mọi sự vật và hiện tượng trong thế giới khách quan. Tuy nhiên, sự biến đổi của các sự vật và hiện tượng không hề giống nhau và ngay trong một sự vật hiện tượng thì sự biến đổi cũng khác nhau ở mỗi nơi, mỗi lúc. Heracleitus (520 - 460 tr.CN) một triết gia Hy Lạp cổ đại với những câu nói nổi tiếng: “Không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông, bởi vì nước mới không ngừng chảy trên sông”; “Tất cả mọi vật đều vận động, không có cái gì tồn tại mà lại cố định” và ngay cả “Mặt Trời cũng mỗi ngày một mới ”[5]. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi văn hóa truyền thống trong gia đình Việt Nam như sự phát triển của khoa học kỹ thuật, kinh tế thị trường, truyền giáo, du lịch, hôn nhân dị chủng, di dân, nhu cầu của con người… Văn hóa Việt Nam nói chung và các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật trên. “Văn hóa không phải là một hiện tượng cố định mà trái lại sự chuyển biến về văn hóa là chuyện bình thường”[4]. Nguyễn Từ Chi đã viết về văn hóa Việt Nam: “Có thể nói rằng, không chỉ bây giờ mà trong lịch sử, văn hóa Việt Nam đã luôn thay đổi và nhiều khi thay đổi rất nhanh là khác. Theo tôi, người Việt là một trong những dân tộc rất dễ nhạy cảm và dễ thay đổi mình cho phù hợp vơi hoàn cảnh. Ví dụ, hiện nay chúng ta khó có thể tìm được ngôi nhà xưa hay y phục của người Việt”[3]. Bản thân văn hóa có tính động. “Các ẩn tàng văn hóa như giá trị, quan niệm, đức tin, thói quen, phong tục, cấm kỵ… theo thời gian và trong sự tương tác với các nền văn hóa khác, ở mức độ khác nhau, luôn thay đổi theo hướng chối bỏ và tiếp nhận, loại trừ và sáng tạo nhằm duy trì sự tồn tại, gia tăng sự phát triển và bảo toàn tính bản sắc của nền văn hóa đó”[13]. Việt Nam đang trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa cùng với sự hội nhập và toàn cầu hóa, thì gia đình truyền thống Việt Nam đã và đang có sự biến đổi sâu sắc về các giá trị văn hóa, đặc biệt là từ thời kỳ đổi mới. Đó chính là sự biến đổi mô hình gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại như sự tan rã của những gia đình và ngôi nhà truyền thống, sự suy giảm về chức năng giáo dục, sự hình thành lối sống thực dụng, tư tưởng chủ nghĩa cá nhân,…

Một là, sự biến đổi từ gia đình gia trưởng truyền thống sang gia đình kiểu dân chủ hiện đại. Gia đình Việt Nam đương đại chủ yếu là gia đình hạt nhân, số lượng các thành viên trong gia đình cũng giảm, mỗi gia đình chỉ nên có hai con, cùng với nó là sự mất cân bằng giới. Cùng với đó là sự mất dần ngôi nhà truyền thống của người Việt. Nhà ở của người Việt ở nông thôn cũng như thành thị hiện nay thường làm theo kiến trúc phương Tây như biệt thự, nhà chung cư, nhà vừa ở vuằ cho thuê, nhà riêng và vật liệu thường là xi măng, sắt, thép, nhôm, kính,... Ngôi nhà hiện đại thường thiết kế gồm phòng khách, phòng ngủ riêng biệt cho các thành viên, phòng thờ, phòng bếp, phòng vệ sinh. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho tình cảm, tính cộng đồng, mối quan hệ và sự chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình của người Việt thay đổi.

Hai là, gia đình truyền thống người Việt vốn có một chức năng quan trọng là giáo dục để hình thành nhân cách, lối sống và ứng xử cho con cái đã và đang suy giảm. Gia đình truyền thống Việt Nam đã đúc kết: “Dậy con từ thủa còn thơ; Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Như chúng ta đã biết, mỗi con người, khi còn là trẻ thơ nếu được gia đình nuôi dưỡng, giáo dục để trở thành những con người có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, có lý tưởng, có ý chí và sống có trách nhiệm. Mặt trái trong gia đình Việt Nam truyền thống vì quá coi trọng tình cảm, sự nuông chiều và đùm bọc đã tạo nên những thói hư tật xấu cho người Việt Nam: “tính thụ động, ồn ào ở nơi công cộng, kỷ luật kém, lãng phí thời gian, khôn vặt, tính du di, làm theo phong trào, quá coi trọng tình cảm, xem nhẹ lý, tò mò, nói khích, phô trương, thích giáo dục, không có chính kiến, thiếu tự tin, học lỏm, gì cũng cười, tính sĩ…”[13]. Trong xã hội Việt Nam đương đại, quan niệm sống, sự tiếp nhận những giá trị văn hóa mới, đặc biệt là sự giáo dục về nhân cách, lối sống cho con cái trong gia đình người Việt đã và đang dần bị phai nhạt. Thậm chí nhiều bố mẹ trẻ cho rằng những giá trị truyền thống là cổ hủ, lỗi thời. Những phong tục đẹp trong ngày tết cổ truyền của gia đình Việt Nam cũng bị xem nhẹ. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho thế hệ trẻ Việt Nam không có phương hướng để lựa chon lối sống cũng như trách nhiệm của bản thân với gia đình, xã hội và đất nước. Sự biến đổi từ mô hình gia đình truyền thống sang kiểu gia đình hiện đại mang tính dân chủ, xã hội Việt Nam đang phải đối diện với những hiện tượng như bạo lực gia đình và trường học, ly hôn, sống thử… “Quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, năm 2004 có 900 vụ ly hôn, năm 2005, riêng 6 tháng đầu năm 800 vụ, 50% là những cặp vợ chồng trẻ từ 23 - 35 tuổi. Cách đây 10 năm, ở quân Ba Đình, có 300 000 dân, trung bình trong thời gian 1987 - 1995 mỗi năm đã có từ 400 vụ đến 500 vụ ly hôn trong số trên 2200 - 3000 đám cưới”[9].

Ba là, lối sống trong các gia đình người Việt đang biến đổi nhanh do các nhu cầu về mưu sinh, về kinh tế, khẳng định vị trí của mọi thành viên trong gia đình. “Gia đình Việt Nam đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Một thứ văn hóa kỳ quặc chỉ thâu tóm trong hai nguyên lý là xác thịt và đồng tiền đang đầu độc tâm hồn. Đâu cũng nghe Anh yêu em, em yêu anh như cháy nhà. Nhưng tỷ lệ ly dị lại tăng đến mức chóng mặt. Trong xã hội còn nghèo khổ, cả hai vợ chồng phải chung lưng đấu cật mới nuôi nổi con… Con cái các gia đình cha mẹ ly dị bị tổn thương về tình cảm từ bé, khó lòng trở thành những người phục vụ nhân dân mẫu mực”[10]. Nước ta đang bước công nghiệp hóa - hiện đại hóa có nhiều nhà máy, khu công nghiệp hình thành, mọi người ở nông thôn và thành thị đều có những cơ hội tìm kiếm việc làm, các phương tiện truyền thông đại chúng cùng với kinh tế thị trường làm cho con người quá coi trọng đồng tiền và đề cao vai trò cá nhân nên đã tác động và làm biến đổi về lối sống như quan hệ nam nữ, lối sống thực dụng, lối sống ích kỷ cá nhân, giả dối, chuộng ngoại, thích hưởng thụ, coi thường tình cảm gia đình, xem nhẹ các giá trị truyền thống… Biến đổi văn hóa truyền thống trong gia đình người Việt không chỉ hiện nay mới được những nhà quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu như xã hội học, văn hóa học, nhân học văn hóa quan tâm và lý giải, mà còn được phản ánh trong những tác phẩm văn học. “Ngay giữa những năm 80, một số nhà văn đã cảm nhận thấy cuộc khủng hoảng của gia đình truyền thống. Năm 1985, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng đánh lên hồi chuông luyến tiếc. Năm 1987, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp là một tiếng sét trong bầu trời đương có vẻ êm ả của văn học: một vị tướng xuất thân từ nhân dân, suốt đời chiến đấu vì dân, đến lúc về hưu, thầy mình lạc lõng trong gia đình mình, quê hương mình, trong một xã hội chưa phải xã hội mình thường mơ tưởng”[9]. Những nguyên nhân kể trên làm cho hệ giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam biến đổi, làm cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên hình thức, lỏng lẻo, thậm chí bị xem nhẹ. Để tồn tại và phát triển gia đình truyền thống Việt Nam đã bị biến đổi về các giá trị văn hóa truyền thống là quy luật tất yếu, nó được nhìn nhận trên hai phương diện những giá trị văn hóa tiến bộ những giá trị văn hóa không phù hợp. Mặc dù vậy, gia đình Việt Nam đương đại vẫn có những giá trị và giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp đã khẳng định rằng: “Gia đình Việt Nam vẫn là nơi chuyển giao và thực hiện các giá trị văn hóa truyền thống”. Những cuộc điều tra xã hội học cho thấy gia đình vẫn là giá trị ưu tiên trong xã hội ta. Linh hồn của nó là thờ cúng tổ tiên vẫn còn thiêng liêng đối với mọi người Việt Nam, bất kể giàu nghèo, sang hèn, thuộc mọi tôn giáo kể cả đối với người vô thần”[9].

4. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình người Việt hiện nay

Để bảo tồn, làm giàu và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình người Việt, người viết đề xuất một số giải pháp mang tính định hướng sau:

Thứ nhất, là đưa môn Gia đình học vào trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đó là sự lồng ghép các kiến thức về chủ đề gia đình và gia đình truyền thống vào chương trình học. Gia đình và nhà trường được xem là môi trường giáo dục quan trọng để cho con người trưởng thành cả về mặt trí tuệ và nhân cách. Để thực hiện giải pháp này có hiệu quả, chúng ta phải xây dựng được hệ thống sách giáo khoa và giáo trình phù hợp với từng bậc học. Vì vậy, mà đội ngũ giáo viên, giảng viên phải được trang bị những tri thức về gia đình, hiểu sâu các giá trị văn hóa gia đình truyền thống cũng như hiện đại. Các trường học nên lồng ghép, kết hợp giữa các buổi học trên lớp với những buổi dã ngoại, thường xuyên có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Thứ hai, thực hiện công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng có sự đa dạng về nội dung và hình thức. Theo đó, các cơ quan quản lý văn hóa, truyền thông tổ chức những buổi chiếu phim miễn phí về luật gia đình, văn hóa gia đình ở khu phố, khu dân cư, tổ chức những cuộc thi tìm hiểu về gia đình truyền thống Việt Nam như ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, thi sắc đẹp, thời trang, ẩm thực, âm nhạc, hội họa, triển khai đề tài nghiên cứu, hội thảo khoa học về văn hóa gia đình Việt Nam.

Thứ ba, chúng ta có thể xây dựng một Bảo tàng gia đình Việt Nam để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Trong giải pháp này, chúng ta tiến hành sưu tầm, trưng bày các hiện vật theo những không gian và thời gian văn hóa của gia đình người Việt. Bên cạnh đó chúng ta đẩy mạnh công việc nghiên cứu, công nhận các nhà thờ họ, gia phả dòng họ, nhà truyền thống tiêu biểu trở thành Di sản văn hóa vật thể hoặc phi vật thể của quốc gia.

Thứ tư, phát triển du lịch văn hóa làng quê Việt Nam, chúng ta khai thác những giá trị văn hóa đình truyền thống của gia đình người Việt, có sự quy hoạch tổng thể, thiết kế các tour du lịch thăm quan các làng quê Việt Nam. Để thực hiện giải pháp này, các cơ sở đào tạo về các ngành nghề du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch phải được trang bị những tri thức sâu về văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa gia đình nói riêng trên quan điểm tiếp cận vừa mang tính hệ thống và tính tổng hợp.

Thứ năm, gia đình người Việt đương đại nên kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vốn có như đạo thờ cúng tổ tiên, phát huy tính cộng đồng, tự hào về tình cảm gia đình, dòng họ, đề cao truyền thống hiếu học, phục dựng và bảo tồn nhà thờ họ,… và loại bỏ những tư tưởng không phù hợp của Nho giáo xưa. Gia đình người Việt hiện nay nên tiếp thu những giá trị tiến bộ của văn hóa phương Tây như tính dân chủ, tôn trọng tự do cá nhân, tính tự lập, tính dân chủ và sự bình đẳng... Như vậy, gia đình người Việt vẫn giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội và bền vững của đất nước ta, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”./.

Chú thích và tài liệu tham khảo

[1]. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Đồng Tháp, 1998. tr.117, 118, 119, 13, 125.

[2]. Toan Ánh, Nếp cũ (Trong họ ngoài làng), Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2010. tr. 10, 22, 81.

[3]. Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa & tộc người, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1996. tr.565, 566.

[4]. Mai Văn Hai, Mai Kiệm, Xã hội học văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011. tr. 280.

[5]. Lê Phụng Hoàng (cb), Lịch sử văn minh thế giới, Nxb Giáo dục, TP. Hồ Chí Minh, 2005. tr.116.

[6]. Nguyễn Văn Huyên, Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam (tập1), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003. tr. 690, 691, 692.

[7]. Phạm Văn Khoái, Hán Nôm dành cho du lịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004. tr. 147, 148, 149.

[8]. Trần Chí Lương, Đối thoại với các tiên triết văn hóa phương Đông, Nxb Văn học, Hà Nội, 2010. tr. 22, 23.

[9]. Hữu Ngọc, Lãng du trong văn hóa Việt Nam, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2007. tr. 458, 460, 447, 455, 461.

[10]. Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1998,  tr. 55, 56, 57, 73, 74.

[11]. Đỗ Nguyên Phương (cb), Chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004. tr. 236.

[12]. Nguyễn Quang, Giao tiếp phi ngôn từ qua các nền văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008. tr. 34.

[13]. Nhiều tác giả, Người Việt phẩm chất và thói hư-tật-xấu, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2008. tr. 224.

[14]. Ngô Đức Thịnh (cb), Bảo tồn, làm giàu & phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010. tr. 232, 19, 111, 112, 23.

[15]. Trần Quốc Vượng (cb), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001. tr.44, 46.

[16]. Nguyễn Như Ý (cb), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1999. tr. 719.

 
(*) Trường Đại học Khánh Hòa

TS. Nguyễn Văn Bốn (*)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bien-doi-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-trong-gia-dinh-nguoi-viet-hien-nay-a18516.html