Cuộc đời ly kỳ của "Đề lao hiệp khách" Sơn Vương (Kỳ cuối)

Tổng cộng, Sơn Vương nhận án 4 lần, gồm: 1 án 5 năm, 1 án 10 năm và 2 án chung thân khổ sai. Tính tổng cộng, ông chịu án đến 79 năm tù. Theo cách tính đó thì ông sẽ được mãn hạn tù vào lúc… 107 tuổi.

da-kao-xua-1630989884.jpg
Một góc đường Đa Kao Sài Gòn xưa

Nguyễn Thành Út vốn là 1 cai đội mã tà ở khu vực làng chơi Đa Kao, Sài Gòn. Thời đó các động chứa gái ở Đa Kao mở cửa gần như công khai. Chủ chứa biết điều, thường xuyên đóng "hụi chết" cho mã tà thì được công khai chèo kéo khách qua đường. Út thường la cà khu vực này để kiếm "cơm, cháo" và gái miễn phí.

Một lần nọ, Út ghé vào động của má mì có tên là Lan Cà Tom. Lan Cà Tom mới 21 tuổi mang 2 dòng máu Ấn, Kh'mer, không rõ nguyên quán. Cô ta đến khu phố "đèn lồng" Đa Kao thuê mặt phố để làm nơi hành nghề chứa gái. Gái của Lan Cà Tom chỉ toàn là chị em ruột hoặc có họ hàng xa gần. Thường ngày, Út Mã Tà đến, Lan Cà Tom luôn đon đả tiếp đãi ân cần. 

Lần đó, Lan Cà Tom có đứa em gái út 16 tuổi là gái mới "ra ràng" (tức mới vào nghề làm gái) vẫn còn ngại ngùng. Út phát hiện nên lân la tới đòi cô em gái út của Lan Cà Tom "chào sân". Vì muốn yên thân, Lan Cà Tom đành cho cô em gái phục vụ. Không hiểu sao, vào phòng the được vài phút, cô em gái la làng, chạy ra ngoài cầu cứu. Xót ruột cho cô em, Lan Cà Tom xông vô buồng trách cứ Út Mã Tà. Đang bị quê độ lại còn bị chửi, nỗi nóng, Út Mã Tà xáng cho Lan Cà Tom 1 bạt tai nảy lửa. Bị đánh đau, Lan Cà Tom đè cổ Út Mã Tà xuống đất cào cấu tới tấp. Mấy cô gái bán hoa ở chung xóm nghe ồn ào chạy tới, sẵn dịp nhào vô đánh trả thù.

Trong cơn thập tử nhất sinh, Út Mã Tả rút súng bắn đại để tự giải vây. Xui cho Út và cũng xui cho 1 người đàn ông hiếu kỳ. Phát súng không trúng đám gái đang bâu vào đánh Út mà lại trúng đầu 1 người đàn ông đi đường. Thế là Út nhận án đày biệt xứ ra Côn Đảo. Vì có gốc mã tà nên Út được xếp làm cặp rằn trong đề lao Côn Đảo. Khi Sơn Vương ra đảo, chức cặp rằn bị Sơn Vương chiếm đoạt, Út nuôi lòng thù hận nhưng không dám thể hiện.

Pháp trở lại đảo, Út chớp cơ hội trả thù để lấy lại chức cặp rằn.

Gã tố cáo với chúa đảo Gimbert và tên cò Pellier một loạt tội danh của Sơn Vương khi làm "vua đảo" gồm: Đầu mưu lập đảng làm loạn trên đảo, hoang phí công quỹ, dùng quyền lực cưỡng hôn Lệ Hoa (con gái Vệ Liễn), giết dã man ông già Quít - Một bạn tù lớn tuổi để cướp đoạt bản đồ kho báu vua Gia Long.

Theo lời Út, vào năm 1783, khi vua Gia Long bôn tẩu lánh nạn Tây Sơn ở Côn Sơn đã chôn giấu 1 kho báu. Trong những ngày Sơn Vương làm "vua" đảo, một buổi sáng người ta thấy già Quít nằm chết co ro với cái đầu vỡ toác. Út khẳng định Sơn Vương đã bí mật giết già Quít để cưỡng đoạt bản đồ này.

Thế là chúa đảo Gimbert ra lệnh cho Pellier đẩy Sơn Vương vào phòng tra khảo bản đồ kho báu đến chết đi sống lại nhiều lần. Cuối cùng, không khảo được bản đồ, Gimbert đưa Sơn Vương vào đất liền để hầu tòa. Cộng với án cũ, lần ra tòa này Sơn Vương nhận 15 năm tù khổ sai biệt xứ. Ông trở lại Côn Đảo với thẻ tù số 313C.

Từ hầm khổ sai, Sơn Vương gởi mật thư cho Vệ Liễn đề nghị cha vợ xin vào đất liền làm việc để Lệ Hoa có cơ hội kiếm tấm chồng khác, lo cho tương lai. Có lẽ Sơn Vương đã định đoạt một cuộc trả thù đối với Út Mã Tà mà ông có thể sẽ lĩnh bán án khắc nghiệt hơn, lâu hơn.

day-ph2ong-giamjpg-1630990166.crdownload
Dãy phòng giam ở nhà tù Côn Đảo

Vệ Liễn đã nghe lời Sơn Vương đưa vợ con về Sài Gòn. Trước khi rời đảo, Lệ Hoa còn gởi cho Sơn Vương 1 số tiền và nhu yếu phẩm.

Ngày 8-8-1953, Sơn Vương cùng 1 số bạn tù được điều vào rừng đốn củi. Ông xúi các bạn tù rỉ tai nhau rằng, Sơn Vương sẽ ra tay phục thù, để Út Mã Tà luôn trong tâm trạng lo lắng và cảnh giác.

Đến giờ nghỉ trưa, Sơn Vương giắt chiếc búa đẽo cây vào lưng rồi vờ lượn lờ quanh Út Mã Tà. Sơn Vương muốn Út Mã Tà ra tay trước để tạo thế "phòng vệ chính đáng". Và Út Mã Tà đã rơi vào cái bẫy của ông.

Đang âu lo, không biết mình sẽ bị hạ sát lúc nào, thừa lúc Sơn Vương vừa quay lưng, Út Mã Tà chộp 1 khúc cây giấu sẵn trong bụi lùm xông đến. Chỉ chờ có vậy, Sơn Vương xoay người tước khúc cây rồi bổ mạnh vào đầu kẻ thù. Cơn hận thù có dịp tuôn trào, ông đánh Út Mã Tà chết tại chỗ.

Dù chứng kiến tận mắt mọi diễn biến nhưng tất cả các nhân chứng đều khai ông chỉ đánh Út Mã Tà 1 cây vì "phòng vệ" sau khi bị tấn công.

Ngày 22-6-1954, Sơn Vương bị giải về tòa đại hình ở Sài Gòn đối mặt với án tử hình. Sự nỗi tiếng của Sơn Vương đã khiến luật sư Lâm Quang Trọng nhận biện hộ không nhận thù lao cho ông. Thẩm phán bác lời chứng rằng Sơn Vương chỉ phòng vệ bằng 1 gậy. Họ diễn giải, chỉ 1 gậy thì đầu Út Mã Tà không thể nát nhừ như biên bản tử thi. Vì lập luận đó, tòa sẽ định tội sát nhân. Luật sư Trọng phản biện rằng, nếu thật sự muốn giết Út thì Sơn Vương phải dùng chiếc búa đẽo giắt sau lưng đánh trả chứ không dùng gậy. Với tình tiết "dùng khí giới của kẻ tấn công phản đòn, chấp nhận phòng vệ chính đáng dẫn tới ngộ sát", Sơn Vương thoát án tử nhưng nhận án "chung thân khổ sai biệt xứ miễn ân xá". Thời ấy án chung thân tương đương 32 năm tù. Theo hồi kí Máu hòa nước mắt do chính ông chấp bút thì ông chấp nhận bản án giết Nguyễn Thành Út. Còn án giết già Quít là bản án oan.

Tổng cộng, Sơn Vương nhận án 4 lần, gồm: 1 án 5 năm, 1 án 10 năm và 2 án chung thân khổ sai. Tính tổng cộng, ông chịu án đến 79 năm tù. Theo cách tính đó thì ông sẽ được mãn hạn tù vào lúc…107 tuổi.

Ông ở tù miệt mài trên đảo Côn Sơn, trong khi ở đất liền trải qua bao thăng trầm thế sự.

016-1630990631.jpg
Về cuối đời, Sơn Vương tìm về gia đình sống với anh chị em ruột.

Năm 1967, một số nhà báo quốc tế ra Côn Đảo tham quan nhà tù, khi trở về đất liền đã viết nhiều bài lên án chế độ vô nhân của chính quyền ngụy tạo miền Nam Việt Nam. Quốc hội Mỹ bị chỉ trích đành đưa ra lời tuyên bố: Nếu không cải thiện chế độ nhà tù ở Côn Đảo, Mỹ sẽ cắt viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa.

Đến lúc đó, Bộ Tư pháp VNCH mới cử người ra đảo thống kê và phát hiện hàng trăm người lãnh án thời Pháp. Chế độ thực dân không còn tồn tại nên những bản án này không còn hiệu lực. Thế là Sơn Vương được phóng thích vào ngày 18-11-1968. Lúc này ông đã 59 tuổi, ngồi tù đúng 34 năm.

Chính quyền VNCH đã điều 1 chiếc trực thăng quân đội ra tận Côn Sơn đón ông về Sài Gòn rồi thông báo cho ký giả trong lẫn ngoài nước đến chứng kiến. Họ đã tận dụng ông để quảng cáo chính sách nhân đạo nhằm mua chuộc lòng quần chúng.

Về đến Sài Gòn, Sơn Vương chới với vì cảnh cũ, người xưa không còn. Bà Lệ Hoa đã thành thân với người khác nhưng cũng giúp cho ông 1 chút vốn để thuê phòng trọ ở một con hẽm trên đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1.

Ông lặng lẽ sống và liên tiếp cho ra đời 1 số tác phẩm. Trong đó có "Máu hòa nước mắt", "người tù thế kỷ"… Một số tờ báo Sài Gòn đã chộp cơ hội ký hợp đồng với ông viết nối kỳ kể về những góc khuất của tù nhân trên đảo Côn Sơn. Ông sống tạm ổn với đồng nhuận bút.

019-1630990343.jpg
Ngôi tháp mộ chung của gia tộc họ Trương.

Vào những năm sau 1970, tên tuổi ông chìm dần giữa mớ hỗn độn chính trị Sài Gòn. Người ta phải đối mặt hàng ngày với tin chiến sự, tin đấu đá nhau giữa các phe nhóm của chính quyền Sài Gòn nên ông dần bị quên lãng.

Năm 1978, ông bén duyên với một người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp, quê gốc ở Trà Vinh. Cả hai mở phòng mạch đông y làm kế sinh nhai.

Ông Sáu Xiêm, tức Trương Văn Thanh – Cháu nội của ông Trương Văn Kỉnh cho biết: "Những lần đầu về quê, ông Năm (Sơn Vương) có dắt bà Năm về theo. Chúng tôi chỉ biết bà ấy là vợ của ông Năm chứ không biết tên. Bà Năm trẻ hơn ông Năm khoảng 30 tuổi. Bà rất đẹp. Mỗi lần về quê, ông Năm và bà Năm đều đi xe taxi. Lần nào xe taxi cũng chất đầy kẹo bánh. Vừa về đến nơi, ông phát hết cho trẻ con xóm trong, xóm ngoài. Đến năm 1985, ông Năm về đây ở luôn. Ông về một mình, không thấy bà Năm đâu. Ông Năm bảo, bà Năm về quê Trà Vinh rồi. Ông Năm rất nghiêm khắc nên con cháu không dám hỏi chuyện đời tư nhiều. Sau đó, bà Năm có sang thăm ông vài lần rồi mất biệt. Tài sản ông mang về quê chỉ có vài quyển sách và một vài món đồ lặt vặt không giá trị. Khi về quê, ông chỉ xem tivi, đọc sách, lâu lâu mới ra Gò Công chơi. Thỉnh thoảng, ông Tám Niên - Chủ tịch huyện Gò Công, vốn là bạn tù Côn Đảo của ông Năm có lái xe hơi đến nhà đón ông Năm đi chơi. Mỗi khi có tiệc giỗ, cao hứng ông Năm biểu diễn vò gồng cho bà con lối xóm xem. Ông dùng dao bén chém vào người bình bịch. Ông không bao giờ kể cho con cháu nghe về cuộc đời của ông".

Ông Sáu Xiêm cho biết, buổi sáng ngày 4/7/1987 âm lịch tức ngày 27/08/1987, như thường lệ, ông đem bữa sáng đến cho nhà văn Sơn Vương. Tỏ vẻ mõi mệt, nhà văn Sơn Vương bảo ông Sáu Xiêm cứ để bữa sáng đó, ông sẽ ăn sau. Lúc 9 giờ, ông Sáu Xiêm thấy nhà văn Sơn Vương trở mình, thở một hơi dài rồi nằm im. Khi ông Sáu Xiêm đến gần mới biết nhà văn đã qua đời. Nhà văn Sơn Vương thọ 79 tuổi.

Đám tang diễn ra lặng lẽ với con cháu trong gia đình và được ông Sáu Xiêm địa táng trong phần đất vườn gia đình.

Theo gia tục truyền từ nhiều đời trước, sau 3 năm, ông Sáu Xiêm bốc cốt, hỏa táng rồi đưa vào tháp mộ chung với tổ tiên, họ tộc trong vườn nhà. Ông Sáu Xiêm bày tỏ: "Tôi làm theo gia tục mà ông nội tôi dặn dò: Những ông, bà quá cổ không được để tên bia mộ, không lập bàn thờ riêng, không để tên trong sổ ghi chép gia phả. Ông nội tôi dạy, dấu tên tổ tông để con cháu không bị trùng tên kỵ úy".

Cũng theo gia tục, con cái chỉ làm đám giỗ đơn sơ cho cha mẹ. Hàng ông bà chỉ cúng hoa quả vào ngày giỗ kỵ.

Gia tục này có nét tương đồng với tục mai táng của những tín đồ Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Đó là hai tôn giáo có liên quan đến phong trào kháng chiến chống Pháp Láng Linh – Bãi Thưa ở vùng Tứ Giác Long Xuyên cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 của nghĩa quân Quản cơ Trần Văn Thành. 

Chúng tôi xin phép được viếng thăm nơi lưu tro cốt của lão chí sỹ Sơn Vương.

Đó là một tháp mộ xây theo kiểu nhất trụ lục giác. Bên trong chứa tất cả những tro cốt của họ tộc từ cả chục đời tiền nhân. Hai bên cửa tháp mộ có chạm 2 câu đối của ông Trương Văn Kỉnh, tức Biện Thới: "Sống bất nhiễm tam độc, lục trần/ Tử tất hưởng nhàn vu cực lạc". Theo giáo pháp Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, tam độc là tham, sân, si; Lục trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Đó là căn nguyên khiến con người sống không lương thiện.

Thời thực dân Pháp cai trị, tín đố Phật Giáo Bừu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa bị truy nã gắt gao nên lập Hội Kín, sử dụng phương pháp giao tiếp của phong trào “Thiên Địa hội Phản Thanh phục Minh” tản đi khắp nơi. Họ âm thầm hành hiệp một mình, cướp của những người giàu có làm việc cho Pháp để bí mật chia cho người nghèo. Những người nghèo, sang sớm mở cửa trông thấy một bao gạo, gói tiền nằm trước sân nhà là biết đó là quà từ thiện của Hội Kín. Những tín đồ này, sau khi qua đời, ngôi mộ không đặt bia.

Vì vậy, sau khi Sơn Vương qua đời, tất cả những gì liên quan đến ông cũng dần mất. Theo ông Xiêm, 2 năm cuối đời, Sơn Vương có đem về quê một số sách di cảo nhưng con cháu không chú trọng lưu giữ nên tất cả đều thất lạc. Bức di ảnh thờ của ông nằm chung trong bức ảnh thờ của gia đình.

Chúng tôi liên hệ nhiều nơi để tìm gặp người vợ sau cùng của ông với hy vọng biết thêm về những góc khuất cuộc đời ông nhưng vô vọng. Hầu như không ai biết bà cư trú nơi nào ở Trà Vinh.

Dù sao đi nữa, ông cũng là một kẻ sỹ yêu nước kháng Pháp. Ông có cách kháng Pháp độc đáo của riêng ông. Thiết nghĩ các nhà nghiên cứu lịch sử, văn học cũng cần có một công trình nghiên cứu nghiêm túc về ông./.

Nông Huyền Sơn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/cuoc-doi-ly-ky-cua-de-lao-hiep-khach-son-vuong-ky-cuoi-a18498.html