Bí thư TP.HCM: TP không thể giãn cách mãi được, phải tính phương án mở cửa dần

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, không thể thực hiện giãn cách triệt để, phải mở cửa dần. Muốn mở cửa thì phải tập thói quen sống trong trạng thái bình thường mới là tình trạng có dịch.

bithunen-1-1630839034.jpg
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên (bìa trái) tại buổi làm việc với quận 7.

Sáng nay 5/9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã có buổi làm việc với quận 7, một trong hai địa phương đầu tiên ở thành phố công bố đã kiểm soát được dịch bệnh.

Trao đổi với báo chí sau buổi làm việc, Bí thư Thành ủy cho biết, TP đang trong quá trình nghiên cứu và giao quận 7 thí điểm mô hình mở cửa kinh tế.

"Chúng ta không thể thực hiện giãn cách triệt để, nghiêm ngặt mãi được. Đây là điều chắc chắn, không thể chịu nổi được. Vì như lời Thủ tướng nói, không thể quét sạch F0, nên TP đang tính tóa phương án sống trong điều kiện bình thường mới là tình trạng có dịch”, Bí thư Nên chia sẻ.

Ông cũng ví von, trạng thái bình thường mới trong điều kiện có dịch giống như sống chung với lũ, mà sống chung với lũ thì phải tôn nhà lên cao, phải biết bơi.

Do đó, sống chung với dịch phải có vắc xin, có thuốc và có tâm thế, ý thức. Nghĩa là phải “vũ trang” cho người dân như là một chiến sĩ để chiến đấu với dịch bệnh.

Để làm được điều đó, theo ông Nên ngoài chuyện thực hiện 5K, người dân nên thực hiện 7K, bao gồm: “Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh”. Bên cạnh đó, phải thực hiện 3T là “Tự phát hiện - Tự cách ly - Tự điều trị”.

Qua đó, ông cho rằng, trở lại trạng thái bình thường mới khi có dịch trước hết là tâm thế, thói quen sống của từng người dân có quyết định rất quan trọng.

TP cũng phải củng cố hệ thống y tế đủ mạnh, khi có những điều đó mới yên tâm sản xuất. Phải bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế, không để nó lụn bại. Do đó, phải thực hiện mục tiêu kép, sản xuất an toàn, đảm bảo cho được mức độ có thể.

"Vậy nên phải tính toán mở cửa dần, nhưng nếu mở không khéo, không quản được thì sinh chuyện lây nhiễm trở lại. Còn muốn mở thì phải chậm, chắc, mở tới đâu quản tới đó", ông Nên lưu ý. 

Ông cho rằng, khi mở thì phải quản lý người tham gia ngoài xã hội và phải quản lý bằng công nghệ.

binhdien-1630839145.jpg
TP.HCM đang tính toán phương án mở lại chợ truyền thống

Tính toán mở lại chợ truyền thống

Buổi họp báo chiều 5/9, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, về thực phẩm tươi sống, chế biến… nhu cầu đang tăng lên trong nhân dân. Sở Công thương đã rà soát, làm việc với các hệ thống phân phối, cho thấy họ đang gặp khó khăn.

Các đơn vị này chưa thuộc đối tượng được cấp giấy đi đường, Sở đã rà soát để tính toán, trước mắt ưu tiên cho các nhà cung cấp lớn, xe chuyên chở nhiều được ưu tiên cấp giấy đi đường. Khi nhu cầu tăng lên, sẽ tiếp tục mở thêm diện ưu tiên cho hệ thống thực phẩm tươi sống và chế biến.

Còn về thông tin sau 15/9 nhu cầu thực phẩm tăng, có thiếu hàng hóa cung ứng hay không? Ông Phương cho rằng, chưa có cơ sở với nhận định này. Tuy nhiên, Sở Công thương luôn có các phương án chủ động, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân khi giãn cách xã hội.

Sở cũng làm việc với các cơ quan liên quan, tính toán mở lại chợ truyền thống, đảm bảo cung ứng hàng hóa nhưng trên hết là đảm bảo các tiêu chí an toàn. Trước mắt, có thể mở các điểm trung chuyển hàng hóa, giúp các tiểu thương tập kết, lưu thông hàng hóa.

lmh-3-1630839217.jpg
Thượng tá Lê Mạnh Hà

Giãn cách tới đâu, gia hạn giấy đi đường tới đó

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM có trao đổi về việc cấp giấy đi đường mà báo chí đặt vấn đề. Trước hết, về việc vì sao Luật sư không nằm trong diện cấp giấy đi đường?

Theo ông Hà, chỉ đối với từng vụ việc cụ thể, cơ quan tiếp nhận yêu cầu báo cáo về Công an TP để cấp giấy đi đường phục vụ hoạt động tố tụng, cấp theo khoảng thời gian đáp ứng yêu cầu vụ việc.

Để giải đáp thắc mắc của nhiều người, lo lắng sau 6/9 sẽ hết hạn giấy đi đườn: Ông Hà cũng cho biết, nếu kéo dài thời gian giãn cách đến ngày nào thì gia hạn và kéo dài thời hạn giấy đi đường đã được cấp.

Thời gian tới, chắc chắn các đơn vị khống chế được tình hình dịch bệnh, TP cũng có các phương án mở rộng các hoạt động sản xuất, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống. Công an đã tính toán nhiều giải pháp, với các tiêu chí an toàn như đã tiêm vắc xin chưa, xét nghiệm âm tính… để không lây lan khi ra đường.

Hiện Công an TP và các Sở, ngành đang phối hợp cập nhật các dữ liệu của F0, dữ liệu giấy đi đường, dữ liệu an sinh… lên dữ liệu quốc gia để kiểm soát, quét mã QR người ra đường…

Trước đó, ngày 2/9 UBND quận 7 và huyện Củ Chi, TP.HCM đã công bố cơ bản kiểm soát được dịch. Hai địa phương này đang lên kế hoạch mở cửa một số hoạt động giới hạn và trình kế hoạch xin ý kiến của UBND TP.

Trong buổi làm việc với hai địa phương này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, TP chọn Củ Chi và quận 7 làm thí điểm mô hình mở cửa dần để phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tức, thí điểm trở lại trạng thái bình thường mới trong tình trạng có dịch.

Thuận Hòa

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bi-thu-tphcm-tp-khong-the-gian-cach-mai-duoc-phai-tinh-phuong-an-mo-cua-dan-a18460.html