Nhà tôi bên con đường làng đi ra đồng làm ruộng. Con đường trước nhà không phải là con đường duy nhất để ra cánh đồng nhưng lại là con đường thuận tiện nhất. Từ phía trong làng, con đường qua nhà tôi có thể gọi là đường chính. Xuống đến đồng, con đường tiếp tục rẽ ra nhiều hướng khác nhau đi về các khu ruộng. Do đó, nhà nhà, người người đi làm đều phải qua nhà tôi cả.
Làng tôi có thể gọi là làng cổ. Từ cái thuở dòng sông Mạn Định còn chưa bị bồi lấp, người khắp nơi, nhưng tất nhiên vẫn chủ yếu từ bên Lý Yên chuyển sang sinh sống. Có lẽ phong thủy phù hợp nên làng càng ngày càng đông đúc, người làng tôi tính tình cơ bản cũng rất phóng khoáng, không "ki bo" như nhiều làng khác. Cái tên Thành Phú phần nào nêu lên được tiềm năng cũng như ước mong người xưa kỳ vọng ở làng.
Lúc nào cũng có người qua đường. Cùng làng, không những vậy, đa số đều có "dây mơ rễ má" với nhau. Từ trong sân nhìn ra phía cổng đã bắt gặp ánh mắt của nhau. Mắt cười chào hỏi nhau. Có người là bác họ, người thì là bà dì, ông trẻ...nhờ vậy mà ai trong làng nhà tôi cũng biết. Ai mà còn ngờ ngợ thì hỏi ngay lại bố mẹ sẽ "tường tận chân tơ". Những hôm lỡ đem đồ thiếu, khá nhiều người qua nhà tôi mượn cái liềm cái cuốc, có hôm sợi dây thừng hay vào lấy nước đem xuống đồng cho người đi làm uống cho khỏi khát.
Ngày mùa từ sớm tinh mơ đã lọc cọc bò dậm chân qua cổng, xe trâu chở phân xuống phía đồng, tiếng gần xen kẽ tiếng xa. Những người phụ nữ gánh thêm đồ xuống ruộng, đàn ông thanh niên vác cày, vác bừa qua tấp nập. Những con trâu đũng đỉnh ra đồng bắt đầu một ngày lao động. Trong mù sương sớm, khung cảnh làng tôi thật quá đỗi bình yên.
Nhớ những buổi hoàng hôn khi ánh chiều dần trốn sau tán tre già phía tây hồ nước, đoàn người làng lại tấp nập ra về. Những người đàn bà làng tôi gánh đầy gánh cỏ. Những bó cỏ tươi xanh nêm đầy cao đỉnh gánh. Đan xen những người khác cầm roi tre nhỏ điều chỉnh lũ bò nghịch định rời lối rời hàng. Những con trâu, con bò bụng căng tròn như cái trống, ắt hẳn cả buổi chiều được no cỏ tươi ngon. Thỉnh thoảng những chú bê con tung tăng, nhảy nhót vội vàng lùa tìm mẹ. Mấy con nghé cũng kêu ọ ọ, rồi hếch cái mũi lên trông cũng khá buồn cười.
Nhà tôi xưa cũng làm vài sào ruộng. Ngày gặt chở lúa vàng bằng xe bò xếp đầy cao vút. Đến cổng, để cho nhanh tôi cũng thường lười không ôm từng vác mà quay ngược xe để cho nó "vổng càng" đổ vào trong sân. Còn một phần mới vào ném vội xuống sân, sau đó mới đem xếp lại để vò. Thành ra làm ách tắc những xe khác cũng đang chở lúa về. Để người làng khỏi phải đợi lâu, chị em tôi phải làm "hộc tốc" cho nhanh, con đường nhỏ nhanh chóng được "giải phóng", những xe lúa vàng lại tiếp tục lại qua. Chỉ có chị em tôi là ngồi thở gấp vì mệt thắt cả bụng luôn.
Nhiều hôm tôi đang chơi ở trong sân, bác họ tôi gọi ra cho đon lạc vào "phứt" củ, rửa đi để luộc. Thỉnh thoảng có người cho ngô bon ra để rang. Dì tôi đánh xe qua chở đầy bắp cải, gọi chúng tôi ra xách vào nấu ăn. Nhiều hôm mẹ tôi còn phải chối, vì nhà ăn cũng không hết. Với lại, lấy nhiều thì cũng... nể.
Ấy vậy mà thời gian chóng chày qua tang hải, làng thành thị trấn, đất đồng làng được quy hoạch thành khu đô thị mới. Không còn đất ruộng, người nông dân già trở thành những người buôn thúng bán mẹt, hoặc ở nhà trông cháu con. Người trẻ lên khu công nghiệp để làm công nhân, thu nhập lại cao hơn làm ruộng. Còn ít đất đồng xa quy tập cho một số người làm trang trại. Người nông dân làng tôi "tập tành" thành dân phố.
Con đường trước ngõ nay chẳng còn "nô nức" như ngày trước. Có một con đường nằm nhớ chuyện ngày xưa...
Trịnh Quang Cảnh
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/co-mot-con-duong-nho-chuyen-ngay-xua-a18456.html