Kinh Vĩnh Tế xưa và nay

Ngay sau khi thu giang sơn về một mối, nhà Nguyễn triển khai việc đào kinh Vĩnh Tế dọc theo biên giới để đảm bảo an ninh quốc phòng phía Nam. Qua bề dày lịch sử hình thành của dòng kinh, cùng những lợi ích giao thông thủy góp phần phát triển nông thương, cho thấy kinh Vĩnh Tế không chỉ giúp an ninh biên phòng được đảm bảo, mà sinh kế người dân vùng biên giới ngày càng ổn định.

ct1-1625383796-1630735471.gif
Kinh Vĩnh Tế nơi biên giới Tây Nam bảo vệ bờ cõi. Ảnh: CAND

Tháng 11 năm Bính Dần (1806) Thượng thư Bộ Binh Lê Quang Ðịnh vâng mệnh làm xong sách “Nhất thống địa dư chí”, gồm 10 quyển. Nội dung tra xét sách sổ trong nước từ kinh sư, phía Nam đến Hà Tiên, phía Bắc đến Lạng Sơn, bao nhiêu núi sông hiểm dị, đường sá xa gần, giới hạn đường sông, cửa biển, cho đến cầu, sông, chợ, phố, cùng phong tục, thổ sản... đều được biên chép đầy đủ, dâng lên vua Gia Long.

Xem qua, vua Gia Long nghĩ cần đào một con kinh nối từ sông Châu Ðốc tại xã Vĩnh Ngươn đến sông Giang Thành thuộc Hà Tiên, cho đổ nước ra biển Tây, gọi là kinh Vĩnh Tế. Hướng kinh song song với biên giới Việt Nam - Campuchia. Dự kiến con kinh sẽ dài khoảng 91km, rộng 25m, sâu 3m. Thế nhưng do điều kiện ở miền biên cảnh lúc ấy chưa thuận lợi, nên mãi đến tháng 9 năm Kỷ Mão (1819) nhà vua mới ban chỉ. Tổng trấn Gia Ðịnh thành Lê Văn Duyệt phụng mạng, định ngày Rằm tháng Chạp năm ấy khởi công, giao cho ông Nguyễn Văn Thoại trực tiếp coi sóc với sự lần lượt trợ lực của các quan binh trực thuộc.

Năm Minh Mạng nguyên niên, nhà vua thấu hiểu công việc đào kinh Vĩnh Tế quá khó nhọc, khổ sở, nên xuống dụ cho các quan Trấn thủ đất Gia Ðịnh phải đặc biệt quan tâm, gia ân chăm sóc, người đau yếu thì kịp thời cấp phát thuốc thang, người tử vong thì cấp phát tiền, vải. Và do nhiều lý do, nhà vua đã phải xuống chỉ tạm hoãn nhiều lần để rồi cuối cùng vào tháng 5 năm Giáp Thân (1824), 24.700 binh dân được huy động để tiếp tục đào phần còn lại. Kinh dài 205 dặm rưỡi, tức 44.412 tầm, tương đương 97km, rộng 15 tầm, sâu 6 thước. Thực hiện ngót 5 năm (gián đoạn hai lần), tổng cộng có khoảng 80.000 lượt người trực tiếp đào bằng tay. Hoàn thành, tâu lên, vua Minh Mạng khen thưởng cho những người chịu trách nhiệm trông coi mà đứng đầu là ông Nguyễn Văn Thoại và sắc cho quan hữu tư địa phương làm bia kỷ niệm dựng ở bờ sông (nay đã thất lạc), đồng thời ban dụ “chiêu mộ những dân buôn, xây dựng xóm làng, làm cho đinh số hộ khẩu ngày càng tăng, ruộng đất ngày càng được khai khẩn thêm. Vấn đề biên phòng cũng cần được trù liệu chu đáo…”.

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), kinh Vĩnh Tế được chạm vào Cao Ðỉnh là đỉnh chính trong Cửu Ðỉnh đặt ở hoàng thành Huế.

***

Cuối thế kỷ XIX (1899), người Pháp xúc tiến nghiên cứu chuẩn bị cho việc nạo vét cải tạo kinh Vĩnh Tế để phát huy hơn nữa hiệu quả thủy mạch quan trọng vùng biên giới Tây Nam. Bên cạnh ý nghĩa chiến lược quốc phòng hữu hiệu vùng biên và các mặt lợi ích về nông thương, di dân lập ấp, mở mang bờ cõi… thì Aubaret trong sách “Histoire et Descriptions de la Basse-Cochinchine” đã nhận định: “Con kinh Vĩnh Tế có vai trò rất lớn trong thương mại; nó làm cho việc giao thương được dễ dàng và là một nguồn mang đến nhiều lợi ích cho người buôn bán”. Khi nói về vị trí con kinh, trong công trình “Chuyên khảo về tỉnh Châu Ðốc”, cuốn sách “Géographie Physique, Économique et Historique de la Cochinchine” do Hội Nghiên cứu Ðông Dương - Société des Études Indochinoises thực hiện vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cho biết không thể không nghiêng mình thán phục nhãn quan của vua Gia Long. Cũng không thể không ghi nhận sự dồn tâm dồn sức của các quan binh đương thời, mà trực tiếp là ông Nguyễn Văn Thoại, người đã thiết kế vàm kinh Vĩnh Tế nằm trong rạch Châu Ðốc (một số tài liệu còn viết sông Châu Ðốc là rạch) cách 900m tính từ cửa rạch trong sông Hậu. Những người viết “Chuyên khảo về tỉnh Châu Ðốc” khẳng định: “Khó mà chọn được một địa điểm tốt hơn để làm nơi nối kết cho một con kinh”.

Sách đã dẫn trên giải thích thêm: rạch Châu Ðốc, nhìn chung có lưu lượng nước thấp, còn sông Hậu thì ngược lại, luôn luôn có một dòng chảy khá tốt và nước của sông này chảy theo một hướng gần như giống với nước con rạch, nên đẩy lùi nước của con rạch và tiến thêm vài sải cáp (1 sải cáp khoảng 180m) để tới tận cửa kinh. Ðiều này dẫn đến ở cửa vào con kinh nước gần như dừng lại và chảy vào một cách hết sức chậm rãi, đó là điều kiện rất tốt để tránh mọi tình trạng đất bồi ở cửa kinh cũng như giúp cho tàu bè ra vào cửa kênh dễ dàng. Ðây là một điều hữu ích cần ghi nhận cho việc quy hoạch trong tương lai các con kinh.

Từ rạch Châu Ðốc, con kinh chảy gần như theo hướng Ðông, qua cánh đồng cói mênh mông bỏ hoang, chảy qua giữa hai quả núi Cậu và núi Tà Biệc và dẫn tới Giang Thành; những chuyển hướng của con kinh tập trung ở những góc rất tù, từ đó tạo nên những khuỷu rất dễ qua. Việc con kinh tiếp nhận nước từ đồng bằng giải thích tại sao dòng nước trong suốt chiều dài của kinh lại trong trẻo như vậy: nước đổ vào kinh sau khi đã được lọc giữa các cánh đồng cỏ trong một thời gian dài. Các cột mốc đã được cắm trên từng cây số.

Do đào bằng tay và ngày trước tuyến đường này không có ghe tàu lớn lưu thông, nên khởi thủy con kinh chỉ đạt những thông số kỹ thuật khiêm tốn. Bề rộng trung bình giữa hai bờ là khoảng 35m và không xuống dưới 33m; trong các làng, bề rộng này đôi khi đến 60m. Nhưng tại một nơi nào đó trên chiều dài của con kinh, bề rộng này bị hai hàng tre thu hẹp lại và còn không đầy 28m (ở nhiều nơi kể cả trong phần Châu Ðốc, cỏ mọc từ ba năm nay không cắt, đã làm cho bề rộng của con kinh giảm đi đáng kể, ở một số nơi bề rộng mặt nước chỉ còn 5m hay 6m) và độ sâu trung bình là 6 thước (2,4m).

Như đã nói, do là thủy mạch trọng yếu phía Tây Nam nên có dự án nạo vét sâu rộng hơn để tàu trọng tải lớn lưu thông dễ dàng qua kinh. Cụ thể, để tàu lớn có thể lưu thông trên kinh trong mọi mùa, phải bắt đầu tạo độ sâu bãi bồi bên ngoài cửa kinh bằng những biện pháp kỹ thuật. Khi những công việc này đã mang lại hiệu quả thì đào sâu con kênh xuống 3m, khối lượng đất phải đào đi là 2.480.000m3. Nếu chỉ vét con kênh xuống sâu 2m, tuy kinh phí có nhẹ hơn, các tàu hơi nước có độ mớn nước 3m có thể thông thương, nhưng có thể bị gián đoạn trong 3 hay 4 tháng mùa nước thấp dẫn đến sự bất tiện giao thông vào thời điểm việc buôn bán diễn ra sôi động nhất vào các tháng 3, 4 và 5 hằng năm.

Về luồng lạch, từ Châu Ðốc vào, khó khăn đầu tiên gặp phải trước khi tới gần Tịnh Biên ghe tàu phải ép sát vào bờ Bắc, rồi nhanh chóng băng sang bờ Nam. Cho đến làng Vĩnh Lạc thì không có gì đáng lưu ý. Nhưng tới Vĩnh Lạc, vốn là một ngôi làng lớn, dòng nước bị tắc nghẽn gần như cả bề rộng con kinh, nên phải lái ngay sang bờ Nam, nhưng không được chạy sát bờ quá. Cuối xã Vĩnh Gia kinh được kết nối với sông Giang Thành (lấy theo tên một đồn lũy thời Nguyễn đóng dọc theo bờ dưới của sông, nay Giang Thành là một huyện của tỉnh Kiên Giang).

***

Sau năm 1975 kênh Vĩnh Tế đã từng được nạo vét lần thứ nhất vào năm 1997 đạt cao trình đáy âm 3m, chiều rộng đáy là 30m. Do đó năm 2021 tỉnh An Giang chi 230 tỉ đồng để nâng cấp, cải tạo tuyến kinh Vĩnh Tế thuộc hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian từ 18-2 đến 31-12-2021. Có 4 doanh nghiệp thi công nạo vét kinh Vĩnh Tế từ phường Núi Sam, TP Châu Ðốc đến xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang với tổng chiều dài gần 42km. Theo dự án, các đơn vị thi công sẽ nạo vét có cao trình đáy âm 3,5m, nâng cấp chiều rộng từ 30m thành 35m.

Như vậy, ngoài lần đào tay đầu tiên, các lần nạo vét sau này đều dùng cơ giới. Và tuy được thi công trên vùng đất bán sơn địa, hầu như xuyên suốt con kinh dài gần 100 cây số thẳng tắp nó không gặp đá núi ngăn trở ngoại trừ một đoạn ngắn khoảng hơn 2km ở khu vực xã An Phú và Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, thấy có nhiều đá dưới lòng kênh. Tuy nhiên chúng đã được giải quyết bởi các phương tiện cơ giới, nên lòng kinh nay đã thông thoáng, lưu thông dễ dàng.

Theo Báo Cần Thơ

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kinh-vinh-te-xua-va-nay-a18436.html