Đặc trưng tiếng đàn Ân Zoưl của người đồng bào Cơtu

Trong nền văn hóa của người đồng bào dân tộc Cơtu ngoài những nét văn hóa cồng chiêng, nhạc và điệu múa Tungtung Yayá … thì cây ân zoưl cũng không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của họ.

anh-co-tu-1-1630553865.jpg

Người đồng bào Cơtu trong tục dựng cây nêu ở Quảng Nam

Đây là một loại nhạc cụ của đồng bào Cơtu gần biên giới Việt - Lào của tỉnh Quảng Nam. Về hình thức, nó giống cây đàn "măng đô lin" của người Kinh nhưng nhỏ hơn. Đàn ân zoưl có nhiều loại: 2 dây, 4 dây, 6 dây... Người chơi đàn vừa dùng ngón tay trỏ của bàn tay phải gảy dây đàn, đồng thời bàn tay trái nắm cần đàn bấm các nốt, luyến láy âm thanh để tiếng đàn phát ra mang âm hưởng các điệu dân ca và nói lên nỗi lòng của mình vi vu trong gió.

Người Cơ Tu thường mang đàn ân zoưl lên rẫy để những giây phút thảnh thơi sẽ gảy đàn cho vơi đi nỗi buồn và sự mệt mỏi. Nam thanh niên Cơ Tu thường dùng tiếng đàn ân zoưl để ngỏ lời với người con gái mình thương.

Chúng tôi đã không khỏi ngạc nhiên về tính độc đáo của đàn ân zoưl này. Tò mò về sự có mặt của đàn ân zoưl này, thế rồi chúng tôi cũng được ông Bh’ling Hạnh (76 tuổi), dân tộc Cơtu hiện đang sống tại thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang (Quảng Nam) cầm cây đàn ân zoưl và chậm rãi khẩy nhịp nhẹ nhàng từng dây cho chúng tôi nghe khúc nhạc mang âm hưởng của một bài dân ca Cơtu, với ý nghĩa chào mừng khách đến nhà. Qua âm điệu đàn ân zoưl mà ông Bh’ling Hạnh vừa đánh, những người lần đầu tiên như chúng tôi nghe qua, cảm nhận thật da diết, lúc thánh thót, lúc trầm ấm, tạo nên một không gian văn hóa huyền ảo, làm thổn thức lòng người nghe nơi núi rừng Trường Sơn.

anh-8-1630553971.jpg

Ông Bh’ling Hạnh cùng cây đàn ân zoưl nét văn hóa đặc trưng của người đồng bào Cơtu ở xứ Quảng

Ông Bh’ling Hạnh cho chúng tôi biết: Theo quan niệm của của người Cơtu, đàn này chỉ dành cho đàn ông và thanh niên Cơtu thôi. Đây là loại nhạc truyền thống của đồng bào Cơtu từ xưa đã có. Đàn ân zoưl có thể chơi mọi lúc, mọi nơi nhưng thích nhất chỉ lúc sớm mai khi núi rừng thật yên tĩnh, người nghe ân zoưl mới có thể cảm nhận được nhiều hơn cái hồn của nhạc cụ này. Cũng theo theo ông Bh’ling Hạnh, đàn ân zoưl của người Cơtu hơi giống đàn măng đôlin của người Kinh, nhưng đàn ân zoul nhỏ hơn, cần đàn cũng ngắn hơn và đàn chỉ có hai dây. Thân đàn ân zoưl được làm từ một thân cây gỗ bìn lin hoặc từ cây gỗ có dầu như chò, sơn đào... có tuổi trên 50 năm, chọn lấy ròng của nó. Chỉ có những loại gỗ ấy, thì mới cho ân zoưl tiếng đàn hay. Dây đàn ân zoưl được làm từ một loại dây rừng se lại nhỏ bằng sợi dây cước. Đàn ân zoưl ngoài chức năng dùng để độc tấu, nó còn có thể sử dụng hòa tấu hoặc đệm cho các làn điệu dân ca Cơtu trong những dịp lễ hội truyền thống của làng, cưới hỏi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi được biết, ngày xưa đàn ân zoưl là một trong những nhạc cụ khá phổ biến, xuất hiện thường xuyên trong đời sống văn hóa của người Cơtu. Người Cơtu thường mang đàn ân zoưl lên rẫy để những giây phút thảnh thơi sẽ gảy đàn cho vơi đi nỗi buồn và sự mệt mỏi. Thanh niên trai làng Cơtu dùng tiếng đàn ân zoưl để ngỏ lời yêu thương với người con gái mình thương. Ngoài ra, và với đàn ân zoưl này những thiếu nữ Cơtu có khiếu âm nhạc cũng đánh đàn này rất hay.

Được biết, đàn ân zoưl là nhạc cụ gắn liền với đời sống sinh hoạt của người Cơtu vùng núi Quảng Nam, mà nó còn là một trong những giá trị văn hoá dân gian truyền thống, làm nên bản sắc riêng văn hóa Cơtu. Mỗi khi buồn hay vui, tất cả đều được hoà chung với những giai điệu trầm bổng, dặt dìu. Người Cơtu càng yêu tiếng đàn ân zoưl hơn. Mỗi khi làng vào hội ăn mừng được mùa, ăn mừng lúa mới, ăn mừng mùa trỉa hạt, mùa đi săn, mùa con ong đi lấy mật, đến mùa bẻ măng,… đàn ân zoưl gợi lên cho họ niềm vui về cuộc sống thanh bình, ấm no, sung túc. Và đàn ân zoưl luôn thể hiện sâu nặng chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, khoẻ khoắn. Những âm thanh của đàn ân zoưl luôn mang vẻ đẹp tự nhiên của vùng cao bao la, hùng vĩ như nét tươi sáng và giản dị, mà đàn ân zoưl rung lên làm say đắm, đong đầy hồn người Cơtu, một cư dân sinh sống lâu đời trên vùng Trường Sơn từ bao đời nay.

Gia Hân

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dac-trung-tieng-dan-an-zoul-cua-nguoi-dong-bao-cotu-a18394.html