NSƯT Lệ Quyên với tiếng hát “bắt hồn” người

Chẳng phải là con nhà nòi có truyền thống nghệ thuật, nhưng như có duyên nợ, Lệ Quyên đến với Hát bội như lãnh giới ấy là định phận cho cuộc đời chị. Những trở ngại về sức khỏe khiến chị không còn theo nghiệp diễn nữa, nhưng cái tên Lệ Quyên đã như là một “thương hiệu” được nhiều người nhắc nhớ với niềm yêu mến trân trọng.

van-phi-1630552947.jpg

Chân dung nghệ sỹ Lệ Quyên

1. Lệ Quyên tên thật là Lê Thị Tám, sinh năm 1960 ở Nhơn Khánh, An Nhơn, Bình Định. Vùng đất An Nhơn xưa kia vốn là đất Tuồng nổi tiếng với nhiều nghệ sĩ như đệ nhất danh ca Hoàng Chinh, nghệ nhân Hồng Thu, Khánh Dư, Thu An, Lệ Siềng... Lớn lên ở vùng đất giàu truyền thống Hát bội, từ nhỏ, Lệ Quyên đã được nghe và xem những đoàn Hát bội về diễn ngay tại quê nhà, tình yêu Hát bội cũng từ đó được gieo mầm. Nữ nghệ sĩ nhắc nhớ lại những ngày đầu bén duyên với Hát bội: “Hồi mình mười ba tuổi, đệ nhất danh ca Hoàng Chinh với nghệ nhân Lệ Siềng về diễn tại Nhơn Khánh, xem cô Lệ Siềng hát vai Phàn Lê Huê là mình mê ngay. Từ đó, mình nuôi ý định theo nghề. Ba năm sau, khi đoàn Tuồng Hợp tác xã Nhơn Khánh thành lập, mình liền xin gia nhập”.

Với giọng hát ngọt ngào, khuôn mặt khả ái sáng sân khấu, Lệ Quyên nổi bật ngay ở đoàn Tuồng tại địa phương. Từ đây, chị được tiếp xúc với những nghệ sĩ Hát bội nổi tiếng thời bấy giờ ở An Nhơn, được họ dạy nghề. Đặc biệt, chị được nghệ nhân Hồng Thu hết lòng bồi tài. Chị dần trưởng thành trong nghề. Các vai diễn đầu tiên của chị từ Ái Nương trong vở Trần Bình Trọng đến những vai như Bích Hà trong Ngọn lửa Hồng Sơn, Kiều Nguyệt Nga trong vở Lục Vân Tiên… chiếm được cảm tình của khán giả. Về sau, tình yêu nghệ thuật đã gắn kết chị với Hoàng Việt - con trai của NSƯT Hoàng Chinh và nghệ nhân Hồng Thu, từ đó, hai vợ chồng tương hỗ nhau nhiều trong nghề và cũng là bạn diễn trong nhiều kịch mục khiến người xem tấm tắc.

Từ năm 1978, Lệ Quyên gia nhập đoàn tuồng An Nhơn và tham gia diễn hát cùng nhiều đoàn nghệ thuật không chuyên như đoàn Nhơn Khánh, đoàn Nhơn Hòa, Đoàn Phù Mỹ, Đoàn Nhơn Lộc, Đoàn Tây Sơn 2... Đến 1986, chị được mời về công tác tại Nhà hát Tuồng Đào Tấn (nay là Nhà hát nghệ thuật truyền thống Bình Định). Tại đây, chị được sự tận tình chỉ dạy của các nghệ sĩ bậc thầy như NSND Võ Sỹ Thừa, NSND Trương Đình Bôi..., được học hỏi thêm những kỹ năng sân khấu từ các bậc đàn anh, đàn chị như NSND Hòa Bình; đạo diễn, NSƯT Hoàng Ngọc Đình…, nghệ sĩ Lệ Quyên ngày càng chín hơn trong nghề. Từ lĩnh vực Tuồng không chuyên đã quen với những hoạt động tự do, chuyển sang hoạt động bên Nhà hát chuyên nghiệp phải đi vào khuôn khổ có những khó khăn nhất định, nhưng chị thích nghi khá nhanh. “Mình yêu, mình say mê, dốc lòng vì nó thì mọi thứ cũng trở nên dễ dàng hơn…”, chị trải lòng.

Lệ Quyên hội đủ các yếu tố của một diễn viên sân khấu Tuồng. Nổi bật ở chị, chính là sắc vóc cân đối, dung mạo thanh thoát. Và đặc biệt, chị như được trời phú cho chất giọng mượt mà, đằm thắm, dày dặn xúc cảm. Những yếu tố ấy kết hợp với kỹ thuật hát luyến láy, ém hơi, nhả chữ khiến cho giọng ca của chị như “bắt” hồn người vậy, khiến ai nghe cũng đều mê mẩn. Năm 1987, một lần được xem Lệ Quyên nhập vai Lan Anh trong trích đoạn Lan Anh lạc đẻ (vở Hộ sanh đàn của Đào Tấn) và vai Trại Ba trong trích đoạn Địch Thanh qua ải (vở Ngũ hổ bình Tây của Nguyễn Diêu), nhà nghiên cứu Mịch Quang đã dành niềm trân trọng: “Lệ Quyên đóng đào giữ được cốt cách tuồng Bình Định, đặc biệt là có một giọng hát ngọt ngào như tiếng sơn ca vậy!”.

van-phi-2-1630553023.jpg

NSƯT Lệ Quyên cùng trò chuyện với tác giả

2. Lặng lẽ cống hiến cho nghệ thuật Hát bội, chị dốc tâm, dốc lòng trong từng vai diễn, không nề hà vai lớn vai bé, vai chính vai phụ. Nhiều vai diễn của Lệ Quyên đã in sâu trong lòng ngườ mộ Tuồng như: Cúc Hoa trong vở Phạm Công - Cúc Hoa, Phàn Lê Huê trong vở Đường Chinh Tây, Công chúa Mỹ Dung trong vở Gia nhân trong thời loạn, công chúa Kim Hương trong vở Tam Hùng Kiệt… Có thể đóng được nhiều loại vai nhưng sở trường của chị vẫn là những vai đào bi. Trong đó, vai diễn phát huy được những lợi thế về thanh và sắc, biểu hiện nội tâm nhân vật với những nổi nênh đời mình có vai Bàng Quý Phi trong vở Xử án Bàng Quý Phi và Điêu Thuyền trong vở Phụng Nghi Đình.

Nhắc về NSƯT Lệ Quyên, NSƯT Cao Trọng Quế, người từng một thời gian dài công tác tại Nhà hát Tuồng Đào Tấn với cương vị Trưởng đoàn biểu diễn, chia sẻ: “NSƯT Lệ Quyên là một nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn của những năm 90 của thế kỷ trước. Thế mạnh của chị là vào những vai đào bi của các vở tuồng tiểu thuyết nổi tiếng của sân khấu Hát bội. Lệ Quyên có giọng hát “ trời phú” và đặc biệt là chị có điệu hát Nam Xuân nữ khó ai bì kịp. Tôi là người ký hợp đồng biểu diễn ở tất cả các địa phương, ngày ấy nhiều nơi bà con yêu cầu phải có cô đào Lệ Quyên họ mới chịu ký hợp đồng... Có lần, đoàn diễn vở Giai nhân trong thời loạn, Lệ Quyên đóng vai Công Chúa Mỹ Dung, Hoàng Việt vai Hoàng Ngọc - đôi trai tài gái sắc gặp lại nhau nhưng trong cảnh tình yêu bị ngăn trở, họ đã ngậm ngùi khôn xiết. Đoạn này đào kép hát mùi mẫn, lâm li dữ lắm, lấy không biết bao nhiêu nước mắt khán giả. Người ta thưởng tiền đầy cả sân khấu. Những trường đoạn này xảy ra và ở những nơi khán giả thích, trống chầu say như vậy, tôi thường chạy lên cánh gà bảo diễn viên “cương thêm vài ba câu nữa cho đã”. Những khi ấy, Lệ Quyên và Hoàng Việt đều xử lý rất chuyên nghiệp, tạo được sự cộng hưởng lớn giữa nghệ sĩ trên sân khấu và khán giả”.

Giọng hát làm mê đắm lòng người đã đem lại cho Lệ Quyên chiếc HCV đầu tiên trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, tại Hội thi tiếng hát hay Tuồng - Chèo toàn quốc năm 1992. Ngay năm sau, với vai Vương Thiên Kim trong vở Vết tay máu của cố tác giả Võ Sỹ Thừa, chị đoạt HCB tại Hội thi trích đoạn Tuồng hay toàn quốc. Năm 2003, chị nhận được HCV thứ 2 trong nghiệp diễn của mình tại Liên hoan Sân khấu Chuyên nghiệp toàn quốc - khu vực miền Trung với vai Ngu Cơ trong vở Mộng Bá Vương. Với những thành tích, cống hiến trong nghệ thuật, năm 2007, chị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

3. Những tháng ngày đầu quân cho Nhà hát Tuồng Đào Tấn, NSƯT Lệ Quyên diễn ròng khắp các vùng trong và ngoài tỉnh. Có khi, cả tháng chị chỉ được thảnh thơi nghỉ ngơi đôi ba hôm rồi lại tiếp tục rong ruổi cùng Đoàn. Sự yêu mến của khán giả như là liều thuốc tăng lực giúp chị cháy hết mình với sân khấu Hát bội. Đang trong giai đoạn chín muồi trong nghề thì NSƯT Lệ Quyên dần vắng bóng vì bệnh tim, chị xa xót rời khỏi sân khấu biểu diễn vì biết mình không còn đủ sức khỏe để hóa thân tốt nhất vào vai diễn cống hiến cho khán giả. Những ngày chữa trị bệnh lui về giữa Sài Gòn – Quy Nhơn, tiếng trống Tuồng với những mến thương khán giả cứ vây bủa lấy chị. Có những khi ngồi ngay trong căn nhà của mình gần Nhà hát Tuồng Đào Tấn, nhìn chiếc xe của Nhà hát chiều chiều hay đi diễn ở các địa phương chạy ngang qua, lòng chị như thắt lại. Chị vào ở hẳn trong Sài Gòn 5 năm như để nguôi ngoai đi những day dứt lòng mình với nghề…

Sau ấy, khi sức khỏe tốt hơn, chị trở lại Quy Nhơn, cũng là để chăm sóc, bầu bạn cùng mẹ tuổi xế chiều. Những ngày tháng đó, chị mở tiệm nhỏ cho thuê phục trang, phụ kiện biểu diễn. Thỉnh thoảng, có người thuê trang phục về để hát diễn Hát bội nhân một sự kiện nào đó, chị lại vui vẻ chia sớt, hỗ trợ cho họ về những kỹ thuật hát, về cách múa sao cho đúng bài bản, trình thức của Hát bội. Nhiều lúc, những chuyện trò về nghề như cuốn chị đi. Những khi ấy, ai cũng nhận ra một điều, tình yêu Hát bội vẫn còn lặng lẽ dòng chảy ấm nồng trong thẳm sâu tâm hồn người người nghệ sĩ. Nhìn lại những tháng năm đi qua, nữ nghệ sĩ cười hiền, thổ lộ: “Mình đã từng nghĩ, sẽ chẳng có khó khó khăn gì có thề ngăn trở tình yêu của mình với Hát bội. Vậy mà… Ai ngờ những vai đào bi một thuở như vận vào đời mình. Nhưng mình tin, cái gì đã duyên nợ, thì khó mà rời được…”.

Hơn ba mươi năm gắn bó với nghề, NSƯT Lệ Quyên đã để lại cho nghệ thuật Hát bội nhiều vai diễn trình thức mẫu mực với giọng hát khó ai bì được. Hơn hết, chị được người mộ Tuồng nhắc nhớ yêu mến, đó như là một thứ huy chương tinh thần mà người nghệ sĩ nào cũng mong muốn có được.

Vân Phi

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nsut-le-quyen-voi-tieng-hat-bat-hon-nguoi-a18393.html