Trong hồi ký, ông tự bạch rằng tác phẩm của ông luôn nhắm vào năm mục tiêu: 1/ Cốt truyện lấy đề tài thường xảy ra trong tầng lớp bình dân; 2/ Giải trí, giáo dục, răn đời, làm ác gặp ác, làm lành gặp lành; 3/ Đả phá chính sách thực dân, gợi lòng yêu nước; 4/ Tả chân bình dị, bênh vực kẻ cô thế, bài xích quan liêu; 5/ Đất nước Việt Nam là của người Việt Nam.
Sau 3 năm viết tiểu thuyết, bút danh Sơn Vương bắt đầu có vị trí đứng trong lòng độc giả thợ thuyền bình dân khắp các tỉnh thành Nam kỳ.
Kể từ đầu năm 1931, người dân Sài Gòn thường trông thấy một thanh niên cao, gầy, ăn nói mềm mỏng, mặc bộ đồ xá xẩu (thường phục của người Hoa), trải chiếu trên vỉa hè đường De La Some (Nay là đường Hàm Nghi) bán sách do chính mình sáng tác và ấn hành. Ông hòa nhập vào cuộc sống vỉa hè của giới cạo gió giác hơi, chiêm tinh gia đường phố và phu xe.
Thời gian này ông bày bán hơn 20 đầu sách như: Bạc trắng lòng đen, Lỗi hẹn quên thề, Ngọc lầm với đá, May nhờ rủi chịu, Làm ơn mắc oán, Kẻ thù dân tộc, Thà được làm chó hơn được làm người, Làm nhơn được vợ, Phản bạn vì tình, Chén cơm lạt của người thất nghiệp, Sâu bọ nổi lên làm người… Hầu hết những quyển sách của ông được in khổ nhỏ (15,5cm x 12cm) và mỏng khoảng vài chục trang để giới thợ thuyền, giới lao động bình dân có thể nhét vào túi áo dành đọc trong những giờ giải lao. Trong số sách có xin giấy cò xuất bản (1 loại giấy phép thời đó), ông chen vào những quyển tiểu thuyết không giấy phép, in thủ công có nội dung kêu gọi quần chúng chống thực dân Pháp.
Thỉnh thoảng, ông gom góp số tiền lãi từ việc bán sách mua gạo chia thành những bao nhỏ rồi lén ném vào những ngôi nhà nghèo khó ở ngoại thành.
Mỗi khi vắng khách, ông ngồi tại vỉa hè sáng tác hoặc giao du kết bạn với những phu xe ngựa Malabar.
Xe ngựa Malabar là một loại "xe ngựa taxi" phổ biến ở Sài Gòn giai đoạn đó. Thời đó, giới phu xe ngựa đa phần là người Ấn Độ di cư từ vùng biển Malabar, Pondichéry (Ấn độ) hay từ Malaysia, Singapore đến Sài Gòn kiếm cơm. Vì vậy, người ta gọi chung loại "xe ngựa taxi" này là xe malabar. Người Ấn Malabar có tính cẩn thận cao nên một số được tuyển dụng làm gác dan (bảo vệ cổng) và hành nghề đổi tiền. Họ đặt chiếc thùng to như chiếc bàn đặt trên vỉa hè rồi treo những cọc tiền lủng lẳng để đổi tiền lẻ cho khách qua đường. Từ giới xe ngựa Malabar, Sơn Vương lan rộng mối quan hệ của mình đến giới phu bốc vác Malabar, gác dan Malabar và giới đổi tiền để bổ sung kiến thức… cướp cho mình.
Với giới phu xe, Sơn Vương tìm hiểu thói quen đi chợ, mua sắm và địa chỉ của giới nhà giàu. Với giới gác dan, ông tìm hiểu công thức bảo vệ. Với giới đổi tiền, ông tìm hiểu những địa chỉ giàu có. Ông tự lập cho mình một loạt những kế hoạch cướp táo bạo.
Trong thời gian ngồi vỉa hè bán sách, khi đêm về, ông cuốn chiếu về tá túc trong căn gác trọ của tiệm may Nam Hưng ở số 2, đường Lefebvre (nay là đường Nguyễn Công Trứ, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Ông Tư Chiêu - chủ tiệm may Nam Hưng - là bạn đồng liêu của ông Trương Đình Cung Anh (thân phụ của Sơn Vương) từ thuở tóc còn để chỏm ở quê Gò Công.
Giữa năm 1933, đám lính cò không cho giới hàng rong bám vỉa hè đường De La Some, Sơn Vương dời địa điểm bán sách sang lề đường Charner (Nguyễn Huệ). Tại đó, ông gặp gỡ với một thanh niên lang bạt tên là Nguyễn Phương Thảo, sau này trở thành Trung tướng độc nhãn Nguyễn Bình - Tư lệnh các lực lương quân sự Nam Bộ những năm đầu cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp (1945 - 1954).
Từ cuộc hội ngộ kết tâm giao này, Sơn Vương đã quyết định đánh cướp để giúp bạn có tiền mở tiệm giặt ủi, đồng thời cứu trợ người nghèo.
Trong hồ sơ án tích của Pháp ghi năm 1933 Sơn Vương bị bắt lần đầu sau khi thực hiện vụ cướp nhắm vào chuyến áp tải tiền lương từ ngân hàng về sở cao su ở Gò Vấp. Người áp tải chuyến vận ngân ấy là René Gaillard - vệ sỹ của viên chủ sở.
Trước đó ông thực hiện 4 vụ cướp lớn nhưng nạn nhân không muốn báo với cảnh sát.
Nhưng vụ thứ 5, Sơn Vương đã dám khiều mũi René Gaillard.
René Gaillard có dáng cao to, hầm hố của giống dân đảo Corse, đồng hương của Napoléon Bonaparte. Corse là một hòn đảo thuộc Pháp nằm ở Địa Trung Hải. Người đảo Corse vạm vỡ, khỏe mạnh, ăn to nói lớn và tính khí nóng nảy, ngang tàng. Hầu hết người gốc đảo Corse đến Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20 chỉ có 2 loại, nếu không làm mật thám chỉ điểm thì làm… giang hồ.
Khi còn là gã thanh niên vừa thoát tuổi vị thành niên, René Gaillard cũng từng cùng một đứa em ruột tên là Charlles Gaillard dùng súng đánh cướp một chiếc xe vận ngân của ngân hàng ở Paris. Xui cho gã, đồng bọn Charlles Gaillard quá nhát gan.
Khi chiếc xe chuyển tiền bị 2 gã cướp chặn lại, tay vệ sĩ áp tải đã giơ hai tay úp mặt vào thành xe chịu trận cho Charlles Gaillard dí súng vào gáy. Khi René Gaillard đang vác những bao tiền chuyển về chiếc xe của mình thì… Charlles Gaillard bị gã vệ sĩ tước súng. Gã vệ sĩ đã cảm nhận họng súng của Charlles Gaillard run lẩy bẩy sau gáy mình. Thế là bằng một thao tác nhanh gọn, gã vệ sĩ xoay người tước khẩu súng trên tay Charlles Gaillard như một ảo thuật gia lành nghề. Gã vệ sĩ lẩy cò, Charlles Gaillard đổ ập xuống rồi giẩy đành đạch trước khi xuôi tay đi thẳng xuống địa ngục. Trước tình thế đó, René Gaillard chỉ còn biết đưa thẳng 2 tay lên trời chịu thúc thủ.
René Gaillard ra tòa với tội danh cướp có vũ khí, thụ án 5 năm tại nhà tù La Santé tại Paris. Cọp lớn không chịu bị nhốt trong cũi nhỏ, ngồi khám được hơn 1 năm thì René Gaillard vượt ngục.
Lẫn trốn một thời gian, chờ các cuộc truy nã của cảnh sát bớt ồn ào, René Gaillard đi tìm gã vệ sĩ bắn chết Charlles Gaillard để đòi lại món nợ máu.
Tại một quán rượu, không hiểu vì run hay vì lý do nào khác, René Gaillard nhắm súng vào đầu đối thủ siết cò nhưng viên đạn lại găm vào… chân. Gã vệ sĩ ôm chầm lấy René Gaillard và… la làng. René Gaillard nghiến răng kề khẩu súng vào mang tai gã vệ sĩ siết cò. Lần này khẩu súng phản chủ đã không chịu nổ. René Gaillard bị thực khách nhiệt tình trong quán rượu xúm nhau "bề hội đồng" đến mềm nhũng.
Lần này, René Gaillard lãnh án chung thân, lao động khổ sai ở nhà tù La Cayen.
Cayen là một vùng nông nghiệp nổi tiếng với các sản vật khóm, mía và nho của Pháp. Gã đã dùng sức vóc của mình góp phần tạo nên thương hiệu khóm Cayen trong những ngày lao động khổ sai.
Trong 1 chuyến đeo cùm đi lao động, René Gaillard cùng một số bạn tù tước súng lính cai rồi đào thoát. Lần vượt ngục này, vì mang án chung thân, René Gaillard không dám tìm kẻ cựu thù đòi nợ máu nữa.
Một ngày đông lạnh lẽo, René Gaillard bất ngờ gặp đại ca đồng hương đảo Corse. Đó là Franchini (không phải Mathiew Franchini - chủ khách sạn Contineltal Palace ở quận 1, Sài Gòn).
Franchini là một đại ca giang hồ gác kiếm sau khi tích lũy được một số vốn kha khá từ những vụ cướp cạn. Y dùng số vốn đó đầu tư một số đồn điền cao su ở Tân Đảo.
Tân Đảo có tên hành chính là quần đảo New Hebrides. Ngày nay Tân Đảo có tên chính thức là Cộng hòa Vanuatu. Đó là quần đảo thuộc địa của Pháp và Anh ở Tây Nam Thái Bình Dương từ thế kỷ 19. Chính quyền Pháp đang khuyến khích các nhà đầu tư trồng cao su ở vùng thuộc địa này. Chính sách này đã kéo một số phu đồn điền Việt sang Tân Đào và mắc kẹt ở đây. Ngày nay, vẫn còn rất nhiều người Việt sinh sống ở đó.
Sau khi nghe René Gaillard kể khổ, Franchini tuyển dụng ngay gã đàn em đang tơi tả làm vệ sĩ riêng.
Không những đầu tư cao su ở Tân Đảo, Franchini còn đầu tư cao su ở Hóc Môn, Gò Vấp (Sài Gòn), Cầu Khởi (Tây Ninh) và Mimot (Chup, Campuchia). Theo các sử liệu kháng chiến chống Pháp thì vào những năm thập niên 30 thế kỷ 20, Franchini là một tên địa chủ cao su rất tàn ác đối với công nhân.
Sau này, thấy đầu tư ở Tân Đảo xa xôi, Franchini bán các sở cao su ở đó rồi đặt trụ sở chính tại Gò Vấp. Tất nhiên, Franchini lôi thằng vệ sỹ đàn em René Gaillard đi theo. Để tạo quyền lực riêng, Franchini ký gửi René Gaillard cho Bazin để có chân trong sở mật thám. Thế là René Gaillard vừa là vệ sĩ riêng cho Franchini vừa là chỉ điểm viên cho mật thám.
René Gaillard được Franchini tin tưởng giao cho quản lý tất cả mọi công việc cũng như mọi giao dịch liên quan đến sở cao su. Đáp ơn cứu mạng, René Gaillard trung thành với Franchini còn hơn chó nuôi từ lúc mới đẻ.
Có nguồn cho rằng, René Gaillard là chủ đồn điền sở cao su Mimot. Điều này khó chính xác vì vào thời đó, hiếm khi đích thân chủ đồn điền đi ngân hàng nhận tiền mà thường giao cho gạc đờ co (garde du corps: Vệ sỹ riêng). Vả lại, nếu René Gaillard mở sở cao su ở Mimot thì đi ngân hàng Pnong Penh nhận tiền gần hơn Sài Gòn.
Nông Huyền Sơn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/cuoc-doi-ly-ky-cua-de-lao-hiep-khach-son-vuong-ky-ii-a18392.html