Hà Tiên, vùng đất cuối trời Tây Nam của Tổ quốc thuộc tỉnh Kiên Giang được thiên nhiên hào phóng ban tặng nhiều cảnh quan tươi đẹp và tự hào hơn khi vùng biên thùy này là đất của thơ văn, bắt nguồn từ Tao đàn Chiêu Anh Các ra đời cách đây 285 năm vào ngày Rằm tháng Giêng năm Bính Thìn (1736) do do Mạc Thiên Tích, tự Sĩ Lân, vị Tổng trấn Hà Tiên lúc bấy giờ sáng lập.
Tao đàn được các nhà nghiên cứu lịch sử văn học đánh giá lớn thứ hai trong cả nước, sau Tao đàn của vua Lê Thánh Tông lúc bấy giờ, đánh dấu sự hình thành, khai mở nền văn học Hà Tiên phát triển rực rỡ với những áng văn chương một thời lừng danh, làm cho Hà Tiên được xem một trong những chiếc nôi của nền văn học miền Nam. Tao đàn ra đời đã quy tụ được nhiều văn nhân thi sĩ và đã để lại cho đời những áng văn chương lừng danh.
Di sản văn chương của Tao đàn Chiêu Anh Các để lại khá đồ sộ, nhiều tác phẩm có giá trị cao về mặt tư tưởng và nghệ thuật. Năm 1821, khi cho tái bản sách “Minh bột di ngư”, nhà thơ kiêm sử gia Trịnh Hoài Đức nhắc tới 6 tập sách từng được xuất bản và lưu hành là: Hà Tiên thập cảnh toàn tập, Minh bột di ngư thi thảo, Hà Tiên vịnh vật thi tuyển, Châu thị trinh liệt tặng ngôn, Thi truyện tặng Lưu tiết phụ, Thi thảo cách ngôn vịnh tập. Ngoài 6 tác phẩm trên, Lê Quý Đôn còn ghi thêm tập Thụ Đức Hiên tứ cảnh. Cả 7 tác phẩm trên là kết quả xướng họa thi ca của hơn 30 năm hoạt động của Tao đàn Chiêu Anh Các.
Văn thơ Chiêu Anh Các chủ yếu ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và cuộc sống lao động sản xuất của người dân miền biên ải; đồng thời giáo dục, cổ vũ động viên người dân nâng cao ý thức cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ quê hương trước mọi kẻ thù xâm lược. Thơ Chiêu Anh Các có tầm ảnh hưởng rộng lớn, có sức hút mạnh mẽ và lan rộng, có giá trị nghiên cứu đặc sắc và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo trong giới học thuật, lan ra cả nước ngoài, được các danh sĩ cùng thời thi nhau xướng học và còn truyền tụng qua hai câu thơ: “Từ phú tăng hoa văn hiến quốc/ Văn chương cao ngật trúc bằng thành”.
Và một điều rất thú vị là hơn 200 năm sau, kể từ năm 2003, cũng vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, khắp cả nước tổ chức kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam. Điều này tạo điều kiện làm tăng lên giá trị, sức sống mới cho những vần thơ Chiêu Anh Các và cho vùng đất Hà Tiên, vùng đất thơ ca.
Với những giá trị to lớn đó, Lễ hội kỷ niệm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các được thành phố Hà Tiên duy trì tổ chức hàng năm và trở thành một hoạt động truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là ngày hội để tôn vinh thành tựu thơ ca mà các bậc tiền nhân tạo lập trên quê hương Hà Tiên tươi đẹp.
Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các luôn để lại những ấn tượng đẹp và tình cảm nồng nàn cho du khách và Nhân dân Hà Tiên, với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức sôi nổi và ấn tượng như triển lãm ảnh, đêm thơ, hội chợ ẩm thực, họp mặt các văn nghệ sĩ; tổ chức các hoạt động đường phố; thả hoa đăng trên đầm Đông Hồ; hái lộc đầu xuân, dâng hương, tế đất trời tại nền Sơn Xuyên, Đền thờ họ Mạc. Quy mô tổ chức lễ hội ngày càng được nâng lên gắn với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân trong và ngoài tỉnh, cũng như đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách trong nước và quốc tế.
Nữ thi sĩ Đông Hồ từng nhận xét: “Ở đây kỳ thú thay, có như hầu đủ hết! Có một ít hang sâu động hiểm của Lạng Sơn, một ít đảo đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long. Có một ít núi đá vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất sơn môn của Hương Tích. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, một ít lăng tẩm của Phú Xuân. Có một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, một ít Nha Trang, Long Hải”.
Người có công khai mở vùng đất Hà Tiên là ngài Tổng binh Mạc Cửu (1655 -1735) sinh quán phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông-Trung Quốc. Cuối thời nhà Minh, nước Trung Quốc đại loạn, quê hương ông bị giặc Mãn Thanh thôn tính. Vào năm Tân Hợi (1671), Mạc Cửu lúc đó 17 tuổi, đã rời quê hương cùng đoàn tuỳ tùng trôi dạt xuống vùng Đông Nam Á. Ông trôi dạt đến vùng đất Hà Tiên khi đó còn là vùng đất rộng người thưa, chưa có chính quyền nào quản lý. Ông tổ chức đời sống kinh tế xã hội và khai hoang lập thành 7 xã theo ven biển Vịnh Thái Lan.
Sau khi Mạc Cửu qua đời (1735), triều đình phong cho Mạc Thiên Tích kế tục chức của cha. Mạc Thiên Tích còn có tên là Mạc Tứ, Mạc Tông là con của ông Mạc Cửu và bà Bùi Thị Lẫm, một phụ nữ Việt Nam quê ở Gia Định. Sau một năm nhậm chức, vào năm 1736, Đô Đốc Tổng Binh Mạc Thiên Tích đã thành lập Hội tao đàn lấy tên là Tao đàn Chiêu Anh Các (toà gác chiêu tập anh tài) góp phần đáng kể vào việc xây dựng nền móng cho thơ ca Hà Tiên. Việc thành lập Tao Đàn Chiêu Anh Các đã góp phần quan trọng vào việc củng cố ý thức dân tộc và truyền thống văn hoá dân tộc Việt Nam tại một vùng đất mới mà tộc người Việt vừa mới bắt tay khai phá.
Xuân Đào - Yến Nhi
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-tao-dan-chieu-anh-cac-mot-di-san-cua-van-hoc-nam-bo-a18330.html