Thời gian qua, hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng được các ngành, các cấp quan tâm đầu tư, mở rộng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kéo giảm tình trạng mất trật tự an toàn giao thông (ATGT). Đánh giá về phát triển hạ tầng giao thông ở tỉnh Tiền Giang những năm qua, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Tiền Giang Phan Vĩnh Thanh cho biết:
Trong giai đoạn 2016 - 2020, hạ tầng giao thông ở tỉnh Tiền Giang được đầu tư xây dựng nhanh và khá đồng bộ. Tiền Giang không những phối hợp chặt chẽ các cấp, đơn vị liên quan triển khai đầu tư các công trình giao thông của Trung ương trên địa bàn tỉnh, các tuyến giao thông liên vùng như: Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tuyến kinh Chợ Gạo, kinh Nguyễn Văn Tiếp, các tuyến đường tỉnh (864, 867, 875, 878, 879, 871B, 877B, 879C), tuyến tránh đường tỉnh 868, đường nối huyện Cần Đước (Long An) - huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), mà còn đẩy mạnh phát triển hệ thống đường giao thông nội thị, các tuyến đường huyện, giao thông nông thôn gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Qua đó, chúng ta đã và đang tạo thành mạng lưới giao thông thủy, bộ thuận lợi đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
Cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành hứa hẹn từng bước kéo giảm mất trật tự ATGT, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư và đưa vào sử dụng 5 công trình cầu lớn (cầu Long Hưng, cầu Ngũ Hiệp, cầu Bình Xuân, cầu Vàm Trà Lọt, cầu Nguyễn Văn Tiếp), với kinh phí đầu tư trên 638 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc tạo kết nối giao thông thông suốt, thúc đẩy giao thương hàng hóa, đi lại của người dân, doanh nghiệp giữa các địa phương trong vùng và các vùng trong tỉnh.
* Phóng viên (PV): Đồng chí có thể cho biết, đâu là những “đột phá” của ngành GTVT Tiền Giang trong những năm gần đây?
* Đồng chí Phan Vĩnh Thanh: Trong thời gian qua, ngành GTVT đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp Bộ GTVT và các Bộ, ngành Trung ương cùng các sở, ngành đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Đưa vào sử dụng tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TX. Cai Lậy, nỗ lực đưa Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào sử dụng vào năm 2021, mở rộng song hành 4 cầu hẹp trên Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh, đầu tư mới đường tỉnh 878 kết nối Khu công nghiệp Đông Nam Tân Phước, đường dọc sông Tiền (từ thị trấn Cái Bè đến cầu Mỹ Thuận), đường tỉnh 871B kết nối vùng công nghiệp phía Đông của tỉnh.
Việc tập trung đầu tư nhiều công trình giao thông mang tính kết nối liên vùng đã tạo sức bật lớn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, việc đầu tư các cây cầu lớn và đưa vào khai thác trong thời gian qua không chỉ tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mà còn là một trong những giải pháp kéo giảm tình trạng mất trật tự ATGT trong những năm gần đây.
* PV: Theo nhận định của nhiều người, hạ tầng giao thông trên địa bàn Tiền Giang vẫn còn hạn chế, đồng chí nghĩ gì về nhận định này?
* Đồng chí Phan Vĩnh Thanh: Thực tế, hệ thống hạ tầng giao thông vận tải tuy phát triển nhưng vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa kết nối tốt các phương thức vận tải. Một số tuyến đường có quy mô, tải trọng cầu và đường chưa đồng bộ nên tính kết nối vẫn chưa cao, chi phí vận tải chưa hợp lý dẫn đến giảm hiệu quả khai thác vận tải. Bên cạnh đó, hệ thống đường bộ khung gồm các trục ngang và trục dọc chính trên địa bàn tỉnh để kết nối các cảng, bến với quy mô còn hạn chế, các tuyến đường trục liên vùng chưa được nâng cấp, mở rộng kịp thời.
Trong quá trình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt đối với đường bộ, các khó khăn lớn nhất hiện nay có thể kể đến là nguồn lực bố trí đầu tư chưa đáp ứng đủ, chưa tương xứng, chưa đồng bộ so với định hướng, mục tiêu đặt ra. Công tác giải phóng mặt bằng chậm, khó khăn, phức tạp làm kéo dài tiến độ thi công các công trình, phát sinh chi phí đầu tư, dẫn đến chậm đưa vào khai thác sử dụng, làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án.
* PV: Xin đồng chí cho biết, kế hoạch và định hướng phát triển hạ tầng giao thông của Tiền Giang trong thời gian tới?
* Đồng chí Phan Vĩnh Thanh: Trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngành GTVT sẽ thực hiện các đột phá chiến lược là ưu tiên đầu tư các trục giao thông chính theo phương ngang và phương dọc (các đường tỉnh 864, 872, 877C, 879... với quy mô theo quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương) định hướng liên kết vùng, đưa vào khai thác tuyến đường trọng điểm dọc sông Tiền.
Việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông không những đồng bộ một cách hiện đại từ đô thị đến nông thôn, mà còn phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kết nối các cụm, khu công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư. Đơn vị cũng tiếp tục ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị mở rộng 3 đô thị trung tâm của 3 vùng kinh tế trọng điểm trên địa bàn tỉnh: TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công và TX. Cai Lậy. Đồng thời, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn để dần nâng mức sống, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.
Bên cạnh đó, ngành GTVT còn tập trung đầu tư hoàn thành các công trình liên kết với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiểu vùng Đồng Tháp Mười và Tiểu vùng duyên hải phía Đông như: Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, mở rộng kinh Chợ Gạo giai đoạn 2, phối hợp với tỉnh Long An mời gọi đầu tư Dự án Trục đô thị TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang.
Không dừng tại đó, ngành GTVT sẽ phát triển giao thông thủy và logistics kết nối Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long bằng khai thác năng lực vận tải bằng đường thủy (các kinh Chợ Gạo, Nguyễn Văn Tiếp và các sông Tiền, Vàm Cỏ), nâng cao năng lực vận tải hành khách bằng đường thủy, hệ thống bến thủy nội địa phục vụ phát triển vùng công nghiệp phía Đông, phát triển hệ thống cảng chuyên dùng, cảng biển tổng hợp.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Theo Ấp Bắc Online
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tien-giang-ket-noi-giao-thong-tao-suc-bat-cho-lien-ket-vung-a18207.html