Nhưng ít ai biết được rằng, để tên tuổi của nhà thơ Tú Quỳ được nhiều người biết đến là nhờ phần lớn công sức của một nhà nghiên cứu văn học mà hơn 40 năm qua ông đã âm thầm tìm tòi, sưu tầm. Đó chính là nhà nghiên cứu văn học Thy hảo Trương Duy Hy.
Vốn sinh ra trong một gia đình nho giáo ở làng Minh Hương, thuộc TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Lúc còn nhỏ ông thường xuyên đứng hầu quạt cho thân phụ của mình, được nghe thân phụ đàm đạo văn chương với các cụ đồ nho giáo khác trong làng. Là một người đam mê văn chương, trong những lần đứng hầu quạt như thế thì những vần thơ, câu văn đã ăn sâu vào tiềm thức của người yêu chữ nghĩa. “Thời gian quạt hầu cho các cụ, tôi thường nghe các cụ trao đổi thơ ca bằng cái giọng rề rề. Các cụ không chỉ ngâm và bình mấy vần thơ do các cụ đột xuất sáng tác mà các cụ còn ngâm, bình những vần thơ của các thi bá Bắc, Nam hay các thi bá ngay tại địa phương. Đặc biệt là bài “Hát bội” của cụ Tú Giảng Hòa dường như chẳng bao giờ thiếu vắng trong các buổi họp mặt. Và mỗi lần nó xuất hiện thì y như rằng luôn có những lời bình mới mẻ nhất. Và cứ thế “Hát bội” của nhà thơ Tú Quỳ đã ngấm sâu vào tâm trí tôi và cả những mẫu chuyện “làng nho” trong đó có cả chuyện “Ngũ phụng tề phi” của miền đất xứ Quảng nữa”, Thy hảo nhớ lại.
Rồi ông kể tiếp: "Thời học sinh, chúng tôi chỉ được học thơ văn miền Bắc hoặc miền Nam. Ở Bắc thì được học thơ của Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Tú Xương… còn miền Nam học Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu, Nhiêu Tâm… còn miền Trung chỉ một hai bài của Phan Châu Trinh. Tại sao chúng tôi không được học thơ ca, cổ văn của các tác giả quê nhà. Với suy nghĩ non nớt của mình thời đó, phải chăng mảnh đất Quảng Nam không có ai biết làm văn thơ nên chưa có người xứng đáng để cùng ngồi cùng chiếu hoa với các thi bá Bắc, Nam ? Trong khi Quảng Nam từ ngày Vua Hùng dựng nước đến triều Thành Thái chỉ có một tên gọi duy nhất là “Ngũ phụng tề phi”. Lúc này “Hát bội” của Tú Quỳ năm nào lại dần hiện lên trong tâm trí tôi như cuộn phim quay chậm với tất cả những hình ảnh qua lời bình ca tụng của thầy tôi với các cụ túc nho bên mâm rượu trong nhà. Từ đó tôi quyết tâm sưu tầm, tìm hiểu hơn về nhà thơ Tú Quỳ”.
Theo lời kể của ông Trương Duy Hy, Tú Quỳ tên thật là Huỳnh Quỳ, hiệu Hướng Dương (1828 - 1926). Ông sinh ra và lớn lên tại làng Giảng Hòa, tổng Quảng Hòa, huyện Duy Xuyên nay là xã Đại Thắng (huyện Đại Lộc Quảng Nam). Năm 19 tuổi ông thi đỗ Tú tài, sau đó ông tiếp tục thi lần hai vẫn đỗ Tú tài. Ông được triều đình Huế trọng dụng làm quan, nhưng ông từ chối không màng đến việc khoa cử, hoạn lộ. Từ đây ông sống bằng nghề dạy học như ông nội, cha và chú ruột. Suốt đời Tú Quỳ phiêu du khắp các tỉnh miền Trung. Thơ ca Tú Quỳ ở Quảng Nam thì không ai không thuộc một đôi bài. Có vậy, đến tuổi cửu tuần vua Khải Định ban cho ông hàm “Hàn lâm đãi chiếu” vì nể trọng tài năng. Nhưng do thời gian nên văn thơ trào phúng của Tú Quỳ đã dần mai một, thất lạc.
Để tìm lại được tên tuổi cho cụ Tú , ông Hy đã không ít vài lần suýt bỏ mạng vì “mưa bom bão đạn” của thời chiến tranh ác liệt. Nhưng may mắn đến với ông khi trên đường đi tìm sự thật về Tú Quỳ. Ông nhớ lại: "Khi đến Duy Xuyên và Quế Sơn, được sự hỗ trợ của các vị hậu duệ nội ngoại cụ Tú, tôi đã có thêm nhiều thông quý báu về cụ. Vào nhưng năm 1969, tôi ngao du khắp nơi, tìm đến những ký ức của các cụ 70, 80, 90 tuổi - những cụ từng biết đến Tú Quỳ bằng xương, bằng thịt, từng nghe Tú Quỳ đọc thơ ca từ phú để “vơ vét” tài liệu cho dự án của mình”. Và trước giải phóng đất nước năm 1975, với tập bản thảo lần thứ tám về cụ Tú Quỳ, ông Hy được mời tới viện Đại Học Cộng Đồng Quảng Đà thuyết trình trước hàng trăm sinh viên, học sinh và các nhà nghiên cứu văn học. Sau đó ông tiếp tục đưa thơ văn Tú Quỳ đến với Hội An thuyết giảng trước nhà giáo Phan Khôi, Phạm Phú Hưu, Hồ Ngận... và đông đảo trí thức Quảng Nam. Đi đến đâu cuộc thuyết trình về thơ văn trào phúng của Tú Quỳ đều được tán thưởng đến đó.
“Sau gần 40 năm sưu tầm, tìm kiếm và đã có bản thảo, nhưng phải đến năm 1993, cuốn sách về nhà thơ trào phúng độc đáo nhất của Quảng Nam - “Tú Quỳ Danh sĩ Quảng Nam” mới được ấn hành. Vừa mới ra đời chưa được bao lâu cuốn sách về cụ Tú đã làm dậy lên nhiều ý kiến trái chiều nhau. Người thì cho rằng: "Hầu hết những bài thơ của Tú Quỳ đều được lưu truyền trong dân gian, trong khi bút tích viết để lại rất ít". Người thì cho bảo rằng: "Chắc gì những bài thơ trào phúng hay thế có của phảu cụ Tú hay không?". Trước những ý kiến trái nhiều nhau về tính trung thực của cuốn sách, Thy hảo Trương Duy Hy, đã “một thân một ngựa” vác sách ra tận Hà Nội để bảo vệ ý kiến và đòi lại tên tuổi cho Tú Quỳ tại Viện Văn Học Việt Nam (Nay là Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam). Một mình ông Hy phản biện lại với 48 người toàn là những “cây đa cây đề” trong giới nghiên cứu văn học Việt Nam (do Giáo sư Phong Lê - Viện Trưởng Viện Văn Học Việt Nam đứng đầu) để bảo vệ cuốn sách và tên tuổi nhà thơ trào phúng Tú Quỳ. Với những dẫn chứng thuyết phục, sự phân tích sắc sảo, khổ tâm nghiên cứu của ông, cái tên Tú Quỳ đã được công nhận và chính thức xuất hiện trên văn đàn Việt Nam.
Đánh giá về việc làm của ông Hy, Giáo sư Phong Lê nhận định: “Quả là một con đường đi tìm nhọc nhằn, gian khổ, mà có lẽ thế tôi không thể nói hết ý nghĩa của việc làm này của anh Hy…” còn với nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân khẳng định: Công việc khôi phục tác phẩm Tú Quỳ của ông Hy tiến hành chủ yếu bằng con đường điền dã bởi hầu như không thể lục tìm trong các tàng thư. Hy vọng với việc tìm ại được di sản sáng tác của Tú Quỳ, giới nghiên cứu sẽ thấy rõ thêm trong bản đò văn học cuối thế kỷ XIX một gương mặt làm phong phú thêm một mảng sáng tác lâu nay vẫn được mệnh danh là văn thơ trào phúng”. Nhưng với ông, việc sưu tầm, bảo lưu văn thơ Tú Quỳ chỉ là một việc làm rất đỗi bình thường của một người con xứ Quảng đối với một nhân tài thi ca của đất nước.
Hiện nay, tên tuổi của nhà thơ Tú Quỳ đã được UBND TP Đà Nẵng đặt tên cho một con đường ở quận Liên Chiểu. Thy hảo Trương Duy Hy - một nhà nghiên cứu nghiệp dư suốt hơn 40 năm đã dày công tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm; đến nay đã hoàn thành được sứ mệnh,đó là ước nguyện của một người con xứ Quảng đối với bậc tiền nhân trong làng thi ca Việt Nam./.
Hữu Tiến
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/gap-lai-nguoi-hon-40-nam-di-doi-lai-ten-cho-nha-tho-tu-quy-a18169.html