Kỳ bí những ngôi chùa trong hang đá

Từ những tảng đá thiên nhiên chất chồng, rồi cũng có nhiều vồ đá chụm lại… tạo thành lòng trống cỡ hai, ba chiếc đệm bàng, thậm chí có nơi rộng hơn nên cư dân vùng Bảy Núi gọi là những hang, động, điện… Còn người hành hương lại bảo đó là chùa Hang, như ngưỡng mộ dáng vẻ kỳ bí của núi rừng.

Nằm sát chân núi, chùa Hang ở Tô Lợi (xã Cô Tô, Tri Tôn, An Giang) là một trong những nơi độc đáo vùng Bảy Núi, với cấu trúc thiên nhiên hấp dẫn, cảnh quan phối hợp hài hòa và cân xứng chốn tĩnh mịch. Từ xa trông vồ đá to nằm dài cả ngàn tấn, chỉ dính chân với đất liền có phân nửa, giống như chiếc thuyền đang cất mũi chạy tới. Vậy mà, bên trong lòng lại là một khoảng không gian rộng, có nhiều ngõ ra vào, với bàn thờ Tam Bảo và tượng Bác Hồ để người hành hương đến cúng, viếng. Tương truyền, nơi đây gắn liền với quá trình kháng chiến của quân và dân xã Cô Tô.

Mở cửa chùa Hang ở Tô Lợi, mọi người cảm nhận luồng ánh sáng ùa vào, gió thổi theo riu riu, hơi đá tỏa ra… rất dễ chịu. Mặt bằng hang hình bầu dục cỡ chục chiếc đệm bàng, bốn bề vách đá mòn lẳn, trần đá ngả màu bã trầu. Bà Mai Thị Minh Thanh (quê Bạc Liêu, người trông coi nhang khói) cho biết, chùa Hang được khám phá khá lâu và qua nhiều đời quản tự, nền hang được lót gạch cho sạch và xây dựng cửa kín đáo, còn dáng vẻ cảnh quan vẫn giữ y từ trước đến nay. Ngày mười bốn, rằm và hai mươi chín, ba mươi có nhiều cư dân trong vùng đến cúng, viếng.  

Dân đi viếng núi Cô Tô, ai cũng lên điện Nam Hải và nghỉ lại qua đêm tại đây. Đường vào điện đi theo vách núi không mấy gì khó khăn, nhưng phải đi ngang con suối và chui qua hang đá mới tới được. Cảnh quan thiên nhiên như vậy nên kích thích sự tò mò thưởng ngoạn núi rừng. Bà Trần Thị Diệu (cư dân sở tại, người trông coi nhang khói) kể, điện Nam Hải được phát hiện năm 1942 và bị bom đạn tàn phá dữ dội hòng phá hủy. Thế nhưng, không lay chuyển nổi trước sự kỳ bí của thiên nhiên, mà còn tạo thêm tiếng vang để đời chốn non cao.

Đa số những hang, động, điện… trên núi Cô Tô đều do cư dân tại chỗ phát hiện, đặt tên, tổ chức thờ phụng theo phương châm “cư sĩ tại gia”. Những nơi này, cứ cha truyền con nối, qua nhiều đời quản tự, người đời gọi đó là chùa họ. Chẳng hạn, như điện Nam Hải đón nhiều người hành hương và du khách đến từ khắp nơi. Bên trong điện vẫn là hang đá, nhưng mặt nền hơi hẹp, cỡ chừng chục người ngồi san sát. Các vách xung quanh hang là mặt đá gồ ghề, lồi lõm trông rất kỳ dị, rồi cũng có những mảng đá bị cắt lớp giống như “bánh da lợn” thật hấp dẫn.

Còn điện Năm Căn (khu vực vồ Sân Tiên) nhìn bề ngoài, ít ai biết đây là một hang đá. Theo truyền thống, bàn chính giữa vẫn là thờ Phật, đối diện là thờ các vị trụ trì và có cả bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ, các vị Sơn Thần – Năm Non Bảy Núi... với những hình tượng mang tính linh thiêng, vả lại còn là đặc trưng vùng núi non. Người hành hương và du khách lên Cô Tô ghé viếng, cúng cầu mong “mưa thuận gió hòa, quốc thới dân an và nhà nhà làm ăn phát đạt” theo dân gian và họ tộc gia đình. Đây còn là nét đẹp tập quán, mọi người luôn tôn kính.

Toàn vùng Bảy Núi có 33 đồi, núi lớn và nhỏ, trong đó có 7 ngọn núi nổi tiếng được ghi danh từ thời… khai sơn phá thạch, với hàng chục hang, động, điện. Mỗi nơi đều có dấu ấn riêng, gắn liền với con người và vùng đất chốn non cao. Cư dân xứ núi cho rằng, những nơi này đều là chỗ dựa tinh thần của họ từ thời núi rừng còn hoang sơ, trồng tỉa cũng giản đơn, sinh hoạt cuộc sống lam lũ hơn bây giờ. Nhớ những ấn tượng tốt đẹp đó, cư dân xứ núi cố gắng giữ gìn, giới thiệu với người hành hương và du khách gần xa chiêm ngưỡng, hiểu biết thêm về sự kỳ bí của núi rừng vùng Bảy Núi.

“Với những kỳ bí thiên nhiên và giai thoại nguồn gốc, chùa Hang (núi Sam, TP. Châu Đốc) đã được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Nơi đây, luôn có đông người hành hương và du khách đến viếng, cúng”.

Theo Tin tức Miền Tây

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ky-bi-nhung-ngoi-chua-trong-hang-da-a1812.html