Nhằm vinh danh những cống hiến không mệt mỏi của lực lượng thầy thuốc, những cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh đang thầm lặng ngày đêm nơi tuyến đầu chống dịch covid-19, đồng thời kêu gọi sự tiếp sức của xã hội đối với nhân viên y tế trong cả nước, Viện nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Dân tộc và Nhân học Việt Nam phối hợp với Công ty CP Phát triển Truyền thông Văn hóa Việt Nam, Chuyên trang Phương Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình Giao lưu “Thầm lặng - Nơi tuyến đầu”.
Ban tổ chức sẽ dành kinh phí tặng quà cho các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, đội ngũ Y bác sỹ, Công an, quân đội, các sinh viên, tình nguyện viên, những người bệnh có những hoàn cảnh khó khăn khác nhau.
Chương trình Giao lưu “Thầm lặng - Nơi tuyến đầu” là chuỗi những hoạt động tuyên truyền vận động xã hội, kết nối trái tim với trái tim và được triển khai rộng trên toàn quốc nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác dân sinh; làm sâu sắc, truyền tải hơn nữa các thông điệp sống và giá trị truyền thống nhân ái cao đẹp của dân tộc trong các tầng lớp nhân dân.
Qua đó thúc đẩy phong trào thi đua làm nhiều việc thiện sâu rộng trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhằm đẩy mạnh công tác vận động nguồn lực tại địa phương hỗ trợ các địa chỉ nhân đạo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên hòa nhập cuộc sống. Kết nối yêu thương cùng hướng tới hoạt động chung tay góp sức vì một xã hội nhân văn và phát triển hơn.
Để ghi hình, chuẩn bị chương trình phóng sự trong khuôn khổ chương trình sẽ lên sóng vào tháng 11 tới, Ban tổ chức đã có chuyến đi thiện nguyện, hỗ trợ người dân khó khăn nơi tâm dịch.
Xuất phát từ sự sẻ chia ấy, chuyến xe “San sẻ yêu thương” của chương trình đã đi trao quà cho người dân tại các huyện thuộc tỉnh Tiền Giang như: Huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, huyện Bình Chánh, Thị Xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang giúp bà con gặp khó khăn do Covid-19 nơi đây.
Tại đây, Ban tổ chức đã trao nhiều phần quà thiết yếu, vật phẩm cho người dân gồm (gạo 20 tấn, mì tôm 200 thùng, sữa tươi 2 ngàn hộp, nước tương 1.000 chai, nước mắn 1.000 chai, muối 500 ký, hột gà 3 ngàn hột, cá đối 150 ký, rau củ quả các loại giá…
Ngoài ra Ban tổ chức còn trao 50 thùng khẩu trang y tế, 10 thùng kiếng chống bọt, 500 bộ đồ bảo hộ, nước rửa tay, trị giá quà tặng hơn 500 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan - Thành viên Ban tổ chức, Ban vận động khu vực phía Nam - cho hay: “Chương trình là dịp tri ân những tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của các doanh nghiệp, doanh nhân các nhà thiện tâm, cá nhân đoàn thể, đã lan tỏa trong cộng đồng, sáng lên tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, trách nhiệm cùng cộng đồng của các cấp các nghành các tổ chức xã hội trong cả nước”.
Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người chúng ta thể hiện sự đoàn kết, lá lành đùm lá rách, của con người Việt Nam… Các phần quà đã được Ban tổ chức phân công các tình nguyện viên giao đến tận cổng nhà của người dân nếu trong diện cách ly đặc biệt.
Nhờ sự giúp sức của chính quyền địa phương, các suất nhu yếu phẩm của Ban tổ chức đã được chuyển đến tận tay bà con nghèo, hoặc các xã bị cách ly đặc biệt. Trong dịch bệnh, bà con càng mong chờ tình người hơn bao giờ hết. Niềm vui của những người làm công tác an sinh như chúng tôi là được nhìn thấy nụ cười của bà con khi nhận bao gạo, gói mì mà mình đã sẻ chia, với mong muốn những hoàn cảnh khó khăn vượt qua được đại dịch, đó là niềm vui nhất. Cho đi mà không cần nhận lại, chỉ muốn san sẻ giúp đỡ mọi người.
TS. Phạm Việt Long - Trưởng Ban Tổ chức, Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển cho biết: “Thông qua chương trình là dịp tri ân những tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của các doanh nghiệp, doanh nhân các nhà thiện tâm, cá nhân đoàn thể, đã lan tỏa trong cộng đồng, sáng lên tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, trách nhiệm với xã hội của các cấp các nghành các tổ chức xã hội trong cả nước”./.
Nguyễn Văn Thắng