Biến thể Delta lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ, có tốc độ siêu lây nhiễm đang là thủ phạm khiến làn sóng dịch tại nhiều nước bùng phát trở lại. Nhiều quốc gia đã ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất từ trước tới nay. Đông Nam Á đang là tâm điểm của dịch và ngay cả nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ cũng đã có lúc, có nơi rơi vào tình trạng quá tải y tế, số người bị nhiễm và tử vong tăng cao, trở thành thảm họa do những biến thể thể mới của SARS COV COV 2 (hay còn gọi là COVID 19) gây ra, từng thấy trên màn ảnh truyền hình và các phương tiện truyền thông.
“Thần tốc” - Chạy đua với thời gian
Có lẽ từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay, nhân loại mới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu với kẻ thù vô hình, không trừ một nước nào.
Đối với Việt Nam tính từ đầu đợt dịch thứ 4 từ 27/4 đến sáng nay (14/8), cả nước đã có hơn 240.000 ca mắc với hơn 4.500 người tử vong.
Còn trên thế giới, theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 22h ngày 13/8 (giờ Việt Nam) ghi nhận 206.513.289 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.352.955 bệnh nhân đã tử vong. Hiện số bệnh nhân phục hồi là hơn 185,3 triệu người.
Đợt dịch này bùng phát mạnh với sự xuất hiện liên tiếp của chủng virus mới, ngày càng phức tạp, khó lường. Dịch bùng phát vào thời điểm Chính phủ bắt đầu nhiệm kỳ mới (2021 - 2025) cũng là một khó khăn, thách thức lớn chưa có tiền lệ. Tuy diễn biến phức tạp trên diện rộng nhưng dịch CoVid 19 ở Việt Nam vẫn chưa vượt ngưỡng quá tải mà vẫn trong tầm kiểm soát. Tâm dịch TP HCM và các tỉnh phía Nam sau một tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ bước đầu phát huy hiệu quả, đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Số ca dương tính chững lại, bắt đầu giảm dần, số ca được chữa khỏi bệnh xuất viện tăng cao và số ca tử vong cũng giảm dần. Nhờ đó, Việt Nam là một nước đang phát triển, đã thần kỳ đạt mục tiêu kép trong suốt hơn một năm rưỡi qua. Đó là một sự nỗ lực không biết mệt mỏi với cuộc chiến đang hết sức cam go.
Đất nước lại một phen điêu linh, đứng trước những thử thách chưa biết đến bao giờ mới có hồi kết, phải tập trung mọi nguồn lực để “chống giăc” vô hình nguy hiểm này. “Lửa thử vàng, gian nan thức sức” một lần nữa dân ta lại triệu người như một “nhường cơm sẻ áo”, “tắt lửa tối đèn có nhau” đồng lòng thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đoàn kết chống dịch CoVid 19.
Trong “cái khó lại ló cái khôn”, mới ngày hôm kia (12/8), Người đứng đầu Chính phủ Phạm Minh Chính sau khi chủ trì làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng chống COVID-19 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy công tác này đã phát đi thông điệp “Quyết tâm cao nhất để có vắc xin sản xuất trong nước vào tháng 9/2021”.
Thời gian qua, đã có 4 đơn vị của Việt Nam tiến hành nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng COVID-19. Trong đó vắc xin NanoCovax của Công ty NANOGEN đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2. Vắc xin COVIVAC của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Vắc xin của Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 4/2021.
Các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng của cả 3 vắc xin này đều được đánh giá rất tốt, có triển vọng. Có được kết quả bước đầu này, trước hết là do đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu vắc xin của Việt Nam rất có kinh nghiệm. Trong quá trình nghiên cứu, các đơn vị của Việt Nam đều hợp tác chặt chẽ, trao đổi trực tiếp với các cơ quan nghiên cứu, sản xuất vắc xin uy tín trên thế giới.
Đặc biệt, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng COVID-19 của chúng ta tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy chuẩn, khẩn trương, rút ngắn thời gian nhưng không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào, đảm bảo các điều kiện khoa học.
Đối với vắc xin NanoCovax, sau khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 100% người được tiêm đều an toàn, sinh kháng thể với nồng độ cao, có tác dụng bảo vệ tốt và được thử nghiệm hiệu quả trên các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như chủng phát hiện ở Anh.
Tháng 4/2021, đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của vắc xin NanoCovax, và đang có triển vọng rất lạc quan. 100% tình nguyện viên đều sinh miễn dịch tốt. Tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt trên 99%.
Vaccine phòng COVID-19 Nanocovax được Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen phát triển từ tháng 5/2020. Theo đề cương đã được phê duyệt, giai đoạn 3 tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax nhằm đánh giá yếu tố hiệu lực bảo vệ của vắc xin đối với cộng đồng và được thực hiện tại nhiều trung tâm trong cả nước với 13.000 người; chỉ thực hiện tiêm nhóm liều duy nhất 25 mcg và nhóm tiêm giả dược đối chứng, đợi ít ngày nữa sẽ có kết quả kiểm chứng..
Đối với vắc xin COVIVAC mặc dù mới thử nghiệm giai đoạn 1 nhưng qua các nghiên cứu tiền lâm sàng, đại diện Bộ Y tế và các chuyên gia đánh giá có chất lượng rất tốt. Đặc biệt, giá thành dự kiến của vắc xin này rất rẻ (sơ bộ đánh giá bằng ½ giá vắc xin hiện có trên thị trường). Rút kinh nghiệm từ vắc xin NanoCovax, tiến trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 của vắc xin COVIVAC sẽ nhanh hơn.
Sáng nay (14/8), các phương tiện truyền thông đồng loạt thông tin: Ngày mai (15/8), sẽ có 100 tình nguyện viên tiêm mũi 1 vaccine ARCT-154 phòng COVID-19. Đây là vắc xin COVID-19 thứ 3 của Việt Nam, được phát triển theo công nghệ tân tiến nhất hiện nay. Theo Bộ Y tế, nghiên cứu sẽ được thực hiện cả 3 giai đoạn 1, 2, 3 ở Việt Nam trên người tình nguyện tham gia nghiên cứu, tuổi từ 18 tuổi trở lên.
Vaccine phòng COVID- 19 ARCT-154 là vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA đầu tiên của Việt Nam do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học VinBioCare thuộc Tập đoàn VinGroup đàm phán nhận chuyển giao công nghệ từ Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Hoa Kỳ. Vaccine này được phát triển theo công nghệ tân tiến nhất hiện nay là saRNA (self-amplifying mRNA – mRNA tự nhân bản). Đây là công nghệ mới, cho phép sử dụng liều vắc xin thấp hơn, trong khi kích thích miễn dịch kéo dài hơn, cho hiệu quả phòng ngừa biến thể nCoV nhanh chóng và đơn giản, có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Alpha, Beta, Delta, Gamma… Việc phát triển thành công vắc xin trong nước khẳng định năng lực, uy tín, niềm tự hào của đội ngũ khoa học y tế Việt Nam.
Đây là tín hiệu đáng mừng và nếu sản xuất thành công vaccine trong nước do ta làm chủ công nghệ thì sẽ là bước ngoặt trong cuộc chiến chống CoVid 19. Thực tiễn cho thấy, muốn đẩy lùi, chiến thắng CoVid 19, cùng với thực hiện biện pháp 5 K theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì phải nhanh chóng có vaccine tiêm phòng bao phủ diện rộng toàn dân.
Sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết
Trong khi chưa tự sản xuất được, chúng ta tiến hành chiến lược “ngoại giao vaccine” trong bối cảnh khan hiếm toàn cầu. Dù rất nỗ lực, linh hoạt nhưng đến thời điểm này mới đưa về nước được hơn chục triệu liều vắc xin tiêm chủng phòng ngừa được 10% dân số, ưu tiến cho lực lượng tuyến đầu và những vùng công nghiệp trọng điểm.
Ngay từ khi phát sinh dịch CoVid 19, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến việc sản xuất vắc xin trong nước nhanh nhất, nhiều nhất để tiêm cho nhân dân. Việc này đã được chỉ đạo quyết liệt, sát sao, liên tục, nhất quán trong suốt thời gian vừa qua. . Để có vắc xin tiêm phòng dịch cho người dân nhiều nhất, nhanh nhất có thể, chúng ta thực hiện đồng bộ “kiềng ba chân” gồm mua và nhập khẩu; chuyển giao công nghệ để sản xuất; nghiên cứu, sản xuất trong nước. Trong đó, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin trong nước có vai trò rất quan trọng. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là công việc lớn của đất nước, được người dân rất trông đợi.
Dân số Việt Nam gần 100 triệu người, vì vậy, chúng ta phải bằng các giải pháp để có vắc xin của Việt Nam, không chỉ phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, mà còn chuẩn bị để ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đứng trước thử thách cam go, niềm tin bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam tiếp tục tỏa sáng. Bản lĩnh, trí tuệ đó được minh chứng bằng “3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông hung bạo”, những chiến thắng Bách Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu”, ‘Điện Biên Phủ trên không”, “Chiến thắng 30/4/1975 vang dội” thống nhất non sông, “gạo ST25 của Việt Nam được trao giải ngon nhất thế giới”… Và lần này tiếp tục được khẳng định tự nghiên cứu, sản xuất thành công vắc xin phòng chống CoVid 19 để trên hết, trước hết là vũ khí góp phần bảo vệ.sức khỏe, tính mạng nhân dân. Với thành công này, Việt Nam là một trong 42 quốc gia có thể sản xuất vắc-xin Covid-19 với bốn nhà sản xuất trong nước, mỗi nhà sản xuất đi theo hướng khác nhau, bước đầu cũng đều cho kết quả khả quan.
Đúng như người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Nếu mọi việc suôn sẻ thì trong tháng 9 này, chúng ta có thể có vắc xin sản xuất trong nước. Đây là kết quả từ sự nỗ lực, lao động của các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, các nhà quản lý, các nhà sản xuất, cũng là sản phẩm chung của cả nước, của dân tộc, của lòng dân, khẳng định trí tuệ, bản lĩnh, quyết tâm của con người Việt Nam trong bối cảnh khó khăn theo tinh thần “biến nguy thành cơ”, lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, vươn lên, khẳng định và trưởng thành, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, góp phần nâng cao vị thế đất nước.
Vũ Xuân Bân
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/niem-tin-ban-linh-tri-tue-viet-nam-toa-sang-a18083.html