Vẻ đẹp bí ẩn ở ngôi làng “đá” cổ ở xứ Quảng

Ngôi làng “đá” cổ đó có tên thật là làng Lộc Yên ( xã Tiên Cảnh, H. Tiên Phước, T. Quảng Nam), ngôi làng được bao bọc bởi những ngọn núi Bàn Mây, rừng Cấm, Hòn Chò cùng hệ thống của sông Đá Giăng, suối An Sơn xen kẽ những cánh đồng lúa nước. Đã tạo nên một nếp làng thật yên bình và độc đáo đến lạ bởi ở đó có những ngôi nhà, đường ngõ, hàng rào, những gì thân thuộc với cuộc sống người dân đều làm bằng đá.



Vẻ đẹp của ngõ đá cổ kính, rêu phong tại làng cổ Lộc Yên.

Đến thăm làng cổ Lộc Yên, đi dưới những hàng cau thẳng tắp, xanh mướt trên con đường, ngõ xóm được làm bằng loại đá tự nhiên của miền sơn cước chúng tôi cảm nhận được sự bình yên của một làng quê đến lạ, quên đi cái nắng, cái gió khắc nghiệt của miền Trung.

Dẫn chúng tôi vào con ngõ, hai bên là đá, ông Nguyễn Như Hiên (70 tuổi) vừa đi vừa kể: Khắp làng cổ này, những cái cổng dẫn vào nhà, đến những con đường, con ngõ đều được bà con “dệt” bằng đá, loại đá được khai thác chính ở những ngọn núi bao bọc của làng nên trông rất khỏe khoắn và cổ kính. 

Theo ông Hiên, thì những chiếc cổng đá, ngõ đá và cả những con đường làng được lát bằng đá này đã có tuổi thọ hơn trăm năm, ít nhất là từ hồi ông sinh ra, hễ chỗ nào hư hỏng là bà con lại tự tìm và xếp đá ngay ngắn vào ngay. Nhờ ý thức giữ gìn đó mà “tài sản” mộc mạc này đến nay vẫn tiếp tục được gìn giữ, mang lại một nét đẹp độc đáo và đặc trưng cho miền quê này. Người dân nơi đây đã biết tận dụng những viên đá, có khi là những phiến đá bằng phẳng, vuông vức tạo nên những bức tường đá, cổng đá, ngõ đá vô cùng đặc biệt mà không cần bất kỳ một thứ vôi vữa nào kết dính. Qua thời gian, những bức tường đá, những chiếc cổng đá ấy vẫn đứng vững trãi, không hề suy suyển.

"Những chiếc cổng đá, ngõ đá hay đường làng được lát toàn bằng đá, dễ có đến hơn trăm năm chứ không ít. Từ hồi tôi sinh ra đã có rồi, chỗ nào hư hỏng là bà con lại tự động nhặt đá lắp lại ngay. Chính vì thế mà những hàng rào đá vẫn còn lại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay", ông Hiên hồ hởi khoe tài sản của làng, như của chính mình vậy.

Những hàng rào rêu phong, cỏ mọc xanh mướt mắt. Giữa buổi trưa hè, được đi dưới những hàng rào đá, phía trên là cây bàng, cây xoan tỏa bóng mát, lòng người như dịu lại. Không chỉ làm hàng rào, những bức tường đá còn làm nhiệm vụ ngăn chặn những khối đất bất chợt lở xuống, bảo vệ cho những ngôi nhà nằm bên núi, hay những mảnh ruộng nhỏ, vườn rau đủ loại nằm dưới chân núi. Những giếng nước lúc nào cũng trong vắt được bao bọc bởi bức tường đá, tạo nên những khuôn viên vô cùng nên thơ. Con đường làng quanh co uốn lượn theo cánh đồng, theo chân núi cũng được lát bằng những phiến đá đã nhẵn bóng theo bước chân người. Hai bên lối đi, những hàng cau xanh vươn lá, trổ những búp hoa lấm chấm trắng, rơi nhè nhẹ xuống đường làng, cảnh vật thật sự yên bình.
 


Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng, một địa chỉ thường xuyên được nhiều người tìm đến tại làng cổ này.

Chỉ cách đường tỉnh lộ vài trăm mét, ngoài ấy là sự xô bồ ồn ã, còn nơi đây cảnh vật lại lắng mình, yên bình đến lạ kỳ. Những ngõ đá, hàng rào hay cổng đá còn có những hình ảnh rất giản dị, gần gũi, thân thiết rất đặc trưng của làng quê xứ Quảng, đó là những nhà rường cổ trầm mặc giữa không gian xanh mướt của những vườn cây, những khu vườn được phân tầng bậc bằng các bờ đá thẳng tắp; những con ngõ dài được xếp bằng đá. 

Những con đường lát đá dẫn lên các nhà cổ rợp bóng cây đẹp như tranh vẽ và ở đó còn có những người dân quê thuần hậu, chất phác, giản dị, thật thà và vô cùng mến khách. Làng cổ còn có những phong tục, tập quán, lối sống thuần Việt, phong cách ứng xử ấm áp, thơm thảo và đôn hậu của người dân xứ Quảng đã làm nên một không gian văn hóa làng đặc sắc và thú vị. 

Ông Hồ Đức Tỉnh - Trưởng thôn Lộc Yên cho biết làng cổ Lộc Yên hiện vẫn còn hơn mười ngôi nhà cổ trên 200 năm tuổi, mang đậm lối kiến trúc nhà cổ truyền của người Quảng Nam xưa. Phía sau nhà tựa lưng vào núi vững chãi. Phía trước nhà nhìn ra ngõ đá sâu hun hút dẫn lối xuống vũng ruộng xanh ngút mắt. Không cầu kì mà tự nhiên, mỗi ngôi nhà chẳng khác nào một biệt thự. Những ngôi nhà cột gỗ, tường đá ba gian, hai chái với mái ngói âm dương ẩn mình trong những vườn cây xanh mướt... như giữ nguyên lối kiến trúc thuần Việt, đậm bản sắc vùng miền của người Quảng xưa. Sân gạch rộng rãi, thoáng đãng, những hàng cau cao vút ôm lấy những lối đi bằng đá sâu hun hút đẹp mắt chính là đặc trưng dễ nhận thấy ở những ngôi nhà cổ nơi đây.

Làng cổ Lộc Yên đến nay đã trên 200 tuổi. Những ngôi nhà rường mới nhất ở đây cũng tròm trèm 150 năm. Nhiều ngôi nhà đã trở nên nổi  tiếng với lối kiến trúc, chạm khắc tinh xảo mang đậm phong cách đặc trưng của các nghệ nhân xưa, có thể kể đến như nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh, nhà ông Nguyễn Đình Mẫn, nhà ông Lê Đình Sum hay nhà ông Phạm Thoại, Hồ Đức Nam... Ở mỗi nhà dù niên đại khác nhau nhưng đều có sự thanh thoát và cầu kỳ trong từng nét chạm trổ cũng như lối trang trí, sắp đặt bên trong. Nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh dù đã qua 150 năm nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn với lối kiến trúc 3 gian 2 chái, chống đỡ ngôi nhà là 16 cột cái to và 20 cột con bao bọc xung quanh; kèo, xuyên, trính được chạm khắc tinh tế, với đủ hình thù các loài chim muông độc đáo, cùng tùng lộc, mai điểu, bướm...

Đình làng bằng gỗ mít to nhất huyện Tiên Phước cũng nằm ở làng cổ Lộc Yên, tiếc là đã bị phá dỡ thời chống Pháp. Đi qua các thôn 2, thôn 3, thôn 4, qua làng cổ Lộc Yên và nhiều nơi khác nữa, đâu đâu cũng thấy những bức tường đá, những chiếc cổng đá mang vẻ đẹp tận tụy của thời gian. 
 


Làng cổ Lộc Yên là một trong bốn làng cổ của cả nước được xếp hạng di tích cấp quốc gia

Ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch huyện Tiên Phước - cho biết: “Năm 2019, Làng cổ Lộc Yên là một trong bốn làng cổ của cả nước được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Việc gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị độc đáo của ngôi làng cổ này gắn với việc phát triển du lịch là định hướng đúng đắn của Quảng Nam, có thể coi như một hình mẫu”. Tuy nhiên, hoạt động du lịch vẫn còn ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác hiệu quả. Làng cổ Lộc Yên là một sản phẩm du lịch khá hoàn hảo, một bữa tiệc của du lịch văn hóa đã được dọn sẵn, nhưng khai thác thế nào cho hiệu quả là cả một chiến lược dài hơi của ngành du lịch để có thể vừa phát huy được tiềm năng du lịch mà không phá vỡ cảnh quan vốn có. 

Với làng cổ Lộc Yên,  bảo tồn làng cổ và phát triển sẽ không chỉ khai phá tiềm năng du lịch địa phương, mà qua đó sẽ góp phần cải thiện đời sống người dân nơi đây, nhất là chủ nhân của các ngôi nhà cổ để biến du lịch trở thành động lực cho sự phát triển của vùng đất này.
 
Lê Hữu 

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ve-dep-bi-an-o-ngoi-lang-da-co-o-xu-quang-a17938.html