Trần Thúy Lành và cái tâm trong sáng của người viết

Với lối viết giản dị, tác giả Trần Thúy Lành, là cô giáo ở Hải Dương, đang dần khẳng định chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Chị đã tự đầu tư in và phát hành tập truyện ngắn “Lồng son”, với mong muốn lan tỏa tình yêu văn chương, kéo bạn đọc đến với sách.


- Xuất bản tập truyên “Lồng son” trong lúc dịch Covid-19 hoành hành, chị có kỳ vọng gì?

Tôi rất vui và háo hức chờ đợi “đứa con tinh thần” thứ hai sắp ra mắt bạn đọc. “Lồng son” là tập truyện tập hợp 19 truyện ngắn mà tôi sáng tác trong những năm gần đây, trong đó có một số truyện đã tham dự các cuộc thi. Không chỉ do tôi nhận định chủ quan mà một số biên tập viên của Nhà xuất bản hoặc cây bút chuyên nghiệp cũng đánh giá tập “Lồng son” có chất lượng và chiều sâu hơn so với tập truyện đầu tay của tôi “Đi qua mùa trăng” (xuất bản năm 2018). Nhà văn Lê Hoài Nam là người đọc kỹ và đã viết lời giới thiệu cho tập “Lồng son”.

Không như nhiều cây bút khác “viết khỏe”, tôi viết chậm và cũng ra sách rất chậm bởi tôi thường viết những gì mình tâm đắc và thực sự có cảm hứng chứ “không ép mình viết bao giờ”. Hành trình của “Lồng son” cũng khá long đong vì tôi đã hoàn thành bản thảo cách đây khá lâu rồi nhưng do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống nên ngành xuất bản, in ấn, phát hành cũng ít nhiều bị tác động. Tập truyện “Lồng son” của tôi đã được một nhà xuất bản xét duyệt và có kế hoạch xuất bản theo dự án được tài trợ nhưng Covid-19 cũng là nguyên nhân khiến dự án bị hoãn lại. Và tôi vẫn quyết định ra sách theo cách của mình.

- Có lẽ đề tài gia đình, học đường là thế mạnh của chị?

Tôi nghĩ mỗi người viết đều có sở trường riêng, người ta gọi đấy là “tạng viết”: từ cách lựa chọn đề tài đến cách xây dựng nhân vật, sáng tạo tình huống, chi tiết, ngôn ngữ và giọng điệu kể chuyện…Chính sự từng trải, kinh nghiệm sống, khả năng quan sát đời sống và trí tưởng tượng cũng là những tiền đề để các tác giả hình thành nên tác phẩm của mình. Tôi thích đề tài gia đình bởi tôi thấy đề tài này chưa bao giờ vơi cạn (kể cả phim ảnh) và thực tế không có gia đình nào giống gia đình nào. Nhìn vào gia đình nhỏ bé, người ta cũng nhận thấy được vấn đề thân phận con người, luân thường đạo lí… trong mối quan hệ với xã hội rộng lớn. Nhưng đặc biệt, tập truyện “Lồng son” viết nhiều về người phụ nữ: từ những cô gái vừa bước vào tuổi thiếu nữ đến những người phụ nữ đã ở trong hôn nhân hay hôn nhân đổ vỡ; từ người phụ nữ miền núi đến người phụ nữ vùng biển trong bến đời trầm luân hay người phụ nữ mơ một miền đất hứa bên trời Tây để được đổi đời…Tất cả họ đều khát khao hạnh phúc chính đáng. Người đọc có thể nhận thấy những nhân vật đó thấp thoáng trong cuộc sống mà mình đã từng nghe, từng gặp.
 
- Trước đây, tập truyện “Đi qua mùa trăng” cũng được in và tác giả bán hết. Chị có kinh nghiệm gì để sách có thể bán được?

Tôi được biết, việc xuất bản và phát hành tác phẩm trong những năm gần đây có nhiều con đường: hoặc là nhà xuất bản lo từ A đến Z, tác giả nhận nhuận bút theo quy định của nhà nước; hoặc nhà xuất bản và tác giả cùng phát hành; hoặc tác giả tự bán sách để thu lại số tiền mình đã đầu tư. Không riêng gì tôi, gần đây một số cây bút, thậm chí nhà văn có tên tuổi vẫn tự đầu tư in sách và bán sách. Bao nhiêu mặt hàng mua bán được thì sách cũng vậy. Không ít người cho rằng bỏ tiền ra mua một cuốn truyện, nhất định sẽ đọc nhưng được tặng thì chưa chắc đã đọc đâu (cười). Bây giờ người viết có nhiều kênh để kết nối với người đọc nên việc tác giả tự quảng bá tác phẩm của mình cũng rất thuận tiện, nhất là qua mạng xã hội. Tôi không có nhiều kinh nghiệm trong việc bán sách vì đây mới là lần ra sách thứ hai của tôi. Lần đầu, khi xuất bản tập truyện “Đi qua mùa trăng”, bìa sách hoàn thành là tôi đã giới thiệu trên facebook, zalo. Bạn bè, người thân của tôi cũng tích cực chia sẻ, giới thiệu giúp nên bạn đọc đặt sách từ khi sách chưa “ra lò”. Mỗi khi truyện của tôi được đăng báo, tôi cũng chia sẻ trên mạng xã hội, vì thế bạn đọc nào yêu thích kiểu truyện tôi viết thì sẽ đặt mua sách. Một số người mua với số lượng nhiều để làm quà tặng các thư viện nhà trường hoặc tặng người thân. Dựa vào số lượng sách được đặt mà tôi quyết định in bao nhiêu cuốn để tránh tình trạng sách bị tồn đọng. Vì đó không chỉ là tiền mình đầu tư mà tôi quan niệm sách phải được đến tay người đọc, truyện của mình phải được người khác đọc thì mới có giá trị.
 

- Là cô giáo sáng tác, chị có thuận lợi hay khó khăn gì không?

Từ xưa đến nay, nhà giáo viết văn không phải là hiếm. Tôi có một chút năng khiếu viết lách từ thời còn là học sinh nên suốt hai chục năm qua, tôi vừa dạy học vừa cần mẫn viết báo và viết văn như một sở thích, những công việc đó bổ trợ cho nhau rất nhiều. Là một cô giáo dạy Văn ở trường THPT, tôi hiểu được sứ mệnh của mình là làm sao để nuôi dưỡng cảm hứng và truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa tình yêu với văn chương, với cuộc sống cho các thế hệ học trò qua mỗi bài giảng, mỗi trang văn, trang thơ. Tuy nhiên, thuận lợi cũng nhiều mà khó khăn cũng không ít đối với việc sáng tác của một giáo viên. Thuận lợi là vì tôi được sống và làm việc trong môi trường gắn liền với sách vở, được tiếp xúc với lứa tuổi học trò có tâm hồn ngây thơ, trong trẻo, tràn đầy hoài bão, ước mơ. Các em đã tiếp thêm cho tôi nguồn cảm hứng sáng tác; hơn nữa giáo viên dạy Văn có sự nhạy cảm và đồng cảm để thấu hiểu tâm hồn người khác và đôi khi có thời gian rảnh rỗi để thỏa sức với đam mê của mình mà không ảnh hưởng gì đến công việc chính.

Nhưng là cô giáo sáng tác, tôi cũng gặp khó khăn, nhất là trong việc bứt phá khỏi những gì khuôn phép và chuẩn mực, đến cả ngôn từ và sáng tạo chi tiết cũng phải chừng mực, không thể “phóng bút” thoái mái mà phải ở trong giới hạn an toàn. Tôi chưa đủ dũng khí và trải nghiệm để viết về những gì dữ dội, những hiện thực bề bộn của cuộc sống hiện đại. Điều đó vẫn là sự trăn trở khiến tôi cảm thấy mình còn “mắc nợ”.

- Xứ Đông - Hải Dương, nơi có nhiều cô giáo, nhiều cây bút viết văn khá nổi, theo chị người viết trẻ hôm nay cần làm gì để tác phẩm có sức sống trong lòng bạn đọc?

Xứ Đông - Hải Dương quê tôi là vùng đất có truyền thống hiếu học và sáng tác văn chương. Ở thời nào Hải Dương cũng xuất hiện những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, để lại dấu ấn trên văn đàn. Đặc biệt những năm gần đây, không ít cô giáo Hải Dương viết văn khá nổi như: Nguyễn Hải Yến, Nguyễn Thu Hằng, Vũ Thị Thanh Hòa… hay những nhà văn từng là cô giáo Trương Thị Thương Huyền, Nguyễn Thị Việt Nga… Các chị là những cây bút sung sức, dồi dào cảm hứng sáng tạo nhưng tác phẩm của chúng tôi có sức sống lâu bền hay không thì phải đợi thời gian sẽ trả lời. Trăn trở lớn nhất của người viết là viết cái gì, viết như thế nào để tác phẩm của mình được công chúng đón nhận. Tôi nghĩ người viết trẻ cần trung thực, có tâm trong sáng, có bản lĩnh, giàu vốn sống, nhạy cảm với những vấn đề của thời cuộc và phải tìm được lối đi riêng, cách thể hiện riêng. Sáng tác theo bản năng là một chuyện nhưng nếu không rèn luyện và vượt lên chính mình thì tác phẩm khó mà sống được trong lòng độc giả.
 
- Xin trân trọng cảm ơn!
 
Nguyễn Văn Học (Thực hiện)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tran-thuy-lanh-va-cai-tam-trong-sang-cua-nguoi-viet-a17910.html