Du lịch miền Tây Nam Bộ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Từ những đặc trưng du lịch của miền sông nước còn cần khai thác sinh hoạt cuộc sống thường nhật của người dân cùng những tinh hoa văn hóa của vùng đất này.

Miền Tây Nam Bộ có tiềm năng du lịch rất lớn. Đó là vùng đồng bằng phì nhiêu rộng lớn với những làng quê, miệt vườn trù phú hoa trái quanh năm, với những dòng sông, kênh rạch chằng chịt qua những rừng chàm, cù lao mang vẻ đẹp hoang sơ. Những năm gần đây du lịch Tây Nam Bộ phát triển nhưng mới chỉ là bước khởi đầu còn phải nỗ lực đánh thức tiềm năng ấy có hiệu quả hơn nữa.

Chúng tôi được tham gia một tour du lịch của SaiGon Tourist hợp tác với VietJet Air đi từ Hà Nội đến một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Điểm dừng chân đầu tiên, chúng tôi được tham quan những nét mới hiện đại của TP Hồ Chí Minh như: Hầm Thủ Thiêm, một đường hầm rất hiện đại chui qua lòng sông Sài Gòn, Tòa nhà Bitexco, 68 tầng cao 262 m có thể đứng chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố… Ngay sau đó, xe của chúng tôi băng băng tiến về miền Tây Nam Bộ, tạo ra một cảm giác thật mới lạ.
 

Cảnh phố xá náo nhiệt, hiện đại cứ lùi xa dần, trước mắt chúng tôi là những cánh đồng lúa rộng mênh mông, không khí thoáng đãng của đồng quê ùa nhập đến. Nhớ ngày trước mỗi lần đi Cần Thơ đều phải đi qua hai bến phà phải chờ đợi ba, bốn giờ đồng hồ mới qua được. Nay con đường đã được chạy một mạch thênh thang, thẳng tắp, với hai cây cầu bắc qua sông Tiền và sông Hậu vừa hiện đại vừa rất đẹp chẳng khác gì những kỳ quan. Đường bộ nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ khá tốt tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Nét đặc trưng của du lịch miền Tây Nam Bộ là sông nước và những miệt vườn. Tỉnh Tiền Giang nổi tiếng với các điểm du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái. Các mịêt vườn nối tiếp nhau dài tít tưởng như vô tận trong đó có đủ các loại cây trái như chôm chôm, bưởi, mận (doi), xoài, vú sữa… Cù lao Thới Sơn được ví như viên ngọc qúy của sông Tiền.

Nằm ở hạ lưu sông Tiền, Thới Sơn là vùng chuyên canh cây ăn trái. Du khách xuống đò chèo xuôi theo những con rạch ngoằn nghèo giữa hai hàng dừa nước rậm rạp, giữa hàng thuỷ liễu ven sông. Đêm Thới Sơn thật huyền diệu với đầy trăng, gió, sóng nước mênh mang. Các tour du lịch ở Cần Thơ cũng chủ yếu là trên sông nước và các vườn cây ăn trái. Do hệ thống sông ngòi chằng chịt, vườn cây ăn trái bạt ngàn, đồng ruộng mênh mông, Cần Thơ - Tây Đô được ví như “Đô thị miền sông nước”. Điểm du lịch còn mới của An Giang là rừng Trà Sư cũng mang nét du lịch miền Tây Nam Bộ. Du khách đi bằng xuồng máy hoặc thuyền len lỏi theo những lối đi nhỏ qua khu rừng tràm với những cây tràm cổ thụ, những cây thuỷ liễu mềm mại soi mình dưới mặt nước trong xanh. Những tổ cò, tổ nhạn có hàng ngàn con nằm trên những tán cây tràm. Tiếng chim ríu ríu trên đầu du khách.

Sau khi đi thuyền xuyên rừng tràm du khách đến tháp ngắm cảnh để ngắm nhìn toàn cảnh rừng Trà Sư mênh mông, xanh ngát để nhìn cận cảnh sinh hoạt của vô số loài chim, cò qua ống nhòm được bố trí sẵn trên tháp. Với vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã cùng với sự thanh bình, yên tĩnh, rừng Trà Sư là một điểm du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách mỗi khi đến An Giang. Ở miền Tây Nam Bộ, do sông ngòi chằng chịt, nên ghe, xuồng trở thành phương tiện đi lại chủ yếu của người dân, giống như xe máy ở chốn thành thị, khiến cho đặc trưng của du lịch miền sông nước có nét độc đáo riêng.


Từ những đặc trưng du lịch của miền sông nước còn cần khai thác sinh hoạt cuộc sống thường nhật của người dân cùng những tinh hoa văn hóa của vùng đất này. Nhu cầu của du khách ngày càng tăng không chỉ dừng ở chỗ thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên mà còn muốn tìm hiểu, khám phá cuộc sống của con người trong khung cảnh đó. Những nét đẹp văn hóa sẽ đáp ứng nhu cầu đó. Thật may trong chuyến đi chúng tôi được tham quan chợ nổi Cái Răng của Cần Thơ.

Chợ nổi được họp ngay trên sông đáp ứng nhu cầu mua bán trái cây của một vùng rộng lớn có từ xa xưa. Cùng với chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng lâu nay được du khách trong và ngoài nước biết đến là một trong hai chợ trên sông nổi tiếng nhất miền Tây Nam Bộ. Nhiều người cho rằng đến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng thì kể như chưa biết gì về “Thủ phủ” cũ của Tây Đô. Nằm cách trung tâm Cần Thơ chừa 5-6 ki-lô-mét, giữa vùng sông nước mênh mông, gió thổi ào ạt thuyền bè tụ hợp nhau tấp nập lạ thường. Chợ họp đông nhất vào lúc sáu giờ sáng và kết thúc vào lúc 8-9 giờ với hàng trăm ghe lớn nhỏ mua bán đủ các loại trái cây và nông sản. Trên mỗi thuyền, người ta cắm một cây sào rồi treo cái mặt hàng muốn bán ở trên đó. Chỉ cần nhìn lướt qua, người mua dễ dàng tìm đến mặt hàng cần mua. Quang cảnh mua bán thật nhộn nhịp. Bên cạnh cái thuyền mua bán hàng còn có những chiếc thuyền ghe chở đò phục vụ ăn uống có đủ hủ tiếu, cà phê, thuốc lá, bia, tạp phẩm len lỏi khắp nơi phục vụ khách có nhu cầu. Du khách vừa thăm chợ nổi vừa được thưởng thức các sản vật tươi nguyên ngay trên chính chiếc ghe hàng của người dân nơi đây.

Ngày nay mặc dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển, thậm chí ngày một sầm uất hơn trở thành nét đặc trưng văn hóa sông nước Cửu Long. Và đó cũng chính là điểm đến thu hút được nhiều du khách.

 
 
Như trên đã nói, Thới Sơn là một cù lao đẹp của tỉnh Tiền Giang là vùng cây trái quanh năm, bên cạnh du lịch sinh thái, người dân còn giới thiệu với du khách những ngôi nhà cổ nguyên sơ. Điểm du lịch của nhà ông Tám là tiêu biểu của nhà cổ xưa với hàng cột gỗ căn xe, mỗi mái đều có chín cây đòn tay bố trí theo luật phong thủy. Cách bố trí trong căn nhà cũng theo phong cách cổ với chiếc tủ thờ cẩn xà cừ, tràng kỷ trạm trổ tinh xảo, đôi liễn trạm, câu đối sơn son thiếp vàng... Chung quanh nhà là vườn cây hoa cảnh với nhiều bon-sai được trồng tỉa công phu... Du khách còn được tham quan cách làm kẹo dừa bằng phương pháp thủ công, đồ dùng gia đình làm từ cây dừa. Người dân Thới Sơn còn giới thiệu với du khách về văn hóa ẩm thực với các món ăn: cá nướng, lẩu cá kèo, cá lóc hấp bầu, cá tai tượng chiên xù...
 
 
Nhắc đến ngôi nhà cổ, chúng tôi nhớ ngay đến Nhà cổ Huỳnh Thủy Lệ ở thị xã Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp. Ngôi nhà cổ này được dựng bằng gỗ vào năm 1895 và đến năm 1917 được sửa chữa lại. Trước đây ngôi nhà vốn là nơi ở của gia đình ông Huỳnh Thủy Lệ, người tình đầu tiên của văn sĩ người Pháp Maguerite Duras. Mối tình này về sau được bà Maguerite Duras viết thành tiểu thuyết nổi tiếng Người tình vào năm 1984 và sau đó được một đạo diễn người Pháp chuyển thể thành phim L’ Amant năm 1992. Bộ phim này được dịch ra nhiều thứ tiếng. Qua đó ngôi nhà cổ đã thu hút rất nhiều du khách quốc tế, đặc biệt là du khách Pháp. Ngôi nhà đã được công nhận là Di tích nghệ thuật kiến trúc quốc gia.
 
Miền Tây Nam Bộ còn có nhiều lễ hội truyền thống thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa dân tộc. Trong chuyến đi này, chúng tôi được đến Khu di tích lịch sử văn hóa Bà Chúa Xứ nằm dưới núi Sam, thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang. Lễ hội Bà Chúa Xứ được tổ chức vào khoảng tháng tư âm lịch hằng năm, mỗi năm thu hút hai triệu lượt khách. Với số tiền “công đức” hàng chục tỷ đồng mỗi năm, địa phương đã xử dụng đúng mục đích: trùng tu tôn tạo khu di tích, xây dựng, sửa sang các công trình phúc lợi, xây nhà tình thương cho người nghèo ở Châu Đốc... Khu di tích thường xuyên được trùng tu tôn tạo nên rất khang trang với cảnh quan hoành tráng, lễ hội không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn thu hút đông khách quốc tế.
 
Nếu biết khai thác tốt mọi tiềm năng từ cảnh quan thiên nhiên đến các hoạt động văn hóa đặc trưng, nhất định du lịch miền Tây Nam Bộ sẽ phát triển nhanh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của cả vùng và cả nước.

P.V

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/du-lich-mien-tay-nam-bo-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-a17824.html