Dấu ấn trăm năm đình Mỹ Đức, Châu Phú (An Giang)

Nằm cặp tuyến Quốc lộ 91, đình Mỹ Đức (xã Mý Đức, Châu Phú, An Giang) đã có hơn 200 năm lịch sử thăng trầm cùng thế sự. Đây là di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu của địa phương, được người dân thường xuyên tới lui chiêm bái.

Dọc theo tuyến Quốc lộ 91 đoạn qua xã Mỹ Đức không khó để bắt gặp hình ảnh đình Mỹ Đức với dáng vẻ cổ kính đặc trưng, nằm lẩn khuất dưới những tán cây cổ thụ. Tính từ thời điểm xây dựng đầu tiên bằng tre nứa vào năm 1819 đến nay, đình Mỹ Đức có hơn 200 năm tuổi. Do đó, đình trở thành công trình kiến trúc thuần Việt đặc trưng của địa phương, là nơi ẩn chứa niềm tin tưởng to lớn của người dân từ thuở dựng làng lập ấp đến ngày nay.
 
Theo Ban Quý tế đình thần Mỹ Đức, ngôi đình hiện tại có hình chữ tam, với diện tích xây dựng hơn 897m2, gồm các hạng mục: võ ca, thông hành, võ quy, chánh tẩm, nhà hội, nhà trù… Về ngoại thất, đình có mái tam cấp, nóc cổ lầu, mỗi tầng ngói có trang trí họa tiết hình lưỡng long tranh châu, cá hóa long, kỳ lân… tạo nên sự hài hòa chặt chẽ với kiến trúc chung của đình. Ngay cổng tam quan có đôi liễn đối với nội dung: “Mỹ địa khai cơ an xã tắc/Đức trạch hưng công hưởng thái bình” với ý nghĩa Thành Hoàng sẽ phù hộ cho đất và người Mỹ Đức đời đời ấm no, sung túc.
 
 
Đình Mỹ Đức là di tích lịch sử văn hóa tồn tại hơn 200 năm

Bên trong đình với khu chánh tẩm được bày trí các trang thờ trang trọng là nơi ngự của Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh và các vị thần cận vệ. Khu chánh tẩm được trang trí lộng lẫy với hoành phi, bao lam, liễn đối, ngai thờ và 4 cây cột đại trụ có hoa văn tinh xảo, mang giá trị mỹ thuật cao. Không gian khu chánh tẩm của đình luôn được Ban Quý tế và người dân giữ gìn trang trọng, bởi ý nghĩa tín ngưỡng, tâm linh đặc biệt. Hiện nay, đình còn trưng bày bản chụp sắc ấn “sắc mạng chi bảo” của vua Tự Đức vào năm 1852 như một báu vật khẳng định giá trị văn hóa lịch sử đặc trưng của đình Mỹ Đức.
 
Đến nay, Ban Quý tế đình Mỹ Đức vẫn duy trì các lễ cúng mang tính tập quán có từ thời đình mới hình thành, như: lễ cúng tế âm nhơn vào ngày 15 tháng Giêng, lễ cúng Kỳ yên (ngày 9 và 10-5 âm lịch) và cúng Lạp miếu vào ngày 15 tháng Chạp hàng năm. Khi ấy, chính quyền địa phương, Ban Quý tế đình và người dân lại có dịp trẩy hội cùng nhau và thành tâm cầu nguyện Thành Hoàng phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cho quê hương Mỹ Đức ngày càng phát triển.
 
Không chỉ là di tích văn hóa đặc trưng của địa phương, đình Mỹ Đức còn là địa điểm gắn liền với những sự kiện cách mạng của quân và dân huyện Châu Phú trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Theo đó, nơi đây là địa điểm tập trung của hàng ngàn quần chúng yêu nước kéo về Châu Đốc giành chính quyền thực dân - phong kiến trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
 
Ngày 6-1-1946, đây là nơi tổ chức điểm bầu cử Quốc hội đầu tiên tại địa phương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cán bộ cách mạng đã về trú ẩn tại đình Mỹ Đức để nghiên cứu chi khu của địch cách đó khoảng 300m, chuẩn bị cho đợt tiến công Mậu Thân năm 1968. Trong những năm chiến tranh biên giới Tây Nam, đình Mỹ Đức là địa điểm của đội quân y tiền phương thuộc Quân khu 9 hoạt động cứu thương cho bộ đội từ chiến trường đưa về.
 
 
Khu chánh tẩm đình Mỹ Đức được bày trí khá trang trọng

Với những thành tích trong 2 cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước, xã Mỹ Đức được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Để ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, UBND huyện Châu Phú đã xây dựng nhà bia ghi danh liệt sĩ nằm cạnh đình Mỹ Đức, nhằm giáo dục cho thế hệ hôm nay về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Vào các ngày cúng lệ của đình Mỹ Đức, cán bộ và người dân địa phương không quên thắp nén nhang tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước.
 
Vì là địa điểm gắn liền với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc tại địa phương, đình Mỹ Đức được UBND tỉnh An Giang công nhận là di tích lịch sử cách mạng và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2004.
 
Ngày nay, đình Mỹ Đức dù đã bị thời gian làm thay đổi nhưng vẫn giữ được những nét đẹp đặc trưng của kiến trúc nghệ thuật từ lần trùng tu thứ tư vào năm 1935. Nơi đây là trung tâm của hoạt động tín ngưỡng mang tính cộng đồng làng xã và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân địa phương. Do đó, cần có biện pháp giữ gìn, tôn tạo để ngôi đình với lịch sử hơn 200 năm tuổi này tiếp tục tồn tại để lưu giữ truyền thống văn hóa, anh hùng của đất và người Mỹ Đức trên quá trình phát triển.
 
Theo Tin tức miền Tây

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dau-an-tram-nam-dinh-my-duc-chau-phu-an-giang-a17748.html