Khởi đăng phóng sự “Báu vật của làng” (Bài 1)

Vào giữa tháng 3 kính mời bác về quê em thưởng ngoạn “Báu vật của làng”. Đó là lời mời qua điện thoại từ tuần trước của vị đồng môn thạc sĩ sử học Phí Văn Liệu, Huyện ủy viên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyên Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhắc tới cái tên “Vĩnh Tường” làm gợi nhớ tới “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương từng có bài thơ nổi tiếng từ đầu thế kỷ 19 “Khóc ông Phủ Vĩnh Tường” khi bà làm dâu “Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc” khiến chúng tôi rất háo hức đặt chân đến vùng quê trù phú này.

Chỉ mất một tiếng đi ô tô từ Hà Nội, đúng hẹn, 8 giờ sáng ngày 13/3/2021 dương lịch, tức ngày nghỉ cuối tuần thứ 7, nhằm ngày 1/2 Tân Sửu, chúng tôi đã có mặt tại trụ sở UBND huyện Vĩnh Tường, vùng đất là đỉnh tam giác đồng bằng châu thổ sông Hồng.

 
 
Thạc sĩ Sử học Phí Văn Liệu (ngoài cùng bên phải), Huyện ủy viên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyên Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc trao đổi với PV Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam. Ảnh: Tiến Dũng

Bài 1: “Biểu tượng sống” của làng Việt

Với tác phong nhanh nhẹn, hiếu khách, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Tường Phí Văn Liệu đã bộc bạch ngay: Không giấu giếm gì bác, “Báu vật của làng” quê em là những cây gạo cổ thụ. Nó là một “biểu tượng sống” của làng Việt mà bấy lâu nay vẫn gần gũi, gắn bó với người dân chốn quê nhưng lại ít được nhắc đến.

Cây gạo có tên khoa học là Bombax ceiba thuộc họ Bombacaceae, còn có tên khác là mộc miên hoặc hồng miên và người Tây Nguyên gọi là cây Pơ - lang nhưng người dân chốn quê Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chẳng mấy khi gọi như vậy mà thường gọi bằng cái tên vừa gần gũi, thân thương, vừa mộc mạc, chân chất đậm vị quê - Cây gạo. Đây là một loại cây cổ thụ lớn, tán lá rộng, hùng vĩ, có chiều cao từ 10 - 25m. Có phần thân xù xì, có màu nâu hoặc đen, có nhiều gai.

Với những người yêu nhau ý nghĩa hoa gạo là sự chung thủy, nhưng với những người con xa quê hình ảnh hoa gạo là nỗi nhớ, là hoài niệm...

Ý nghĩa hoa gạo là sự chung thủy vì nó gắn liền với một câu chuyện cảm động cũng như đặc tính thường đứng sừng sững một mình đón nắng gió và khoe sắc.
 
 
Cây gạo cổ thụ bên vệ đường xuyên hồ Dưng, xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc bắt đầu bung nở hoa. Ảnh: Tiến Dũng

Người xưa kể rằng ở một thôn nọ có đôi yêu nhau, người con gái là một cô sơn nữ xinh đẹp và chàng trai là thanh niên nghèo nhưng giỏi giang, khỏe mạnh. Ngày hôn lễ diễn ra thì thôn họ gặp một trận mưa lớn thành lũ cuốn trôi tất cả mọi thứ.

Để cứu người dân buôn làng khỏi những trận mưa quá lớn, chàng trai đã lên trời hỏi Ngọc Hoàng và chàng bị giữ lại làm thần mưa, cùng làm việc với thần sấm.
 
Sau bao ngày không thấy chàng trai quay về cô sơn nữ muốn tìm tung tích người mình yêu nhưng với thân hình nhỏ bé, sức lực có hạn cô không thể làm gì được. Để có thể nhìn người mình yêu đang ở trên trời xa xôi, cô sơn nữ đã xin Ngọc Hoàng biến cây nêu thành một loại cây cao to, có nhiều cành lá để mình có thể trèo lên, bám vào đó ngóng trông người yêu từ ngày này sang ngày khác. Lâu dần cây ấy được người dân đặt tên là cây gạo và màu đỏ của hoa chính là màu của áo cưới, cũng là màu đỏ của sợi dây chàng trai buộc vào tay cô thay lời hứa hẹn về tình yêu của hai người. Thế nên cho đến tận bây giờ ý nghĩa hoa gạo chính là sự chung thủy, kiên trì mãi không đổi thay.

Hôm nay gần giữa tháng 3, trời sáng sớm có sương mù nhẹ, se lạnh, trưa chiều hửng nắng, hoa gạo bắt đầu bung nở kéo dài cho hết tháng này sang đến đầu tháng tư. Do nhiều yếu tố tác động, đến nay, hầu hết các làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ - Bắc Trung Bộ nói chung và ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) nói riêng, những gốc gạo cổ thụ, sần sùi ngày một ít dần, nên đã để lại một khoảng trống lớn đối với những ai say sưa yêu mến văn hóa làng xã, nhất là những người dân chốn quê thanh bình.

Như chìm đắm vào đam mê, nhà sử học Phí Văn Liệu trải lòng, trải qua không biết bao nhiêu biến cố, thăng trầm của lịch sử, những cây gạo đầu làng vẫn gần gũi, quen thuộc và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của mỗi người dân chốn quê. Còn nhớ ngày xưa đi chăn trâu, cắt cỏ, cánh con trai trong làng thường chuẩn bị cả túi sỏi và nỏ cao su để bắn hoa gạo. Trò bắn hoa gạo thời ấu thơ thật thú vị và khó có thể diễn tả thành lời. Cánh con trai trong làng đứa nào cũng sử dụng nỏ cao su rất thành thạo. Bắn phát nào cũng có vài ba cái hoa gạo rơi và mỗi khi những bông gạo bị trúng sỏi rơi xuống, cánh con gái lại tranh nhau nhặt. Chẳng mấy chốc hoa gạo đã đầy nón và tất cả lại súm sít cùng ăn cho thỏa. Rồi bao lớp thanh niên trai tráng của làng lên đường tòng quân trong những năm dài kháng chiến cứu nước đều in dấu dép khi ngước nhìn không chỉ nhớ lũy tre xanh, mái đình, cây đa mà cả cây gạo đầu làng, từng làm nên chiến thắng Điện Biên “chấn động địa cầu”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, chủ quyền lãnh hải, để có được cơ đồ ngày hôm nay, góp phần tổ thắm, làm rạng danh truyền thống vẻ vang của quê hương, đất Việt hình chữ S bên bờ Biển Đông.

Theo thạc sĩ sử học Phí Văn Liệu: Qua khảo sát thực tế, đặc biệt qua lời kể của các cụ cao niên trong làng, chúng tôi thấy, số lượng cây gạo cổ thụ ở Vĩnh Tường hiện nay có giảm so với trước kia. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do cây gạo bị chết hoặc làm đường nên phải chặt bỏ. Đặc biệt, trận mưa đá lớn vào tháng 11 năm 2006 đã tàn phá nhiều cây gạo ở Vĩnh Tường. Sau trận mưa đó, nhiều cây gạo bị chết. Số còn sống thì vài ba năm sau mới phục hồi và đơm hoa, kết trái trở lại. Bên cạnh đó, hiện tượng ngập úng, sâu bệnh, nhất là sâu đục thân không được phát hiện kịp thời cũng là nguyên nhân làm cho nhiều cây gạo cổ thụ như: Cây gạo lịch sử xã Thượng Trưng; cây gạo ở thôn Hạc Đình, xã Yên Lập,... trước đây xanh tốt là vậy nhưng bây giờ chỉ còn lại những cành khô trơ trụi với tấm thân bạc phếch. Giống như một “thành viên” của làng xã, những cây gạo cổ thụ kia dường như có “linh hồn” và nó hòa nhập vào cuộc sống tâm linh của mỗi người dân chốn quê. Bởi vậy, khi một số cây gạo bị khô và chết, các cụ cao niên trong làng thường làm lễ hóa cho cây và không quên công việc trồng cây gạo mới ngay trên nền đất cũ. Nhìn cây gạo mới được các cụ trong làng trồng thế vào vị trí cũ tuy đang căng tràn nhựa sống nhưng biết đến bao giờ tán của nó mới che phủ cái khoảng trống mà cây gạo cũ đã che phủ, trở thành cây cổ thụ thì cần bao nhiêu sức lực và thời gian.
 


 
Hoa gạo đầu tháng 

Để minh chứng cho những nhận xét dưới góc độ chuyên môn là nhà sử học, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyên Vĩnh Tường Phí Văn Liệu và cán bộ là Phan Thanh Tĩnh đã hướng dẫn chúng tôi trực tiếp mục kích sở thị cây gạo cổ thụ nở hoa rực rỡ ở ven đường xuyên qua đầm Dưng thuộc xã Ngũ Kiên, một trong những con đường có nhiều cây xanh thuộc diện đẹp nhất huyện Vĩnh Tường.

Cây gạo cổ thụ này phải hàng trăm tuổi. Kế đến là hai cây gạo ở xứ đồng Cửa Và, thôn Phủ Yên 1, xã Yên Lập; cây gạo ở đầu thôn Đơi, xã Thượng Trưng; cây gạo xứ đồng Ven Đê, giáp ranh giữa hai xã Lý Nhân và Phú Thịnh,... Hằng năm, cứ từ tháng 3 trở đi, những cây gạo này lại bung nở những bông hoa đỏ rực một khoảng trời quê như mâm xôi gấc khổng lồ nổi lên trên nền xanh biêng biếc của cánh đồng lúa xuân đang thì con gái, của ao bèo tấm ven làng thì vẻ đẹp duyên dáng của nó dường như lung linh hơn và có sức hấp dẫn lạ kỳ đối với nhiều loài chim từ đâu bay về hót ríu rít ngân vang cả vùng quê.


Chính vì thế, cây hoa gạo đã đi vào thi ca, nhạc họa, trong đó cố nhạc sĩ Huy Du có bài hát nổi tiếng “Hoa Mộc miên” (hoa gạo) vào những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, có thể nói không người Việt Nam yêu thích âm nhạc nào lại không biết bài hát “Hoa mộc miên” với những lời mở đầu: “Mộc Miên hoa ơi! Mỗi khi qua cầu biên giới (Việt - Trung), thấy hoa Mộc Miên nở, lòng những bồi hồi…”, với giai điệu nhẹ nhàng, rất trữ tình bay bổng. Hoặc bài hát “Chị tôi” - nhạc phim nhiều tập “Người Hà Nội”, phần nhạc do nhạc sĩ Trọng Đài phối từ thơ của thi sĩ Đoàn Thị Tảo nhắc đến hoa gạo với cảm xúc ùa về: “Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo/ Ô hay, trời không nín gió cho ngày chị sinh...”

Không những vậy, theo kinh nghiệm dân gian, hoa gạo còn là cây dự báo “thời vụ”, “thời tiết” khá chính xác cho dân làng. Người làm nghề nông không ai là không nhớ câu ca dao: "Khi nào đom đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng". Và người dân chốn quê, cũng không ai lại không nhớ câu ca của các cụ truyền lại: “Bao giờ cho đến tháng Ba/ Hoa gạo rụng xuống, bà già cất chăn”.

Vì thế, cứ nhìn thấy cây gạo đầu làng bung nở những bông hoa đỏ rực, người dân chốn quê, ai nấy đều tất bật với công việc giặt giũ, phơi cất chăn bông, áo ấm để chuẩn bị cho mùa Đông năm sau.

Cũng đã lâu lắm, lần này chúng tôi mới có dịp được quan sát trực tiếp “Báu vật của làng” là những cây gạo nở hoa, thư thái cảm nhận được vẻ đẹp an lành của làng quê, cảm nhận cái chiều sâu của bản sắc văn hóa làng xã cổ truyền của văn minh sông Hồng lan tỏa đi muôn nơi mà những cây gạo kia là một chứng nhân lịch sử.

(Còn nữa)
 
Vũ Xuân Bân - Nguyễn Tiến Dũng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/khoi-dang-phong-su-bau-vat-cua-lang-bai-1-a17726.html