Tri thức bản địa của người Thái ở Thanh Hóa

Người Thái ở Việt Nam có số dân 1.550.423 người, chiếm 1,8 % dân số cả nước, đông thứ hai sau người Mường, gồm ba nhóm chính: Thái trắng (Táy Đón hay Táy Khao), Thái đen (Táy Đăm) và Thái đỏ.

Nhóm Thái trắng cư trú chủ yếu ở tỉnh Lai Châu, Điện Biên và một số huyện thuộc tỉnh Sơn La (Quỳnh Nhai, Bắc Yên, Phù Yên); nhóm Thái đen cư trú ở khu vực tỉnh Sơn La và Điện Biên; nhóm Thái đỏ, gồm nhiều nhóm khác nhau cư trú chủ yếu ở một số huyện như Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình) và các huyện miền núi như Bá Thước (Thanh Hóa) và Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương (Nghệ An). Một bộ phận thuộc nhóm Thái trắng di cư xuống Đà Bắc (TK XIV) và Thanh Hóa (TK XV). Một bộ phận thuộc nhóm Thái đen như Tày thanh, Tày mười, Tày khăng từ mạn Tây Bắc di cư xuống miền Tây Thanh Hóa (Tân Thanh, Thường Xuân), Nghệ An.
 

Thanh Hóa là một trong những điểm dừng chân trên hành trình đi tìm nơi đất ở của người Thái. Trong hệ thống phân cấp hành chính của Việt Nam, Thanh Hóa là một tỉnh lớn - đứng hàng thứ 6 về diện tích và đứng thứ 3 về dân số. Xứ Thanh, một cách gọi dân gian chỉ tỉnh Thanh Hóa là một thực thể địa lý tự nhiên và văn hóa mang tính đặc thù. Tính đặc thù trước hết thể hiện ở vị trí trung gian giữa Bắc Bộ và bắc Trung Bộ, và tính chất trung gian để lại dấu ấn nhiều mặt trong đời sống vật chất và tinh thần của con người xứ Thanh. Tính đặc thù của xứ Thanh còn thể hiện ở tính đa dạng và phong phú của điều kiện địa lí tự nhiên. Có thể nói, xứ Thanh hội đủ những đặc trưng địa lý tiêu biểu của Việt Nam, với đủ cả rừng, biển, đồng bằng, biên giới, hải đảo, sông lớn, núi cao... Vùng núi và trung du của tỉnh Thanh Hóa có diện tích đất tự nhiên 839.037 ha, chiếm 75,44% diện tích toàn tỉnh, thuộc địa phận các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh. Nơi đây có núi non hiểm trở, có rừng mưa nhiệt đới với hệ sinh thái phổ tạp, tạo điều kiện cho cuộc sống định cư với sự xuất hiện sớm của nghề nông, đặc biệt là ở các thung lũng đầu nguồn hoặc phụ lưu của các sông lớn (thuộc hai hệ thống sông lớn là sông Mã và sông Chu). Đây là địa bàn tiếp giáp với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An và có chung đường biên giới quốc gia với Lào nên rất thuận lợi cho quá trình giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội… Miền núi Thanh Hóa còn là khu vực giữ vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, giữ gìn môi trường sinh thái, bảo đảm sự ổn định, phát triển không chỉ riêng cho vùng mà còn cho cả tỉnh; là vùng giàu tiềm năng, có nhiều thế mạnh: đất đai phát triển nông nghiệp, nghề rừng, khoáng sản, thủy điện, thương mại cửa khẩu, du lịch…
 
Người Thái ở Thanh Hóa và có nguồn gốc lịch sử gắn bó lâu đời với quê hương xứ Thanh. Lịch sử người Thái ở Thanh Hóa có quan hệ gần gũi và chặt chẽ với người Thái ở Tây Bắc và có nguồn gốc từ dòng họ Lò Khăm (tiếng Thái đen). Ở Thanh Hóa không có khái niệm Thái trắng, Thái đen mà chỉ phân biệt 2 nhóm chính là: nhóm Tày dọ (Táy dọ) sinh sống dọc sông Chu tập trung ở hai huyện Thường Xuân, Như Xuân và một số bản giáp huyện Triệu Sơn; nhóm Tày mươi (Táy đăm) chiếm đa số và sống tập trung ở lưu vực sông Mã thuộc địa phận các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh. Đặc điểm của hai nhóm về cơ bản giống nhau, chỉ khác nhau ở trang phục phụ nữ. Phụ nữ nhóm Tày dọ có cạp váy ngắn, phần váy thêu hình con rồng. Còn về tiếng nói chỉ khác chút ít về phát âm, cùng chung ngữ hệ Tày - Thái. Nhóm Tày dọ sông Chu gắn với bộ phận người Thái ở Tương Dương (Nghệ An) và có nhiều điểm giống người Thái trắng (Sơn La - Lai Châu). Nhóm Tày mươi sông Mã gắn với bộ phận người Thái Mai Châu (Hòa Bình), người Lào (Sầm Nưa) và Tày Thanh (Nghệ An).
 
Căn cứ vào những di chỉ khảo cổ khai quật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có ý kiến cho rằng, người Thái đã có mặt trên lưu vực sông Chu và sông Mã ngay từ những ngày đầu dựng nước (thiên niên kỷ I trước CN). Trong thời kỳ Bắc thuộc, bị đàn áp người Thái chảy ngược theo các triền sông lên phía thượng nguồn lập làng bản mới. Đến thời kỳ Ngô - Đinh - Tiền Lê, người Thái ở miền tây Thanh Hóa tiếp tục khai phá các thung lũng trên cao để lập bản, làm ruộng đồng thời tiến sâu xuống các thung lũng sông màu mỡ thuộc lưu vực sông Mã, sông Chu tạo nên một vùng cư trú rộng lớn ở miền núi phía tây Thanh Hóa. Trong tiến trình lịch sử, người Thái bản địa ở Thanh Hóa tiếp nhận những đợt di cư của người Thái Tây Bắc. Hai hệ thống sông lớn là sông Mã và sông Chu từ đất Lào chảy vào Việt Nam đã tạo ra những thung lũng với những cánh đồng màu mỡ thuận lợi cho việc trồng lúa nước, là con đường chuyển cư chính của người Thái từ Việt Nam sang Lào và ngược lại, đồng thời là cầu nối cho quá trình giao lưu văn hóa, trao đổi kinh tế của các tộc người cư trú ở vùng lưu vực trong lịch sử cũng như hiện tại. Như vậy, sự giao lưu, hòa trộn cả về mặt huyết thống và văn hóa của người Thái Thanh Hóa bản địa với các tộc người anh em khác thuộc cộng đồng tộc người ở Tây Bắc, Nghệ An và Thượng Lào kết hợp với những yếu tố tự nhiên và xã hội đặc thù của xứ Thanh đã tạo nên bản sắc riêng của cộng đồng người Thái Thanh Hóa.
 
 
Cũng giống như những người đồng tộc của mình ở Tây Bắc, người Thái ở miền núi Thanh Hóa là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng thung lũng, nên nền kinh tế truyền thống của người Thái là nông nghiệp trồng trọt với hai phương thức canh tác là làm ruộng nước và làm nương rẫy. Ngoài ra còn có chăn nuôi, săn bắn, hái lượm, làm các nghề thủ công và phần nào có trao đổi trong nội bộ tộc người, nhưng cơ bản vẫn mang tính tự cung tự cấp. Trong sản xuất nông nghiệp, tuy người Thái đã biết sử dụng cày nhưng phương thức canh tác cơ bản vẫn là dùng trâu quần ruộng. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi làm thay đổi dòng chảy như mương, phai, lốc, cọn được xây dựng và sử dụng từ lâu đời, đạt trình độ cao và trở thành một trong dấu ấn văn hóa điển hình của khu vực Đông Nam Á.
 
Người Thái ở miền núi Thanh Hóa có một đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng. Trải qua nhiều thế hệ, họ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong lao động sản xuất, khai thác, bảo vệ, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; hình thành thế giới quan về tự nhiên, về bản thân con người cũng như chăm sóc sức khỏe cộng đồng; tri thức về tổ chức và quản lý xã hội… Những kinh nghiệm của tộc người được tích lũy, chọn lọc và lưu truyền qua nhiều thế hệ và dần dần trở thành thói quen truyền thống, thành tục lệ, tập quán... Đây chính là những tri thức bản địa rất có giá trị chẳng những trong xã hội truyền thống mà còn hữu ích trong đời sống hiện tại. Mặc dù cũng có những lúc bị lãng quên, nhưng tri thức bản địa cũng được đề cao và ngày càng được kết hợp với tri thức khoa học trong quá trình phát triển bền vững. Hệ thống tri thức bản địa của cộng đồng người Thái Thanh Hóa phản ánh tính thích ứng với những điều kiện kinh tế xã hội và sinh thái đặc thù với môi trường khu vực.
 
Trong kho tàng tri thức của người Thái ở miền núi Thanh Hóa, mảng tri thức dân gian liên quan đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đóng vai trò quan trọng. Mảng tri thức này được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, qua kinh nghiệm ứng xử của con người với môi trường và xã hội ở địa phương; được lưu truyền từ đời này qua đời khác qua trí nhớ, qua thực tiễn sản xuất và thực hành xã hội, được lưu giữ trong kho tàng ca dao tục ngữ...
 
Nghề trồng lúa nước của người Thái trên những cánh đồng dọc theo thung lũng đã phát triển ở trình độ kỹ thuật cao và họ đã tích lũy được cả một kho tàng kinh nghiệm về cách quản lý và khai thác đất đai, các biện pháp canh tác như làm giống, bón phân, tưới nước, làm thủy lợi, đoán định thời tiết và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên...
 
Người Thái ở Thanh Hóa có những kinh nghiệm và tri thức riêng trong việc phân loại, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất. Ruộng trồng lúa (người Thái gọi là nà) là khoảng đất bằng, xung quanh có bờ ngăn giữ nước phân biệt với ao hồ, bởi trong tục ngữ có câu “làm ao để thả cá, làm ruộng để trồng lúa” (dệt noong vậy poói pa, dệt na vậy xấu khẩu) hay “có nước mới có cá, có ruộng mới có lúa” (Mí nặm chẳng mí pa, mí ná chẳng mí khảu). Họ phân loại đất ruộng thành các hạng khác nhau, như phân loại ruộng theo địa hình (cao, thấp...) để tác động cho thích hợp (cải tạo mặt bằng, tạo bờ thửa...); phân loại ruộng theo nguồn nước như ruộng nước mưa (nà nặm phẹ - không chủ động về nguồn nước, do đó năng suất thấp, không ổn định) và ruộng nước ngâm (nà nặm che - thường tập trung trong các vùng thung lũng, có thể chủ động được nguồn nước tưới, có thể chủ động được cả thời vụ và các khâu kĩ thuật, năng suất cao hơn); phân loại ruộng theo hạng tốt, xấu và trung bình trên cơ sở đó để cấy giống lúa cho thích hợp.
 
Trong kỹ thuật canh tác ruộng, người Thái ở miền núi Thanh Hóa coi trọng khâu nước tưới, nhưng biện pháp bón phân mới dừng ở mức độ sơ khai, như bắc những máng gỗ lớn từ bản ra ruộng để chờ trời mưa cho nước cuốn phân, mùn chảy ra ruộng lúa. Khi gặt lúa, họ chỉ ngắt lấy bông, còn thân rạ để lại trên cánh đồng tăng thêm chất màu cho đất. Nhưng điểm độc đáo nhất trong kỹ thuật canh tác ruộng của người Thái ở miền núi Thanh Hóa là người dân ít khi sử dụng cày để làm đất mà sử dụng trâu để quần ruộng, khi vào vụ bừa kỹ lại rồi cấy. Biện pháp làm đất bằng trâu quần không hề lạc hậu như chúng ta thường quan niệm mà là biện pháp rất phù hợp với môi trường sinh thái của khu vực, nơi thung lũng dưới chân núi và ven sông suối ở vùng cao. Ở đồng bào Thái Thanh Hóa, biện pháp cày ải đã được áp dụng từ lâu và được thể hiện trong tục ngữ “làm nương thì ủ cây, làm ruộng thì cày ải” (dệt hay bốm cha, dệt nà bốm phản). Thời gian cày ải từ 10 đến 20 ngày, sau đó mới đắp bờ giữ nước để bừa. Người Thái cũng coi thời vụ là yếu tố có tính quyết định thành bại của mùa lúa (đầu vụ cấy trên đám cỏ cũng được ăn, muộn vụ cấy trên vũng trâu đầm cũng chẳng được ăn - Hua pi đăm xấu pá nhả cọ đảy kín, lả pi đăm xấu búa quái cọ bấu đẩy kin). Và yếu tố thục cũng được xem trọng, và ruộng đất cũng phải được chuẩn bị kỹ càng trước khi cấy lúa (Ruộng chờ mạ mới tốt, mạ chờ ruộng không tốt - Ná thả cạ chẳng đi, cạ thả ná báu đi). Yếu tố giống cũng rất được coi trọng (Làm nhà lo gianh, làm ruộng lo mạ - Dệt hướn chau ca, dệt ná chau cạ).
 
Nước là yếu tố hàng đầu trong canh tác ruộng nước. Người Thái có câu “có nước mới nên ruộng, có ruộng mới nên lúa” (mí nặm chắng pên na, mí na chắng pên khẩu), hoặc “có nước mới có mường, có Mường mới có tạo” (mí nặm chắng mí nương, mí Mường chắng mí tạo). Trong quá trình sản xuất, người Thái đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, tri thức trong việc khai thác, bảo vệ và sử dụng nguồn nước để phục vụ cho cuộc sống của mình.
 
Phai là con đập chắn ngang các dòng suối hoặc sông nhỏ được xây dựng từ nguồn nguyên liệu sẵn có như đất, đá, gỗ, tre... để dâng nước và đưa nước chảy vào ruộng. Tầm quan trọng của phai trong canh tác nông nghiệp được người Thái ở miền núi Thanh Hóa so sánh với vai trò của người cha trong gia đình: “Po tai phai pắng” (Cha chết không bằng vỡ phai). Nước dâng lên nhờ phai hay từ khe nước theo mương (mương chìm hay mương nổi...) để dẫn nước vào ruộng. Ở địa hình phức tạp, đồng bào dùng máng dẫn nước bằng thân tre, thân vầu hay ván ghép để thay thế. Để dẫn nước lên ruộng ở trên cao, đồng bào làm ra cọn nước. Hệ thống phai, mương, cọn nước phù hợp với các loại địa hình khác nhau và thay thế cho nhau. Nhờ có hệ thống này, đồng bào Thái có thể dẫn được nước vào ruộng mà không tác động nhiều vào dòng chảy tự nhiên, và không gây nên những sự cố về môi trường sinh thái. Trong thời đại ngày nay, mặc dù đã có sự can thiệp của máy móc (máy bơm nước...), nhưng hệ thống thủy lợi cổ truyền vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong canh tác nông nghiệp ruộng nước của người Thái ở miền núi Thanh Hóa, bởi nó tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên, giá thành xây dựng lại rẻ, không cần kỹ thuật vận hành phức tạp, lại còn rất cơ động có thể hoạt động ở nhiều dạng địa hình khác nhau và phân tán…
 
Bên cạnh việc định canh định cư nhờ ruộng thì người Thái còn tăng thu nhập từ nương rẫy. Nương rẫy cùng với ruộng nước giải quyết nhu cầu về lương thực, ngoài ra nương rẫy còn là nơi cung cấp thức ăn có chất bột như các loại cây có củ (khoai sọ, khoai lang...), những cây có dầu (vừng, lạc, đậu...), trồng rau và đặc biệt là trồng các loài cây có sợi (bông, chàm, đay...) để giải quyết nhu cầu mặc. Như vậy nương rẫy đã cho phép người ta mở rộng việc trồng trọt với việc xen canh nhiều loại cây trồng rất tốt. Cũng có một bộ phận người Thái Thanh Hóa sống chủ yếu nhờ vào nương rẫy, nhưng đã mất hoàn toàn ưu thế định canh, định cư của người làm ruộng nước. Thực tế cho thấy, người Thái ở miền núi Thanh Hóa đã coi việc bỏ ruộng để làm nương là sự miễn cưỡng và coi việc có ruộng để định canh, định cư và có nương để làm nguồn thu nhập thêm là lý tưởng nhất (Nương bao la - không bằng ruộng nhà một thửa - Háy tếm ta báu pán nà hới nững). Nhờ có quan niệm như vậy mà đại bộ phận người Thái Thanh Hóa sống định canh, định cư bằng cách làm ruộng nước và thực hiện luân canh trên nương nhằm tăng thêm sản phẩm nông nghiệp.
 
Họ làm nương theo trình tự luân canh bỏ hóa và xen canh gối vụ. Một mảnh nương chỉ làm tối đa là 3 vụ, sau đó được bỏ hóa khoảng 8 - 10 năm nhằm cho rừng mọc trở lại. Trong quá trình canh tác nương rẫy, đồng bào Thái làm bờ cản bằng thân rễ cây chắn ngang độ dốc của nương để cản dòng chảy của nước, hạn chế rửa trôi lớp đất màu và chống xói mòn. Khi thu hoạch xong, bờ cản này sẽ mục ra tan vào mặt nương nhằm làm tăng độ mùn cho đất. Bên cạnh đó, đồng bào còn đào rãnh chống xói mòn ở trên đỉnh và dọc hai bên sườn của nương hay trồng cây, rào rương, xếp bờ đá nhằm tránh nước chảy tràn gây xói mòn và rửa trôi… Sử dụng công cụ lao động khôn khéo cũng là một biện pháp canh tác nhằm bảo vệ đất. Người Thái dùng cày, bừa cho nương bằng còn đối với nương dốc thì dùng gậy chọc lỗ tra hạt khi trồng nhằm tránh xới tung lớp đất mặt và đất dễ bị bào mòn.
 
Người Thái cũng có tập quán săn bắt thú trên rừng hay đánh bắt cá nơi sông suối để bổ sung chất đạm cho khẩu phần ăn của mình. Tuy nhiên, do rừng ngày càng bị thu hẹp, nguồn cung cấp trong tự nhiên ngày một khan hiếm, nên người Thái cũng biết phải đẩy mạnh việc phát triển chăn nuôi. Người Thái biết chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm. Họ nuôi nhiều trâu để lấy sức kéo, lấy thịt, để tế lễ, để trao đổi, đồng thời nuôi nhiều trâu cũng là để thể hiện đẳng cấp giàu hay nghèo. Đồng bào cũng biết đào ao nuôi cá hay nuôi cá bè. Đặc biệt, người Thái còn có tập quán thả cá trong ruộng lúa, vừa được cá, vừa tốt lúa.
 
Người Thái ở Thanh Hóa sinh sống tập trung nơi đầu nguồn nước, ven suối, chân đồi. Họ hiểu rất rõ vai trò của nguồn nước, của rừng đầu nguồn đối với cuộc sống và mùa màng. Mặc dù trong tri thức của họ không có khái niệm bảo vệ môi trường, nhưng trong thực tế sản xuất và đời sống hàng ngày, ý thức bảo vệ môi trường được thể hiện rất rõ. Do nhận thức được như vậy, người Thái đã có những quy định khá cụ thể trong việc bảo vệ tài nguyên nước, về trách nhiệm và các hình thức xử phạt đối với những người vi phạm nguồn nước, quy định về đánh cá ở vũng cấm, bảo tồn các sinh vật sống dưới nước hoặc xử phạt tội ăn cắp nước ở ruộng, tháo máng nước… Trong quan niệm của người Thái, rừng từ bao đời góp phần nuôi sống con người và đến khi mỗi người qua đời, rừng lại đón về, ấp ủ như người mẹ (Sống rừng nuôi, chết rừng chôn - Tai pá phăng, nhăng pá liệng). Còn rừng đầu nguồn được coi là những khu rừng cúng tế, rừng kiêng, rừng linh thiêng mà mỗi người đều có trách nhiệm phải bảo vệ, không được xâm phạm. Họ cũng ý thức được hiểm họa trong tập quán phá rừng đốt nương làm rẫy.

Ngoài khai thác những sản vật của rừng, họ đã tiến lên một bước, đó là trồng rừng để phục vụ sản xuất, bảo vệ đất đai.

Trải qua quá trình phát triển hàng nghìn năm, đồng bào Thái Thanh Hóa đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm và tri thức trong sản xuất và đời sống. Kho tàng tri thức này đang mỗi ngày được bồi đắp, phát huy tác dụng, giúp cho các thế hệ mai sau có thêm sức mạnh trong công cuộc chinh phục và hòa hợp với thiên nhiên.
 
Vũ Văn Bình
Tạp chí VHNT số 324

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tri-thuc-ban-dia-cua-nguoi-thai-o-thanh-hoa-a17718.html